Ngày Đăng: 31 Tháng 07 Năm 2015 Những câu chuyện học nghề từ cánh gà của thế giới màn nhung rất giá trị cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này
Nhóm Bầu trời xanh gồm những diễn viên nhí là con em của các nghệ sĩ sân khấu được hình thành từ đề án truyền nghề, học nghề của Hội Sân khấu TP HCM do đạo diễn Hoa Hạ, Mỹ Phượng, soạn giả Hoàng Song Việt hướng dẫn. Các diễn viên nhí được phân tích cặn kẽ từng lời ca, điệu bộ để hiểu thêm về diễn xuất. Nhìn các cháu ham học hỏi, hễ lên sàn tập thì hăng hái và tràn đầy nhiệt huyết, những nghệ sĩ truyền dạy cảm thấy vui mừng vì có một thế hệ kế thừa mới. Rất tiếc là ngày nay, hiếm có cánh gà để thế hệ trẻ học nghề như ông cha mình vì các suất diễn cải lương ngày càng ít dần.
Một chữ cũng là thầy
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan cho biết chị may mắn đến với nghề hát nhờ cha mẹ giàu có, lập gánh để con gái làm đào chánh. Từ nhỏ, chị đã được gia đình cho học ở Viện Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Cho đến lúc bước vào nghề hát, chị chưa một lần đóng vai đào ba nên bỡ ngỡ, đầy áp lực mỗi khi bước ra sân khấu.
| Nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương luôn dìu dắt các diễn viên trẻ đến với nghề |
“Chú ruột của tôi, nghệ sĩ Út Hiền, lúc đó dạy phải chịu khó qua các đoàn hát khác để xem mà học hỏi người ta. Đoàn tôi thích xem nhất là Thanh Minh, có chị Thanh Nga diễn. Tôi nhớ hoài lần vào hậu trường rạp Quốc Thanh gặp Thanh Nga, chị tặng tôi một hộp phấn. Hồi đó, ít ai tặng đồ trang điểm cho đào hát vì sợ mất duyên nhưng Thanh Nga thì không kỵ. Chị còn dặn hễ tôi muốn học gì thì qua đoàn Thanh Minh, mấy chú, mấy bác chỉ dạy tận tình. Rồi tôi lân la đến vào các giờ đoàn tập tuồng, học những kinh nghiệm từ bác Ba Văn Ngà, chú Ba Xay, anh Bảy Hùng Minh, anh Năm Thanh Sang và nhất là chị Thanh Nga đáng kính. Với tôi, một chữ cũng là thầy. Những nghệ sĩ đoàn Thanh Minh thời đó đều là thầy tôi. Khi Thanh Nga qua đời, thím Ba Thơ (bà bầu Nguyễn Thị Thơ - PV) mời tôi về thay thế những vai diễn của chị. Tôi sung sướng vô cùng, nhờ từng là “học trò dự thính” bên cánh gà nên tự tin bước vào các vai diễn của chị như: “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Nửa đời hương phấn…” - nghệ sĩ Kiều Phượng Loan nhớ lại.
Nghệ sĩ Mỹ Chi cũng từng lân la các đại bang để học nghề. Đoàn hát đầu tiên chị theo chính là đoàn Út Bạch Lan - Thành Được. Mỹ Chi đã được “má Út” chỉ dạy những bài học đầu tiên, đó là hóa trang cho vai diễn.
“Má Út rất kỹ trong việc hóa trang. Nếu 20 giờ mở màn thì 18 giờ, má Út đã vào hậu trường làm mặt. Còn ba Thành Được thì rất kỹ về bố cục sân khấu. Ông không thích nghệ sĩ ra sàn diễn mà lúng túng, đứng lạc đội hình. Khi tôi về đoàn kịch nói Kim Cương, diễn vai phụ trong vở “Người mua hạnh phúc”, chị Kim Cương là thầy của tôi. Chị chỉ dạy từng chút, bởi tôi là đào cải lương chuyển sang diễn hài rồi về diễn chính kịch. Chị nói: “Không thể để khán giả cứ nhìn thấy em là nghĩ tới tấu hài. Em phải khác khi đắm mình trong vai chính kịch” - nghệ sĩ Mỹ Chi hồi tưởng. Chị cho rằng mình đã trưởng thành nhờ các bài học từ những người thầy tuyệt vời.
