Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » NSƯT Hữu Châu: Mang Ơn Sự Cô Độc Của Mình Ca Sĩ: Hữu Châu    
Ngày Đăng: 20 Tháng 09 Năm 2013

“Cái nghề nào ở đời cũng chỉ quẩn quanh 3 chữ: Danh, Lợi, Tình. Người nào muốn tĩnh tâm, an trí thì trước nhất phải đứng ngoài hoặc thản nhiên với ba chữ này" - NSƯT Hữu Châu nói.
"Áp dụng nó vào cái nghề sân khấu thấy sao mà đúng quá, có nghệ sĩ qua đời chỉ còn lại cái Danh, có người còn cái Tình, có người còn cái Lợi. Ai tài năng và diễm phúc lắm thì mới có được cả ba. Vậy thì khi đang sống, là nghệ sĩ, bạn phải chọn hay nuôi dưỡng cái nào? Làm sao cho vẹn toàn cả ba mà không mang tai tiếng vào thân, bởi Danh, Lợi, Tình có khi chỉ là tai tiếng” - NSƯT Hữu Châu tâm sự trước khi bước lên sân khấu phúc khảo vở Bông hồng cài áo - một kiệt tác của NSND Kim Cương, được đạo diễn Vũ Minh tái dựng sau nửa thế kỷ ra mắt.

Người đàng hoàng dù ít, nhưng vẫn còn bàng bạc quanh ta

* Mới đó mà thế hệ của anh (và Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Thành Hội…, rồi Công Ninh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mai Thanh Dung, Thanh Thủy, Thanh Hoàng, Minh Hoàng, Ái Như, Quốc Thảo…) đã 30 năm đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, làm nên một cột mốc mà lịch sử kịch nói Việt Nam sẽ còn nhắc đến dài dài. Bây giờ nhiều bạn trẻ lên sân khấu đôi lần đã xem mình là nghệ sĩ, là “hot” này “nóng” kia. Thời của anh thì thế nào?

NSƯT Hữu Châu: Thế hệ của tôi, thời trẻ phần lớn đều sống đơn giản về mặt hình thức, nên có muốn đua đòi, se sua cũng không đủ điều kiện, chỉ còn biết nuôi dưỡng trí tưởng tượng của riêng mình. Trong lĩnh vực sân khấu, ngoài chuyện nghề nghiệp phải trau dồi thường xuyên, thì ai cũng tự dạy mình phải có đạo đức, phải là người tốt, phải biết mắc cỡ. Theo cái nghề vừa nặng nhọc vừa phù phiếm này, ai chẳng muốn mình nổi tiếng, tôi cũng vậy thôi. Nhưng nổi tiếng như thế nào để không hổ thẹn, để khỏi thanh minh này nọ thì không dễ. Tổ nghề, gia đình, thầy cô, đồng nghiệp, khán giả… đã dạy cho mình những khuôn thước để noi theo, mình không học thì phải chịu rước họa vào thân, còn khi đã học thì sẽ biết cách từ chối. Sự từ chối giúp ta bình tâm trước vô vàn cám dỗ, giúp ta giữ được sĩ diện và nhân phẩm của mình.

Thầy tôi dạy, các nghề có chữ "sĩ" như thi sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ… đều giống nhau, chính đạo thì phải biết lẽ phải ở đời, còn tà đạo thì bất chấp - miễn bàn. Thầy giảng giải: Theo nguyên ngữ, “sĩ” trong “nghệ sĩ” và “sĩ diện” là cùng một chữ, đều chỉ những người đi học, có học, giới trí thức, văn nghệ, vốn thuộc tầng lớp số ít hoặc ở bên trên của xã hội, phải luôn giữ gìn mặt mũi, thế giá của mình.

* Anh có nghĩ do không biết từ chối mà thời nay có quá nhiều thảm họa và scandal, đặc biệt là trong giới showbiz?

- Thời nào chẳng có scandal và thảm họa, dù cấp độ, mật độ và sự lan truyền khác nhau, nó phụ thuộc vào phương tiện. Nhưng để ý mà xem, đâu phải ai cũng muốn, hay “cũng được” (như chữ trên mạng hay dùng) đưa vào scandal với thảm họa; người đàng hoàng dù ít, nhưng vẫn còn bàng bạc quanh ta đấy thôi.

