Mấy ông bạn già nhớ lúc nữ nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết, người ta cho là bị bọn bá quyền phương Bắc ám sát nên Sở Văn Hóa kêu gọi: “Một người ngã xuống, trăm người đứng lên” và cho rằng Thanh Nga bị bắn chết vì Thanh Nga dám hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga và Tiếng Trống Mê Linh, nhắc lại tinh thầnquật khởi của toàn dân chống sự xâm lăng của bá quyền nước lớn cách hiện nay trên một ngàn năm. Nữ nghệ sĩ Kim Hương, một cô đào hạng ba của đoàn hát ThanhMinh được chọn để hát vai Thái Hậu Dương Vân Nga, thế vai cho Thanh Nga vừa nằm xuống, biểu dương tinh thần “nghệ sĩ - chiến sĩ” trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng vào những năm 1978 - 1979.
Trong tuần lễ đầu hát thế vai Thái Hậu Dương Vân Nga, nữ nghệ sĩ Kim Hương được nhân viên công an mặc thường phục bí mật bảo vệ. Họ theo Kim Hương từ nhà của Kim Hương ra rạp hát. Khi Kim Hương hát thì hai công an viên túc trực trong hậu trường, đứng hai bên cánh gà, theo dõi mọi cử động khả nghi chung quanh hậu trường để bảo vệ cho nữ nghệ sĩ Kim Hương. Trong khán phòng cũng có hai công an viên ngồi sát vách sát hai bên sân khấu, mặt hướng về khán giả đang xem hát để quan sát hòng có thể phản ứng kịp thời bảo vệ cho nữ nghệ sĩ đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga… Khi vãn hát, bốn công an viên đó chạy theo xe của Kim Hương, cẩn mật bảo vệ cho nghệ sĩ - chiến sĩ Kim Hương.
Một tháng sau, nhiều đoàn hát nhất loạt hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga để biểu lộ khí thế bất khuất trước hành động gây hấn của bá quyền nước lớn. Tôi còn nhớ các nghệ sĩ đã đồng loạt đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga lúc đó có nữ nghệ sĩ Kim Hương, Mộng Tuyền, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu…. Các đoàn hát Văn Công, Phước Chung, Thanh Minh, Trúc Giang, Trần Hữu Trang,…và các đoàn hát tỉnh như đoàn Long An, Sông Bé, Cửu Long… đều hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga hoặc tuồng Tiếng Trống Mê Linh.
Không khí lúc đó sôi nổi, căn thẳng, nữ nghệ sĩ Kim Hương và các nghệ sĩ khác hát tuồng dã sử chống xâm lăng cũng cảm thấy sợ sợ vì sau đợt phát động cácđoàn hát hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga và tuồng Tiếng Trống Mê Linh thì tại Saigon, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh có nhiều Hoa kiều sinh sống, có chiến dịch Nạn Kiều( 1978 – 1979 ) đưa những người Hoa sinh sống ở Việt Nam trở về nước của họ. Ở Hà Nội, Hải Phòng thì họ được đưa về bằng xe lửa từ Hà Nội đi Vân Nam. Ở miền Nam thì họ được đưa trả về Tàu bằng tàu biển. Và tháng 2 năm 1979 thì nổ ra chiến tranh biên giới, nước lớn tràn qua dạy cho Việt Nam một bài học nhớ đời…
Nữ nghệ sĩ Kim Hương nói cho chúng tôi biết là cô cũng rất sợ khi được chọn đóng thế vai cho Thanh Nga trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Sợ có kẻ nào đó liệng một trái lựu đạn như đã có lần liệng lựu đạn lên sân khấu đoàn hát Thanh Minh ở rạp Lao Động B làm cho cô Thanh Nga bị thương và giết chết hai nhạc sĩ ngồi trong dàn nhạc dưới hầm ở ngay mặt tiền sân khấu. Tuy nhiên cái nỗi sợ của Kim Hương lớn hơn cái sợ bị liệng lựu đạn đó là nỗi lo sợ không đủ khả năng hát thế vai của thần tượng Thanh Nga.
