Ngày Đăng: 14 Tháng 01 Năm 2018 Dù phổi đã yếu, chân đã mỏi, nhạc sĩ "Chiếc đèn ông sao" luôn dành tình yêu lớn với cuộc sống xung quanh.
Ngày 13/1, nhạc sĩ Phạm Tuyên được gia đình đưa tới một quán cà phê ở Hà Nội mừng sinh nhật lần thứ 89 của ông. Trong lúc chờ con cháu đưa lên gác, nhạc sĩ ngồi nhìn ngắm đường xá, cây cối. Hai tay Phạm Tuyên đặt lên nhau, một bên phải dán băng urgo vì da ông vốn nhạy cảm, chỉ cần xây xát nhẹ là chảy máu. Nước da của nhạc sĩ cũng đã chằng chịt những chấm đồi mồi, chỉ có gương mặt, đặc biệt là nụ cười và đôi mắt, luôn bừng sáng. Mỗi khi thấy bóng trẻ em chạy qua chỗ ngồi, ông trìu mến nhìn theo.
| Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Đức Trí. |
"Sang tuổi 89, tôi không được khỏe lắm, di chuyển khá khó khăn. Giờ đi đâu tôi cũng phải có người theo cùng, nếu không chỉ cần bị ngã đâu đó là rất nguy hiểm. Cách đây không lâu, nhiều nơi mời tôi đến dự các chương trình nhưng có đi được đâu, chỉ mở Facebook xem thôi. Lẽ ra, tôi phải chống gậy đến đây. Nhưng mấy hôm gần đây, tôi tập đi lại, giữ sức khỏe để hôm nay tiện đi giao lưu với mọi người", ông cười, nói.
Ngày trước, Phạm Tuyên vẫn hay chạy bộ quanh nhà để cơ thể dẻo dai. Những năm gần đây, ông hay lên sân thượng của khu tập thể để vận động. Con cháu đặt một chiếc xe đạp trong phòng để ông tập luyện. Nhạc sĩ bị hen kinh niên, một bên phổi đã bị khô, hoạt động kém. Mỗi khi trở trời, ông bị khó thở. Gia đình phải mua máy hỗ trợ hô hấp để ông điều hòa nhịp thở vào buổi chiều. Mỗi bữa, Phạm Tuyên chỉ ăn một bát cơm. Ông cũng không ngủ được nhiều, mỗi ngày tối đa khoảng bốn tiếng.
"Tôi ăn ít, ngủ ít, thời gian còn lại đa phần để đọc sách và suy nghĩ. Tôi giữ nếp đọc từ hồi còn bé đến giờ, không chỉ báo chí mà còn nhiều lĩnh vực khác... Tuy vậy, các bác sĩ khuyên chỉ dành ra vài tiếng mỗi ngày để đọc sách, thời gian còn lại cho đầu óc được nghỉ ngơi".
Người nhạc sĩ của trẻ thơ và nhân dân
Lúc mới được người thân dìu vào phòng tổ chức sinh nhật, Phạm Tuyên bất ngờ khi thấy những gương mặt cả thân quen lẫn lạ lẫm, từ trẻ em, thanh niên đến những cụ già chân run đứng không vững. Học trò của nhạc sĩ, có những người tóc ngả màu thời gian, gác công việc bận rộn để tới mừng sinh nhật ông. Khi đèn tắt, bánh sinh nhật thắp nến được đưa lên, nghe người thân và khán giả hô lớn lời chúc, nhạc sĩ ngồi trên sân khấu, lén lau nước mắt.
Trong buổi tiệc sinh nhật, Phạm Tuyên được nghe lại những sáng tác của ông do chính con cháu, bạn bè và những người hâm mộ biểu diễn. Những ca khúc quen thuộc như Tiến lên Đoàn viên, Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở Bản Đôn, Gửi nắng cho em, Nụ cười, Màu cờ tôi yêu, Năm bông hồng trắng... được cất lên. Các bài hát không chỉ nói về tuổi thơ mà còn về tình yêu đất nước, đôi lứa. Nhạc sĩ ngồi một chỗ vỗ vỗ đôi tay, lúc lại rung đùi, miệng lẩm nhẩm những lời hát một cách đứt quãng, khi nhớ khi quên.
