Ngày Đăng: 25 Tháng 01 Năm 2016 Nhắc đến nghệ sĩ Chiêu Hùng khán giả sẽ nhớ nhiều vai diễn khác trong các vở: Dòng sông đỏ, Dòng sữa đỏ, Vượt qua tâm bão... Đặc biệt, gần đây anh ghi dấu trong lòng khán giả vai Tổng binh Trần Đại trong vở Ánh đèn khuya (tác giả Huỳnh Văn Tới, chuyển thể Đăng Minh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà). Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, anh được vinh danh là Nghệ sĩ ưu tú năm 2015.
Cải lương ngấm vào máu thịt
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Chiêu Hùng tên thật là Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1965 tại Cần Thơ. Xuất thân trong một gia đình có ông ngoại là bầu gánh hát bội, mẹ là đào chánh Ngọc Thêm, cha là nghệ sĩ Ngọc Ánh. Từ nhỏ, Chiêu Hùng đã đi theo cha mẹ lưu diễn nhiều nơi. Năm 10 tuổi (1975), lần đầu tiên anh được diễn vai Trịnh Ân trong vở Trảm Trịnh Ân của tác giả Phương Hùng.
Bắt đầu đi hát chuyên nghiệp từ năm 19 tuổi, nghệ sĩ Chiêu Hùng thủ vai kép chánh đầu tiên, vai Nguyễn Toàn Trung trong vở Gió bụi biên thùy của soạn giả Ðiêu Huyền. Từ đó anh nổi danh là một kép trẻ đẹp có giọng ca ngọt ngào, quyến rũ hội tụ đủ thanh lẫn sắc, nổi bật nhất trong hàng các diễn viên. Những năm 80, 90 anh đi nhiều nơi, gia nhập nhiều đoàn hát từ miền Tây, miền Ðông, tới các tỉnh miền Trung, miền Bắc như các đoàn cải lương: Kim Hương, Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang, đoàn hát cải lương tuồng cổ Minh Tơ… Tất cả đã giúp anh học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Từ một người không tên tuổi, nghệ sĩ Chiêu Hùng ngày nào đã trở thành NSƯT - một diễn viên không thể thiếu khi nhắc đến sân khấu cải lương Nam bộ.
| NSƯT Quế Anh (vai Mạc Hà) và NSƯT Chiêu Hùng (vai Tổng binh Trần Đại) trong vở Ánh đèn khuya |
Năm 2000, anh được mời về làm việc tại Ðoàn cải lương Ðồng Nai (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai). Tại đây, anh tham gia nhiều vai và gặt hái được nhiều thành công. Ðặc biệt, trong cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu, anh đã diễn rất thành công vở Ánh đèn khuya. Nhắc đến vở Ánh đèn khuya, nghệ sĩ Chiêu Hùng cho biết, đây là một trong những vở diễn được đầu tư công phu, từ nội dung tư tưởng đến lối dàn dựng và khả năng biểu diễn chuyên nghiệp của tất cả các nghệ sĩ. Ánh đèn khuya lấy đề tài về lịch sử, bối cảnh là vùng đất Trấn Biên thuở mở cõi, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Câu chuyện kể về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác diễn ra trong nội bộ quan lại. Chiến thắng của Tổng binh Trần Ðại là nguyên nhân đẩy gia đình ông vào bi kịch nghiệt ngã. Chỉ vì lòng đố kỵ mà Thống suất Trương Vĩnh lập mưu hãm hại Tổng binh Trần Ðại khiến ông rơi vào cảnh thân bại danh liệt, tù tội vì tội danh vơ vét tài sản của quốc gia. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, ranh giới thiện - ác, tốt - xấu trở nên mỏng manh, mơ hồ, trộn lẫn đến độ khó phân biệt... Vào vai Tổng binh Trần Ðại, nghệ sĩ Chiêu Hùng có cơ hội thể hiện sự đa dạng trong diễn biến tâm lý nhân vật. Vai diễn thành công ngoài mong đợi, được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao đã mang về cho anh chiếc huy chương vàng quý giá.
