Nhạc sĩ: Yên Lam
Tên thật/ tên đầy đủ: Yên Lam
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập:
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Nhạc sỹ Yên Lam, một cái tên không còn xa lạ với các ca sĩ chuyên nghiệp, anh đã hòa âm và sáng tác khá nhiều tác phẩm : Tìm lại lời thề (Phương thanh), Đừng sợ (Đàm vĩnh Hưng), Ra đi (Hồng Ngọc), Mong em về đây (Hồ Quỳnh Hương), Đừng bao giờ hỏi (Phan Đinh Tùng), Giấc mơ vô hình (Hồng mơ), ca khúc trong phim “Đô la trắng” và phim “ Gọi bình yên quay về” và sắp tới, anh viết nhạc cho bộ phim truyền hình 25 tập “ Bao Yêu Thương” của đạo diễn Lý Khắc Linh.
Nhạc sĩ Yên Lam cũng từng giành được danh hiệu Nhạc sĩ được yêu thích nhất năm 2005 – 2006 với ca khúc “Tìm lại lời thề” Phương Thanh. Nhạc sĩ được yêu thích nhất năm 2006 – 2007 với ca khúc “ Mong em về đây” Hồ Quỳnh Hương.
Trong thời gian qua, Yên Lam đã đảm nhận phần hòa âm cho nhiều album của các ca sĩ như: Phương Thanh, Quang Hà, Hồ Anh Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Mai Thành Đông.. Để có thể vươn xa hơn trong lãnh vực hòa âm và thu âm, Lam quyết định sang Mỹ một chuyến để học hỏi và tích lũy thêm những điều mới lạ cho nghề nghiệp của mình...
oOo
Yên Lam đã đến với nghề của mình như thế nào?
Lam đến với nghề của mình rất tình cờ nhưng bằng tất cả đam mê. Có thể nói một điều nữa là Lam đang cố gắng làm việc với tất cả đam mê của mình, để ít ra mang đến cho công chúng yêu nhạc những sản phẩm âm nhạc tốt nhất.
Anh có thể cho biết đã học nghề như thế nào?
Lam may mắn gặp được sư phụ là Nhạc sỹ Nguyễn Quang, người đầu tiên hướng dẫn Lam hòa âm và soạn nhạc trên máy vi tính. Và sau này thì tự mày mò trên internet, sách vở. Lam nghĩ, việc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp rất quan trọng nhưng việc tự học hỏi, tìm tòi nhiều nguồn từ thế giới cũng là cách trau dồi nghề nghiệp đấy!
Để trở thành một nhạc sĩ hòa âm phối khí giỏi, theo Yên Lam trước tiên phải có điều kiện gì?
Điều trước tiên là phải “ Đam mê”và “ Yêu nghề”. Đương nhiên là không thể thiếu các điều kiện khác như có kiến thức âm nhạc, nhạy cảm với âm nhạc, cảm nhận được cái hay, hiểu được tính năng đặc trưng của từng nhạc cụ khác nhau,…Nhưng cuối cùng nếu không “Yêu nghề” thì khó mà đeo đuổi nó được.
Anh đã theo đuổi nghể này bao lâu rồi?
Mình theo nghề này trên 10 năm. Nghe 10 năm có vẻ nhiều nhỉ, nhưng Lam thấy thời gian đó chưa đủ để Lam được làm tất cả những gì mình ấp ủ. Lam đang bước tiếp con đường đã chọn, hy vọng khán giả sẽ đón nhận các tác phẩm của Lam.
Được biết anh cũng là người sáng tác ca khúc, theo anh, dấu ấn riêng của người nhạc sĩ được toát lên từ những yếu tố nào?
Ca khúc phải có ca từ hay, và dễ đi vào lòng người. Nghe như vậy có vẻ đơn giản lắm phải không? Thật ra để có một ca khúc hay rất khó viết đấy! Mỗi ca khúc có đời sống riêng. Có thể mình rất tâm đắc khi viết, nhưng khi ca khúc đi vào đời sống có được dấu ấn riêng, có được yêu mến hay không còn phụ thuộc vào khán giả. Lam chỉ biết làm tốt nhất khi mình có thể!
Tại sao anh quyết định ra nước ngoài học? Phải chăng khâu đào tạo trong nước không theo kịp yêu cầu phát triển, đổi mới của đời sống âm nhạc?
Mình muốn học thêm về lãnh vực thu âm. Hiện tại công việc hằng ngày của Lam là hòa âm và thu âm cho ca sĩ. Và đó là niềm đam mê lớn nhất của Lam. Do đó, Lam quyết định chu du một chuyến sang Mỹ để tìm tòi, học hỏi thêm những cái mới. Âm nhạc đòi hỏi tính sáng tạo không ngừng, và Lam quyết định học hỏi thêm nữa từ chuyến du học này.(cười)
Theo anh, Phần hòa âm phối khí đóng vai trò thế nào trong một ca khúc?
Đóng một vai trò không kém quan trọng, nó có thể giúp cho ca sĩ thể hiện được đúng chất, đúng gu của tác giả .
Anh nghĩ sao khi ngày càng nhiều ca sĩ đi ra nước ngoài làm album?
Vì họ muốn có một phong cách mix mới lạ, mà đó cũng chính là điều Lam muốn sang Mỹ để học hỏi. Một phần nữa là chúng ta cần học hỏi và tiếp xúc thêm các cách làm mới của bạn bè thế giới. Lam nghĩ trước khi muốn hòa nhập tốt hơn thì mình hãy hiểu, biết họ làm thế như thế nào, họ có những gì,…Dù làm trong nước hay nước ngoài, Lam nghĩ ca sĩ cũng chỉ muốn có những album hay nhất mang đến cho khán giả của mình.
Có ý kiến cho rằng kĩ thuật, máy móc không quan trọng bằng yếu tố “con người”, riêng anh nghĩ thế nào?
Chỉ đúng một phần. Máy móc càng hiện đại thì chất lượng sản phẩm của mình sẽ càng hay hơn, và đương nhiên con người cũng phải học hỏi và am hiểu.
Là người đam mê theo đuổi nghề, chắc anh cũng có nhiều băn khoăn? Anh có thể nói điều gì với khán giả của mình?
Nói chung là nghề này chín người mười ý, làm dâu trăm họ, có khi 1 ca khúc mình thấy hay thì khán giả thấy không hài lòng lắm, còn ca khúc mình thấy tàm tạm, thì khán giả lại hưởng ứng, đó cũng là điều khó hiểu nhất từ khán giả!
Source: loibaihat |
|