Ngày Đăng: 24 Tháng 10 Năm 2012 Nhạc Sĩ Trần Trịnh và những giây phút cuối cùng với Mai Lệ Huyền
Tối Thứ Bẩy, ngày 6 tháng 10, điện thoại từ chị Nhật Ngân báo tin cho Phương Hồng Quế biết anh Trần Trịnh đã nhập viện, lần này có vẻ khó qua... nhưng rất tiếc, đêm Thứ Bẩy, ngày 6 tháng 10, Phương Hồng Quế cùng Ngọc Minh, Mai Lệ Huyền, Phượng Khanh, Linh Phương, Kiều Loan, TQB... bận trong show nhạc Cánh Bằng Trực Thăng Hội Ngộ do ca sĩ Phượng Linh và Anh Thu tổ chức nên PHQ không nghe được lời nhắn điện thoại. Mãi đến trưa hôm sau, Chủ Nhật, ngày 7 tháng 10, khi nghe được tin, PHQ vội vàng cùng nhạc sĩ Minh Tân (một học trò, một đàn em của nhạc sĩ Trần Trịnh từ năm 1976 khi đi trình diễn chung ở Sài Gòn và các tỉnh), TQB ghé ngay bệnh viện thăm ông. Khi đến phòng 7229, thì đã có mặt 2 cháu Tùng và Ngọc cùng chị Trần Thị Mít, chị ruột của nhạc sĩ Trần Trịnh (vợ cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa) từ Palo Alto (miền Bắc Cali) cùng 2 cô con gái bay về. Tuy ông có thể hiểu được tình hình chung quanh nhưng sức khỏe của ông đã cạn kiệt rất nhiều.
Buổi tối khi về lại nhà, TQB gọi báo tin cho chị Mai Lệ Huyền, lúc ấy chị đang chuẩn bị một chuyến đi xa 2 tuần lễ vào trưa Thứ Hai ngày hôm sau, nhưng khi nghe tin, chị đã quyết định dời lại để khởi hành vào ngày Thứ Ba hôm sau, và ngay buổi chiều Thứ Hai (8-10-2012), chị cùng TQB đã vào thăm nhạc sĩ Trần Trịnh. TQB có rủ Phương Hồng Quế nhưng PHQ đã phải bay đi hát cho một sòng bài trên Seattle (sòng bài này đặc biệt mở show ngày Thứ hai) nên không đi chung được. Lúc này trong bệnh viện chỉ còn cháu Tùng, thế là 2 cô cháu có dịp nhắc nhớ lại nhiều chuyện vui trong quá khứ... Chính Tùng nhắc những chuyện mà Mai Lệ Huyền đã quên... Tùng nói: "Hồi ba mẹ con qua Mỹ, cô là người lấy xe chở gia đình con ra ngoài biển, có cả em Trúc...". Thời gian đó, là năm 1995, cũng chính Mai Lệ Huyền cùng các anh chị nhạc sĩ Ngọc Chánh, Nhật Ngân, cùng một số thân hữu đứng ra lo tổ chức đêm Hội Ngộ Trần Trịnh... Tùng cũng còn nhớ khá nhiều những kỷ niệm với chị Lệ Trinh (con gái của nhạc sĩ Trần Trịnh và Mai Lệ Huyền khi mấy chị em sống chung với nhau sau năm 1975...). Hai cô cháu nói chuyện với nhau đã khá lâu, nên chị Mai Lệ Huyền cùng TQB ra dấu đi về để trả lại sự yên tịnh cho phòng bệnh nhân, ai dè, cũng là lúc nhạc sĩ Trần Trịnh vừa tỉnh dậy. Chị MLH ghé sát giường và hỏi thăm xem ông có nhận ra không. Ông chớp mắt thật nhẹ nhàng. Mai Lệ Huyền hỏi và đùa với ông câu nào, ông chớp mắt như lời gật đầu ngay câu nấy. Ôi, ánh mắt hiền hòa như một thuở nào của thời trai trẻ đang bước vào con đường tình ái muôn màu
| Mai Lệ Huyền và cháu Tùng (con trai lớn của nhạc sĩ Trần Trịnh) tại giường bệnh của tác giả Lệ Đá trước 3 ngày ông ra đi. |
Đoạn phim TQB cũng quay được cảnh: trong lúc MLH nói chuyện với ông, đôi mắt ông, đôi tai ông như muốn lắng nhìn, lắng nghe từng giây phút một và bàn tay ông như loay hoay muốn lấy ra khỏi tấm mền để nắm chặt tay cô... Đoạn phim quay chỉ có 2 phút mà đầy ắp những tình nghĩa của một thời 2 người cùng bước chung trên một con đường. Đoạn phim sẽ được gửi về Việt Nam cho các con ông còn ở lại, và gửi cho Tùng và Ngọc để các cháu có thêm một chút tư liệu về ba mình.
