Tên thật: Hoài Thanh
Ngày sinh: 1951
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Sự xuất hiện của Thúc Sinh trong kiệt tác của Nguyễn Du không rực rỡ như Kim Trọng, cũng không lẫm liệt như Từ Hải, chỉ vừa đủ để là một cuộc tình đáng nhớ trong đời Thúy Kiều. Một trong những nghệ sĩ cải lương thành công vơi vai Thúc Sinh – nghệ sĩ Hoài Thanh – cũng có một vị trí tương tự như nhân vật của mình. Anh không phải là ngôi sao rực rỡ, nhưng cũng không lẫn vào muôn nghìn tinh tú vô danh.
Hoài Thanh xứng đáng được xếp vào số những nam nghệ sĩ “thanh sắc vẹn toàn” của sân khấu cải lương với dung mạo tuấn tú và chất giọng khi “xuống xề” vọng cổ thì ngọt lịm, mà khi giữa chừng thì nghe có một âm vang hào hùng đầy nam tính.
Cái tên Hoài Thanh gợi nhớ về một vai diễn xa xưa: Trần Vinh trong "Gánh Cỏ Sông Hàn" trên sân khấu Hương Mùa Thu những năm đầu tiên sau giải phóng. Bấy giờ, đoàn Hương Mùa Thu nổi tiếng với những vở diễn dã sử ngợi ca đạo lý trung hiếu, tiết nghĩa của người xưa. Trần Vinh là hình tượng đặc biệt thành công của vở diễn này. Hoài Thanh đã đưa người xem từ lòng cảm mến một Trần Vinh hiền hòa, trong sáng trong mối tình nghèo với cô gái cắt cỏ đến sự căm ghét một Trần Vinh tham vàng phụ ngãi, chạy theo công chúa nhà Minh.
Những năm 1980 là thời gian cực thịnh của cải lương. Hoài Thanh không có mặt ở thành phố. Tuy nhiên, là kép chánh của đoàn Văn công Đồng Tháp, anh cũng có hai vai được khán giả yêu mến là dũng tướng Lê Minh trong "Nhụy Kiều tướng quân" và thầy khóa Hồng trong "Tình hận thâm cung". Trong vai hai người đàn ông không đi trọn được cuộc tình của mình: một người vì nhiệm vụ với đất nước, một người vì hoàn cảnh khách quan.
Giọng ca truyền cảm của Hoài Thanh đã để lại trong lòng khán giả những dư vị xót xa về hình ảnh của 2 nhân vật trên. Nhiều người xem vẫn còn nhớ lớp chia tay giữa Lê Minh với Triệu Thị Trinh. Rõ ràng, lớp diễn này cứ như được sao lại từ vở "Tiếng trống Mê Linh", từ tình huống kịch cho đến lời ca được sử dụng. Nhưng khán giả vẫn có thể chấp nhận vì Nhụy Kiều trống quân có cái không khí lãng mạn, đầy quyến rũ của những mối tình chưa thổ lộ: ''Lời vàng xin ghi nhớ, trên đường xa ghi vào lòng...". Lời ca nhiều ý nghĩa ẩn dụ của tình đồng đội, tình chủ tướng với nghĩa quân và một tình yêu hé nở. Và rất nhiều khán giả thuộc bài hát "Trong giây phút chia tay..." của Nhụy Kiều tướng quân không kém gì của "Tiếng trống Mê Linh".
Thế nhưng, vai diễn có nhiều đất diễn nhất mà qua đó Hoài Thanh đã phát huy được trọn vẹn những ưu thế của mình lại là một vai truyền hình: Thúc Sinh trong "Kim Vân Kiều". Thật ra, tác phẩm của Nguyễn Du đã nhiều lần được đưa lên sân khấu, và đã có nhiều nghệ sĩ vào vai Thúc Sinh. Nhưng đa số các bản Kiều sân khấu đều tô đậm hình tượng Kim Trọng và Từ Hải. Chỉ riêng với Hoài Thanh, Thúc Sinh đã trở thành một đối trọng có giá trị với hai người đàn ông khác trong đời Kiều.
"Có phải đây là Dương Quý Phi tái thế
Thì đó cũng là Đường hoàng đế hồi sinh."
