Ngày Đăng: 25 Tháng 02 Năm 2015 Những nghệ sĩ gạo cội trên sàn diễn: NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, Hoài Linh kể lại chuyện hậu trường vui buồn trên sân khấu và khuyên nghệ sĩ trẻ và cả ban tổ chức các chương trình những điều cần tránh trên sàn diễn năm Ất Mùi này.
Đừng bỏ diễn vì thiếu thù lao
NSƯT Minh Vương nói trong thời buổi nghệ sĩ chạy sô túi bụi như hiện nay có nhiều sự cố, nhiều tình huống “cười ra nước mắt” như trường hợp bầu sô không kịp trả đủ tiền thù lao, nghệ sĩ sẵn sàng bỏ sô mà chẳng cảm thông.
| NSƯT Minh Vương. Ảnh: M.Nga |
Chuyện xảy ra ở rạp Thủ Đô trong suất hát cuối năm liên quan đến một nữ diễn viên hài có tiếng vừa được một số giải thưởng, thường diễn tấu hài cùng nam diễn viên trẻ khác. Chị và bạn diễn của mình người trước, người sau tự đi xe đến điểm diễn theo hợp đồng mỗi đêm rồi cùng ra sân khấu phục vụ khán giả. Hôm đó, nam diễn viên trẻ mới ra sân khấu, bên trong này, nữ diễn viên hài đòi “ông bầu” trả đủ tiền thù lao mới diễn. “Ông bầu” năn nỉ xin bớt 200.000 đồng vì suất diễn quá ít vé nhưng nữ diễn viên này không nghe, đứng lên kêu bạn diễn ngưng ngang, rời sân khấu ra về khiến mọi người bất ngờ và chẳng biết xử trí thế nào. Thế rồi, người dẫn chương trình phải ra sân khấu xin lỗi khán giả với lý do nghệ sĩ bị bệnh không diễn được.
“Tôi thấy chạnh lòng, chỉ vì 200.000 đồng mà bỏ quên tình cảm với khán giả đang nôn nao chờ xem bên dưới khán đài. Đến thời điểm này mà chuyện “không trả đủ tiền…bỏ diễn” vẫn còn xảy ra một cách đau lòng như thế ở một số sân khấu” – NSƯT Minh Vương chia sẻ. Trên thực tế, không ít “bầu sô” hay vờ than khóc để xin bớt thù lao nghệ sĩ nhưng không phải ai cũng xấu tính như thế. Hơn nữa, đã lên sân khấu, nghệ sĩ nên hướng đến khán giả là chính, nếu phát hiện “bầu sô” dối trá thì lần sau từ chối, không hợp tác nữa chứ không thể bỏ ngang xuất diễn, khiến khán giả thất vọng.
NSƯT Minh Vương thêm rằng ông kể lại điều này còn để nhắc nhỡ đàn em, dịp Tết chạy sô nhưng cũng nên chọn lọc, chỉ nhận những sô mình chắc chắn tham gia để khỏi phụ lòng tình cảm khán giả.
Từ thiện không phải “mác” để trục lợi
NSND Lệ Thủy nhắc lại một chuyện khá phổ biến hiện nay mà giới nghệ sĩ sân khấu cảm thấy chạnh lòng, đó là “Làm từ thiện sao lại có ba đầu lương?”.
| NSND Lệ Thủy. Ảnh: Hạ Nguyên |
Bà tâm sự: “Tôi từng bất mãn chuyện làm ăn gian dối và đầy tính toán của một số người nói là làm từ thiện nhưng lại ăn chặn tiền công sức, mồ hôi anh em nghệ sĩ. Tại sao nói là diễn từ thiện mà ban tổ chức lại có lương đến mấy hạng mục cho thành phần tham gia? Nào tiền ban chủ nhiệm, tiền làm tóc, tiền dàn dựng… Tính ra bản thân mỗi nghệ sĩ lãnh từ 200.000 – 300.000 đồng/người nhưng “chủ xị” chương trình lại lãnh hơn một triệu đồng.
