Nhạc sĩ Lâm Hoàng, tên thật là Nguyễn Hoàng Lâm. Là người miền Trung, quê quán ở Quảng Nam, Núi Thành, vùng cát trắng nghèo nàn dọc theo dãy Trường Sơn. Anh bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ lúc lên 5. Anh vào Sàigòn năm 1967, theo học trường đại học Bách Khoa, và sau đó anh đổi tên là Bảo Lâm. Trước 1975, anh được nhiều người biết đến là ca sĩ phòng trà và tài tử phim ảnh. Anh được mời đóng một số vai, với các nghệ sĩ tên tuổi Ngọc Ðức, Hoàng Cầm, Bạch Lê, Bà Năm Sađét, Thanh Việt, Khả Năng, trong các bộ phim Hè, Bảo Kiếm, Sàigòn Về Ðêm, Phận Má Hồng, Hoa Mới Nở, Triệu Phú Bất Ðắc Dĩ, Tứ Quái Sàigòn… đã được trình chiếu tại Sàigòn trước 75. Và trong các bộ phim Làng Ven, Mối Tình Ðầu, Cô Nhíp, sau 1975. Trong thời gian sinh hoạt văn nghệ với các đoàn phim ảnh, anh cũng thường được mời đóng các vai trong phim quảng cáo cho các đạo diễn Hà Thúc Cần và Lê Hoàng Hoa. Anh vượt biên năm 1980, vào được trại Leamsing Thái Lan, và tái định cư tại Gia Nã Ðại. Hiện anh đang cư ngụ tại vùng Ngũ Hồ, Thunder Bay, với vợ là ca sĩ Kim Hà. Là giám đốc nhà hàng ở Ontario. Anh cũng là võ sư Thiếu Lâm Tự, huấn luyện viên võ thuật tại trường đại học Confederation College, Canada.
CD Tình Khúc Yêu Thương
Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1972, tác phẩm đầu tay của anh là nhạc bản Một Kiếp Yêu. Và kế tiếp đó, nhiều tình khúc quê hương được ra đời trên vùng đất lạ, như các nhạc bản Chỉ Có Bạn Bè Thôi, Tình Mùa Ðông Xứ Lạ, Tình Người Việt Nam…
- mời nghe:Tình Mùa Ðông Xứ Lạ 1.2 Mb
[nhạc và lời Lâm Hoàng, tiếng hát Tuấn Vũ]
Giòng nhạc của anh đượm sâu nét tha thiết quê hương, lời ca và âm điệu gắn chặt với nắng mưa quê nhà, với màu sắc tâm tư từ vùng trời dĩ vãng dấu yêu, của chuyến đò Cà Mau, của Ðà Lạt tình anh mộng mơ, của người em xứ Quãng, của Ninh Kiều em gái Cần Thơ, của Trúc Giang tình nhớ đôi ta, của Trà Vinh một lần về quên lối, của lá Diêu Bông vì tình mình đã lỡ trao nhau, của chuyện tình Ða Ða và Nha Trang từ ấy, của Châu Ðốc tình quê với Biển Hồ bảy ngả chảy về Hậu Giang, của Hà Nội mưa buồn triền miên trong mắt em, của Vũng Tàu mùa yêu dậy sóng, của tình em Ðồng Tháp miền Tây xứ Mẹ xuôi về An Giang, của Sàigòn với đường phố hoa đèn bên công viên Bạch Ðằng, của em gái Trà Mi với ngàn cánh lan rừng yêu và nhớ… Những tác phẩm của anh đã dệt lên một vùng trời thổn thức, một cõi nhớ mênh mang, một kiếp thao thức miên trùng, rất Huế, rất Tây Ðô, rất quê nhà…
- mời nghe: Ðừng Nhắc Chuyện Ða Ða 1.7 Mb
[nhạc Lâm Hoàng, ý thơ Lê Hoàng Phước, tiếng hát Trường Vũ]
Cho đến hôm nay, anh đã sáng tác khoảng gần 100 ca khúc cho tình yêu và quê hương. Tập nhạc đầu tay của anh, gồm 88 bài tình ca, đã được trình làng năm 2002, do Thế Giới Nghệ Thuật xuất bản và giới thiệu. Trong đó, đa số là nhạc và lời của chính anh, gồm những sáng tác từ năm 1972 và sau 1980. Và khoảng 32 tình khúc được phổ từ những vần thơ mượt mà của các thi sĩ Trần Ngọc, Lê Hoàng Phước, Trần Bình, Phạm Hồng Ân, Lê Hoài Minh, Hải Ninh. Anh miệt mài sáng tác dồi dào nhất