Ngày Đăng: 29 Tháng 10 Năm 2015 Nhân dịp sang Pháp tham dự Lễ tưởng niệm 100 ngày mất của GS-TS Trần Văn Khê, tôi được tháp tùng cùng GS-TS Trần Quang Hải và vợ ông là danh ca Bạch Yến thăm mộ cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch tại nghĩa trang Cimetière Intercommunal de Valenton, ngoại ô Paris - Pháp.
| GS-TS Trần Quang Hải viếng mộ chú ruột - cố nghệ sĩ có nghệ danh "quái kiệt" Trần Văn Trạch |
"Quái kiệt" Trần Văn Trạch (sinh năm 1924-mất năm 1994) là chú ruột GS-TS Trần Quang Hải. Theo phong tục ở Pháp, tới ngày lễ Thánh, người thân thường mang hoa cúc đến mộ người đã khuất viếng thăm. Vì bận việc rời Paris một thời gian, không thể đến đúng ngày nên GS-TS Trần Quang Hải và vợ mang hoa đến trước một tuần. Tôi may mắn được tháp tùng theo họ.
Mộ "quái kiệt" Trần Văn Trạch tọa lạc trong khu nghĩa trang yên tĩnh, thoáng đãng. Chậu hoa cúc vàng rực được đặt lên mộ phần người đã khuất.
“Chú tôi là một nghệ sĩ tài hoa. Trong số nhiều con của ông, có Hà Trần hiện là giáo viên dạy piano tại một trường đại học lớn của Pháp, rất quan tâm đến đời sống văn hóa dân tộc. Nay viếng mộ chú, thắp nén hương lòng, tôi cảm nhận chú tôi đang tươi cười với con cháu, ông không còn lạnh lẻo trên xứ người. Thế hệ con cháu của ông vẫn tiếp nối truyền thống gia đình, giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa nghệ thuật dù ở bất kỳ quốc gia nào” - GS-TS Trần Quang Hải tâm sự.
| Danh ca Bạch Yến viếng mộ cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch tại Pháp |
“Vua vọng cổ” Viễn Châu kể rằng "quái kiệt" Trần Văn Trạch là người khai sinh ra trào lưu độc diễn hài hước. Chỉ với một cái loa cần tay, ông có thể điều khiển tâm trạng khán giả khóc cười, vui giận, hờn dỗi theo câu chuyện. Ông còn có tài giả giọng đủ thứ âm thanh, nhạc cụ, tiếng động vật, tiếng xa lửa chạy bằng miệng và hơi thở.
Về sáng tác, "quái kiệt" Trần Văn Trạch có nhiều bài hát thập niên 1950 - 1960 của thế kỷ trước, mang tính cổ động tuyên truyền, thu hút khán thính giả nhờ giai điệu và ca từ rất dễ nhớ.
Điển hình là bài “Cái đồng hồ tay”, do ông sáng tác và thể hiện mà đến hôm nay, nhiều khán giả thời trước vẫn còn nhớ.
“Thưa quý ngài, mỗi người đều có mang một cái đồng hồ. Mà đồng hồ người ta có hai cây kim: một cái chỉ giờ, một cái chỉ phút. Còn đồng hồ của tôi có tới năm mười cây kim ở trong đó: cái chỉ giờ, cái chỉ phút, cái chỉ tháng, cái chỉ ngày, mặt trăng, mặt trời, hướng nam, hướng bắc, nước lớn, nước ròng. Cho nên xem vô, nếu mà sai cây kim thì cũng phải điên đầu với nó.
Tích tắc tích/ Sướng thay tôi về, từ brocanteur mới về đây/ Tích tắc tích/ Rất biết ăn xài, mang trong tay cái đồng hồ tay/ Có kim chỉ giờ này/ Có kim chỉ ngày này/ Thêm vô cung trăng nó quay khi khuyết khi đầy/ Tích tắc tích/ Trong lòng tôi cũng khuây này/ Mỗi hôm trong tuần, muốn xem hôm gì/ Đặc biệt lắm là cái đồng hồ này, mình muốn biết bữa nay thứ mấy, nó cũng có cây kim chỉ ở trong nữa/ Lundi, jeudi, chúa nhật, ngày ta hay đi/ Muốn biết bắc nam đi trên đàng/ Cũng có cái kim như địa bàn/ Và waterproof, automatic, thêm extra plaque anti-magnetic, anti lang bang, anti khoai lang, anti lung tung nhìn vào mà phát rung!!!/ Ôi! cái đồng hồ/ Ôi! cái đồng hồ”.
| GS-TS Trần Quang Hải nhớ thương chú ruột - nghệ sĩ Trần Văn Trạch |
| GS-TS Trần Quang Hải và giáo viên dạy nhạc Hà Trần, con gái cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch tại Pháp (ngày 11-10-15 - ảnh Thanh Hiệp) |
Sources: nld |