Nam nghệ sĩ Chí Linh tên thật là Huỳnh Trung Đức, sanh năm 1964 tại Mõ Cày Bến Tre. Cha của anh là ông Huỳnh Ngọc Châu, chủ nhà may danh tiếng ở đường Ngô Tùng Châu, Sàigòn, qua đời năm 1977. Mẹ của anh là bà Võ Thị Cang.
Thưa quý thính giả, các nghệ sĩ cải lương được đào luyện và trưởng thành trong thời gian 10 năm từ năm 1975 đến năm 1985, có nhiều thuận lợi trong việc học nghề nhưng cũng gặp lắm khó khăn trong việc hành nghề.
Nghệ sĩ Chí Linh, đường vào sân khấu lắm gian nan khổ ải
Thuận lợi là vì lúc đó có những trường lớp dạy nghệ thuật sân khấu mà điều kiện chiêu sinh dễ dàng, nhất là lớp đào tạo diễn viên của nhà hát Trần Hữu Trang sẳn sàng thu nhận con em của các nghệ sĩ hữu danh đang hành nghề trên sân khấu để hình thành khóa học đầu tiên.
Trong số các em học viên đó có Thanh Thanh Tâm (con của hai nghệ sĩ Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa), Linh Châu (con của nghệ sĩ Thanh Nhã và là cháu nội củng nghệ sĩ tiền phong Thanh Tao), Vân Hà, (con gái của soạn giả Vân An), Thái Ngân, Thái Châu, (con gái củng nghệ sĩ Huỳnh Thái), Linh Trung, Thiên Hồng (cháu ngoại của nghệ sĩ tiền phong Ba Du), Trung Đức (với nghệ danh Chí Linh sau này, là em của hai nghệ sĩ tài danh Tài Lương và Tài Linh)…
Nam nghệ sĩ Chí Linh tên thật là Huỳnh Trung Đức, sanh năm 1964 tại Mõ Cày Bến Tre. Cha của anh là ông Huỳnh Ngọc Châu, chủ nhà may danh tiếng ở đường Ngô Tùng Châu, Sàigòn, qua đời năm 1977. Mẹ của anh là bà Võ Thị Cang.
Chị em của Chí Linh có: Chị Huỳnh Phương Nam (vợ của soạn giả Hồng Sinh), Chị Huỳnh Phương Mai, chuyên may y phục thể thao, Chị Huỳnh Thị Tài Lương (tức nữ nghệ sĩ Tài Lương, hiện đang định cư ở Pháp với chồng là nghệ sĩ Minh Tâm), Chị là Huỳnh Thị Phú Nhuận tức nữ nghệ sĩ Tài Linh, Anh là Huỳnh Trung Sơn, chuyên may y phục thể thao.
Chí Linh là em út trong gia đình. Nam nghệ sĩ Chí Linh đã kết hôn với nữ nghệ sĩ Vân Hà (con của soạn giả Vân An) năm 1987 và có hai cháu gái sinh đôi năm 1991.
Hồi nhỏ Chí Linh học trường Kiến Thiết đường Trần Quý Cáp tới 10 tuổi thì theo mẹ về Bến Tre, học tiếp ở trường Huyện Mõ Cày.
Năm 1978, Tài Lương đang hát ở đoàn cải lương Sàigòn 3, vềû Mõ Cày rước mẹ và hai em lên sống chung ở Sàigòn. Tài Linh được đoàn cải lương Sàigòn 3 thu nhận làm nhơn viên bán vé hát, Chí Linh vào đoàn làm học diễn, đóng vai quân sĩ. Tài Lương để thì giờ dạy cho hai em học ca.
Hai năm sau Tài Linh được hát trên sân khấu đoàn Sàigòn 3 với nghệ danh Ngọc Châu (tên của cha cô, để tưởng nhớ ông). Chí Linh thi vào trường dạy hát Trần Hữu Trang , được chấm đậu nhờ diễn tiểu phẩm “ Tìm Lại Cuộc Đời” và ca một lớp bài Xàng Xê. Chí Linh lấy nghệ danh là Trung Đức (tên thật Huỳnh Trung Đức), mãi đến năm 1988 , Trung Đức đi hát ở đoàn cải lương Cữu Long 1 mới đổi lấy nghệ danh “Chí Linh”, có nghĩa là noi theo ý Chí của chị Linh.