Lớp Thúc Sinh diện kiến Kiều bắt đầu như thế. Hoài Thanh đã tạo được ấn tượng về một Thúc Sinh phong lưu: ''Trăm nghìn đổ một trận cười". Phải nói là ngoại hình của Hoài Thanh rất phù hợp với nhân vật Thúc Sinh, vừa có nét thư sinh của ''nòi thư hương" nghiên bút mà vừa có vẻ sành điệu của kẻ từng trải ca kỷ tửu lầu. Nhưng lớp diễn ''người ngoài cười nụ người trong khóc thầm" mới là lớp đặc sắc nhất. Đây cũng là trường đoạn chạm được đến cái ''thần'' của nguyên tác, đẹp từ tạo hình sân khấu cho đến diễn xuất của diễn viên. Lớp diễn này rất nổi tiếng với ''nước mắt Hoạn Thư'' của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu.
Nhưng Hoài Thanh cũng xuất sắc không kém khi thể hiện cái tâm trạng rối bời của Thúc Sinh. Nếu Hoạn Thư rõ là ''cười nụ", còn Kiều phải ''khóc thầm" thì Thúc Sinh lại phải dùng cái ''cười nụ" để che đậy sự “khóc thầm”. Tâm lý của chàng phức tạp hơn hết thảy. Thúc Sinh của Hoài Thanh nói cười tươi roi rói với Hoạn Thư nhưng cử chỉ lại luống cuống, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Thét gọi ''Hoa nô" giật giọng mà ánh mắt lại đảo nhanh rồi nhìn xuống. Và khi bài đàn hát than thân trách phận của Kiều đến đoạn cao trào, chàng không đẵn được lòng mình nữa, bật đứng dậy hát theo, gương mặt nồng nàn say sưa như không còn biết đâu là thực đâu là mơ nữa.
Chính phút bộc phát tình cảm của Thúc Sinh đã làm Hoạn Thư rơi nước mắt vì nhận ra bất chấp mọi thủ đoạn của nàng, chàng thật sự nặng lòng với ''Hoa nô''. Có một sự quăng bắt rất nhịp nhàng khi Thúc Sinh - Hoài Thanh chuyển từ ngượng ngùng sang sôi nổi và Hoạn Thư - Ngọc Giàu, chuyển từ cao ngạo sang đau khổ. Vì vậy, Hoài Thanh và Ngọc Giàu, một đôi bạn diễn mà khi nghe bảng phân vai khó ai nghĩ rằng hòa hợp, đã làm nên một lớp diễn tuyệt vời. Thật ra, Hoài Thanh là một trong số không nhiều những nghệ sĩ vẫn gắn bó với cải lương ''trên từng cây số”, từ sân diễn đến truyền hình, video. Vai diễn thì rất nhiều, chỉ tiếc rằng không phải lúc nào anh cũng gặp được một nhân vật tâm đắc như Thúc Sinh. Cho nên, với một diễn viên thanh sắc như Hoài Thanh mà sự nghiệp phát triển đến đó thì đường như vẫn chưa trọn vẹn, mới chỉ là “vầng trăng ai xẻ làm đôi...”
Source: zing Tên Bài Báo về Hoài Thanh | Ngày Đăng | Nghệ Sĩ Cải Lương Hoài Thanh: '40 Năm Qua, Vợ Là Thầy, Là Bạn Tôi' | 19 Tháng 02, 2018 | 30 Nghệ Sĩ Gạo Cội Tái Diễn Vở “Đời Cô Lựu” | 22 Tháng 03, 2016 | Nghệ Sĩ nghèo TP HCM Nhận Quà Tết Từ Đồng Nghiệp | 09 Tháng 02, 2015 | Con Trai Vợ Chồng Nghệ Sĩ Hoài Thanh Về VN Ca Hát | 08 Tháng 02, 2015 | Con Trai Nối Nghiệp Mẹ Cha | 23 Tháng 01, 2014 | Nghệ Sĩ Mang Tết Đến Người Nghèo | 31 Tháng 01, 2013 | Vẻ Đẹp Cải Lương Trong Đêm Hoài Thanh - Đỗ Quyên | 09 Tháng 01, 2011 | Hoài Thanh Trả "Nợ Dâu" | 25 Tháng 12, 2010 | Nghệ Sĩ Hoài Thanh Về Nước Làm Liveshow | 14 Tháng 11, 2010 |
|
|