Những tin ngắn về đám tang nhạc sĩ Trần Trịnh
- Lệ Hằng, tác giả của nhiều tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng best-seller như Tóc Mây, Ngựa Hồng, Thung Lũng Tình Yêu... hiện sống tại Úc. Thời gian qua, chị gặp nhiều chuyện buồn nhưng từ xa vẫn không quên gửi email nhờ người viết gửi lời phân ưu đến gia đình nhạc sĩ Trần Trịnh. Trong thư, chị tâm sự: “Nhớ cho chị gửi lời chia buồn đến gia đình nhạc sĩ Trần Trịnh, phần chị thì không vui chút nào vì anh Giàu đã vào nursing home rồi...”. Tháng 8 năm 2011, khi ghé đến Sydney, TQB cùng nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, Mary Hiếu Đặng (chị ca sĩ Đặng Minh Thông) ghé nhà thăm chị, dù đã phấn son trang điểm, nhưng cây viết Lệ Hằng vẫn không giấu được những nét xanh xao gầy muộn trên khuôn mặt của chị khi mỗi ngày, từng giờ, từng phút không thể rời xa người chồng nằm trên giường bệnh, ngày càng mỗi nặng. Cầu mong mọi điều bình an sẽ đến với tác giả của những Kinh Tình Yêu, Bản Tango Cuối Cùng... đầy yêu thương một thuở.
- Phương Hồng Quế vừa lo xong những việc cần thiết chuẩn bị cho tang lễ nhạc sĩ Trần Trịnh đã lên đường bay sang Úc Châu làm cuộc lưu diễn 3 tiểu bang. Từ Sydney, cô gửi email báo một tin không vui: “Hi bạn hiền, Quế vừa tới Sydney, lại nghe tin buồn Bố của CP và Châu bị stroke phải vào emergency. Hai đứa tụi nó sẽ bay đi Pháp ngay sáng mai để gặp Bố nó. Chắc tại ảnh buồn vụ Bà Nội mất nên bị lên máu. Thật vô thường đến không ai mà ngờ”. Quả là nhiều thứ xẩy ra đột ngột như ánh chớp. Thứ Ba ngày 9 tháng 10, người viết đến chùa Bát Nhã khi nghe tin bà nội của CP và Châu vừa từ trần bên Pháp, chỉ một ngày sau, 10 tháng 10, thêm tin nhạc sĩ Trần Trịnh ra đi, và giờ đây, ngày 17 tháng 10 đến phiên ba của mấy cháu gặp chuyện chẳng lành... Giờ đây chỉ biết chắp tay lạy Trời cho những người thân của mình qua cơn sóng gió...
- Mỹ Hòa (The CatTrio) từ Pháp gọi cho biết cô rất xúc động trước sự ra đi của tác giả Lệ Đá vì có nhiều kỷ niệm văn nghệ với ông. Tiếng hát Ba Con Mèo này sẽ nhờ cô bạn thân Linh Phương (Tam Ca Mây Hồng, Golden Bells) ứng hộ một chút quà ân tình trong việc chia sẻ những chi phí cho tang lễ.
