Ngày Đăng: 20 Tháng 07 Năm 2017 Nhắc đến Da Lab có thể đại chúng chưa biết nhiều nhưng Một nhà của họ được khá nhiều ca sĩ hát lại, mang đến cho nhóm kha khá tiền tác quyền.
Liveshow Sau 10 năm của Da Lab diễn ra hồi 18h ngày 29/7 tại Long Vĩ Palace (3A Đào Duy Anh, Hà Nội) có sự tham gia của rapper Đen và nhóm PKL. Đặc biệt Võ Việt Phương gần như sẽ hát từ đầu đến cuối vì là thành viên của cả hai nhóm.
Được biết 2.500 vé của chương trình đã bán hết trong một tuần. Khán phòng liệu có chứa hết?
Việt Phương: Mới đầu nhóm còn định phát hành hơn 3.000 vé nhưng phải lấy chỗ cho khán giả thở. Chúng tôi cũng tính phương án để ghế ngồi. Sau khi cân nhắc thấy ngồi không vui. Đến lúc khán giả đứng lên lại lộn xộn khó
kiểm soát.
Một mình bạn có chân trong cả hai nhóm. Như vậy có tham quá?
Quay qua quay lại đều là anh em cả. Tính là hai ban nhưng 5 người cùng làm nhạc, cùng đi diễn với nhau lâu rồi.
Một nhà đã đem lại cho các bạn bao nhiêu tiền tác quyền?
Cũng phải vài trăm triệu. Cũng là một khoản đột biến của nhóm.
Nhóm khẳng định tự làm nhạc, tự phân phối online, cả tự thu tác quyền luôn?
Đúng thế. Chúng tôi làm việc cũng bài bản chuyên nghiệp, có văn phòng luật tham gia hỗ trợ. Với anh em trong giới, Da Lab sẵn sàng hỗ trợ tư vấn trong vấn đề tác quyền. Chúng tôi hướng đến một môi trường âm nhạc văn minh, bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ độc lập.
Bạn phải suy nghĩ bao lâu trước khi đưa ra quyết định bỏ nghề báo theo hẳn nghề hát?
Cả nghề phóng viên và ca sĩ tôi đều rất yêu thích nên cũng phải suy nghĩ nhiều. Người ta cứ bảo phải có công việc chính, ca hát chỉ là phụ thôi. Nhưng trong mấy năm, nghề ca hát mang lại cho chúng tôi nguồn thu chính. Từ việc ca hát tôi cũng tích cóp được một khoản đáng kể với cá nhân mình, đủ lo cho gia đình và những dự định tương lai. Nghề phóng viên đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm, thỏa đam mê tìm hiểu cuộc sống. Những dự án âm nhạc sau này khiến tôi quá tải, tôi quyết định tạm dừng làm báo tập trung nghiêm túc cho âm nhạc, cũng như hai anh trong nhóm.
Bạn đã có hai bằng đại học (cử nhân tiếng Pháp và báo chí), giờ có định học thêm nhạc?
Cũng cần đấy, nhiều lúc bí bách lắm. Trong nhóm tôi là người sáng tác giai điệu nhiều nên cũng muốn học hành bài bản, dễ dàng hơn cho mình sau này. Còn luyện thanh đã thử đi học nhưng cảm giác không phù hợp với mình cho lắm…
Vì sao bạn không chọn con đường trình diễn đơn?
Ngày xưa mọi người biết đến tôi như người hát nhạc reggae đầu tiên của Việt Nam, thi thoảng cũng có lời mời đi hát riêng. Nhưng về sau tôi thích các hoạt động với anh em hơn. Làm nhạc như thế vui hơn, mỗi người góp một màu sắc, lại có cái hứng thú riêng. Nó bắt nguồn từ bản tính “vui đâu chầu đấy” của tôi nữa.
Là thành viên chung của hai nhóm, bạn có cảm thấy sự khác biệt giữa Da Lab và PKL?
Bọn tôi ngồi nói chuyện với nhau thì thấy hai nhóm phong cách khác hẳn nhau. Đã định hình rồi. Da Lab hướng tới những bài nhạc có tông trầm lắng, trưởng thành, nhiều chiêm nghiệm hơn. Bài của PKL tươi trẻ, vui vẻ, sảng khoái. Có thể thấy rõ qua 2 bài tiêu biểu, PKL là Bài ca tuổi trẻ, còn Da Lab kiểu Hà Nội giờ tan tầm. Nhưng tôi nghĩ cả hai nhóm đều hướng tới đại chúng.
Bạn manh nha trong đầu ý định làm ca sĩ từ lúc nào?
Hồi bé, các cụ ở nhà toàn bật nhạc vàng, bây giờ gọi mỹ miều là bolero ấy, tôi tiện nghe và hát theo. Hồi đó tôi không nghe nhạc thiếu nhi đâu, còn lấy băng thiếu nhi ra thu nhạc bolero. Nói chung từ khi chưa đi học tôi đã thích hát, nhưng ở trường không hiểu sao tham gia văn nghệ toàn bị đuổi ra ngoài thôi vì hát bị chênh với cả nhóm, giọng cứ lòi ra. Sau này lên đại học, tìm hiểu sâu về âm nhạc, thích underground hip-hop. Còn thực ra tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ thành ca sĩ cả. Cứ hát thôi. Đúng theo bản năng của mình.
Giả sử bạn sinh ra trong một xã hội không được tiếp xúc với rap, reggae thì…
Thì tôi sẽ hát nhạc khác. Nhưng chưa chắc tôi đã hát pop vì đầu óc tôi không giống với mọi người cho lắm. Có thể tôi sẽ tìm đến xẩm.
Sources: tienphong |