Ngày Đăng: 19 Tháng 05 Năm 2015 Qua nhân vật Ngô Thì Nhậm, các tình tiết chính trị và tình cảm được đan cài trong kịch, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Công lý không gục ngã là vở kịch có cốt truyện hấp dẫn mạch lạc dưới bàn tay đạo diễn của Doãn Hoàng Giang. Từng dựng nhiều vở cho sân khấu phía Bắc, đây là lần đầu NSND gạo cội hợp tác với Nhà hát Tuổi Trẻ. Ở tuổi 77, sức sáng tạo của Doãn Hoàng Giang chưa có điểm dừng. Ông dựng vở kịch với nội dung vụ án, nhưng câu chuyện không hề khô cứng. Các tình tiết chính trị và tình cảm được đan cài, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Dựa trên kịch bản của Lê Chí Trung, đạo diễn cho phát triển, khắc họa tính cảnh điển hình của nhân vật theo nhiều tuyến.
Nội dung tác phẩm lấy bối cảnh xã hội thế kỷ 18, khi cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe Trịnh Cán và Trịnh Tông vào giai đoạn gay gắt. Không tham vọng dựng lại chính sự rối ren bậc nhất trong lịch sử Việt, Công lý không gục ngã chỉ đưa ra một lát cắt của chính sử, dựng nên tác phẩm sân khấu sống động về hình tượng danh sĩ Ngô Thì Nhậm.
| Khí tiết của danh sĩ Bắc Hà được ca ngợi thông qua hình tượng Ngô Thì Nhậm. |
Kịch mở màn bằng cảnh Đặng Mậu Lân ức hiếp dân chúng, cướp của dân lành, hãm hiếp con gái ngay giữa chợ... khiến cả kinh thành ngập tràn oan ức. Cậy thế là em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, là cậu ruột của Thế tử Cán sắp lên ngôi, hắn tự xưng mình là "cậu trời". Hắn cả gan giết quan của phủ chúa là Sử Trung Hầu, phạm vào thân thể công chúa dù trước đó chúa Trịnh đã ra lệnh cấm. Trước tình cảnh dân chúng oán than, công chúa và quốc mẫu tố cáo, Trịnh Sâm buộc phải cử Ngô Thì Nhậm xử lý tên "cậu trời" làm càn.
Là danh sĩ đất Bắc Hà, thông minh, cương nghị, Ngô Thì Nhậm thừa hiểu chúa muốn mượn tay mình giết Mậu Lân mà không làm mất lòng Tuyên phi. Phải xử một án khó vì những người tố cáo đều bị Đặng Thị Huệ mua chuộc, không có ai làm chứng, Ngô Thì Nhậm nhiều đêm không ngủ. Nhưng bất chấp sự dọa dẫm của Tuyên Phi, Ngô Thì Nhậm quyết xử Mậu Lân đúng công lý với quan niệm: "Kẻ sĩ phải có một minh chúa để thờ, chứ không thể cúc cung ngu trung phò tá cho một triều đình ruỗng nát".
| Diễn xuất của Minh Hằng (Quốc Mẫu) và Bảo Thanh (vai Đặng Thị Huệ). |
Các nghệ sĩ Như Lai, Bảo Thanh, Quang Ánh đã làm bật lên tính cách, nội tâm nhân vật. Thủ vai Ngô Thì Nhậm, nghệ sĩ Như Lai chăm chút từng chi tiết nhỏ như dáng đi thẳng, khoan thai toát lên sự cương nghị. Ánh mắt Như Lai khi thì đau xót trước nỗi khổ của người dân, lúc giận dữ với kẻ nghịch đạo làm càn, khi là cái nhìn khinh bạc với kẻ cường quyền mà luồn cúi, vô đạo. Diễn viên Quang Ánh thể hiện xuất sắc nhân vật phản diện Mậu Lân. Mỗi lần Quang Ánh xuất hiện là mang tới một ám ảnh kinh hoàng về kẻ dâm tặc. Diễn viên trẻ Bảo Thanh đảm nhận vai diễn có nội tâm phức tạp là Đặng Thị Huệ. Người đàn bà quyết đoán, mưu mô ấy luôn bị giằng xé trước việc làm mọi cách để bảo vệ ngôi báu cho con trai và tình yêu của chúa Trịnh giành cho mình.
Công lý không gục ngã cho thấy sự đầu tư dàn dựng của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhà sử học Dương Trung Quốc được mời tới để cố vấn, nói chuyện với êkíp về bối cảnh tác phẩm, một mặt giúp diễn viên hiểu mà diễn xuất tốt hơn, mặt khác tránh những sai sót không đáng có. Phần âm nhạc được chuẩn bị công phu với tiếng đàn bầu, giọng hát của NSƯT Thanh Thanh Hiền, tiếng trống dồn... hòa quyện từng lớp diễn.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng khéo léo trong những đoạn chuyển cảnh. Khi bộ phận thiết kế thay đổi đạo cụ, dàn cảnh màn tiếp theo, đạo diễn thường cho các lớp diễn nhỏ diễn phía ngoài sân khấu. Việc làm ấy nhằm tránh cho sân khấu không có thời gian chết.
Điều đáng tiếc nhất của vở diễn là đoàn kịch không có một sân khấu rộng hơn để phù hợp với quy mô tác phẩm. Do diện tích nhỏ, nên ở những đoạn xuất hiện nhiều nhân vật (lính tráng, người dân) thường khiến người xem cảm thấy rối mắt.
Công lý không gục ngã công diễn từ ngày 24/5.
Sources: vnexpress |