Giảng viên kịch nghệ khóa đầu tiên nầy có: Cô Phùng Há, Chị Kim Cúc, các nghệ sĩ: Hoàng Ba, Tri Trọng, Tấn Đạt, Ngô thị Hồng, cô Thúy Hoan... Cùng học khóa cải lương với Trung Đức có Thanh Thanh Tâm, Linh Châu, Ngân Linh, Vân Hà, Hoàng Thân, Bảo Kiến, Linh Trung, Thái Ngân, Thái Châu và Thiên Hồng.
Năm 1981, Trung Đức tốt nghiệp khóa cải lương, anh được đưa về đoàn cải lương Thanh Niên Xung Kích của nhà hát Trần Hữu Trang cùng với các bạn học viên tốt nghiệp đồng khóa với anh. (trừ Thanh Thanh Tâm được đưa về hát ở đoàn Trần Hữu Trang 1, hát thường trực ở rạp Hưng Đạo).
Trung Đức và các bạn đồng khóa đi diễn thực tập các vở cải lương như Trần Quốc Toản ra quân, Đời Cô Lựu, Mùa xuân cho em, Tô Ánh Nguyệt, diễn ở các vùng Kinh Tế Mới, (Lê Minh Xuân, Kinh An Hạ, Phú Lâm B) diễn ở các nơi mà dân thành phố được đưa đi làm “ công tác thủy lợi”, đào kinh hoặc Thanh Niên Xung Phong đang tham gia xây dựng các khu giải trí như hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, Suối Tiên. . .
Hai năm trời liên tục sống và biểu diễn xa Sàigòn, nhiều khi các diễn viên trong đoàn phải khiên màn, trướng, décors và mang trên lưng y trang sân khấu của đoàn, phải lội bộ vào các xã xa xôi để hát một vài xuất.
Hát trên sân khấu đất (khán giả lót chiếu ngồi dưới đất xem hát), diễn viên thì diễn trên đất bằng, nhiều khi không có phong màn vì diễn ngoài trời nhiều gió, không treo phông màn được, thậm chí không có màn ngoài, khi bỏ màn thì diễn viên chạy vào trong, đèn sân khấu sáng lên, khi sắp hát thì một người nói lớn trong micro là màn 2 tiếp diễn để khán giả biết là vừa kéo màn lên hát màn thứ 2.
Cực khổ, gian nan không kể xiết, sau đĩ đoàn hát Xung Kích được giải tán, Nhà hát Trần Hữu Trang đưa Trung Đức về gia nhập đoàn cải lương Trần Hữu Trang 1.
Đoàn Trần Hữu Trang lúc đó (1982) có các diễn viên: Ngọc Giàu, Phương Quang, Út Hiền, Minh Châu, Thanh Vy, Lê Thiện, Ngọc Đan Thanh, Trọng Nhân, Hoàng Trí, Tấn Đạt, Công Tài, Minh Đức, Thái Châu, Thái Ngân, Bảo Kiến...
Trung Đức đã thế vai của nghệ sĩ Hoàng Trí, hát vai Phong Lai, Hớn Minh trong vở Kiều Nguyệt Nga; đã hát vai hoạn quan trong tuồng Nàng Xê Đa, thay vai của nghệ sĩ Tấn Đạt ; hát vai Đinh Thăng trong vở Rạng ngọc Côn Sơn, thay vai cho danh ca Út Hiền. Đó là những vai có chổ để hát trên sân khấu nhưng ở đoàn Trần Hữu Trang thì Trung Đức phải hát theo cái khuông của người mà anh đã thế vai, không có thể sáng kiến hay thêm bớt gì.
