Ngày Đăng: 21 Tháng 03 Năm 2019 Ca sĩ cho rằng nghiệp cầm ca đã chọn anh, cho cơ hội làm lại cuộc đời dù anh từng không thích.
Khi nhà khá giả một chút, trong lòng mình luôn có vẻ khinh thường nghề ca sĩ. Vì thường xuyên tới các tụ điểm đám cưới, mình thấy anh chị ca sĩ hát xong rồi ngồi xuống ăn uống cùng gia đình chủ nhà, nghĩ sao họ ham ăn ham uống vậy, cứ thấy sao sao... Giờ nghĩ lại buồn cười, thấy mình nông cạn thật.
Mấy đứa bạn rủ lập nhóm nhạc, thấy cũng hay hay. Lúc đó gia đình ổn định, khấm khá hơn nên mình đi theo cho biết. Nhưng có một lý do khác quan trọng hơn là đi cùng nghệ sĩ thì con gái sẽ chú ý hơn (tật ham gái mãi không chừa), đám bạn hát sao thì hát. Lúc họ không có ai đưa đón, mình thường xách xe chở giùm, có hôm chờ chúng nó hát về rất muộn, tụ tập chuyện trò với nhau, kiểu giang hồ quên ngày tháng dài phía trước. Có lẽ vì thế mà cuộc đời đầy thăng trầm, cũng vì đầy thăng trầm nên mới đầy bất ngờ và không kém phần thú vị như thế.
Nhóm hát có năm người, sau này một thành viên lấy vợ nghỉ hát, thằng bạn trong nhóm khá thân với mình muốn tìm người thay thế nhưng lại không biết tìm ai. Thời gian sau, hai đứa nữa cũng nghỉ lấy vợ. Nhóm cần kiếm một đứa thuộc bài để tập cho nhanh, mình hay đi cùng nên thuộc mấy bài đó.
| Ca sĩ Hồ Quang Hiếu. |
"Hiếu ơi, mày giúp bọn tao với, dù sao mày cũng thuộc bài rồi".
Có lẽ con đường ca hát, sự nghiệp ca sĩ của mình bắt đầu từ lời đề nghị này. Mình đi hát bởi cái duyên như vậy đó. Chỉ vì một lời rủ rê vô tình thế mà kéo dài tới tận hôm nay.
Ban đầu mình tính từ chối vì không thích lắm. Cái ác cảm, thiếu hiểu biết về nghề ca sĩ vẫn còn ẩn sâu trong cảm xúc, hơn nữa giọng mình không hát bè được cho dù có cố gắng đến đâu. Nhưng cái máu "chơi" cũng ăn sâu trong tâm thức. "Chơi" thì chơi, thế là quyết định tập tành hát nhóm. Tập một thời gian mình thấy rất vui. Mấy anh em cứ nghêu ngao tập từ bài này qua bài khác. Hồi đó, lời bài hát phải in ra giấy, tự tập với nhau thôi, không có sẵn trên điện thoại rồi tìm nhạc dễ dàng như bây giờ.
Đi hát sẽ có cơ hội đi nhiều nơi nên mình thích. Có nhiều lần đi diễn ở tận vùng sâu vùng xa, phải bỏ tiền túi để đầu tư trang phục biểu diễn, chứ ca sĩ mà mặc hoài một vài bộ sao được. Điều đó sẽ khiến cho khán giả nhàm chán nên phải chú ý. Lúc ấy đi hát cực lắm, có khi đến chỗ thì hệ thống âm thanh không đầy đủ, hôm thì phải mượn dàn karaoke ở nhà bạn và nhận lại chỉ có 20 - 30 nghìn tiền cát-sê...
Biết nói như thế nào nhỉ, đó là những ngày tháng đi hát như kẻ mộng du, không biết mệt, rất vui vẻ, không cần biết ngày mai ra sao. Chỉ là như những kẻ rong chơi ở đời, quên ngày quên tháng.
Nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết. Sau một thời gian dài, mình bắt đầu cảm thấy không có tương lai. Sống như thế quả thực rất bấp bênh. Không thể cứ nay đây mai đó chỉ với vài chục nghìn trong túi được, mình phải nghĩ cách khác thôi. Có lẽ không chỉ mình nghĩ vậy thôi đâu, kết thúc đến như một điều tất nhiên. Nhóm đã tan rã, có đứa đi làm nhiếp ảnh, đứa ra Hà Nội học nhạc viện, đứa lên Sài Gòn học.
Còn mình, mình làm gì bây giờ? Quay lại đường cũ? Không! Không bao giờ? Sẽ không thể là những đêm bờ bụi, những ánh mắt hoảng sợ, những cú chạy thục mạng nữa. Mình phải khác!
Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, mình tự hỏi: Hay đi học trở lại?
Quyết định đi học trở lại thực sự khó khăn đối với mình, vì thời gian nghỉ học đã quá lâu, bản thân cũng quá tuổi, rồi bạn bè hàng xóm dị nghị phải làm sao? Nhưng có lẽ ý muốn được làm một việc gì có ý nghĩa còn mãnh liệt hơn mặc cảm đó. Mình đi học bổ túc, vì nghĩ cần đi học để có kiến thức, còn tính toán, còn kiếm sống để không phải cực như lúc đó và để không phải sống "khốn nạn" như lúc trước nữa.