- Nguyễn Đức Cường, tác giả phần lời của nhiều ca khúc được yêu chuộng như Chuyện Hợp Tan, Đường Xưa, Cõi Buồn, Hoang Vắng, Đà Lạt Chiều Mơ, Hạt Mưa và Nỗi Nhớ... Những lời tình này đã cùng với giòng nhạc Quốc Dũng đã đưa những ca khúc trên bay thật cao giữa những đỉnh trời âm nhạc Việt nhiều năm qua. Thứ Bẩy tuần này, mặc dù bận đi làm đến 1 giờ trưa mới xong, nhưng anh cho biết bất cứ giá nào cũng có mặt tại nhà quàn trước giờ thiêu để thắp nén nhang tạ từ vĩnh biệt ông anh Trần Trịnh. Trong lá thư email gửi người viết, anh NĐC tâm sự:
“Thật buồn khi biết nhạc sĩ Trần Trịnh không còn ở với chúng ta!
Nhạc sĩ Trần Trịnh, một bậc tài hoa lãng mạn, một nghệ sĩ lớn trong âm nhạc, và trong phong cách sống hàng ngày: Thẳng thắn, Trung thực, Giản dị, và rất Khiêm nhường. Anh là một chân dung đẹp trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Nghĩ đến anh, không lúc nào Nguyễn Đức Cường vơi đi sự nể phục. Sự ra đi vĩnh viễn của nhạc sĩ Trần Trịnh, sẽ để lại trong lòng người những hạt lệ khôn nguôi, ngậm ngùi và trong vắt như giai điệu Lệ Đá của anh. Chân thành chia buồn cùng các cháu và toàn thể Tang quyến. Xin cầu nguyện hương linh Anh an nghỉ nơi Cõi Vĩnh Hằng (Nguyễn Đức Cường)”.
- Quốc Dũng và Bảo Yến trước tin ra đi của nhạc sĩ Trần Trịnh đã rất xúc động vì tác giả những ca khúc nổi tiếng Mai, Bên Nhau Ngày Vui... từng một thời cộng tác với nhạc sĩ Trần Trịnh từ những ngày trước 1975. Trong lá thư email gửi từ Việt Nam, Quốc Dũng đã viết: “Chúng tôi đã mở nghe lại các bản nhạc của anh Trần Trịnh, những sáng tác có lẽ là cuối đời của anh mà chúng tôi đã hân hạnh được hòa âm và hát cách đây khoảng 8 năm. Trong đời, tôi đã thực hiện hòa âm rất nhiều album cho các nhạc sĩ, nhưng với album của anh Trần Trịnh lần đó, tôi thực sự ấn tượng mạnh mẽ về tài năng sáng tác của anh, đúng là một bậc thầy để từ thế hệ chúng tôi về sau phải luôn học hỏi. Tôi lại có cơ duyên được làm chung ban nhạc với anh một thời gian dài ở Sài Gòn trước 75. Hình ảnh người nhạc sĩ piano, trưởng ban nhạc thực hiền lành, rất vui vẻ, nhiệt tình chỉ dẫn cho các đàn em trong ban nhạc luôn mãi đọng trong tâm trí tôi. Buồn quá mỗi khi nhớ đến anh...
Album Trần Trịnh mà tôi kể trên, không biết đã có phát hành bên ngoài chưa, nhiều bài hay lắm... Bản Lệ Đá bất hủ của anh, so với những sáng tác mới trong album này thì chẳng ăn thua gì! Nếu chưa có album bên ngoài, các bạn tìm nghe thử trên mạng xem, nhớ các từ khóa liên quan: Trần Trịnh, Bảo Yến, Quốc Dũnghoặc tên vài bài hát như Trái Sầu Đầy,"Một Đóa Bâng Khuâng (Quốc Dũng)”.
