Ngày Đăng: 03 Tháng 08 Năm 2009 Vào khoảng năm 1950, ai đi ngang qua quán cà phê, gần đình Phú Hoà (Tân Định) đều gặp một lão ông đứng bán quán rất vui vẽ, luôn luôn sinh động và lúc nào cũng cười tươi với mọi ngươi đi vào quán. Đó là nghệ sĩ tài danh Huỳnh Năng Nhiêu, cha ruột của hai nghệ sĩ Kim Cúc và Kim Lan, những hạt ngọc của sân khấu cải lương.
Cả gia đình đều là trụ cột của đoàn Việt kịch Năm Châu và sau này là đoàn tập thể Phước Chung. Anh Bảy hồi ấy vẫn đi hát, nhưng buổi sáng còn trông nom quán cafe này với người vợ thân yêu. Anh thường nói với tôi: “Đây là chốn ẩn thân cuối cùng của mình. Những nghệ sĩ về già không còn được hát nữa, phải tạo cái gì để nuôi thân chớ hầu hết các nghệ sĩ cải lương của mình, lúc rời sân khấu luôn luôn chỉ còn hai bàn tay trắng, sống rất cực khổ và ít khi có người đoái hoài tới”.
Nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu là một tài danh sân khấu, nghề nghiệp rất vững vàng. Hai người con gái của ông, nữ nghệ sĩ Kim Cúc và nữ NS Kim Lan đã một thời vang danh trên các sân khấu miền Nam. Bây giờ tất cả đã đi vào thiên cổ, nhưng vẫn còn lưu lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, qua biết bao nhiêu vai diễn lừng lẫy một thời.
Bảy Nhiêu là một nghệ sĩ tiền phong trong số những người có công xây dựng nền tảng cho sân khấu cải lương, hơn nửa thế kỷ trước. Bản Tabou của anh vẫn còn được các soạn giả cải lương sử dụng trong tác phẩm của mình ở những tình huống trữ tình rất đắc. Nghệ sĩ Bảy Nhiêu cũng là người đầu tiên cùng nữ nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ đem chuông đi đánh xứ người. Vào năm 1931, 2 người đã sang Paris trình diễn một vở tuồng cải lương tại hội chợ đấu xảo Đông Dương: nữ NS Năm Phỉ trong vai Bàng Quý Phi và nghệ sĩ Bảy Nhiêu trong vai Tống Nhơn Tôn đã gây chấn động dự luận báo chí Pháp và họ bắt đầu nể trọng những nghệ sĩ sân khấu trên một đất nước xa xôi.
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu cũng đã viết một thiên hồi ký về cuộc đời 33 năm đi hát của mình, ghi lại những bước thăng trầm của sân khấu cải lương từ lúc phôi thai cho đến thập niên 40-50. Tài liệu quý giá đó bây giờ không biết đang nằm ở cơ quan nghiên cứu nào?
Về diễn xuất, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã đóng không biết bao nhiêu vai tuồng mà kẻ hậu sinh chỉ còn nhớ hai vai xuất sắc của ông trên sân khấu Năm Châu. Một là vai Ngũ Tử Tư trong vở “Tây thi gái nước Việt” và hai là vai Gia - Lữ-Sanh trong vở “Gió ngược chiều” mà soạn giả Năm Châu đã phóng tác theo kịch bản Ruy-blass của Victor Hugo. Trong vai Ngũ Tử Tư, nghệ sĩ Bảy Nhiêu xuất hiện dưới chân CôTô đài, râu tóc bạc phơ vì mối thù cha, thức một đêm trắng tóc. Lúc ấy ông đã là tướng lĩnh của Ngô Phù Sai, trung can nghĩa khí, nhìn thấy nhà vua say mê sắc đẹp của Tây Thy sắp mất nước, ông lên tiếng can giám vì quân Việt sắp sang sông. Tây Thi tài tình nói khích để trong cơn sai Ngô Phù Sai hạ lệnh trảm quyết trung thần. Bảy Nhiêu – Ngũ Tử Tư ngang nhiên chấp nhận cái chết với lời trăn trối cuối cùng.:
- Trảm thủ ta xong, các người hãy treo đầu ta ở cửa thành để ta dõi mắt nhìn quân Việt sang sông.
Lời thoại chí khái của ông đã làm rúng động tuồng thể khán giả và đã khiến Ngô Phù Sai bừng tỉnh trong cơn say rồi thốt lên những lời bi thảm:
Đêm tàn rồi, ái phi hởi có hay
Lòng khao khát đắn đo không nỡ dứt
Chua xót quá chút tình riêng rạo rực
Tình đôi ta sao bổng thấy mong manh.
Cái chết của Ngữ Tử Tư đã dự báo sự sụp đổ một ngai vàng.
Vai Gia-Lữ Sanh trong vở “Gió ngược chiều” lại là một con người khác: Bảy Nhiêu thể hiện một nhân vật phiêu bạt giang hồ, sau khi gia đình bị phá sản, Gia-Lữ Sanh lang thang khắp các nẻo đường nhưng đến lúc thấy Gia- Lữ -Tế, một người anh trong dòng họ trở nên hung bạo với nhiều âm mưu đen tối định làm tan rã một đất nước thì Gia-Lữ Sanh mới đứng về phe chính nghĩa đối đầu với Lữ-Gia-Tế. Bảy Nhiêu biểu diễn một cách khóang khoáng với nhiều sáng tạo và những lời thoại sắc bén, nhiều khi như bỡn cợt, nhưng đều đánh thẳng vào cường quyền áp bức.
Nghệ sĩ Huỳnh Năng Nhiêu đã qua đời trên 30 năm nhưng mỗi lần đi ngang quán nước gần đình Phú Hoà tôi vẫn mường tượng như thấy hình ảnh của anh vẫn còn đứng đâu đó sau quầy thu tiền và nụ cười thương mến luôn nở trên môi, đón nhận những bạn bè thân hữu trong và ngoài sân khấu, của một thời xa xưa
Sources: sankhaucailuong |