Ngày Đăng: 03 Tháng 07 Năm 2015 Những làn điệu ví, giặm xứ Nghệ ăn sâu vào tâm hồn nhạc sĩ An Thuyên, để rồi một cách tự nhiên, chúng vang lên trong những sáng tác ngọt ngào, trữ tình của ông.
Nhạc sĩ An Thuyên sinh ra và lớn lên ở làng Kẻ Đáy, thôn Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhạc sĩ từng kể về nơi mình sinh ra: đó là một miền quê nghèo khó, cuộc sống mẹ cha lam lũ, tuổi thơ ngày ngày ăn cơm độn khoai, mà khoai vốn thường nhiều hơn cơm. Thế nhưng, chính quê hương - mảnh đất dân ca trù phú - đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ. Chàng trai An Thuyên năm 11 tuổi đã thổi sáo, kéo nhị cho mọi người trong nhà hát. Những khúc ví, giặm mang cả cuộc sống, nỗi lòng con người xứ Nghệ như dòng sữa nuôi lớn tâm hồn ông từ những năm tháng tuổi thơ.
Từ năm 1967, An Thuyên công tác ở ty Văn hoá Nghệ An. Công việc giúp ông có điều kiện gắn bó, tìm hiểu sâu sát hơn về những làn điệu dân ca quê mình. Trong vòng năm năm, ông cùng đoàn nhạc sĩ của Viện nghiên cứu Âm nhạc đi dọc dải sông Lam, ghi chép, sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Những làn điệu đó lại càng ngấm vào người An Thuyên, trở thành một phần máu thịt.
| Nhạc sĩ An Thuyên. |
An Thuyên bắt đầu sáng tác từ năm 1972, với nhạc phẩm Em chọn lối này. Từ đó trở đi, các ca khúc đều đặn ra đời. Phần lớn sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ thành công khi khai thác, vận dụng vốn âm nhạc dân gian.
Trong những ca khúc chủ đề quê hương của ông, Neo đậu bến quê được cho là nổi tiếng nhất. Bài hát như sự rút lòng của nhạc sĩ về tình yêu quê hương. Dù viết bằng âm hưởng dân ca xứ Nghệ, tình quê hương trong bài hát rất cụ thể, khiến mỗi người con đất Việt khi đi xa nghe được đều rưng rưng xúc động. Quê hương trong An Thuyên là khúc sông, con đò, bãi ngô, là giọng đò đưa thân thuộc. Neo đậu bến quê như bước chân của người con lâu ngày đi xa, trở về chốn cũ, bước xuống con đò tuổi thơ tìm lại một phần ký ức. Thời gian trôi, chỉ có "người xưa xa vắng", lòng người trải bao cay đắng. Nhưng vẫn còn đây lối cũ, sông quê, bao dung cho tâm hồn tha hương trở về neo đậu. Ca khúc ra đời năm 1993. Nhạc sĩ An Thuyên từng chia sẻ đó là thời gian ông bắt đầu trải nghiệm những đắng cay của cuộc đời, chỉ muốn được trở về tắm mát trong dòng sông quê.
Ca dao em và tôi cũng là ca khúc tràn ngập âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh, về chuyện tình "với người con gái tôi yêu nơi làng quê". Giai điệu trữ tình với những ca từ đầy chất thơ khiến ca khúc trở thành một trong những tác phẩm viết về tình yêu lứa đôi gắn với quê hương hay nhất. Chàng trai trong bài hát mang tâm hồn lãng mạn, si tình cùng sự chân chất, mộc mạc của những con người miền Trung, dù cuộc sống vất vả vẫn sẵn lòng làm tất cả vì người anh yêu: "Cắt nửa vầng trăng/ Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ/ Chặt đôi câu thơ/ Bẻ đôi câu thơ/ Tôi làm mái chèo lướt sóng/ Đưa tôi về/ Đưa tôi về với người tôi yêu". Ca khúc được nhạc sĩ ủ ấp 10 năm mới hoàn thành, xuất phát từ nỗi ám ảnh của ông về cuộc tình của chàng Trương Chi dành cho công chúa Mị Nương trong truyền thuyết.
Những ca khúc của An Thuyên góp phần vẽ nên sự đẹp đẽ, nên thơ, thắm đượm tình người ở những miền quê nghèo xứ Nghệ. Hay đúng ra, ông đã đưa những chất liệu trong cuộc sống đó vào sáng tác của mình để nó đến được với mọi người. Rồi từ đó phản ánh con người, tâm hồn của nhạc sĩ - một con người dù đi suốt đời cũng không ra khỏi những điệu dân ca, dù sống ở đâu cũng đau đáu về quê hương xứ Nghệ.
Không chỉ viết về quê mình, nhạc sĩ An Thuyên còn có những ca khúc hay về những miền đất khác như Huế thương, Chiều sông Thương, Hà Nội tình yêu tôi, Khi xe tăng qua miền Quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu... Trong đó đều chứa đựng tình yêu gia đình, tình yêu trai gái, tình yêu dành cho quê hương nói chung.
Ngoài các ca khúc đề tài quê hương, nhạc sĩ An Thuyên cũng được biết tới với những sáng tác về Hồ Chí Minh. Ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - tác phẩm nổi tiếng của An Thuyên - ra đời năm 1974 khi nhạc sĩ mới 24 tuổi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời được năm năm nhưng trái tim người nhạc sĩ khôn nguôi cảm giác mất mát lớn. Hình ảnh Hồ Chủ tịch thời thơ ấu được tái hiện cùng không khí hát phường vải của Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, kết nối bằng những làn điệu ví, giặm, điệu hát ru xứ Nghệ... Ca khúc đậm chất dân ca được ca sĩ Lệ Thanh ở Đoàn Văn nghệ xung kích Tỉnh đội Nghệ An thể hiện, sau đó đến với công chúng cả nước qua giọng hát của NSND Thanh Hoa, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ca khúc nằm trong số sáng tác mà khi còn sống, nhạc sĩ An Thuyên tâm sự ông đã rơi nước mắt khi viết. Hai ca khúc còn lại là Mẹ Việt Nam anh hùng (năm 1994) và Tiếng đàn viết khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất (năm 2013).
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời do nhồi máu cơ tim cấp chiều 3/7, hưởng thọ 65 tuổi. Với những ca khúc để lại cho đời, ông xứng đáng được gọi là nhạc sĩ của quê hương, của những làn điệu dân ca thắm đượm nghĩa tình.
Sources: vnexpress |