Bản thân tôi ý thức rất rõ chuyện làm từ thiện là góp phần đem lại doanh thu cho các quỹ từ thiện dùng xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo, tặng quà, tiền cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, bị nhiễm chất độc da cam. Thế nhưng, một số chương trình sau khi trừ hết kinh phí “khó hiểu” trên chỉ còn vài triệu đồng, như vậy là bày ra trò từ thiện để ăn chặn tiền đó là hành động không chấp nhận được”.
NSND Lệ Thủy khuyên nghệ sĩ trẻ đừng lạm dụng việc tham gia từ thiện, đi hát chùa để mưu toan quyền lợi cá nhân, đó là một việc làm nên tránh trong năm 2015 này.
Tránh xa "con ma" bài bạc
Mấy ngày Xuân, nghệ sĩ đánh bài trong lúc làm việc, tập tuồng không là chuyện lạ nhưng có nhiều người lấy chuyện đỏ đen làm thú tiêu khiển chính, ảnh hưởng đến lịch diễn của đồng nghiệp. NSND Ngọc Giàu kể từng chứng kiến chuyện xảy ra tại một sân chùa- nơi đoàn quay video mượn để quay một vở cải lương những ngày cận Tết.
| NSND Ngọc Giàu. Ảnh: T.Hiệp |
Trong lúc nghệ sĩ khác đội nắng quay cho kịp tiến độ, một nghệ sĩ hài và một cô đào cứ thản nhiên sát phạt nhau. Đến mức khi đạo diễn đề nghị quay cho kịp, họ xin đôn các lớp diễn khác lên vì mải mê với những quân bài. Sư chủ trì của chùa ngay khi biết chuyện đã đề nghị đoàn phải dời đi ngay lập tức, ông không đồng ý cho mượn sân chùa để đánh bài. NSND Ngọc Giàu và rất nhiều nghệ sĩ có mặt ở đó đã hết sức phẫn nộ bởi không chỉ đánh bạc, những nghệ sĩ này còn nói tục, chửi thề mặc cho người dân tụ tập xung quanh xem quay video.
“Nhiều khán giả nhìn vào bất ngờ vì thần tượng của họ lại cư xử thô thiển như thế. Bởi chuyện chăn gối phòng the, chuyện nhăng nhít trong hậu trường cũng được mang ra bàn bạc thản nhiên như ở nhà. Mà thậm chí ở nhà tôi nghĩ cũng không thể nói như thế vì còn có trẻ con. Giết thời gian bằng bài bạc và những chủ đề linh tinh như thế rõ là làm hư chính bản thân người nghệ sĩ” - NS Tú Trinh nói.
Học phải ra học
Ngoài những vấn đề trên, một điều cần tránh nữa là các nghệ sĩ trẻ đừng xem những nơi sinh hoạt ngoại khóa, học tập nghề nghiệp... là chốn vui chơi, nói chuyện riêng. Danh hài Hoài Linh kể từng đến một lớp học dành cho nghệ sĩ trẻ, học trò vào trễ hơn thầy nửa tiếng, đến nơi nghe điện thoại rồi ăn quà vặt. Đến lúc thầy bảo ghi, họ nhìn nhau cười. Ban chủ nhiệm phải chạy đi mua vở, viết phát cho mỗi người. Nhưng có ghi được bao nhiêu, toàn là ngồi vẽ hình bậy bạ. Suất học sau lại quên tập, rồi ban chủ nhiệm lại đi mua…Cứ đà như thế, trình độ văn hóa và học vấn của nghệ sĩ bao giờ mới khá?.
| Danh hài Hoài Linh. Ảnh Facebook |
Hoài Linh cho biết thêm, để tránh hiện tượng xấu đó, ban chủ nhiệm CLB Sân khấu hài TP HCM do anh làm chủ nhiệm đã đề ra một phương hướng tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi và đúc kết kinh nghiệm biểu diễn một cách nghiêm túc. Trong đó, học phải ra học, không phải cứ đến học mà nói chuyện riêng tư, rồi thoải mái ăn quà vặt như thế.
Những câu chuyện hậu trường đầu xuân này cũng là những bài học đắt giá mà những nghệ sĩ "gạo cội", những người làm nghề nghiêm túc mong muốn nghệ sĩ trẻ, các "đệ tử", đàn em cố gắng tránh đi để đời sống văn hóa, nghệ thuật 2015 trở nên tốt đẹp hơn.
Sources: nld |