Kim Hương đã hát tròn vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Nữ nghệ sĩ Kim Hương chịu ảnh hưởng của thần tượng Thanh Nga từ giọng ca đến nét diễn nên khi vào vai Thái Hậu Dương Vân Nga, nữ nghệ sĩ Kim Hương có gương mặt và phong thái diễn xuất phảng phất bóng dáng của Thanh Nga. Nhất là nhờ các nghệ sĩ tài danh từng đóng với Thanh Nga trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga như nghệ sĩ Thanh Sang, Hùng Minh, Hoàng Giang, Văn Ngà, Ngọc Nuôi, Xuân Lan, Bảo Quốc đều biểu diễn rất trang trọng, nghiêm túc như là các bạn đó đang hát với Thanh Nga.
Nữ nghệ sĩ Kim Hương dù thay vai đào chánh của Thanh Nga, hát thành công vai Thái Hậu Dương Vân Nga nhưng cô cũng không thể thành một cô đào chánh được.Khán giả vẫn nhớ những vai đào nhì, đào ba của Kim Hương nhất là vai Tiểu Loan trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa và vai Nàng Tiá trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh.Cuối năm 1975, Kim Hương đi hát cho đoàn Thanh Minh và thành công rực rỡ qua vai Nàng Tía trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh và vai Tiểu Loan trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa.
Nàng Tía trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh là một cô gái bán rượu, lân la trại giặc để do thám. Trong tuồng, nữ tướng Trưng Trắc đấu trí với Tô Định bằngnhững lời lẽ văn hoa sắc bén, đấu lực bằng kế hoạch tấn công Liên Lâu thành, Nàng Tía thì bình dân hơn, võ khí của nàng không phải là giáo dài gươm bénmà là hai hủ rượu và chiếc đòn gánh thô sơ. Đối với kẻ theo giặc Chương Hầu do Bảo Quốc đóng thì Nàng Tía giữ trống đồng bằng lời lẽ mộc mạc nhưng không thiếu phần cương quyết: “Giữ trống bằng đòn gánh, đập quân cướp tan thây”; Và Nàng Tía đã dùng đòn gánh đánh gả Chương Hầu Bảo Quốc chạy té bò càng.
Kim Hương hát vai nàng Tía thật tươi mát, có vẻ nhí nhảnh một chút khi lân la với Chương Hầu để dò la tin tức. Khi Chương Hầu bị Mã Tắc nạt nộ, run rợ thì Nàng Tía khuyến dụ: “Uống rượu vô là mật lưng hóa đầy, gan nhỏ thành to”. Nhưng Chương Hầu đã bán xác thân và linh hồn cho giặc nên dù uống hết hai vò rượu thì Chương Hầu vẫn là kẻ sợ chết tham sống. Lớp diễn của Kim Hương Nàng Tiá và Bảo Quốc Chương Hầu đem lại nụ cười cho khán giả, giảm bớt phần căng thẳng của vở tuồng đấu trí đấu lực chống xâm lăng phương Bắc của thái thú Tô Định.
Nữ nghệ sĩ Kim Hương sau đợt thế vai Thanh Nga trong tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, cô được đoàn hát Long An mời về thủ các vai chánh của đoàn hát Long An.Nhưng chỉ một thời gian sau, Kim Hương rời đoàn Long An, cô thành lập nhóm nghệ sĩ đờn ca tài tử ở Long An, chuyên đờn ca tài tử trong các dịp hội hè đình đám ở Long An khi nhóm của cô được mời. Kim Hương dành nhiều thì giờ để đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ, rèn luyện giọng ca cổ trong các câu lạc bộ văn hóa trong tỉnh Long An.
Source: maxreading |
|