Ngày Đăng: 08 Tháng 06 Năm 2005 Sân khấu ngày nay có một làn hơi, một sắc vóc đã đi vào lịch sử cải lương từ những năm 40-50, để tròn 60 năm sau, vẫn nguyên trinh cái sắc-thần đầy cảm khái ấy khi kể lại tích Kiều qua bản Phú Lục - một trong sáu bài Bắc kinh điển giòn giã, hoành tráng của kho tàng âm nhạc cải lương, làm lay động lòng người đến độ ngạc nhiên ở chương trình Vầng trăng cổ nhạc lần thứ 5. Ở đây tôi muốn thành kính nhắc đến tên cô - cô Năm Cần Thơ - người nghệ nhân lẫy lừng trong phong trào nhạc tài tử của thập niên 40.
Những tên tuổi cùng thời với cô đã lần lượt ra đi như cô Ba Bến Tre, cô Năm Sa Đéc ... duy nhất còn một cái tên mà nghệ danh đã gắn liền nơi chốn sinh ra - cô Năm Cần Thơ. Một danh xưng không còn để phân biệt tuổi tác hay thứ bậc, mà định vị như một " tượng đài " của nghệ thuật ca nhạc tài tử - cải lương và trở thành nét đẹp trong cái hồn văn hoá sông nước Nam Bộ. Dường như vùng đất Tây Đô - nơi sản sinh ra cái tính con người hào khí, khoáng đạt đã tạo cho cô Năm một phong thái ca tài tử phóng khoáng, dập dìu không kém. Ở tuổi 80, cô ca bài Phú Lục rắn rỏi, uyển chuyển như năm nào. Cô cười giòn, bảo với lớp con cháu chúng tôi : " Cái gì mình cũng quên ráo trọi, chỉ riêng bài ca, tuồng tích là nhớ từng chữ một".
Nghệ thuật ca kịch cải lương đã từng được lưu giữ bởi Ngũ Vương, với phong cách diễn xuất mang nét quý phái của cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, chuẩn thước theo tính chất quy phạm của bác Năm Châu, bác Ba Vân và cô Hai Kim Cúc. Bên cạnh đó là Tứ Hoàng một thời làm lịm hồn khách tri kỷ bốn phương, với những tên tuổi như bác Tám Thưa, bác Năm Nghĩa, cô Tư Sạng... Đến cô Năm Cần Thơ là sự hài hoà giữa vẻ đẹp phơi phới của cô gái quê còn nguyên chất phù sa của dòng sông chín cửa, với một chút " làm đỏm " mang về từ nơi thành thị. Chất phong lưu từ những salon tài tử được phả thêm vào chất đồng quê, sông nước nên đầy đặn hơn, khỏe khoắn hơn đồng thời cũng ngọt ngào tình tự rất mực những bản Xuân Tình, Phú Lục, Tây Thi... qua cách ca điệu nghệ của riêng cô.
Phong lưu trong nghề bao nhiêu thì phong trần trong đời bấy nhiêu. Một kiếp miệt mài nhả tơ vẫn không đủ dệt cho mình một chiếc áo an bình cho những năm tháng còn lại. Nhiều lần Ba Ái Hữu Hội Sân Khấu , Nhà An dưỡng nghệ sĩ đòi đón cô Năm về chăm sóc nhưng cô đều lắc đầu, thậm chí nghe đâu còn đi trốn, sợ tụi nhỏ bắt về. Cô bảo :" vô trỏng, khỏe thì có khoẻ nhưng chật chội lắm, đi đâu về đâu cũng phải trình thưa không tự do chút nào." Là thế , một kiểu sống tiếu ngạo, một con người muốn sống đến tận cùng sự phóng khoáng. Chấp nhận cái nghèo nàn, khốn khó của đời sống cơm áo, để được phong lưu, bay nhảy trong thế giới của riêng mình.
Khi cô Bảy Phùng Há đang tìm sự bình yên trong tiếng chuông chùa, thi đâu đó trong công viên Tao Đàn, che chắn một chỗ vừa đủ trú mưa - là điểm dừng chân thường xuyên của cô Năm Cần Thơ. Thật ra, nếu chưa từng cảm nhận cuộc sống tận cùng bản chất của nó với những vui buồn, sướng khổ, vinh nhục, sang hèn, còn mất... thì mấy ai dám sống, dám chơi, dám phong lưu như bà? Một ly càphê, vài ba ván bài, rồi ư à theo Cửu khúc Giang Nam, Trường tương tư, Bình sa lạc nhạn... hay thi thoảng đi ca lẻ ở mấy phòng trà, quán nghệ sĩ, cả đóng phim, như từng xuất hiện trong Người đẹp Tây Đô, Giao Thời, Tôi vào đời... Hàng tháng, chỉ với 150,000 ngàn đồng tiền phụ cấp của Hội, của Ủy ban thành phố, thi thoảng con cháu trong nghề , trong bà con ghé qua, nhét túi vài ba chục là cô cũng đủ vui.
Đêm nay trăng nước Đầm Sen như đan kết những tâm hồn đồng điệu, nép mình sau cánh gà nghe cô Năm ca bản Phú Lục trôi nổi thân Kiều, tôi không giấu được niềm xúc động. Một chút giật mình trước người xưa, Bất tri tam bách dư niên hậu... chạnh lòng thoáng nghĩ mấy mươi năm sau, biết ai còn đứng đây để ca hát và ai còn chút đồng cảm để làm kẻ tri âm...
Trích từ Báo Phụ Nữ năm 2000 - NSưT Bạch Tuyết viêt lời
Sources: sankhaucailuong |