Một chữ cũng là thầy, những nghệ sĩ trưởng thành bằng con đường truyền nghề đều quý trọng công lao của thế hệ đi trước. Từng theo chân các nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi cùng những diễn viên trẻ là học trò như Hữu Châu, Minh Hạnh đến nhà nghệ sĩ Kim Cương để tham gia buổi tập huấn, chúng tôi chứng kiến cảnh 2 chị khoanh tay chào thầy một cách cung kính. Thái độ đó khiến các diễn viên trẻ noi gương, học tập. “Lễ phép là bài học đầu tiên mà tôi dạy cho học trò của mình” - nghệ sĩ Hữu Châu tự hào.
Học làm người trước khi làm nghề
Nghệ sĩ Vũ Linh bồi hồi kể lại anh may mắn được nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và Trương Ánh Loan truyền dạy kinh nghiệm ca diễn. Dẫu vậy, việc nhận đệ tử để truyền dạy của họ không hề đơn giản.
“Chị Diệu Hiền từng bắt tôi quỳ gối 3 giờ chỉ vì ca một câu vọng cổ không xuôi. Chị Trương Ánh Loan còn đuổi thẳng thừng, bảo tôi gom đồ về nhà đi cắm câu, chứ học nghề mà ham chơi, lêu lổng thì biết bao giờ mới thành tài. Nếu hồi đó tôi tự ái thì đã hỏng việc. Tôi vẫn chịu ăn roi, nghe lời mắng nhiếc của thầy để được học nghề và dẹp bỏ thói ham chơi, lêu lổng của tuổi trẻ bồng bột” - nghệ sĩ Vũ Linh xúc động.
Mỗi “con đò” mà nghệ sĩ Vũ Linh “qua sông” đều chở nặng biết bao nhân nghĩa từ thầy, từ đàn anh, đàn chị truyền dạy. Nhờ vậy, anh trở thành diễn viên giỏi nghề. Ngày nay, anh tiếp tục làm “người đưa đò” cho một thế hệ diễn viên trẻ, như: Bình Tinh, Thy Trang, Lê Hồng Thắm, Lê Tứ, Hà Như, Võ Minh Lâm, Thy Nhung…
Từ cánh gà vươn đến thành công, tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật, thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương luôn biết ơn những người thầy mỗi đêm dạy cho họ bài học đầu tiên sau cánh gà, thêu dệt trong họ niềm đam mê sáng tạo. Những câu chuyện học nghề từ cánh gà của thế giới màn nhung rất giá trị cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này.
Học được nhiều điều hay
Giải Chuông vàng vọng cổ 2015 của Đài Truyền hình TP HCM đã được khởi động. Năm 2015 đánh dấu sự kiện 10 năm chặng đường tìm kiếm tài năng của giải thưởng này. Nghệ sĩ Minh Vương tiếp tục được mời làm giám khảo chuyên môn. Hầu hết 10 gương mặt đoạt giải 10 năm qua đều nhận từ anh những bài học kinh nghiệm trong nghề đáng quý, để phấn đấu trở thành diễn viên chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Võ Thành Phê bày tỏ: “Chú Hai Minh Vương từng mời tôi tham gia vở “Rạng ngọc Côn Sơn”. Chú đóng vai Nguyễn Trãi, còn tôi được đóng vai Hà Lâm, học trò của nhân vật này. Đó là dịp may để tôi có được nhiều bài học quý trên sàn diễn. Bên cánh gà, tôi học từ chú, từ thế hệ đi trước rất nhiều điều hay. Từ một diễn viên tay ngang, tôi nhận ra cánh gà sân khấu là trường học cần thiết để học nghề, để có cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật”.
Sources: NLD |