Ngày Đăng: 23 Tháng 04 Năm 2015 Nữ danh ca dành thời gian tìm hiểu lịch sử tà áo truyền thống tại Bảo tàng Áo dài do nhà thiết kế Sĩ Hoàng lập ra ở nhà vườn Long Thuận, quận 9, TP HCM.
Trong chuyến về Việt Nam lần này của Khánh Ly, ngoài thực hiện lễ giỗ 100 ngày cho người chồng quá cố, một trong những địa điểm bà rất muốn ghé thăm là Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Hơn nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, áo dài gần như là trang phục duy nhất Khánh Ly mặc. Vì thế, bà muốn có dịp tìm hiểu địa điểm trưng bày gắn liền với nét đẹp văn hóa dân tộc này.
Biết ý định này của nữ ca sĩ, nghệ sĩ Thanh Thủy - người bạn lâu năm của nhà thiết kế Sĩ Hoàng - tổ chức cho Khánh Ly chuyến tham quan đến khu nhà vườn Long Thuận, quận 9. Thanh Thủy và đoàn phim Oshin nổi loạn đang có những cảnh quay tại bối cảnh nơi đây.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng vốn từ lâu yêu thích giọng hát Khánh Ly. Anh rất vui mừng khi lần đầu tiên có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với bà. "Năm ngoái, khi cô về biểu diễn ở Hà Nội, qua một người quen, tôi từng viết mail ngỏ lời mời cô đến thăm bảo tàng. Không ngờ lần này dù bận bịu, cô vẫn nhất định dành thời gian ghé qua", Sĩ Hoàng nói.
Bảo tàng tọa lạc trên diện tích khu nhà vườn khoảng 16.000 m2, trưng bày hơn 100 hiện vật là áo dài Việt Nam từ khoảng thế kỷ 17 đến nay. Sĩ Hoàng dành thời gian dẫn giải cho Khánh Ly các chi tiết về quá trình anh sưu tập hiện vật, kể những câu chuyện của tà áo gắn liền lịch sử văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn, thời kỳ. "Ngược lại, cô Khánh Ly có nhiều chia sẻ rất hay, bổ ích cho tôi bổ sung kiến thức về áo dài. Cô còn nhớ rất rõ thời kỳ nào thì kiểu áo nào, được biến tấu ra sao để phù hợp với xu hướng thời trang giai đoạn đó", Sĩ Hoàng kể.
Khánh Ly hiện sở hữu hàng trăm chiếc áo dài, đủ kiểu dáng, chất liệu và màu sắc. "Tôi rất cảm phục những gì Sĩ Hoàng thực hiện tại bảo tàng tư nhân này. Anh ấy đã cất công đi ngược thời gian để tìm hiểu về chiếc áo dài, mang đến nhiều thú vị cho mọi người. Ngoài áo dài, tôi còn rất ngạc nhiên khi anh ấy sưu tập được nhiều kiểu nón lá lạ mắt của Việt Nam", Khánh Ly bày tỏ.
Tháng 5 tới, nữ ca sĩ dự kiến trở lại thăm bảo tàng và tặng cho Sĩ Hoàng chiếc áo dài xưa nhất bà từng mặc. Tặng vật này được bổ sung vào hạng mục triển lãm những tà áo dài của nghệ sĩ Việt Nam được trưng bày tại đây.
Ngoài Bảo tàng Áo dài, Khánh Ly dành thời gian tham quan nhiều nơi ở TP HCM, trong đó có con đường mang tên Trịnh Công Sơn.
"Tôi vui khi con đường mang tên anh Sơn nằm cạnh bờ sông, giống như đường Trịnh Công Sơn thơ mộng ở Huế mà tôi có dịp đến thăm năm ngoái. Bao quanh con đường này còn có các con đường mang tên nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Xuân Quỳnh...", Khánh Ly chia sẻ. Đây là loạt đường nằm ở quận 9, vừa được đặt theo tên các nghệ sĩ nổi tiếng vào đầu năm nay.
Khánh Ly sẽ về lại Mỹ sau chuyến đi trao tiền cho linh mục ở nhà thờ Đức mẹ Fatima, Bình Triệu, TP HCM để góp phần trùng tu nhà thờ. Lần về nước ngắn ngủi này, bà còn tìm gặp một số người bạn nhạc sĩ, ca sĩ ngày xưa đang sống trong hoàn cảnh khó khăn mà 40 năm qua họ ít có dịp gặp gỡ.
Ca sĩ Quang Thành, người gắn bó với nữ danh ca cho biết, nữ danh ca đang cất công tìm lại tư liệu và hình ảnh kỷ niệm cùng bạn bè để chuẩn bị hoàn thành hồi ký mang tên Một đời kể chuyện rong, ra mắt độc giả trong thời gian tới. "Cuốn hồi ký này có nhiều chi tiết chưa từng được kể về những nhân vật nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam", Khánh Ly tiết lộ.
Ngoài ra, bà cũng đang viết cuốn tản văn, gom góp những câu chuyện khóc cười phía sau sân khấu hơn nửa thế kỷ rong ruổi nghiệp ca hát.
Sources: vnexpress |