Ngày Đăng: 23 Tháng 05 Năm 2017 Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương xin lỗi vì đã khiến dư luận hiểu nhầm, bức xúc khi cập nhật danh sách hơn 300 ca khúc nhạc đỏ lên website.
Ông Nguyễn Thái Bình (Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho VnExpress biết trong cuộc họp sáng 23/5, Bộ đã yêu cầu ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - phải xin lỗi công luận.
Theo ông Bình, Cục đã cập nhật danh sách hơn 300 ca khúc lên website theo cách thức không rõ ràng. Nếu trước khi cập nhật, Cục tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi tới công chúng rằng đây không phải là hành động cấp phép các nhạc phẩm quen thuộc thì đã không gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Ông Chương sau đó đã thay mặt tập thể lãnh đạo Cục xin lỗi độc giả.
Theo Cục trưởng, bộ phận kỹ thuật đã để chung bài hát được cấp phép rộng rãi với bài hát được cấp phép trước kia. Để khắc phục, họ trao đổi với trung tâm Công nghệ Thông tin trực thuộc bộ để tháo gỡ hơn 300 bài hát vừa cập nhật lên. Ông cũng cho biết hiện Cục sẽ không cập nhật bài hát đã phổ biến rộng rãi lên website nữa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó gửi công văn yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD) nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tổ chức, đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vấn đề cấp phép ca khúc, gửi lên Bộ để đề xuất cách sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Bộ cũng nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép.
Động thái trên diễn ra sau nhiều điều bất nhất trong việc quản lý ca khúc cấp phép của Cục NTBD.
Cuối tuần trước, Cục bất ngờ cập nhật hơn 300 ca khúc vào danh sách bài hát phổ biến trên website riêng. Danh sách này gồm nhiều bài nhạc đỏ quen thuộc như: Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao)... Ca khúc Tiến quân ca (hay Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao cũng được đưa vào danh sách.
Hành động này khiến nhiều người hiểu rằng các ca khúc này đến nay mới được cấp phép. Bởi trước đây, ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng phòng Quản lý băng đĩa thuộc Cục NTBD - từng khẳng định những bài hát nào đã cấp phép phổ biến thì được công bố trên website. Đại diện của Cục cũng nhiều lần trả lời rằng ca khúc nào không có trong danh sách tức chưa được cấp phép.
Với trường hợp Tiến quân ca, đại biểu Quốc hội kiêm Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội - ông Lưu Bình Nhưỡng - chất vấn: "Tiến quân ca là tài sản quốc gia. Khoản 3 điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ. Tại sao Hiến pháp đã quy định rồi lại còn phải cấp phép?".
Trước phản ứng của dư luận, Cục NTBD giải thích Cục chỉ rà soát và bổ sung các ca khúc còn thiếu vào website. Thực chất, chúng đã được phổ biến từ trước.
Đây không phải là lần đầu tiên, Cục NTBD gây phản ứng vì chuyện cấp phép cho các ca khúc quen thuộc. Hồi tháng 4, sau gần 50 năm ra đời, tác phẩm Nối vòng tay lớn bỗng dưng bị Cục NTBD thông báo là chưa được cấp phép phổ biến. Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ngạc nhiên: "Mỗi lần tổ chức chương trình, chúng tôi đều xin phép từ cơ quan chức năng của địa phương. Gia đình chúng tôi đều nghĩ ca khúc đã được cấp phép từ Cục rồi, trên cơ sở đó mới có giấy phép của địa phương. Chúng tôi không hiểu vì sao còn bị đặt vấn đề giấy phép biểu diễn. Chúng đã được biểu diễn hàng trăm lần rồi". Không lâu sau đó, Cục lại phải cấp phép cho ca khúc.
Đức Trí
Sources: vnexpress |