- Chế Linh (Tú Nhi) mặc dù đang ở Việt Nam nhưng cũng dành thì giờ gửi những giòng phân ưu nhờ người viết gửi đến 2 cháu Tùng và Ngọc. Tác giả Đêm Buồn Tỉnh Lẻ, Mai Lỡ Mình Xa Nhau, Nụ Cười Chua Cay... đã viết: “Trần Trịnh vĩnh viễn ra đi nhưng dòng nhạc cũng như tên tuổi của sẽ không xóa nhòa trong hàng khán thính giả Việt khắp nơi trên thế giới. Chế Linh xin phân ưu cùng tang quyến. Cầu nguyện hương hồn anh thanh thoát ở một nơi không lụy phiền và sớm được đoàn tụ với Tổ Tiên (Chế Linh)”.
“T/B: Bảo mến, Anh hiện giờ đang ở VN mong em đưa tin hộ, cảm ơn em. Phone VN 094 33-77-556”.
- Connie Kim, mặc dù đi xa nhưng cũng là một trong những người cùng với ca sĩ Uyên Phương gửi thư về thăm hỏi buổi tiễn đưa cuối cùng của tác giả Lệ Đá, Tiếng Hát Nửa Vời: “Hello em, Thứ Bẩy Oct 13 ông xã và chị Connie Kim sẽ bay đi Đông Âu. Nếu em có biết tin tức về lễ an táng xin cho chị biết may ra chị kịp đến viếng xác Nhạc Sĩ lần cuối cùng. Thanks, Connie Kim”.
- Kim Tuyến mặc dù chưa làm việc chung với nhạc sĩ Trần Trịnh lần nào nhưng hồi còn ở Việt Nam, đôi lần chị vẫn được gặp tác giả Lệ Đá qua nhưng lần ông ghé làm việc chung với anh rể của chị, cố nhạc sĩ Duy Hải (cũng là nhạc sĩ viết bài Mưa Đêm Độc Hành). Trong email Kim Tuyến viết: “Cám ơn em đã báo tin. Chị sẽ cố gắng xuống tiễn đưa anh Trần Trịnh thứ bẩy này”. Tuy nhiên đến giờ chót, KT gọi xuống cho biết đôi chân chị lại sưng phù trở lại và đau nhức vô cùng, cho nên việc ghé nhà quàn có thể bị trở ngại.
- Thanh Lan hiện trình diễn ở Washington cho biết Thứ Hai mới về tới. Chị mong trong danh sách Phân Ưu Chia Buồn tác giả Tiếng Hát Nửa Vời, làm gì thì làm, đừng quên tên Thanh Lan...
- Nguyễn Văn Đông, tác giả của những tình khúc nổi tiếng như Sắc Hoa Màu Nhớ, Chiều Mưa Biên Giới, Hải Ngoại Thương Ca, Mấy Dậm Sơn Khê vừa trải qua những ngày tháng sức khỏe chưa phục hồi nhưng cũng ghi vội những giòng thương tưởng đến nhạc sĩ Trần Trịnh. Ông ghi: “Nhờ chú Bảo chuyển lời chia buồn Vô Cùng Thương Tiếc của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đến Gia Đình nhạc sĩ Trần Trịnh. Chú Đông – Sàigòn”.
- Gia Đình Cố Nhạc Sĩ Hoàng Trang sau hơn một năm vẫn chưa nguôi nỗi đau xa chồng, xa cha... vừa gửi một lá thư email sang chia buồn đến 2 cháu Tùng và Ngọc: "Dear Chú TQB! Thay mặt cho gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Trang cám ơn thông tin của Chú. Vợ cố nhạc sĩ Hoàng Trang là bà Nguyễn Thị Hồng xin gửi lời chia buồn đến gia đình NS Trần Trịnh và gửi đến chú B. những lời chúc sức khỏe và luôn hạnh phúc. Gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Trang”.