Nghệ sĩ Chiêu Hùng đến với sân khấu cải lương dường như đó là một cái duyên. Những ngày đầu đến với cải lương chỉ vì do cha mẹ yêu thích. Tuy nhiên, càng học hát cải lương, anh càng đam mê bộ môn nghệ thuật này. Anh cho biết: “Khi hát, tôi không kén chọn kép diễn chung, với tôi thì đóng cặp với ai cũng được, miễn sao khán giả cảm nhận hết những gì tôi và bạn diễn mang lại”. Anh luôn chăm chút rất kỹ vai diễn của mình ngay khi được giao vai, luôn phân tích vai diễn của mình có tính cách như thế nào và làm sao lột tả hết tính cách nhân vật, đó chính là những điều khiến bạn diễn khâm phục ở anh. Với khoảng thời gian hơn 30 năm gắn bó với nghề cải lương, tên anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng biết bao thế hệ khán giả.
“Ðam mê nghề đã thôi thúc tôi không ngừng vươn lên, không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân và có nhiều vai diễn thành công. Tôi có thể hát bất cứ lúc nào. Vui cũng hát, buồn cũng hát. Ngày nào không hát là thấy trong người khó chịu như thiếu thiếu cái gì đó. Tôi luôn xem sân khấu là một phần đời quan trọng của mình. Tình yêu tôi dành cho nghệ thuật, cho công chúng vẫn mãi tươi trẻ như thuở nào”, anh chia sẻ.
Vượt qua khó khăn1
Trên con đường đến với nghiệp cầm ca, nghệ sĩ Chiêu Hùng không tránh khỏi những vất vả và khó khăn nhưng anh cho rằng đó chính là chất liệu sống để làm nên thành tích. Anh đã trải qua một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, không ngại khó khăn, gian khổ và đôi khi phải vượt qua thăng trầm và sóng gió.
Tiếp xúc với anh, nghe anh kể chuyện có thể thấy anh là một người nghệ sĩ không may mắn. Trong suốt thời gian dài, cuộc sống của anh gặp nhiều trắc trở, nhiều chuyện buồn đến với gia đình. Tuy vậy anh đã cố gắng vượt qua để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Những năm gần đây mọi việc đã dần đi vào ổn định, anh có nhiều thời gian hơn để chuyên tâm cho những vai diễn của mình. Anh chia sẻ: “Ðể có được thành công này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai. Ban lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi vừa làm việc ở Nhà hát vừa có thời gian chạy show kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ðược làm việc ở Nhà hát, luyện tập và biểu diễn cùng với các đàn anh, đàn chị là những người thầy, người bạn tâm huyết đã giúp đỡ tôi để tôi đến được với thành công”.
NSND Giang Mạnh Hà, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai nhận xét: NSƯT Chiêu Hùng là một trong những người vừa có ngoại hình vừa có chất giọng hay, biểu cảm tốt. Ðiều đó thực sự cần thiết với một người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu. Hơn hết, Chiêu Hùng có một niềm đam mê, yêu thích và hết lòng cống hiến cho sân khấu cải lương. Nhận thức được điều đó, Nhà hát đã quan tâm, động viên, giúp đỡ và chia sẻ với anh những khó khăn để anh phát huy hết năng lực và thế mạnh của bản thân, hòa nhập vào phong cách chung của Nhà hát.
Khi được hỏi về việc giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với sân khấu cải lương, nghệ sĩ Chiêu Hùng cho biết: “Sân khấu cải lương hiện nay mặc dù được quan tâm, đầu tư nhiều nhưng chưa thu hút được đông đảo công chúng. Ðiều này cũng dễ hiểu khi đời sống âm nhạc đang có nhiều biến động phức tạp. Nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay đang thờ ơ, quay lưng với cải lương rồi đổ lỗi hết cho họ thì thật ra cũng chưa được chính xác. Bản thân người nghệ sĩ phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành xuất sắc các vai diễn và diễn làm sao thật có hồn. Có làm được như vậy mới thu hút được khán giả đến với ánh đèn sân khấu. Tôi vẫn luôn tin một ngày không xa, cải lương có thể tìm được lại thời hoàng kim và trường tồn cùng dân tộc”.
Sources: laodongdongnai |
|
|