Tên khai sinh của ông là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện cư trú tại Hà Nội. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V, sau đó theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Trường âm nhạc VN. Bước vào kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết ngay những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh...
Năm 1965, lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, với những ca khúc của thời kỳ này như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Ông đã có mặt trên chiến trường Trị Thiên- Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.
Trở lại miền Bắc theo học Đại học Sáng tác nhạc viện Hà Nội, ông đã sáng tác một số tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Sonate Tự Nguyện và Trang giao hưởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung và hành khúc Những bàn chân không mỏi.
Về Đoàn văn công Tổng cục xây dựng kinh tế, ông tiếp tục viết ca khúc, có những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ- một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình và những đề tài khác như: LêNin, Người đến đất nước tôi (Giải nhì cuộc thi nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN), Hương tràm, Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ), Tình yêu không lời rất được hoan nghênh.
Ngoài ra ông còn viết nhạc cho múa (Bông sen đỏ, Anh còn sống mãi), nhạc cho phim (Khoảng trời chiến sĩ, Hát ở chiến hào).
Đã xuất bản tuyển chọn ca khúc Thuận Yến, Album Đi tìm trái tim (Sài Gòn Audio), Chia tay hoàng hôn (DIHAVINA). Ông đã được nhiều giải thưởng: Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, 1987), Màu hoa đỏ (Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, 1994), Chia tay hoàng hôn (Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói VN).
Các tác phẩm tiêu biểu: Bác Hồ một tình yêu bao la, Chia tay hoàng hôn, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Màu hoa đỏ, Khát vọng, Tình yêu không lời.
Về cái tên Thuận yến: Nhạc sĩ lấy hai chữ Duy Thuận quê cha với Duy Yên quê mẹ ghép lại thành Thuận Yên, người biên tập tưởng nhầm là Yến nên Đài Tiếng nói VN đọc là Thuận Yến. Ông ở chiến trường làm sao sửa được, thế là... có một nhạc sĩ Thuận Yến đi vào lòng người yêu nhạc.
Source: vnexpress |
|