Nhạc sĩ: Lã Văn Cường
Tên thật/ tên đầy đủ: Lã Văn Cường
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập: 19xx
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Một trong những thành viên đầu tiên trong nhóm sáng tác Thành đoàn, ngay sau ngày miền Nam giải phóng, nhạc sĩ Lã Văn Cường đã có tác phẩm ghi dấu ấn.
Từ phong cách của chàng thanh niên xung phong viết nhạc, Lã Văn Cường không chỉ có những bài hát kêu gọi xây dựng đất nước mà âm nhạc của anh còn tràn đầy những khát khao yêu đương của tuổi trẻ. Cái thuở ban đầu còn bỡ ngỡ ngại ngùng, thấy người ta viết gì mình viết theo, dần dần Lã Văn Cường hình thành phong cách riêng.
Lã Văn Cường, những ngón tay gầy, khuôn mặt xương xương, mắt lấp lánh sự tin anh. Nhìn anh, không cần quá giỏi về tướng số thì cũng có thể biết được đó là một người thông minh. Mà thường, rất ít người thông minh lại không tài hoa.
Anh bảo, em muốn hỏi gì anh. Tôi trả lời, một thời thanh niên sôi nổi. Anh đáp, vui lắm.
“15 năm anh làm thanh niên xung phong, lên rừng xuống biển đều có mặt anh. Anh cầm binh, chứ không cầm bút trong lực lượng tiên phong này. Chiến dịch biên giới, mở khu Đắk Nông - Đắk Min, rồi anh làm Giám đốc Nông trường Duyên Hải trồng 20 ngàn hec-ta đước đầu tiên, xong anh lại lên làm chỉ huy trưởng thi công lòng hồ Trị An. Sáng thì anh chỉ huy anh em làm việc, tối về viết nhạc. Vui thì hát cho anh em nghe, làm thì làm mà chơi thì chơi thôi em”.
Năm 1976, Lã Văn Cường đã vụt sáng trong giới âm nhạc với ca khúc Trên đường đời, bài hát trong bộ phim Ngọc trong đá. Một trong những bài gắn liền với những cá nhân đã từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Anh, nổi tiếng từ rất sớm.
“Nhưng làm lãnh đạo như anh thì đôi khi cũng bó buộc cá tính nghệ sĩ?”. “Chơi vẫn chơi, còn cái vụ yêu đương thì không dám. Dẫu sao, mình cũng phải giữ gìn hình tượng lãnh đạo”.
Về lại thành phố Hồ Chí Minh, Lã Văn Cường đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khu di tích Lăng Ông - Bà Chiểu. Tôi nghe nhiều anh em nghệ sĩ nói, thời anh làm giám đốc khu di tích này, anh sống rất phóng khoáng, bao bọc nhiều anh em nghệ sĩ lắm. Có lẽ, đó là khu di tích có sự phục vụ của nhiều văn nghệ sĩ nhất cả nước, tính ở thời điểm đó, như: Sơn Nam, Vũ Ngọc Giao, Châu Đăng Khoa, Đoàn Vị Thượng, Bùi Chí Vinh… Rồi đêm nhạc Trần Tiến, Phan Vũ… đều được tổ chức tại nơi này.
Tôi vẫn từng nghĩ, khí vận thì lúc này lúc khác, còn khí chất thì là mãi mãi. Lã Văn Cường vẫn giữ được cái khí chất hảo hán đúng kiểu thanh niên xung phong này từ ngày làm lãnh đạo cho đến ngày chỉ còn rong chơi.