Ngày Đăng: 09 Tháng 03 Năm 2012 Trong số những nữ danh ca làng cổ nhạc của thời thập niên 1940-1950, có cô Năm Cần Thơ và cô Lệ Liễu đã hoạt động giống nhau là sau thời gian ca hát được nổi tiếng, thì dùng sở trường nghiệp cầm ca của mình hỗ trợ cho cộng cuộc làm ăn để tạo sự nghiệp.
| Nữ danh ca Lệ Liễu. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) |
Về cuộc đời nghệ thuật thì hai nữ danh ca này cũng giống nhau ở chỗ là chỉ ca thu thanh dĩa hát, ca đài phát thanh chớ không lên sân khấu diễn tuồng. Riêng các tuồng cải lương được thu thanh dĩa hát thì thiên hạ chỉ nghe tiếng nói đối thoại, cùng tiếng ca mà hình dung ra con người qua sự tưởng tượng thôi, chớ còn hình dạng thì thính giả bốn phương chẳng hề thấy các cô đẹp xấu ra sao. Cho đến ngay cả khi về già rồi mà người ta vẫn gọi là “cô,” chứ nếu như lên sân khấu hay truyền hình thì chắc chắn sẽ lên chức “bà,” giống như bà Năm Sa Ðéc vậy.
Danh ca Lệ Liễu từng được hãng dĩa hát Hoành Sơn thu thanh bộ dĩa Tình Yêu Thôn Dã, ca chung với Út Trà Ôn, Bửu Tài, cô Bạch Huệ. Và bên hãng dĩa hát Asia thì Lệ Liễu cũng có thu thanh, nhưng tôi không nhớ tên và bao nhiêu bộ dĩa. Còn cô Năm Cần Thơ là giọng ca sáng giá ở lãnh vực thu dĩa hát với những bài vọng cổ: Con Chim Họa Mi, Thoại Ba Công Chúa, Mổ Tim Tỷ Cang, Anh Hùng Liệt Nữ, v.v…
Về việc làm ăn bên ngoài thì hai nữ danh ca mở phòng trà ca nhạc có sân khấu nhỏ cho dân tài tử đến đờn ca. Nhờ nét đặc trưng này mà giai nhân tài tử thường xuyên lui tới quán. Khoảng giữa thập niên 1950 cô Lệ Liễu mở quán ca cổ nhạc ở Thị Nghè, và lúc bấy giờ với thời gian tuổi xuân chồng chất theo tháng năm. Sự đào thải của luật thiên nhiên, Lê Liễu nhận thức được cuộc đời mình, nên ít khi lên sân khấu cầm micro. Nhưng đôi khi gặp lại những người bạn hay ân nhân ngày cũ, Lệ Liễu mới lên ca. Những bản ca nầy thường là những kỷ niệm ngày xưa khi Lệ Liễu còn xuân sắc vàng son, bên những người bạn tâm tình.
Mang tâm sự và kỷ niệm đó, nên Lệ Liễu trong khi ca thường có những giọt nước mắt long lanh. Không biết vì xúc cảm vui mừng gặp được lại người bạn cũ, hay là tiếc nuối cái dĩ vãng xa xôi nào. Hay đây chỉ là những giọt lệ làm vừa lòng nhân thế.
Tuy nhiên, giọng ca của Lệ Liêu vẫn còn điêu luyện, hấp dẫn và mang nỗi buồn thuở xa xôi, khiến cho các người bạn cũ cũng ngậm ngùi không ít.
Thời ấy quán Lệ Liễu cứ mỗi chiều trời vừa tối là thiên hạ tập trung khá đông, những người không biết ca nhưng thích nghe cổ nhạc cũng đến đây vừa ăn nhậu vừa thưởng thức những bài ca cổ nhạc. Nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những khách sành điệu và một số đã trở thành danh ca hoặc đào kép cải lương sau này. Trong số những người đến ca ở quán Lệ Liễu và về sau nổi tiếng có hề Văn Hường. Lúc đầu ông cũng đến ca tài tử như bao nhiêu người, nhưng dần dần giọng ca đặc biệt của ông được hãng dĩa hát lưu ý mời thu dĩa. Tiếp theo đó thì đoàn Hoa Sen của Bảy Cao mời ký giao kèo đi hát. Rồi kế đến thì Văn Hường sang đoàn Kim Chung với tiền giao kèo lớn hơn, và tên tuổi vang lừng. Rất nhiều tay ca tài tử ca nhái giọng Văn Hường cũng được khán giả hoan nghinh.
Sau 1975 không biết Lệ Liễu cuộc sống ra sao, tới giờ này có còn mạnh giỏi không chẳng biết.
Về phần cô Năm Cần Thơ thì những năm đầu của thập niên 1950, cô được Tướng Bảy Viễn cho mở quán nhậu ca cổ nhạc trong khuôn viên Ðại Thế Giới. Các ca sĩ, nhạc sĩ tài tử thời bấy giờ rất thường lui tới ca hát nên khá đông khách. Nghệ sĩ Hữu Phước trước khi nổi tiếng cũng đã từng giúp việc ở quán cô Năm một thời gian.
Sang qua thập niên 1960 trong khi các nghệ sĩ thế hệ đàn em trẻ hơn như Hữu Phước, Thành Ðược, Út Bạch Lan, Kim Chưởng, Thanh Hương đương thời tấn lên ngự trị sân khấu cải lương và luôn cả địa hạt dĩa hát, thì cô Năm Cần Thơ đã lui vào bóng tối hậu trường.
Nghỉ hát thời gian khoảng 10 năm, nhưng còn nặng nợ với tổ nghiệp nên năm 1974 cô Năm Cần Thơ tái xuất giang hồ, về quê ở Cần Thơ mở quán nghệ sĩ ở đường Trần Quí Cáp. Nhạc sĩ mù Duy Trì cộng tác đảm trách giàn đờn, nên lúc mới mở quán được bà con ở quê hương ủng hộ khá đông, mấy gánh hát lưu diễn miền Tây cũng tới ăn uống giúp đỡ cô.
Sau 1975 người ta không biết cô trôi nổi đến nơi nào. Nhưng đến năm 1994 thì thiên hạ thấy cô sống cô độc trong túp lều che bằng những tấm bạt, tấm nylon trong công viên Tao Ðàn. Khoảng năm 2002 ca sĩ tài từ Hữu Vinh về Việt Nam có gặp cô Năm trong một quán nghệ sĩ ở Sài Gòn. Hiện nay thì không biết tình trạng cô Năm ra sao.
Sources: nguoi-viet.com |