Có điều, khi nhìn rộng ra, thì nó đúng như câu hỏi của bạn, không biết từ chối là nguồn cơn của mọi scandal và thảm họa. Những em trẻ bây giờ muốn nhanh chóng nổi tiếng, vì họ muốn nhanh chóng có tiền, muốn đứng nhanh vào hàng ngũ của những người thành đạt. Nếu có thực lực và gặp may mắn, điều này cũng tốt thôi, bởi giàu đâu phải là xấu. Nhưng không phải vì thế mà bất chấp, bởi xung quanh mình, nhất là khán giả, đâu phải ai cũng ngu, cũng mê lầm mình. Vì yêu quý, họ có thể nâng mình lên cao, nhưng nếu phát hiện ra mình giả dối, lừa mị, họ cũng sẽ thả mình xuống vực sâu. Đó là chưa nói bây giờ danh xưng nghệ sĩ sao dễ quá, ai muốn “làm nghệ sĩ” cũng được, nên nhiều khán giả coi thường nghệ sĩ cũng dễ hiểu thôi.

Nghệ sĩ cần biết lẽ phải và sĩ diện

* Trước đây, anh từng tâm sự với tôi rằng: “Ngày nay, khi phương tiện thông tin đại chúng nhiều, diễn viên ra trường và tay ngang quá đông, nếu không ganh đua, bon chen thì lớp trẻ cũng khó khẳng định mình. Tôi đã thấy có những trường hợp đoạt vai, 'đá gót' đồng nghiệp, khi gặp lại thì thấy mắc cỡ lắm, có những người trong giới mà mới nghe tên thì ai cũng e dè, lánh xa”. Vì đâu mà nên nỗi này?

- Hám danh và hám thành tích đã thành bệnh ở khắp nơi. Tôi đã thấy nhiều cha mẹ bất chấp nhân phẩm, tai tiếng để đẩy con vào showbiz, sẵn sàng bơm tiền và “đi đêm”, miễn sao đoạt được mục đích. Rồi báo chí cũng liên đới trách nhiệm rất lớn, nếu họ không chạy theo sự bơm thổi, soi mói, giật gân… thì đâu đến nỗi.

Thời trước, nghệ sĩ dù nổi tiếng cũng ít điểm đến, còn bây giờ nhiều “sô chậu” và sự kiện lắm, chạy mỏi gối đứt hơi cũng chưa hết. Bận rộn quá, nên làm cái gì cũng có tâm lý ẩu tả “như vậy là được rồi”, sản phẩm ra đời cứ thấy thiếu thiếu, thấy kì kì, nhưng chẳng biết làm sao khắc phục. Làm nhanh thì thường hiệu quả về kiếm tiền nhưng dễ hời hợt, nhất là trong nghề diễn, vốn cần thời gian để ngẫm ngợi và vun đắp cho từng nhân vật. Nói đơn cử, lúc trước nhân vật quân tử cười ha hả trên sân khấu, bây giờ thường cười hô hố, chỉ chừng đó thôi đã thấy sự sa sút trong luyện tập. Bối cảnh như vậy thì cũng khó trách bọn trẻ, vì gia đình, nhà trường và xã hội không trang bị đủ hành trang cho họ. Hời hợt, ăn xổi ở thì, hay sa ngã cũng là dễ hiểu.

* Nếu có những nghệ sĩ trẻ cần lời khuyên chân tình từ anh, anh sẽ khuyên họ thế nào?

- Trên lớp học, tôi luôn nhắc học trò của mình rằng: hãy luôn đặt mình vào vị trí người bỏ tiền ra mua vé để cố gắng trong chuyện tập tành, diễn xuất. Tôi trộm nghĩ, nghề diễn vốn cần làm ra cái mới, nét mới, nên kinh nghiệm chỉ có giá trị với việc đã làm. Gặp tình huống mới, nhân vật mới thì phải cần kinh nghiệm mới và tri kiến mới. Tôi cũng nói với các em rằng, tài năng và kinh nghiệm thôi không đủ để làm nên nghệ sĩ chân chính, họ còn cần biết lẽ phải và sĩ diện nữa. Lúc còn sống, nội tôi hay khuyên thế hệ cha mẹ tôi rằng: ngoài thanh sắc và đam mê, người nghệ sĩ cần biết bình tĩnh, sáng suốt và phải biết nhìn lại chính mình. Đừng vội vàng và chụp giựt, kẻo bạo phát thì sẽ bạo tàn.

Tôi bây giờ bao dung và nhẹ nhàng hơn

* “Tôi là một người nóng tính, nếu làm ầm ầm thì khoảng 10 phút sau là quên hết, còn đã không nói ra thì âm ỉ lâu lắm. Tôi sống theo kiểu ruột để ngoài da, nhưng lại không lấy những bực bội để làm cản trở công việc của mình hay của người khác”. Anh từng tự nhận về tính cách của mình như thế hồi 10 năm trước, còn bây giờ anh ra sao?

