Ngày Đăng: 26 Tháng 02 Năm 2015 Với chủ đề "Nối vòng tay lớn" như khát vọng lúc sinh thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chuỗi đêm nhạc kỷ niệm 14 năm ngày mất của ông sẽ được dời sang đầu tháng 5 thay vì tổ chức cuối tháng 3 như thường lệ.
- Mới đây ban tổ chức thông báo dời lịch diễn bốn đêm nhạc "Nối vòng tay lớn". Bà có thể cho biết lý do của việc này?
- Chương trình kỷ niệm "14 năm nhớ Trịnh Công Sơn", chủ đề "Nối vòng tay lớn" dự định được tổ chức tại bốn thành phố Hà Nội, TP HCM, Huế và Bạc Liêu và sẽ thu hút hơn 90.000 khán giả. Do số lượng người xem lớn như thế, chúng tôi quyết định dời lại ngày thực hiện sang đầu tháng 5. Đây cũng là cách ban tổ chức thể hiện lòng tôn trọng những chương trình quốc gia diễn ra nhân dịp mừng 40 năm ngày chiến tranh kết thúc trên cả nước.
- Việc dời thời gian khiến ban tổ chức gặp trở ngại gì?
- Để lên lịch cho các ca sĩ hàng đầu Việt Nam tham dự vào chuỗi bốn đêm nhạc này là không dễ. Hàng năm, đến ngày giỗ anh Sơn, không chỉ riêng gia đình mà còn nhiều nơi cùng tổ chức các đêm nhạc. Trong khoảng thời gian này, các ca sĩ thường luôn bận với những chương trình trong và ngoài nước. Tuy nhiên đến hôm nay, mọi việc được chúng tôi sắp xếp lại tương đối ổn rồi. Chỉ có một việc rất đáng tiếc là nữ danh ca Nhật Tokiko Kato không thể nào dời lại lịch diễn. Trước đó, bà đã nhận lời đến Việt Nam hát trong đêm nhạc tại Huế (ngày 18/4). Qua lá thư gửi đến gia đình, bà luôn bày tỏ sự xúc động khi ước mơ lớn của đời bà là được hát nhạc Trịnh ở Việt Nam, nhất là tại Huế, quê hương của anh Sơn. Nhưng sang tháng 5, bà đã có kế hoạch diễn ở Tokyo và Chiba ở Nhật Bản, nên không thể nào sang Việt Nam tham dự theo lịch trình mới được. Bà xin hẹn lại vào đêm nhạc năm 2016.
- Gia đình chị gặp áp lực gì khi thực hiện các đêm nhạc quy mô lớn nhưng đều không bán vé?
- Năm nào cũng vậy, gia đình chúng tôi và êkíp gồm các bạn bè, đồng nghiệp đều chung tay tổ chức chương trình kỷ niệm ngày mất anh Sơn (ngày 1/4) vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư. Riêng dịp kỷ niệm 10 năm (2011) có đến 7 chương trình diễn ra trên khắp đất nước. Và hàng năm, đêm nhạc truyền thống tưởng nhớ anh đều được gia đình tổ chức tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM cho hơn 30.000 khán giả.
Chúng tôi không xem các đêm nhạc vào dịp giỗ anh Sơn là chương trình riêng của gia đình. Có thể nói đây là một chương trình "nối vòng tay lớn" giữa chúng tôi với anh em nghệ sĩ và những người yêu nhạc Trịnh.
Chúng tôi may mắn là có một nhóm cùng làm việc rất nhịp nhàng, hiểu ý nhau bao nhiêu năm qua. Ban cố vấn cho gia đình chúng tôi gồm: Giáo sư Tương Lai, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Nguyễn Công Khế, Nguyễn Trọng Chức, Lê Thanh Phong, và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Trần Mạnh Tuấn... Tất cả đều yêu nhạc Trịnh và cùng chia sẻ với nhau mọi khó khăn đến tận cùng. Với mỗi đêm nhạc phục vụ trung bình 35.000 người, nếu không có sự ăn ý, nhịp nhàng giữa các thành viên trong êkíp và không có sự ủng hộ của nhiều đơn vị thì chương trình khó lòng mà duy trì được lâu năm như thế.
- Vì sao năm nay, ban tổ chức chọn chủ đề "Nối vòng tay lớn" chung cho bốn đêm nhạc?
