Ngày Đăng: 07 Tháng 05 Năm 2019 Danh ca nói dời mộ về Huế là không cần thiết còn gia đình, bạn bè cho rằng việc này tiện cho con cháu chăm nom mộ phần ông.
Chiều 6/5, đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM, Khánh Ly cùng nhiều đồng nghiệp, bạn bè đi thẳng về nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức viếng mộ Trịnh Công Sơn. Vừa tham gia một đêm nhạc Trịnh ở Hà Nội, bà không giấu được vẻ mệt mỏi vì lịch làm việc và di chuyển liên tục. Tuy nhiên, mộ cố nhạc sĩ tài danh luôn là một trong những nơi bà muốn ghé thăm đầu tiên mỗi dịp trở lại Sài Gòn.
| Khánh Ly viếng mộ phần Trịnh Công Sơn ở Thủ Đức, TP HCM chiều 6/5. Sắp tới, bà tổ chức hai đêm nhạc Trịnh - nằm trong chuỗi chương trình thiện nguyện Vòng tay nhân ái - hôm 10 và 11/5 tại sân khấu Idecaf. Ảnh: Quang Thành. |
Danh ca cho biết bà không khỏi bồi hồi khi nghe tin mộ phần Trịnh Công Sơn sắp được di dời về Huế - quê quán của ông - theo ý nguyện của người thân. Theo bà, việc chuyển mộ phần nhạc sĩ về Huế là không cần thiết. "Tại sao phải chuyển? Ông Sơn nằm ở đó đã mười mấy năm nay. Tôi thiết nghĩ không nên đụng đến những nơi chốn mang tính thiêng liêng, trân quý như thế. Người nằm yên thì cứ nằm yên như thế. Cố nhạc sĩ dù ở đâu, mọi người luôn yêu kính ông như thế", Khánh Ly giãi bày.
Danh ca cho rằng, trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, ông ở Sài Gòn lâu nhất, song người Huế vẫn thương và nhớ đến ông. Ngược lại, dẫu ông quê ở Huế, khán giả Hà Nội lẫn Sài Gòn vẫn hâm mộ ông cuồng nhiệt. "Tất nhiên, ai sinh ra cũng có quê quán. Như tôi, dù ở Sài Gòn đã lâu, sang Mỹ định cư vài chục năm nay, nhưng tôi vẫn luôn coi mình là người Hà Nội. Ông Sơn cũng vậy. Sinh thời, ông luôn tự hào là người con đất Huế, nhưng đồng thời với ông, nơi chốn nào ở Việt Nam cũng đều là quê hương. Vì đi đến đâu, ông cũng đều được khán giả yêu thương", bà tâm sự.
Khánh Ly bày tỏ không sợ làm phật lòng gia đình nhạc sĩ khi nói ra những điều trái với tâm nguyện họ. Danh ca chia sẻ với riêng bà, mộ phần Trịnh Công Sơn là một chốn riêng giàu hoài niệm. Lúc Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1/4/2001, bà không có ở Sài Gòn. Do đó, mỗi lần về nước, điều đầu tiên bà làm là đến mộ chào ông, "kể" với ông những việc đã làm trong một năm qua, nhẩm lại những điều ông đã dạy bà về đạo nghĩa ở đời. 5 năm trước, trong lần đầu về nước hát, bà ôm hoa, rượu đến đặt trước tượng Trịnh Công Sơn để viếng tác giả gắn bó cùng bà hơn nửa thế kỷ âm nhạc.
Ông Trung Trực, chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - chia sẻ gia đình tôn trọng ý kiến của Khánh Ly cũng như nhiều đồng nghiêp, khán giả. Gia đình hiểu rõ việc dời mộ từ TP HCM về Huế sẽ gây hụt hẫng trong lòng nhiều khán giả Sài Gòn. Tuy vậy, Huế là mảnh đất có ý nghĩa đặc biệt với cố nhạc sĩ. Nơi đây không chỉ có mộ phần của thân sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà còn là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của ông. "Dù Trịnh Công Sơn chỉ nhắc đến tên Huế trong một bài là Huế, Sài Gòn, Hà Nội, nhưng từ lâu, trong âm nhạc của ông, Huế đã là những con đường đầy lá me bay, có nghìn cây thắp nến lên hai hàng", ông Trung Trực chia sẻ.
Ngoài ra, khi quyết định dời mộ phần nhạc sĩ về Huế, gia đình đã bàn bạc kỹ lưỡng với nhiều cố vấn, đồng nghiệp thân thiết với ông lúc sinh thời. Gia đình muốn hướng việc chăm lo mộ phần về lâu về dài, việc đưa mộ ra Huế sẽ tiện cho thế hệ con cháu mai sau chăm sóc. Người thân cũng muốn mỗi năm, vào ngày 1/4 - ngày ông mất, khán giả sẽ về thăm mộ Trịnh ở Huế, như một cuộc hành hương, để ngày giỗ của ông ý nghĩa hơn.
Trước đó, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, đại diện gia đình gửi đơn đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin đất nghĩa trang để đưa mộ phần của ông từ nghĩa trang chùa Quảng Bình (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) về Huế. Đầu tháng 4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với thị xã Hương Thủy và thành phố Huế tìm kiếm khu đất phù hợp trong nghĩa trang phía Nam (xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) giao cho gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để người thân đưa mộ phần của ông về Huế.
Theo nhà văn Bửu Ý, người bạn lâu năm của Trịnh Công Sơn, trong thâm tâm cố nhạc sĩ, Huế vẫn nặng tình hơn Sài Gòn bởi ông lớn lên ở đây, gửi gắm bên dòng sông Hương nhiều lưu luyến tuổi học trò. Đây còn là nơi có mộ cụ thân sinh của ông. Mộ phần của ông gắn liền với không gian văn hóa ở Huế (gồm căn nhà kỷ niệm, đường phố mang tên ông...) có thể tiện hơn cho người hâm mộ thăm viếng sau này.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. 18 năm ông rời cõi tạm, những nhạc phẩm của ông luôn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc Việt Nam. Ông để lại gia tài hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Tác phẩm của ông được các ca sĩ nhiều thế hệ trình bày, nhưng phổ biến nhất là qua chất giọng Khánh Ly.
Sources: vnexpress |