- Tôi vẫn là người khó tính, dù đã cởi mở hơn rất nhiều, nhất là sau cái chết bất đắc kỳ tử của Hữu Lộc, tôi thấy cuộc đời thật mong manh, buộc mình phải thay đổi theo hướng vị tha. 4-5 năm trước tôi chỉ nhận lời mỗi năm chừng 1-2 phim của các đạo diễn quen, bây giờ đi nhiều hơn, với cả các đạo diễn mới. Lúc trước tôi lười biếng và sợ bị ảnh hưởng đến kịch, bây giờ tôi có thể đặt điều kiện để đoàn phim cho về sớm diễn kịch. Vậy là được cả đôi đường, dù cực hơn, nhưng nó cũng buộc mình năng động hơn. Tôi vẫn nghĩ, đi hát (chỉ việc diễn xuất) vẫn là việc quan trọng nhất và là thứ làm tôi tự tin hơn cả, tôi có ý nguyện làm việc này suốt kiếp.

Người ta nói già rồi khó tính hơn, nhưng tôi lại thấy mình bao dung và nhẹ nhàng hơn. Sau khi đi dạy, tôi càng tự nhủ với lòng hãy đừng nghiêm khắc quá, hãy cười nhiều hơn. Có thể thấy rõ số lần cười trong ngày bây giờ đã nhiều hơn 10 năm, 20 năm trước. Tôi cũng đã thấy được sự diệu kì của câu nói “biết đủ là đủ”, nên luôn dặn lòng trước công việc sắp làm, để kiềm chế lòng tham, để biết từ chối. Suy cho cùng, được hay mất, có hay không, buồn hay vui… cũng tại mình mà ra.

Trước tôi chỉ biết đi hát rồi về, nay thì thêm việc đi dạy học, với suy nghĩ đơn giản là mình đã được các thế hệ tiền bối cho quá nhiều, nay phải cho lại các em. Ngoài diễn xuất và dạy học, tôi cũng đã dàn dựng kịch, rõ ràng tôi đã dễ với mình nhiều hơn. Chẳng biết 10 năm nữa thế nào, nhưng chắc tôi sẽ cố gắng để nhẹ nhàng hơn nữa.

* Anh đóng từ vai quân lính đến vai quan lớn, từ vai lắt nhắt đến vai chính; riêng ông già, anh đã đóng hàng trăm vai khác nhau. Dường như với sân khấu anh không biết từ chối?

- Sao lại phải từ chối, khi đó là chén cơm manh áo, là nghiệp dĩ, là danh dự của dòng tộc, của đời mình. Ai cũng đòi đóng vai chính thì làm sao thành một vở diễn, vốn cần vai chính vai phụ, vai thứ và cả vai quần chúng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là ngôi sao nên chẳng nề hà vai lớn vai nhỏ, thậm chí diễn lót cũng chẳng sao; mà có là ngôi sao thì đã làm sao chứ, phải biết mình hợp hay không hợp với dạng vai nào, nên việc đóng vai thứ, vai phụ là hết sức bình thường.

Nói vậy, nhưng tôi cũng biết từ chối hai loại vai: Thứ nhất, vai đẹp trai, trẻ trung kiểu Romeo; thứ hai, vai ái tình tuổi trẻ, rung cảm yêu đương nồng nhiệt. Tôi biết mình không thuộc kép đẹp và chẳng có kinh nghiệm gì về chuyện tiếng sét ái tình hay tình yêu đôi lứa - nên từ chối liền cho nó lành. Riêng vai ái tình, tôi chỉ thấy mình hợp với cảnh vợ chồng già, cái mà tôi chẳng bao giờ có kinh nghiệm, nên chỉ tích cóp và tưởng tượng ra mà diễn.

* Xin anh xem câu hỏi này như một lời chia sẻ nỗi mất mát lớn lao mà anh và gia đình đã phải gánh chịu ở kiếp này. Trong 10 năm (1978-1988) anh phải vĩnh biệt 4 tình thân: vợ chồng cô Thanh Nga, anh Hai, cha, bà nội, đó là chưa nói cái tang của ông ngoại. Nhà Phật quan niệm trong sinh lão bệnh tử, khổ nhất là tái sinh, phải sống kiếp luân hồi, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Có phải vì thế mà anh chọn sống đời cô độc, chẳng muốn kiếm người nối nghiệp?

