Ngày Đăng: 14 Tháng 06 Năm 2013 Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Một bữa, má tôi mang về nhà một miếng vải in hình các trái bong bóng đủ màu sắc rất đẹp mắt, rồi bảo sẽ may quần áo cho hai chị em Ái Vân - Ái Xuân. Chị em tôi bèn lấy ngay miếng vải quấn má lại, nói rằng làm thế này để má khỏi đi đâu được nữa, Má sẽ ở nhà với mình. Bà ngoại phải dỗ dành mãi mới gỡ miếng vải ra khỏi người má để mang may đồ cho hai chị em.
Bà ngoại tôi là người vừa nấu ăn ngon, lại may vá rất giỏi. Bà cũng vô cùng thiện nghệ trong việc làm đạo cụ sân khấu bằng giấy bồi. Chính bà đã truyền nghề này lại cho anh Hà Quang Sơn. Anh Sơn sau này làm đạo cụ sân khấu cho nhiều vở của Đoàn kịch nói Trung Ương, Đoàn cải lương, tuồng, chèo, múa rối. Tôi còn nhớ hồi đó, mỗi khi các đoàn dựng vở mới là sân nhà tôi lại rộn ràng, tấp nập. Mấy bà cháu dán dán bồi bồi, sơn sơn phết phết đủ thứ từ trái cây, bộ ấm chén cho tới con gà, con cá.
Bà ngoại tôi nghiện thuốc lào rất nặng. Bà vừa làm các đạo cụ sân khấu bằng giấy bồi, vừa chỉ dẫn cho đàn cháu. Thỉnh thoảng bà dừng tay, rít thuốc lào sòng sọc trong bát điếu. Cái xe điếu của bà là nỗi sợ hãi của chúng tôi. Cho dù bà không dùng nó để đánh đòn, nhưng hễ đứa nào cứng đầu, bà liền dứ dứ xe điếu bằng trúc, vậy là đứa nào đứa nấy xanh mặt.
Thời đó, gia tài của cả nhà tôi chỉ có 4 món đáng giá nhất: chiếc xe đạp Dura của Pháp, quạt máy Morelli, chiếc máy khâu và đài bán dẫn. Từ chỗ sở hữu 7 chiếc xe đạp Dura, giờ chỉ còn có một chiếc duy nhất để làm phương tiện đi lại cho cả gia đình, mới biết ba má tôi đã phải khổ sở với hoàn cảnh mới thế nào. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại đó. Thời gian này mới chỉ là giai đoạn đầu của sự sa sút trong một gia đình vốn phong lưu và nổi tiếng của ba má tôi mà thôi.
Trong ngôi nhà phố Huế, đại gia đình tôi, nội - ngoại cùng chung sống. Bên nội ở trên gác, còn bên ngoại ở dưới nhà, cả thảy có 4 thế hệ. Cô ruột tôi, ca sĩ Hà Huyền Nga có nhiệm vụ lo cho ông bà nội, còn ba má tôi thì lo cho bên ngoại. Lúc này, anh cả Hà Quang Hiến đã học xong Trung cấp thủy sản và đi làm, anh trai Hà Quang Tuyên cũng đã đi dạy học ở Hải Phòng, chị Hà Thị Phi Yến đã cưới chồng, chị là diễn viên Đoàn cải lương Chuông Vàng Thủ Đô. Ở nhà còn cả thảy có 10 miệng ăn. Cả ba má tôi đều không quen những công việc thu vén nhà cửa với bầy trẻ con lít nhít chúng tôi, do vậy, một tay bà ngoại tôi xoay xở.
Tháng nào cũng vậy, nửa tháng đầu là đã tiêu hết veo tiền lương, nửa tháng sau phải đi ứng tiền lương để sống tiếp. Quần áo thì cứ lấy của đứa lớn may lại cho đứa nhỏ kế tiếp. Để cải thiện bữa ăn, ba má tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín khắp cả miếng sân trước nhà.
Chiều chiều, mấy anh em tôi đi xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn. Đến bữa, con lợn kêu ầm lên, còn con gà nhảy ra gào cục tác vào đúng lúc còi trưa của Nhà hát lớn cất lên. Bà ngoại tôi sẽ xem đứa nào ngày đó cần tẩm bổ thì lôi ra, cho mút trứng gà sống. Tôi gầy nhất nên thường bị bắt phải ăn, sợ phát khiếp!
Nhưng đúng thời gian này, khi gà, lợn, ngỗng đang lớn nhanh thì sân khấu Ái Liên – nơi đã biến thành sân khấu múa rối cũng bị xóa bỏ hoàn toàn. Ước mong của ba tôi khi cho nhà nước sử dụng nhà là để vợ con được đứng hát trên sân khấu nhà mình đã tan tành mây khói. Sân khấu - Rạp hát Ái Liên - một trong những rạp hát hiếm hoi của Hà Nội, nơi gửi gắm bao khát khao, bao mồ hôi và nước mắt của ông bầu Hà Quang Định và cả đại gia đình đã chẳng còn nữa, thay vào đó là bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa.
Mảnh sân nhà, nơi mang đầy những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ của chúng tôi, giờ chật ních mấy chục chiếc xe đạp của nhân viên Bộ Văn hóa tới ăn bếp ăn tập thể. Vậy là bao nhiêu lợn, gà, ngỗng, thỏ và cả giàn nho xanh um mướt mát đều bị phá bỏ và lên mâm. Tôi yêu quý những chú thỏ vô cùng, con vật xinh đẹp đáng yêu là thế cũng bị cho vào nồi, nên tôi nhất quyết không ăn. Còn anh Thành và chị Mai tôi, người đã có công nuôi lợn thì ba má nói “dành cho mỗi đứa cái chân giò để chiêu đãi bạn bè”.
Khi con lợn mà anh Thành hàng ngày chăm sóc bị giết mổ, anh đã khóc hu hu, rồi trốn khỏi nhà một mạch từ sáng tới đêm mới quay trở về. Nhưng đến ngày hôm sau, khi cơn xúc động đi qua rồi, cơn … đói bụng òa tới, anh cũng chén sạch những món ăn làm từ chú lợn mà anh đã cho ăn và tắm rửa hàng ngày! Riêng hai chú ngỗng sau khi “bị” hoá kiếp thì được bà ngoại tôi đã lấy mỡ ngỗng rán lên, bỏ vào cặp lồng. Bếp ăn tập thể bữa nào nấu cơm có cháy, bà xin về, lấy mỡ ngỗng rưới lên trên cơm cháy rồi cho lũ cháu chúng tôi ăn. Trong ký ức của mấy anh em tôi, mỡ ngỗng ăn với cơm cháy đã trở thành món ăn kỷ niệm ngon nhất trong những ngày mùa đông giá rét ở Hà Nội.
Sources: giadinh |