- Hoàng Thi Thao, một người có rất nhiều kỷ niệm và tài liệu về các văn nghệ sĩ trước 1975. Riêng về sự ra đi của nhạc sĩ Trần Trịnh, nhạc sĩ vĩ cầm HTT đã ghi lại: “Ngày 8 tháng 5 năm 1968 (Mậu Thân),Trần Kiêm Thêm phóng viên báo Lý Tưởng phóng xe Honda C50 từ Tân Sơn Nhất tới quán Café đường Nguyễn Trung Trực, bên cạnh Giám Sát Viện, trước Đài Học Văn Khoa Saigon) báo tin: Lưu Kim Cương vừa bị 1 phát B40 bay hết nửa thân người. Trịnh Công Sơn ngồi cạnh điếng người, đêm đó viết 'Cho Một Người Vừa Nằm Xuống' , rồi nhờ tôi tập cho Khánh Ly kịp hát 49 ngày giỗ LKC.
Một người bạn văn nghệ của LK Cương là Thi Sỹ Hà Huyền Chi viết 1 bài thơ: Kim Cương, Tên Mầy Là Đá Quý. Nhạc Sỹ Trần Trịnh phổ bài thơ thành ca khúc 'LỆ ĐÁ'.
Cùng năm 1968 Đài Phát Thanh Saigon có giải thưởng Ca Khúc được ưa thích nhất trong năm. TCS và tôi đều yên trí Lệ Đá sẽ được trúng giải , nhưng không ngờ thính giả bầu chọn Tình Nhớ trước Lệ Đá chỉ vài trăm phiếu. Ngoài ca khúc Lệ Đá, Trần Trịnh đã để lại nhiều tác phẩm với melody tuyệt vời , đám nhạc công, ca sỹ đều say mê, ngưỡng mộ! Tạm biệt anh Trần Trịnh , anh lớn tuổi anh đi trước, em nhỏ hơn nhường đường cho anh là đúng lễ nghĩa rồi. Hẹn gặp anh”.
- Đắc Lân, một nhạc sĩ của giới nhạc trẻ nổi tiếng từ trước 75, từ Sài Gòn gửi email đến Forum Ban Nhạc Ca Sĩ ghi vài giòng kỷ niệm: “Tôi đã có thời gian dài làm cùng với anh Trần Trịnh tại Đệ Nhất Khách Sạn. Rất buồn và rất tiếc vì đã không gặp được anh những ngày cuối đời. Nếu an hem trên Forum tổ chức phúng điếu xin báo cho con gái tôi là Vân Quỳnh được biết để đến thăm viếng anh Trịnh nhé. Thanks”.
- Minh Tân, một nhạc sĩ đàn em, một học trò của nhạc sĩ Trần Trịnh từng làm chung với ông trong đoàn Cửu Long từ năm 1976, trước khi nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời vài ngày, chính Minh Tân chở Phương Hồng Quế, TQB lên thăm ông tại Bệnh Viện UCI. Ngày ông Trần Trịnh ra đi, Minh Tân gửi email: “TQB mến, mình đang đàn bài Tiếng Hát Nửa Vời.
Và tí nữa mình sẽ post lên Youtube và Facebook giống như lần trước mình có đàn để lưu niệm ngày anh N. Ngân ra đi. Bài Tiếng Hát Nửa Vời ông sáng tác năm 1975, bài này mình có nhiều kỷ niệm với anh Trịnh hơn là bài Lệ Đá nên mình đánh bài này. Minh Tân”.
