Ngày Đăng: 28 Tháng 06 Năm 2015 Trưa 28-6, đông đảo nghệ sĩ sân khấu đã đến Nghĩa trang Nghệ sĩ - Chùa Nghệ sĩ TP HCM nhân ngày giỗ cố NSND Phùng Há.
NSƯT Nam Hùng – con trai nuôi, người đại diện gia tộc Trương Phụng Hảo - đã thay mặt gia đình thắp hương khấn nguyện trong ngày giỗ mẹ ông.
| MC Thanh Bạch, NS Phú Quý, Chí Tâm và đông đảo khán giả đến thắp hương trong ngày giỗ của NSND Phùng Há |
Đạo diễn Huỳnh Mai – Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - đã ôn lại nhiều kỷ niệm đẹp khi còn là học trò của NSND Phùng Há. Bà nhắc lại cách đây không lâu, nhà hát đã thực hiện chuyên đề sân khấu đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 91 của NSND Phùng Há. Lúc đó, NSND Phùng Há đã yếu nhưng vẫn lên sân khấu thị phạm cho các diễn viên trẻ khi họ diễn các trích đoạn cải lương: Phụng Nghi Đình, Đời cô Lựu…
| Đạo diễn Huỳnh Mai - Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang |
Lần đó, chương trình được tổ chức đúng vào dịp TP HCM ra mắt Quỹ Hỗ trợ văn hóa - cũng là tâm nguyện cả đời của NSND Phùng Há khi bà luôn hết lòng vì sự nghiệp vun trồng nghệ thuật cho thế hệ trẻ.
NSND Đinh Bằng Phi bồi hồi nhớ lại: "Trong suốt 3 tuần tập dợt tại rạp Hưng Đạo, sự xuất hiện của cô Bảy đã hun đúc tinh thần cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương trưởng thành nhờ sự dìu dắt của cô. Tuy chương trình đã khóa sổ nhưng có nhiều nghệ sĩ điện thoại nài nỉ đạo diễn lúc đó là nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc được tham gia, để bày tỏ lòng yêu kính với má Bảy Phùng Há. Và cứ thế, chương trình có đến 24 tiết mục".
Cái khó thứ hai mà ê kíp biên tập thực hiện chương trình thời đó - gồm: NSND Huỳnh Nga, soạn giả Ngọc Linh, tác giả Văn Đức, NSƯT Hữu Quốc, đạo diễn Huỳnh Mai - là tìm kiếm tư liệu, tài liệu về NSND Phùng Há để thành hình ba phần hoạt cảnh: lúc cô Bảy còn nhỏ cho đến thành danh và những năm tháng gắn bó với phong trào từ thiện. Bất ngờ, NSND Phùng Há còn giữ được những kịch bản xưa, nên trong chương trình có một lớp diễn trích đoạn Tô Ánh Nguyệt nhịp tám, hoặc Tái sanh duyên (Mạnh Lệ Quân thoát hài) với phong cách xưa...
| NSƯT Tô Kim Hồng và Nam Hùng trong ngày cúng giỗ NSND Phùng Há |
“Đa số các nghệ sĩ tham gia chương trình đó đều không nhận thù lao, tất cả đều hết lòng thực hiện chương trình này để gây quỹ từ thiện ủng hộ nghệ sĩ nghèo và tham gia với Sở Văn hóa - Thể thao TP vận động mọi ngành hưởng ứng việc thành lập Quỹ Hỗ trợ văn hóa của TP” – NSND Đinh Bằng Phi xúc động kể.
NS Chí Tâm nói: “Đối với thế hệ chúng tôi, má Bảy là một ngôi sao Bắc Đẩu trên vòm trời sân khấu cải lương. Má chính là tấm gương để chúng tôi noi theo ước nguyện: Dù sân khấu có khó khăn đến đâu vẫn nghiêm túc trong sáng tạo. Tôi nhớ lời má dạy: Khi không còn là kép, là đào chánh thì chuyển sang đóng vai lão. Ở vị trí nào thì người nghệ sĩ hãy làm tốt vai diễn của mình. Có như vậy mới xứng đáng được công chúng thương yêu”.
| NSND Đinh Bằng Phi trong ngày giỗ NSND Phùng Há |
MC Thanh Bạch năm nào cũng đến cúng giỗ NSND Phùng Há. Anh tâm sự: “Nhân cách của ngoại Bảy luôn là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ. Những năm không còn sức khỏe để dạy học, bà đã quay về Chùa Nghệ sĩ dành hết thời gian chăm lo cho nghệ sĩ già neo đơn, không nơi nương tựa. Bà không quên trách nhiệm là người đồng sáng lập Hội Ái Hữu Nghệ sĩ, cũng như trọng trách xây dựng chùa và nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp hôm nay”.
| NSND Phùng Há hướng dẫn các học trò: NSƯT Thanh Thanh Tâm, đạo diễn Huỳnh Mai, NSƯT Tấn Giao diễn trích đoạn Đời cô Lựu. |
Đa số các thế hệ nghệ sĩ là học trò của NSND Phùng Há đã đến thắp hương nhớ về người thầy đáng kính của mình. Họ hoan nghênh việc nhà hát cho xây dựng nhà truyền thống cải lương khi rạp Hưng Đạo được đưa vào hoạt động. Tại đây sẽ lưu giữ và trưng bày những cổ vật liên quanh đến sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Nam Bộ.
| NSND Phùng Há trao quà từ thiện cho đồng bào nghèo |
Sources: nld |