Ngày Đăng: 08 Tháng 09 Năm 2015 Vở tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” được dàn dựng đúng lúc nghệ sĩ Thanh Hải vừa rời khỏi đoàn Thủ Đô, chàng nghệ sĩ có giọng ca hay này về với gánh Kim Chưởng nhận vai chánh, đóng cặp với đào Ngọc Hương. Trước đó chẳng bao lâu Ngọc Hương và ông xã là soạn giả Thu An, cũng đã bỏ đoàn Thủ Đô về với Kim Chưởng, tăng cường thực lực cho đoàn này.
| Từ trái sang: Nghệ sĩ Tuấn Thanh, Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Ngọc Hương trong chương trình "Làn điệu phương nam" trước đây. |
Khán giả đầy rạp
Kể từ đó đoàn Kim Chưởng tung ra một loạt tuồng hay, có giá trị nghệ thuật, đoàn dọn đi đến đâu cũng đông đảo khán giả, nên sẵn trớn bà bầu Kim Chưởng cho đoàn đi nhiều tỉnh miền Đông, miền Tây và luôn cả miền Trung. Do đó ngoài việc thành công mỹ mãn về tài chánh, đoàn còn được giới mộ điệu cải lương tặng phong danh hiệu “đệ nhứt anh hùng lưu diễn”.
Nhờ có cặp Thanh Hải – Ngọc Hương đóng vai chánh nên gánh Kim Chưởng lưu diễn đi đến đâu, tuồng “Nắng Chiều Trên Sông Dịch” cũng ăn khách, khán giả đầy rạp. Đặc biệt là giọng ca Thanh Hải quá quen thuộc với khán thính giả khắp nơi, do bởi đài phát thanh Sài Gòn rất thường phát thanh dĩa hát với tiếng ca Thanh Hải. Lúc ấy thiên hạ rất muốn biết tay ca vọng cổ này từ đâu xuất hiện, kẻ thì nói Thanh Hải ở miền Tây, người thì nói ở miền Đông. Vậy thì Thanh Hải xuất thân từ đâu, lúc nào mà đã góp phần làm cho đại ban Kim Chưởng vững vàng, tăng cường sức mạnh cho bảng hiệu.
Số là Thanh Hải nhờ có làn hơi ca thiên phu mà nên sự nghiệp, nổi danh như cồn, nhưng có ai rõ được thời gian trước đó Thanh Hải là một dân phu với cái nghề cạo mủ cao su mà quanh năm suốt tháng với cuộc sống thiếu thốn, nghèo nàn cơ cực.
Thật vậy, phần lớn nghệ sĩ cải lương tên tuổi, được khán thính giả khắp nơi mến mộ, thì thuở thiều thời của họ đã có một quá khứ chẳng rạng rỡ gì, họ đã xuất thân từ những nghề bần hàn, khốn khó mà trong xã hội hầu như chẳng ai muốn, cực chẳng đã phải chịu lấy mà thôi.
| Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Viễn Châu. Courtesy photo. |
Nếu như ai đó theo dõi hoạt động cải lương từ thời xa xưa, không ít thì nhiều đã biết Út Trà Ôn từng làm ruộng chăn trâu ở quận Trà Ôn, Cần Thơ (về sau Trà Ôn thuộc Vĩnh Long). Nhờ làn hơi ca vọng cổ trời cho, mà được người đời tặng phong cho danh hiệu đệ nhứt danh ca, đem đến cho Cậu Mười Út một cuộc sống sung túc, tiền vô như nước, lên xe xuống ngựa, bỏ hẳn cái nghề cực nhọc tay lấm chơn bùn.
Còn như nghệ sĩ Hữu Phước cũng thế, với nhưng bài vọng cổ vang danh trong làng cổ nhạc, được hàng vạn khán thính giả ái mộ, và trở thành “nghệ sĩ đi xe hơi”. Thế nhưng, có ai biết được thuở thiếu thời Hữu Phước rất nghèo khổ, vất vả phải đi làm phổ ky chạy bàn cho tiệm nhậu “Họa Mi” của cô Năm Cần Thơ trong Đại Thế Giới. Rồi cũng nhờ có giọng ca hay nên Hữu Phước được Tướng Bảy Viễn giới thiệu với ông Ba Bản, chủ nhân hãng dĩa hát Hoành Sơn, để rồi sau đó nổi tiếng luôn.
Thanh Hải nổi tiếng do đâu?
Còn Thanh Hải thì sao, nổi tiếng do đâu? Thanh Hải tên thật là Hồ Văn Xia, vốn là dân phu ở đồn điền cao su Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương. Khi đi cạo mủ anh ta thường hay cất tiếng ca vọng cổ, và mỗi lần nghe ca thì đám dân phu ở gần, họ ngưng làm việc vài phút để thưởng thức làn hơi ca thiên phú của Thanh Hải. Việc ấy được đồn đãi nhiều, nên ngày nọ vị kỹ sư đồn điền đưa anh ta xuống Sài Gòn giới thiệu với ông Ba Bản, đang là là bầu gánh đoàn hát Thủ Đô.
Nghe Thanh Hải ca vọng cổ, ông Ba Bản nghĩ thầm rằng giọng ca này nếu được khai thác thì cũng ngang ngửa với Út Trà Ôn, nên ông quyết định thu nhận và trả lương mỗi ngày, nhưng không giao vai trò gì hết, mà hằng đêm ngồi bên cánh gà, học hỏi tất cả mọi vai trò của nghệ sĩ trong tuồng, kể cả vai của Út Trà Ôn.
Thời vận đã đến, gặp lúc Út Trà Ôn và Hoàng Giang rời bỏ đoàn Thủ Đô nhảy ra lập gánh Thống Nhứt, thì Thanh Hải được bầu Ba Bản đưa vào thay thế các vai trò của đệ nhứt danh ca. Thế là từ một anh kép dự phòng, chưa có vai trò gì hết, Thanh Hải một bước nhảy vọt lên ngôi vị kép chánh một đoàn hát đại ban.
Thế nhưng, ngay đêm đầu đăng bảng không có Út Trà Ôn thì con số khán giả mất đi hơn phân nửa, liên tiếp 2, 3 đêm sau cũng chẳng khá hơn, dù rằng tiếng ca Thanh Hải đâu thua gì đệ nhưt danh ca, còn hay hơn là đằng khác. Trong lúc Thanh Hải lo âu thì ông Ba Bản ngh ĩ ra phương cách khá hay, rất thực tế, là phải cho giới mộ điệu cải lương khắp nơi nghe được giọng ca Thanh Hải, thì đoàn Thủ Đô sẽ lấy lại phong độ dễ dàng.
Ngành Mai
Sources: cailuongvietnam |