- Tôi vốn là công tử nhà giàu, năm tôi sinh ra (1966), nhà trúng số độc đắc, giàu càng giàu hơn, nội lập thêm gánh hát, lấy tên tôi để đặt: Dạ Minh Châu. Tên tôi (Nguyễn Hữu Châu) do cố soạn giả Ngọc Linh đặt cho, với nhiều kỳ vọng về sự xán lạn. Tuổi nhỏ tôi đi học có xe hơi đưa đón, sống sung túc chẳng thiếu thứ gì. Nội lại muốn con cháu học hành tử tế trước khi quyết định có theo nghiệp hát hay không, nên thế hệ cha chú của tôi đều học trường Tây. Sau 10 năm tang tóc như bạn nói, gia đình tôi khánh kiệt hoàn toàn, từ nhà lầu 5 tầng chuyển ra sống nhà lá xập xệ, phải ăn cháo trừ cơm, anh em tôi thường đi xin tóp mỡ về kho làm thức ăn mặn.

Năm 1982, đoàn Thanh Minh một thời lẫy lừng chính thức giải thể, nghệ sĩ tứ tán; từ năm 1986 đến 1993, má con tôi sống trong cảnh màn trời chiếu đất, mưa ngập nhà như cơm bữa. Anh Hai tôi chết trên đường đi hát ngoài miền Bắc khi vừa 20 tuổi, phải chôn nơi xứ người, mãi tới năm 1995, khi dành dụm được 2 cây vàng tôi mới đi lấy cốt về. Sau hàng loạt cái tang bất đắc kỳ tử như vậy, tôi trở thành trụ cột của gia đình, phải gánh vác chuyện này, lo lắng chuyện kia, loay hoay thì thấy mình đã hơn 45 tuổi, tưởng là đã đến lúc yên bề gia thất, thì Hữu Lộc bị tai nạn… Giờ thì đã quá già để nghĩ tới chuyện đèo bòng, đã bước qua con dốc cuộc đời rồi, đâu còn đủ thời gian nữa.

Nói thật, vị trí của tôi trên sân khấu bây giờ được nhiều người mong muốn, nhưng cái nghề này có vay có trả, bắt buộc mình phải trả lại, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống. Tôi cô độc chứ không cô đơn, mà vì cô độc nên mới đủ tập trung lo cho má, cho gia đình và cho nghiệp diễn. Và biết đâu, kiếp trước tôi đã mắc nợ người thân quá lớn, kiếp này phải chứng kiến những mất mát, những đọa đày để sống tròn bổn phận, để chứng thực cái quả. Chính vì vậy mà chẳng còn đâu thời gian để mơ nghĩ về tình yêu hay hạnh phúc lứa đôi. Nói ra chắc nhiều người sẽ chửi, chứ tôi nhờ những đớn đau, thử thách… mà đứng dậy, mà nên người. Tôi mang ơn sự cô độc của mình.

Kẻ biết từ chối và biết mắc cỡ

* Anh kính trọng ai nhất?

- Tổ nghề, gia đình và khán giả.

* Anh lên sân khấu từ lúc nào?

- Có 4 cột mốc: Từ lúc ở trong bụng má (nghệ sĩ Thanh Lệ), tôi đã được đu dây cùng Kim Hoa bà bà trong tuồng chưởng Ỷ Thiên Đồ Long ký. Lúc 3-4 tuổi, nội cho lên sân khấu diễn vai đứa bé bị giết trong Mỹ nhân và loạn tướng, được “lãnh” cát-xê 5 đồng bạc ngôi sao. Lúc 13 tuổi (1979-1980), theo đoàn Thanh Minh đi diễn ngoài Bắc 1 năm, đóng quân lính và quần chúng. Tính thế nào cũng được! Riêng tôi thì chỉ tính sau khi tham gia vở Dư luận quần chúng (năm 1984) và tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh (năm 1985).

* Ở sân khấu, anh hân hoan nhất lúc nào?

- Trang điểm.

* Từ năm 1985 đến 1995, anh sống chính bằng nghề gì trên sân khấu?

- Tấu hài. Dù sau này tôi diễn nhiều chính kịch và bi kịch.

* Từ 1995 đến 2005?

- Kịch và phim.

* Từ đó đến nay?

- Cũng vậy.

* Mỗi tuần anh diễn mấy suất kịch?

- Cũng tùy. Hỏi ông bầu Idecaf sẽ rõ.