Trường bổ túc dành cho người lớn không khó khăn như mình tưởng, ở đây có nhiều anh chị lớn tuổi hơn mình, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, mục đích đi học khác nhau, nhưng đều chung một niềm tin rằng nếu không có kiến thức thì rất khó để thành công. Một buổi tối khi mình ra bãi giữ xe để về nhà, có một người anh chạy tới khoác vai hỏi: "Hiếu, sở thích của mày là gì?". Mình khựng lại, là gì? Là âm nhạc, đúng rồi là âm nhạc.
Tiếng hát của chú Y Moan, của nhóm bạn ngày nào như một tiếng chuông làm mình hồi tỉnh, mình cần học thêm về âm nhạc. Thật tuyệt là trong trường bổ túc có lớp dạy thanh nhạc. May mắn hơn khi cô giáo dạy nhạc nghe mình hát rồi bảo: "Em đi thi giọng hát Đắk Lắk đi, em có khả năng, để cô luyện thêm cho".
Cuộc đời mình lúc dưới vũng bùn, lúc lại có ánh mặt trời sưởi ấm như vậy đó. Ngay sau lời đề nghị của cô, mình dành toàn bộ thời gian cho việc tập luyện, hễ ngủ thì thôi chứ khi thức là đồ rê mi... ầm ĩ. Cô giáo quý vì mình chăm chỉ, chịu khó nên dành thời gian chỉ bảo từng cách phát âm, làm sao để giọng của mình chứa đựng cảm xúc, chứ không thể hát như một cái máy vô hồn. Năm đầu tiên mình rớt, may mắn thi lần hai đậu giải Khuyến khích dành cho giọng ca trẻ. Mình biết ơn cô lắm. Giải Khuyến khích là lý do đầu tiên mình được đi học ở trường Quân đội. Lý do thứ hai là do lúc đó Đắk Lắk có bạo động. Hàng loạt báo đài lúc bấy giờ đều đưa tin về sự kiện này, dẫn đến việc cần tuyên truyền văn hóa nên số lượng người đi học ở Hà Nội khá nhiều. Mình thuộc diện đó.
Mình đến trường với niềm hăm hở của một kẻ đã rớt dưới đáy xã hội, được vớt lên, của một thằng vô công rỗi nghề bây giờ có chút ánh sáng mặt trời ấm áp chiếu rọi, niềm tự hào của mẹ về một đứa con lông bông bắt đầu biết lựa chọn con đường tri thức để cứu rỗi cuộc đời đã từng mục rữa, thối nát. Nhưng một chuỗi ngày vỡ mộng khác lại bắt đầu. Và các bạn đoán xem, lần này mình còn rơi vào con đường tội lỗi nữa không?
| Hồ Quang Hiếu từng chán nản khi bị bắt học các môn nhạc cụ tại trường. |
Thật vậy, ở trường có hai điều khiến mình thất vọng!
Ở trường cũng được học thanh nhạc, tuy nhiên mình cũng phải học nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, đàn tranh, đàn bầu... Mình không biết chọn thế nào cả, mà đó lại là môn bắt buộc. Lúc đó mình chọn đại đàn T’rưng. Hên xui thôi. Học đàn T’rưng mà không có nền tảng nhạc lý, mình đã rất chật vật.
Trong vòng ba năm học, kỷ niệm nhớ lại đa số toàn là mình bị kỷ luật. Trước mình khá tự do, giờ vào môi trường quân đội mình không quen, toàn bị phạt vì suốt ngày bừa bộn, suốt ngày ở dơ, không chịu dọn dẹp. Thời gian đi học ở trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, mình trốn học thường xuyên, bữa nào trốn cũng mua bánh kẹo đút lót, nhờ đàn em điểm danh giúp. Lý do khiến mình phản kháng chủ yếu vì học không đúng như mình mong ước nên chán, đôi khi còn bày trò gây sự đánh nhau...
Năm cuối, không thể chịu đựng được sự bí bách, gò bó nữa nên mình quyết định trốn trường vào Sài Gòn chơi. Trường gửi giấy về nhà mời phụ huynh đến trao đổi, có thể đuổi học. Mẹ lúc đó ra tận nơi, lên gặp Ban giám hiệu nói chuyện. Mẹ đã khóc rất nhiều. Khi bước ra khỏi cửa phòng Ban giám hiệu, mẹ dúi vào tay mình gói bánh, bảo: "Bánh con thích ăn này, con gầy quá con à, con thích làm gì thì làm má không cấm, nhưng cố lấy cho được cái bằng, sau không cần làm nghề này cũng được".
Cầm chặt chiếc bánh trong tay mà cảm thấy đau đớn vô cùng, không biết mình đã khiến người phụ nữ yếu đuối này khóc bao nhiêu lần trong đời rồi, có lẽ không đếm xuể. Mình viết đơn xin học lại, cam kết không phạm lỗi nữa, nhất định phải khiến người ấy nở nụ cười tươi nhất, nụ cười có lẽ mới chỉ xuất hiện một lần khi mình được sinh ra...
Sources: vnexpress |