Ngày Đăng: 21 Tháng 05 Năm 2015 Một thương hiệu kịch từ lâu đã đi sâu vào lòng khán giả, nhất là khán giả thiếu nhi qua những câu chuyện cổ tích, thần thoại đầy sức sáng tạo và hấp dẫn là “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu Kịch IDECAF.
“Ngày xửa ngày xưa” thứ 28 mang tên “Nàng công chúa đi lạc” (tác giả, đạo diễn: Vũ Minh; diễn tại Nhà hát Bến Thành từ ngày 22-5 đến hết tháng 8-2015) cũng là tác phẩm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 15 năm thành lập thương hiệu này. 15 năm với 28 vở diễn, 28 không gian cổ tích từ Việt Nam đến các nước, “Ngày xửa ngày xưa” đã bán được từ 35.000 đến 40.000 vé cho mỗi chương trình - con số mơ ước đối với các vở kịch dành cho người lớn.
Từ số vốn đầu tư ít ỏi khoảng 100 triệu đồng cho mỗi vở diễn giai đoạn đầu, đến nay số kinh phí đầu tư lên đến nửa tỉ đồng/vở, như vở “Nàng công chúa đi lạc” đã chạm mức gần 500 triệu đồng.
| Các nghệ sĩ tham gia nhóm Líu Lo của chương trình “Chuyện ngày xưa” - tiền thân của chương trình “Ngày xửa ngày xưa” thuộc Sân khấu Kịch IDECAF |
Lấy thu bù chi, tái sản xuất và có lãi, chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” không chỉ dừng lại ở việc tạo sân chơi bổ ích cho khán giả thiếu nhi mà từ nguồn thu của thương hiệu này, Sân khấu Kịch IDECAF đã có kinh phí đầu tư cho những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao được dàn dựng ở đây. “Thật tình, nhiều năm qua, doanh thu của chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” đã cứu giúp những vở diễn nghệ thuật đỉnh cao, đầu tư kinh phí tốn kém nhưng khó doanh thu đủ bù chi. Thành tựu mà chúng tôi đạt được là khán giả cả người lớn lẫn trẻ em đến xem “Ngày xửa ngày xưa” đều cảm thấy thích thú. Do đó, khi đầu tư từ khâu kịch bản đến hình thức thể hiện, chúng tôi đều chú ý dung hòa thị hiếu của nhiều đối tượng, khán giả thiếu nhi và người lớn đi kèm...” - ông bầu Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Sân khấu Thái Dương, tâm sự.
Và từ việc không ngại đầu tư, thương hiệu này đã mở rộng địa bàn hoạt động, không chỉ biểu diễn tại TP HCM mà còn nhân rộng điểm diễn tại TP Đà Nẵng với phương thức chuyển giao công nghệ. Ê-kíp thực hiện sẽ đưa chương trình ra Đà Nẵng biểu diễn, trước đó đã mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo để khi hoàn tất các suất diễn mở màn, “phần hồn còn lại sẽ do các diễn viên của Đà Nẵng biểu diễn, đây là bước khởi động mở rộng thị trường cho thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” ra cả nước” - đạo diễn Vũ Minh cho biết.
Không dừng lại ở đó, ê-kíp thực hiện chương trình còn kỳ vọng mở rộng thị phần sang bên kia Thái Bình Dương sau chuyến lưu diễn thành công của vở “Hợp đồng mãnh thú”. “Ngày xửa ngày xưa” sẽ là thương hiệu kịch thiếu nhi đầu tiên chạm ngõ thị phần biểu diễn tại Mỹ, phục vụ khán giả kiều bào tại đất nước có đông người Việt định cư này trong tương lai gần. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, mỗi năm, Kịch IDECAF sẽ có 3 đợt lưu diễn sang Mỹ với 3 vở kịch dài mà trước mắt theo đơn đặt hàng là “Dạ cổ hoài lang”, “Tía ơi, má dìa!”; các suất buổi sáng cuối tuần trong 3 đợt lưu diễn này sẽ là những chương trình kịch thiếu nhi dành cho khán giả trẻ con. Chúng tôi có cơ sở để tin rằng chương trình sẽ thành công ở thị trường mới này”.
Sources: nld |