* Các phim mà anh vừa quay?

- Đã xong Tèo Em của Charlie Nguyễn và Cuộc chiến quý ông của Phương Điền. Đang quay Nơi bình yên sóng gió của Trần Quang Đại; có 2-3 phim gọi, tôi đã gật đầu, nhưng chưa quay nên chưa nói ra đây.

* Những từ, cụm từ mà anh thích nhất?

- Má, gia đình, sân khấu, chùa chiền, buông xả, tĩnh thức, mì Quảng, bia, vịt…

* Không thích?

- Ngụy quân tử, xảo trá, lừa thầy phản bạn, trễ hẹn, thịt chó, phòng cấp cứu...

* Ngại nhất?

- Bị chê diễn hời hợt.

* Còn sợ nhất?

- Khi không có việc gì làm và gặp hoàn cảnh bệnh tật. Cũng sợ rơi vào hoàn cảnh phải chạm đến tự trọng và sĩ diện.

* Ngoài diễn xuất, anh giỏi những việc gì?

- Tổ chức đám cưới, và cả đám ma.

* Đời anh tự hào nhất điều gì?

- Nhiều người nói tôi là diễn viên giỏi, tôi cảm ơn, còn trong lòng chỉ nghĩ mình làm được là do biết bình tĩnh, biết từ chối và biết mắc cỡ. Trên sân khấu tôi khóc rất dễ, nhưng ngoài đời thì không dễ chút nào. Tôi hãnh diện vì không làm gì xấu để ảnh hưởng đến đại gia đình. Ngay thời điểm nghiệt ngã nhất tôi đã nói được với lòng mình “hãy tiếp tục sống”, nên phần còn lại của cuộc đời, dù sung sướng bao nhiêu, cũng chỉ là sống tiếp mà thôi.

* Châm ngôn sống mà anh chợt nhớ?

- “Mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, sẽ cách xa được nhiều oán hận” - lời của Khổng Tử qua bản dịch.

Sources: phunuonline

Hữu Châu
Tiểu Sử Hữu Châu
  » NSƯT Hữu Châu, Quốc Thuận Viếng Hải Đăng
  » NSƯT Hữu Châu, Lê Giang Mừng NSND Hồng Vân Mở Sân Khấu Mới
  » Dàn Diễn Viên Kịch 'Ngày Xửa Ngày Xưa' Tái Hợp
  » Hữu Châu Giả Gái, Gào Khóc Trong Vai Bà Bầu Gánh Lô Tô
  » Thành Lộc, Hữu Châu Đối Lập Tính Cách Trong Phim 'Tấm Cám'
  » “Nữ Quái Kiệt” Bo Bo Hoàng Mua Được Nhà Nhờ Vai Cám
  » Dựng Tượng Sáp Cho Nghệ Sĩ Sân Khấu
  » NSƯT Hữu Châu Có Thêm Vai "Độc"
  » NSƯT Hữu Châu 'Quậy Tưng' Với Nhà Trên Cây
  » NSƯT Hữu Châu: 'Tôi Cõng Trên Lưng Những Nghiệt Ngã Của Gia Tộc'
  » NSƯT Hữu Châu Sưu Tập Kỷ Niệm
  » NSƯT Hữu Châu: Tôi Sống Bằng Sự Vay Mượn Cuộc Đời Người Khác
  » NSƯT Hữu Châu Chia Sẻ Nỗi Đau Mất Mẹ Với Nghệ Sĩ Phượng Liên
  » Kiều Mai Lý Tạo Hình Sặc Sỡ Trong Phim Tết
  » Bộ Sưu Tập "Độc" Của NSƯT Hữu Châu Và NSƯT Minh Vương
  » Một Lần Đoạt Giải Mai Vàng Cũng Là Vinh Dự Lớn
  » "Nửa Đời Hương Phấn" Lên Sàn Tập
  » Nghệ Sĩ "Gạo Cội" Cùng Tưởng Nhớ NSND Bảy Nam
  » NSƯT Hữu Châu: Mang Ơn Sự Cô Độc Của Mình
  » Nghệ Sĩ Ưu Tú Hữu Châu: Nửa Đời Mất Mát
  » Gậy Thầy Đập Lưng Thầy
  » Hữu Châu Lồng Tiếng Cho... Quái Vật
  » Hữu Châu, Ngọc Trai Lồng Tiếng Cho ‘Monsters University’
  » Hữu Châu Rèn Giọng Cho Học Trò
  » Hữu Châu Làm Ông Già Noel 'Xì Tin'