- Xuyên suốt trong các ca khúc Da Vàng của anh Sơn, anh luôn gửi gắm ước mơ cháy bỏng về một Việt Nam im tiếng súng, kết thúc chiến tranh, không còn xác người trên ruộng đồng, những lối đi, trong những căn nhà trên quê hương. Nhạc phẩm Nối vòng tay lớn được anh tôi sáng tác vào khoảng thời gian năm 1967-1968 là tiêu biểu cho ước mơ hòa bình đó: "... Cùng nhau ta nắm, nối tròn một vòng Việt Nam". Chưa kể lời ca khúc này còn dường như là gửi gắm những trăn trở của anh về tương lai của đất nước với sự toàn vẹn "rừng núi giang tay nối lại biển xa", mà tôi thiết nghĩ rất phù hợp với những trăn trở mang tính thời sự của dân tộc chúng ta ngày hôm nay. Vì lẽ đó, chúng tôi cùng ban cố vấn chương trình quyết định chọn tên bài hát này để làm chủ đề xuyên suốt cho các đêm nhạc năm nay. Tôi tin điều đó thật sự có nhiều ý nghĩa với anh Sơn, nhất là khi lần đầu tiên chương trình âm nhạc này về với người dân Bạc Liêu - một tỉnh của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này càng nêu bật hơn tinh thần "nối tròn một vòng Việt Nam" mà anh tôi hằng ao ước.
| Từ trái qua: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh tư liệu. |
- Vì sao ban tổ chức không mời danh ca Khánh Ly tham gia chương trình lần này?
- Chúng tôi luôn nghĩ đến chị Khánh Ly trong chuỗi chương trình do gia đình khởi xướng. Bởi tên tuổi anh Sơn và chị Khánh Ly là một sự gắn bó quá mật thiết, đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Từ lâu, chúng tôi cũng ngỏ lời mời chị tham gia vào chuỗi hoạt động kỷ niệm 14 năm ngày anh mất vào năm 2015 và chị cũng có ý định tham gia. Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính". Vừa qua, chồng chị Khánh Ly đột ngột ra đi. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tôn trọng sự mất mát lớn lao này của chị.
- Theo bà, đến khi nào khán giả mới có dịp tái ngộ giọng hát Khánh Ly trong một đêm nhạc mang tính cộng đồng như chuỗi đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn hàng năm do gia đình tổ chức?
- Năm 2016 là tròn 50 năm ca hát của chị Khánh Ly cũng là tròn 50 năm anh tôi và chị Khánh Ly để lại một dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu nhạc Trịnh. Chúng tôi nghĩ, đây cũng là một thời điểm đẹp cho một dịp hội ngộ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly trong chương trình cộng đồng do gia đình tổ chức hàng năm.
| Mẹ Trịnh Công Sơn là \"người bạn trung thành\" suốt đời của ông. |
- Ngoài điểm nhấn là các đêm nhạc, chuỗi hoạt động kỷ niệm 14 năm ngày mất Trịnh Công Sơn năm nay còn ra mắt cuốn sách mới. Chị có thể chia sẻ thêm về sản phẩm này?
- Từ ngày anh Sơn ra đi, có hơn ba mươi quyển sách, luận án thạc sĩ, tiến sĩ viết về anh và âm nhạc của anh. Nhưng bạn bè thân thuộc của anh Sơn và gia đình cho rằng vẫn còn thiếu một mảng sách nói về mẹ của chúng tôi. Dĩ nhiên là con, ai cũng nghĩ mẹ mình rất đặc biệt. Tuy nhiên nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, những người bạn thân của gia đình, khuyến khích anh chị em tôi kể lại những câu chuyện về mẹ. Mẹ chúng tôi chính là "người bạn trung thành nhất trên đời này" của anh Sơn. Mẹ tôi đã để lại dấu ấn và sự ảnh hưởng sâu sắc đến nhạc anh Sơn. Tất cả bạn của anh Sơn khi đến nhà gặp anh đã trở thành những người bạn thân của mẹ tôi.
Tôi nhớ có lần, cụ Nguyễn Đình Thi đến nhà bấm chuông, tôi ra mở cửa bảo: "Thưa anh, anh Sơn em đi vắng", ông nói ngay: "Không, anh đến để gặp bà". Nhiều bạn bè của anh muốn đến gặp mẹ tôi để nghe bà kể chuyện. Bác Nguyễn Tuân, bác Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Duy... có nhiều câu chuyện thú vị về bà. Hầu hết những ca khúc anh Sơn vừa sáng tác xong anh đều hát cho mẹ nghe đầu tiên. Mẹ cũng là người góp ý để anh chỉnh sửa ca từ. Anh tôi luôn trân trọng những đóng góp đó của bà.
Hy vọng, cuốn sách sau khi ra đời sẽ là điểm nhấn mới, góp phần làm đẹp thêm cho chuỗi chương trình năm nay, cũng như góp thêm tư liệu để khán giả hiểu thêm về một khía cạnh thú vị về Trịnh Công Sơn.
Sources: vnexpress |