Ngày Đăng: 25 Tháng 07 Năm 2013 Vở cải lương nổi tiếng Tìm lại cuộc đời, được chương trình Ngân mãi chuông vàng dựng lại, với ê kíp trẻ từng dự giải Chuông vàng vọng cổ, Bùi Trung Đẳng, Chuông vàng năm 2010 được phân vai đại úy Huy Bình, vai diễn mà NSƯT Thanh Tuấn để đời, cho đến nay sau hơn 30 năm vẫn còn có người thuộc.
Vài năm trước NSƯT Trọng Phúc đã diễn vai nầy trong chương trình Nhà hát truyền hình. Đây quả là một áp lực không nhỏ với một giọng ca vàng, nhưng chưa từng diễn qua sân khấu chuyên nghiệp nào như Bùi Trung Đẳng. Với vai Huy Bình dù là một nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng là thử thách lớn.
Bùi Trung Đẳng đã vào vai rất ngọt, không màu mè khoa trương, bằng diễn xuất chân thật, bằng giọng ca truyền cảm, vóc dáng đẹp, lứa tuổi phù hợp với vai, người xem đón nhận một Huy Bình trẻ trung phơi phới, chưa nhận thức đúng thời cuộc, những diễn biến nội tâm phức tạp xảy ra tưởng như nhẹ nhàng, mà bên trong là cơn bão lòng dữ dội.
Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã chọn phong cách diễn thật nhẹ nhàng, vừa với khả năng của từng diễn viên, người xem đón nhận vở Tìm lại cuộc đời một cách thú vị.
Tuy nghề nghiệp, sự sâu sắc không thể nào sánh được với ê kíp tài năng của đoàn Sài Gòn 2 ngày xưa, nhưng Bùi Trung Đẳng và các bạn diễn của mình thể hiện một Tìm lại cuộc đời mới mẻ, phù hợp với nhịp sống hôm nay, cái quá khứ tưởng chừng như xa xăm ấy lại rất gần gũi.
Qua vai Huy Bình, Bùi Trung Đẳng đã giới thiệu tiềm năng sáng giá của một kép chánh cải lương, nếu được chăm chút đầu tư, không xa sẽ có một ngôi sao sân khấu trẻ, lâu rồi mới có một nam diễn viên thanh sắc vẹn toàn, chuẩn “man”.
Sự tiến bộ từng ngày của Đẳng được thể hiện qua các vai diễn A Khắc Chu Sa (Người tình trên chiến trận), Danh (Con cò trắng), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Tô Điền (Tiếng hạc trong trăng).
Có chất giọng kim trong trẻo, truyền cảm, âm vực rộng (rất gần với giọng đồng), tuy làn hơi thấp, nhưng khi ca rất sáng, rất nhẹ, ca như nói không cần phải cố lấy hơi, rất chắc nhịp, Bùi Trung Đẳng là giọng ca lạ, không giống ai, dẫu rằng trong cách nhấn nhá, luyến láy có nhiều chữ ảnh hưởng thần tượng NSƯT – Danh ca Thanh Tuấn.
Nhược điểm hiện nay cần phải khắc phục, đôi lúc trong khi ca Đẳng buông lơi cảm xúc, nên chưa mùi, độ cảm chưa tới, chưa khai thác hết khả năng vốn có của mình.
Đẳng ca có độ buồn tự nhiên, rất dễ thu hút người nghe, chỉ cần thêm một chút sâu lắng, điêu luyện. Nếu chịu khó tìm cho hướng đi riêng bằng sự sáng tạo của mình, không bắt chước, Bùi Trung Đẳng lạ một giọng ca bổ sung cho thêm sự phong phú đa dạng với nhiều giọng ca vọng cổ xuất sắc khác.
Bùi Trung Đẳng là tên thật, quê ở xã Trung Hưng, Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ba mẹ biết đờn ca tài tử, có người dượng biết đờn, nên từ nhỏ Đẳng đã biết ca đúng nhịp, đúng giọng.