- Châu Hiệp guitarist và phu nhân là 2 trong số những người rất thân với tác giả Lệ Đá. Ngày 7 tháng 9, trước khi mất 1 tháng, nhạc sĩ Trần Trịnh còn ghé nhà thăm tay đàn guitar hàng đầu ở Vũng Tàu này. Buổi đó, nhà nấu chả giò, không hiểu sao, Trần Trịnh ăn rất nhiều món này và cười nói luôn. Nhân dịp nhà nhạc sĩ C.H vừa mua được một cái ghế dài để massage, Ông cũng leo lên, nhưng chỉ nằm được chưa đầy 1 phút, thì phải xin cúp điện, leo xuống vì chứng bệnh ngộp thở trở lại. Cũng nên nói thêm, suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Trần Trịnh mỗi khi ngủ, phải ngủ ngồi, chứ nằm xuống là không thở được.
- Thùy Linh (Maxim) tuy không có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Trần Trịnh nhưng vẫn thường gặp ông qua những sinh hoạt với Mai Lệ Huyền những năm 1969-1970 tại Maxim hay Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Thứ Bẩy này, dù nhà khá xa nhưng Thùy Linh sẽ lái xe xuống tiễn đưa Ông lần cuối cùng.
- Trong số những lá thư xa gần gửi lời phân ưu đến gia đình cố nhạc sĩ Trần Trịnh, còn có ca sĩ Thanh Thúy, LiLian, thi sĩ Hoài Hương, Mai Hiên, Tony Hội, Giang Kim, Nguyễn Hữu Huy, Uyên Phương...
(đón đọc tiếp số tới cùng với hình ảnh tang lễ nhạc sĩ Trần Trịnh).
Kim Vui – Bích Chiêu – Yến Hương tái ngộ sau tròn 50 năm xa cách
Bích Chiêu, Thanh Thúy, Kim Vui, Yến Hương, Thu Hương... đó là những người bạn của một thời tuổi trẻ. Của một thuở Sài Gòn mắt biếc môi hồng những năm tháng 1960, 1961... Đó là những ngày họ chỉ biết rong duỗi hát ca, và “đồng tiền”, “danh vọng” chưa hẳn là những thứ hàng đầu trong cuộc sống. Thuở đó, Bích Chiêu dù đã đi hát kiếm ra được tiền, nhưng mỗi khi đi đâu về khuya, bà mẹ nàng luôn là người lo lắng nhất trong nhà. Bà la, bà mắng, có nhiều khi cầm cả roi mà đánh, vì bà quan niệm, không phải con kiếm ra được tiền là không còn dậy, không còn đánh được... và một trong những nơi Bích Chiêu tìm đến ẩn náu, chính là nhà của Yến Hương. Yến Hương nhắc lại: “Có lần Bà biết được Bích Chiêu trốn trong nhà YH, Bà xông vào, Bích Chiêu núp né dưới cái nôi mà bé Joseph Hiếu mới có mấy tháng đang nằm (Joseph Hiếu sau này sang Mỹ xuất hiện trên một số phim truyền hình của Mỹ), tay Bà quất roi, tay Bích Chiêu thì đỡ... cái nôi của bé Hiếu thiếu điều lật úp”... 50 năm kể lại những câu chuyện này, để thấy tình chị em của Bích Chiêu – Yến Hương đầy ắp thế nào.
| Sau 50 năm dài xa cách, những ân tình cũ hội ngộ nước mắt tuôn trào. |
Riêng tình bạn của Kim Vui và Bích Chiêu cũng thế. Buổi tối ngày 28 tháng 9/2012, khi Bích Chiêu từ Pháp đến Mỹ, người viết đề nghị chở nàng đi thăm một vòng những người bạn cũ mà họ đã thất lạc nhau tròn nửa thế kỷ. 50 năm đã trôi qua, đúng thế! Đó là thời điểm 1962, khi tên tuổi Bích Chiêu cùng với những Thanh Thúy, Bạch Yến, Kim Vui, Yến Vỹ, Linh Đa... đã ngự trị thật cao trên đỉnh trời ca hát, tưởng đâu nàng mãi vui hát ca quên đi sầu đau nhân thế, nhưng như một ánh chớp, Bích Chiêu bỏ Việt Nam ra đi không một lời từ biệt. Câu nói xúc động nhất mà người viết thu được trong giây phút Bích Chiêu gặp lại Kim Vui buổi tối ngày 28 tháng 9-2012 tại nhà hàng Favori, hai người ôm chầm nhau, giữa những rưng rưng lệ cay, Kim Vui đã thốt lên: “Bích Chiêu ơi... ngày đó ra đi mà sao không nói với ai câu nào...”.