Đến năm 1988, mười năm sau khi vào học hát (1978 – 1988), Trung Đức mới có dịp “ đổi đời”. Tài Linh đang là đào chánh của đoàn cải lương Cữu Long 1, rút kinh nghiệm bản thân, dám bỏ các đoàn hát ở Sàigòn để đi đoàn tỉnh, trước hết là không bị khó khăn về tuồng tích, thêm nữa tương đối ở tỉnh được tự do hơn ở Sàigòn, dể phát huy sở trường ca, diễn hơn. Tài Linh nghĩ vậy nên khuyên Trung Đức theo cô về hát cho đoàn cải lương Cữu Long 1. Trung Đức lấy nghệ danh Chí Linh, có nghĩa là “noi theo ý Chí của chị Linh”
Chí Linh mất đi một khoản thời gian rất dài trong việc lập nghiệp của một diễn viên trẻ, cái “bất lợi” khi ở quá lâu trong đoàn Trần Hữu Trang có nhiều diễn viên ca hay diễn giỏi cản bước tiến của Chí Linh, lại cho Chí Linh một cái “thuận lợi” là khi về đoàn tỉnh Cữu Long 1, Chí Linh trở thành một anh kép giỏi về mọi mặt. Vai nào cũng diễn được: kép mùi, kép lẵng, kép độc, lão , thậm chí vai quân sĩ, đánh võ, chạy hiệu...
Chí Linh là diễn viên chánh của đoàn Cửu Long 1 và là người phụ trách sân khấu, tập cho các anh em khác ca, hát gần như vai trò của một đạo diễn.
Chí Linh được đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long mời về cộng tác năm 1989. Lúc nầy đoàn Huỳnh Long có các diễn viên: Ngọc Huyền, Tiểu Linh, Bạch Lan, Bạch Mai, Đức Lợi, Hữu Huệ, Ngọc Lan Hương, Kim Phượng, Châu Thanh Hoàng, Tào Thành, Vân Hà, Thái Sơn, Hiếu Cảnh, Điền Phong, Thanh Phong, Minh Hùng.
Chí Linh may mắn được các nghệ sĩ tuồng cổ Hữu Huệ, Bạch Mai dạy cho những vũ đạo, động tác hát tuồng cổ nên chỉ trong vòng 3 tháng là Chí Linh bắt kịp với các bạn đồng diễn về phong cách tuồng cổ.
Từ năm 1989 đến năm 1994, trên sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long, Chí Linh đã hát qua những vai như Cao Quân Bảo (Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu), Triệu Tử Long (Về Đất Kinh Châu), Vua Anh Tôn (Xử Án Phi Giao), Châu Ngọc Long (Tam Đã Châu Ngọc Long), Lục Thất (Mai Trắng se duyên), Mường Tha (Ngũ Biến Báo Phu Cừu), Thiết Đại Đạo (Thập Tứ Nữ Anh Hào), Hoàng Phủ Thiếu Hoa (Mạnh Lệ Quân), Lê Long Đĩnh (Vương quyền bạo chúa), Tang Đại (Sở Vân Cưới Vợ), Trọng Thủy (Trọng Thủy Mỵ Châu), Đổng Kim Lân (San Hậu). . .
Chí Linh và Ngọc Huyền được khán giả ái mộ bỏ thăm bầu là cặp diễn viên được ưa thích nhứt trong năm 1993.
Năm 1994, Chí Linh theo sư phụ Hữu Huệ về hát cho đoàn Sông Bé Hữu Long với các nghệ sĩ Bữu Truyện, Thanh Thế, Hồng Nhung, Vân Hà, Ngân Tuấn, Kim Thoa, Khánh Linh, Chí Cường, Hồng Lan, Linh Dũng và hề Hiếu Cảnh. Chí Linh hát qua các vai Nguyên soái Tống Liên Châu, vai Thái Tử Phiên (tuồng Tam Phụng Duyên), vai Từ Hải Thọ (tuồng Xử bá đao Từ Hải Thọ).
Chí Linh được mời thu video các tuồng: Mã Siêu báo phụ cừu, Tiết Nhơn Quí (tập 1, 2, 3), Dương Gia Tướng, Triệu Khuôn Dẩn, Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Triệu Tử đoạt ấu chúa, Xử bá đao Từ Hải Thọ, Thập Tứ Nữ Anh Hào, Ngọc Kỳ Lân, Nặng Gánh giang san, Bức Ngôn Đồ Đại Việt, Đường về Vạn Kiếp..
Chí Linh, một nghệ sĩ đa tài, tận tụy với nghề nghiệp, nhưng hiện nay sân khấu cải lương đang xuống dốc một cách thảm hại, Chí Linh phải theo các nghệ sĩ tài danh đàn cô chú đi hát ở miền Nam Cali , phải chăng đó là một hướng phát triển mới để người nghệ sĩ có thể sống với nghề ca hát của mình?
Source: zing, tranquanghai |
|