Ba làm thợ mộc, nhà nghèo Đẳng theo ba học nghề và phụ việc, đi đây đó khắp các làng quê lân cận. Năm 2004, đi thi ca cấp tỉnh được giải B. Đến năm 2005 lên Bình Dương làm công nhân, ban ngày đi làm, ban đêm đi hát các quán có đờn ca vọng cổ, được một người chủ quán nhận làm con nuôi, sau đó tham gia CLB đờn ca tài tử Bình Dương.
Trong những ngày đi ca quán Đẳng quen với nghệ sĩ Mộng Hùng, muốn tìm thầy học thêm, được anh hùng chỉ xuống Lái Thiêu xin vào làm đệ tử của nghệ sĩ Linh Vương, đang mở lớp dạy ca, có nữ nhạc sĩ đàn kìm Kiều My hỗ trợ. Học được 2 tháng, nghệ sĩ Linh Vương nghỉ dạy, về Hốc Môn, Đẳng tiếc lắm, nhưng biết làm sao, đành phải tự học, tự rèn luyện tiếp.
Năm 2008 thì giọng ca cải lương hàng tuần của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố được giải II. Tiếp đến năm sau, về Vĩnh Long thi giải Út Trà Ôn, tiếp tục nhận được giải nhì. Cũng năm 2009 thì giải Bông lúa vàng nhận được HCĐ.
Sang năm 2010, trong cuộc thi cam go, gay cấn của giải Chuông vàng vọng cổ, Đẳng xuất sắc nhận giải vàng, từ đó mở hướng cho Đẳng quyết chọn con đường ca hát chuyên nghiệp.
Đẳng cùng Bình Trọng, Thu Vân về đầu quân cho Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang do NSƯT – Danh hài Thanh Nam làm trưởng đoàn. Năm 2012, cùng đoàn Kiên Giang tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Đồng Nai, tuy không được giải, nhưng đó là một trải nghiệm quí giá, để Đẳng nhìn lại mình, làm một nghệ sĩ chuyên nghiệp, lại là diễn viên chính không hề đơn giản, phải có một quá trình học hỏi, rèn luyện đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Bây giờ show diễn nhiều hơn, khán giả biết nhiều hơn nhờ khả năng lăng xê của HTV quá mạnh, nhưng Đẳng biết mình còn diễn rất yếu, không thể chỉ dựa vào khả năng ca “sô lô”.
Cùng một số bạn bè trong giải Chuông vàng, góp tiền lại mời thầy Hiểu, một giảng viên vũ đạo rất giỏi của Trường nghệ thuật sân khấu, đã nghỉ hưu về dạy, trước hết để giải phóng cơ thể , sau học những kỹ năng cơ bản, kết hợp giữa vũ đạo và cách khai thác tâm lý của nhân vật trên sân khấu, chuẩn bị cho những công việc dài lâu trên sân khấu sau này.
Trong cơn khủng hoảng của sân khấu cải lương hiện nay, mới thấy yêu quí, trân trọng Đẳng và các bạn của mình trong nhóm Chuông vàng vọng cổ. Ở các em sự đam mê, yêu mến cải lương thật mãnh liệt. Sự khát khao được hát những vở dài, trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn cháy bỏng.
ân khấu cải lương không thiếu những tình yêu, những tài năng trẻ sẵn sàng kế thừa, phát triển bộ môn nghệ thuật nầy. Vấn đề là sân khấu đâu, môi trường nào để các chồi non ấy xanh tươi lớn lên thành đại thọ. Hạt giống tốt, mà không có đất tốt để gieo trồng thì làm sao ra hoa, kết trái…
Hy vọng những khó khăn không làm chùn bước, giảm nhuệ khí của Đẳng và các bạn trong giải Chuông vàng. Cứ nỗ lực hết mình không thành công thì cũng thành nghề.
Sources: cailuongso |