Trường hợp Yến Hương có phần khác hơn. Cô đã thật sự giã từ sân khấu 25 năm nay. Mỗi khi nhớ về chị, người viết lại nghĩ về 4 câu thơ của Viễn Châu, nghĩ đến sau này những ngày rời xa sân khấu ánh đèn của nghiệp hát ca...
| Nửa thế kỷ gặp lại, giây phút Kim Vui và Bích Chiêu trùng phùng rơi lệ. |
“Buông màn xuống rồi danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh quang lẫn đoạn trường...”
| Kim Vui, Bích Chiêu, ngày tái ngộ. |
Từ ngày Yến Hương quyết định ngừng hát, chị không còn liên lạc với ai. Sống lặng lẽ một mình trong căn phòng nhỏ và chỉ tiếp phone của những người thật thương yêu. Lần sau cuối chị xuất hiện ở đám đông người, đó là ngày 9 tháng 11 năm 2009, ngày cuối cùng tiễn đưa xác thân nhạc sĩ Lê Văn Thiện trở về tro bụi. Sáng hôm đó, ít ai nhận ra được chị, bởi Yến Hương đeo đôi kính mát đen thật to như muốn che đi đôi mắt thâm quầng và khuôn mặt xanh xao của mình. Sau ngày đó, nàng lại biến tan như sương như may cho dẫu sinh hoạt bên ngoài vẫn luôn nhộn nhịp ồn ào. Khi Bích Chiêu đến Mỹ, người viết cố tìm ra lại số điện thoại cũ của Yến Hương, và khi gọi được cho chị, Yến Hương không ngờ rằng người bên kia đầu dây nói chính là Bích Chiêu... “Chị nhớ ra giọng ai không... Giời ơi, người mà 50 năm trước, mỗi khi bị đòn trốn vào nhà chị đấy...”. Nói đến thế, mà Yến Hương vẫn không nghĩ ra. Nếu có, chỉ là ngờ ngợ... và vẫn không tin người nói chuyện là một Bích Chiêu biệt tăm biệt tích tròn 50 năm chẵn. Ngay cả lúc người viết chở con chim lớn đầu đàn của The Uptight ghé thăm căn phòng nhỏ, Yến Hương xuống lầu và ra tận parking lot đứng chờ. Ánh nắng vàng buổi chiều sắp tàn hắt những giọt nắng lung linh thật đẹp, như những vệt sơn đang được một họa sĩ tài hoa tô vẽ thật ngoạn mục trên một khung vải mang tên tình bạn... (còn tiếp 1 kỳ)
Dạ vũ “Nửa Vầng Trăng” mừng sinh nhật ca sĩ Huy Thông, Thứ Năm Ngày 25-10-2012 tại Vũ Trường Bleu
Thứ Năm tuần này (25-10), tại vũ trường Bleu sẽ rất ồn ào nhộn nhịp với đêm “Nửa Vầng Trăng” mừng sinh nhật ca sĩ Huy Thông, đồng thời còn có giờ thắp nến mừng người đẹp Minh Phương thêm 1 tuổi hồng, mừng Rose Hồng từ phương xa trở về... Sẽ là một đêm thật vui, ngập đầy tình tình bạn... Mọi chi tiết xin gọi: (714) 981-9255.
| Thứ Năm ngày 25 tháng 9, Show “Nửa Vầng Trăng” mừng sinh nhật ca sĩ Huy Thông. |
Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.
Sources: viendongdaily |
|
|