là trong thời gian 2000 đến 2003, với những tác phẩm đượm đầy màu sắc quê hương. Nhạc của anh được rất nhiều ca sĩ thành danh ở hải ngoại chọn lọc để trình bày, như các ca sĩ Trường Vũ, Hương Lan, Mạnh Quỳnh, Tuấn Vũ, Hạ Vy, Phi Nhung, Thái Châu… Anh đã ra mắt 3 CD's với chủ đề "Nếu Em Là Người Tình", "Tình Khúc Yêu Thương", "Bông Rau Muống", với phần hòa âm của các nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Tùng Châu, Quốc Dũng, Ðồng Sơn, Mạnh Trinh…
- mời nghe: Em Gái Hậu Giang 1 Mb
[nhạc và lời Lâm Hoàng, tiếng hát Phi Nhung]
CD Nếu Em Là Người Tình
Nhận định về giòng nhạc Lâm Hoàng, nhà thơ Lê Hoàng Phước, giám đốc trung tâm Thế Giới Nghệ Thuật, đã ghi nhận: "Lâm Hoàng, là một nhạc sĩ sáng tác, một ca sĩ yêu thích nghệ thuật như chính cuộc đời ông. Từ đó, những dòng nhạc được hình thành dưới nhạc danh Lâm Hoàng đều bàng bạc những tình yêu rất con người. Ở đó, tình yêu quê hương luôn được bồi đắp bằng phù sa cảm xúc, lúc nào cũng mặn nồng tha thiết. Ở đó, tình yêu uyên ương lúc nào cũng long lanh như vầng trăng soi đáy nước. Ở đó, tình bằng hữu, tình đồng giao lúc nào cũng chao động nhịp nhàng. Mưa chiều, nắng sớm, dưới nét nhạc Lâm Hoàng luôn ẩn hiện dấu vết chung thủy".
Thời còn sinh tiền, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã có những giao cảm rất đồng điệu: "nhạc Lâm Hoàng có âm điệu của hương ca, có vóc dáng của sầu ca và có chiều sâu của bi ca, do đó thật dễ khiến người nghe có cùng chung một tấm lòng hoài niệm…". Nhà văn Lâm Tường Dũ đã cho rằng: "Lâm Hoàng có khả năng dùng âm thanh bắt nhịp cầu đưa dẫn người nghe về vùng ước mơ của một thời mộng mị".
- mời nghe: Chỉ Có Bạn Bè Thôi 1 Mb
[nhạc và lời Lâm Hoàng, tiếng hát Hạ Vy]
CD Bông Rau Muống
Trong giòng nhạc Lâm Hoàng, người nghe sẽ tìm thấy con đường về, từ nỗi nhớ quê nhà, từ tâm tư giao điệu nơi người viễn xứ, từ vòng tay đan xiết của tình yêu, từ giòng sông dĩ vãng một trời yêu dấu nơi đất Mẹ, từ cánh lá lan rừng Trà Mi, từ miền xa Hà Nội mưa rất buồn, từ Ly Kha mường luông vùng núi đá đèo cao, từ từng nhịp sóng dạt dào nơi bến Ninh Kiều, Hậu Giang, và Ðồng Tháp, của phận em như bông rau muống còn lẻ loi khóc thầm, của cánh chim đa đa còn tiếc nuối nỗi niềm, của Nha Trang mộng mơ từ dạo ấy, của Ðà Lạt chúng mình ước nguyện bên nhau… Trong đó, chúng ta tìm thấy, sẽ tìm thấy, cái giao cảm đồng điệu rất gần ở linh hồn, rất sâu thẳm trong trái tim, của phận người tha phương nhớ về quê Mẹ. Và ở đó, giòng nhạc anh, lời ca anh, là nhịp cầu miên man sóng gợn, là cội cây khóm hoa nỗi nhớ, là thiết tha nắng gió quê nhà, là anh về nhé kẻo Mẹ chờ trông, là biển cả một đời sầu ca thương nhớ, là tình cờ mình gặp lại nhau, hỏi ai đây giòng sông nào em mãi chờ mong, là vòng tay yêu đương một thời mình đã ngẩn ngơ… Cái sâu thẳm reo vang đó, trong nhạc của anh, là nhịp lòng tâm tư giao cảm giữa người nghe và chính tác giả, mà miền đến / miền đi / miền ở lại, là những cánh tơ tằm chia xẻ đã được dệt thêu và đang mãi còn thấm nhuộm muôn màu sắc thái tri âm…
Source: honque |
|