Nhạc sĩ xúc động khi nghe những người phụ nữ tuổi 30, 40 kể họ hát ru con ngủ bằng sáng tác của ông - Khúc hát ru người mẹ trẻ, hay tự ru mình khi gặp những khó khăn, trăn trở trong cuộc sống bằng ca khúc Ngủ đi mắt ơi. Đặc biệt, khi Jayden Trịnh - á quân Vietnam Idol Kids 2016 - thể hiện ca khúc Nơi ấy Trường Sa, Phạm Tuyên rơm rớm. "Ngoài những lúc đọc sách, tôi hay nghĩ về hoàn cảnh của đất nước", ông nói.
| Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các học trò và người thân dự buổi lễ mừng sinh nhật. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn. |
Cách đây không lâu, trung tâm kỷ lục Guinness Việt Nam trao bằng chứng nhận Phạm Tuyên là nhạc sĩ Việt Nam có nhiều bài hát trẻ em yêu thích nhất. Nhắc đến đề tài yêu thích, nhạc sĩ Phạm Tuyên khen trẻ em Việt Nam thời hiện đại rất thông minh. Cách đây 50-60 năm, thiếu nhi không có nhiều cơ hội được giao lưu quốc tế như bây giờ. "Trẻ em hiện nay bị thiếu các bài hát tiếng Việt dành cho chính mình, phải tìm đến các sáng tác nước ngoài. Sự thông minh của trẻ em Việt cần được định hướng tốt, đừng đánh mất đi cái gốc của chính mình. Mong ước của những người già như tôi giờ chỉ là sẽ có nhiều người sáng tác cho thiếu nhi hơn nữa", ông nói.
Dù hiện tại không còn sáng tác nhiều, nhạc sĩ vẫn tìm được nguồn động viên tinh thần khi hàng trăm tác phẩm của ông vẫn được khán giả nhớ tới. Trong dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", tác phẩm cùng tên của Phạm Tuyên được nhắc đến nhiều nhất. Theo nhạc sĩ, một sáng tác sau gần nửa thế kỷ vẫn được nhớ tới là phần thưởng lớn nhất, đặc biệt là lúc cuộc đời ông đã gần đến chặng cuối.
Sống cuộc đời giản đơn, suốt 9 năm qua, ông đau đáu nhất mất đi người vợ.
Thành Tín - cháu ngoại 17 tuổi của nhạc sĩ - kể nhạc sĩ Phạm Tuyên rất yêu thương vợ - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết. Sáng nào họ cũng ăn uống, trò chuyện với nhau. Khi có thời gian rảnh, hai người đi du lịch. Dù cao tuổi, họ vẫn xưng hô với nhau là "anh, em". Bà Ánh Tuyết không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn giúp Phạm Tuyên sáng tác. Chính những hiểu biết của bà về tâm lý trẻ em đã giúp ông có được kho nhạc thiếu nhi đồ sộ.
| Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên và các cháu. |
Bà Ánh Tuyết qua đời là cú sốc tinh thần lớn đối với Phạm Tuyên. Đến giờ, ông vẫn chưa vượt qua được nỗi đau mất mát. Từ khi vợ mất, dù có con cháu chuyển về sống cùng, nhạc sĩ ít cười hơn trước. Hễ có ai nhắc đến bà, giọng ông đều hơi đục lại, đôi mắt lại ngân ngấn. Mọi kỷ vật của hai vợ chồng được ông đặt trong một chiếc tủ riêng. Mỗi ngày, Phạm Tuyên đem các thứ ra ngắm, lau chùi.
Thành Tín cho biết: "Ông là người giàu tình cảm nhưng che giấu cảm xúc rất giỏi. Ông tôi ít khi khóc trước mặt con cháu. Mỗi khi nhắc đến bà, ông đều trầm lại và không bao giờ cười. Thi thoảng, đến một nơi kỷ niệm nào đó của hai người, ông tôi lại kể về chuyện ngày xưa".
Trong mắt con cháu, người thân và bạn bè, Phạm Tuyên là người hiền lành, ít khi nổi cáu với ai, luôn bình tĩnh xử lý mọi việc. Thành Tín cho biết ông ngoại của anh lúc nào cũng quan tâm đến mọi người xung quanh, hỏi han từ chuyện sức khỏe đến học hành, công việc. "Ngày trước, có lần tôi đi chơi về, cứ thấy ông hỏi nhiều thì phát cáu lại buông những lời bồng bột. Tôi đoán chắc lúc đó ông cũng bực nhưng vẫn nói chuyện với cháu một cách ôn tồn. Càng lớn, tôi càng thấy mình học được đức tính này của ông", anh nói.
Đức Trí
Sources: Vnexpress |