Ngày Đăng: 26 Tháng 04 Năm 2017 Nghệ sĩ Trọng Nghĩa được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở Xã Phúc Hậu – Huyện Long Hồ – Tỉnh Vĩnh Long. Trong gia đình, ngoại trừ ông ngoại là một nghệ nhân đàn kìm điêu luyện thì không có ai theo nghề hát chuyên nghiệp.
Trong những lần đi hát đàn ca tài tử, ông đều dẫn anh đi theo và có lẽ với tư chất thông minh sẵn có của một người nghệ sĩ anh học lóm rất nhanh các bài bản hò, xự, xang, xê, cống, và những bản vắn… Do đó khi còn học ở trường làng, ngoài các thú vui của tuổi thơ nơi miền quê yên ắng thì anh còn ngâm nga các câu hát mà mình đã học lóm được. Và trong một lần tình cờ, anh xin ông ngoại ca thử một bài, anh đã làm cho ông giật mình vì giọng ca của đứa cháu thật trong trẻo và rất chắc nhịp mặc dù chưa một lần ông dạy cách ca. Có lẽ trong giai đoạn này ước mơ được đi hát như bùng phát trong tâm hồn anh, mà theo anh nói như mê từ trong máu vậy. Và từ đó anh trở thành một thành viên nhí trong đoàn hát nghiệp dư ở xã Phúc Hậu – huyện Long Hồ.
Năm 15 tuổi, sau khi tốt nghiệp THCS, Trọng Nghĩa theo người cô lên Sài Gòn để học nghề. Nhà của người cô lại sát bên trụ sở của đoàn cải lương Sài Gòn 1, hàng ngày chứng kiến nghệ sĩ đàn ca thì mơ ước của tuổi thơ trỗi dậy, sợ người cô không đồng ý anh chỉ xin phép vào đoàn để học đàn với thầy Bảy Dư mặc dù anh lại rất đam mê ca hát.
Sau một năm, đoàn Cải lương Sài Gòn 1 có đợt tuyển diễn viên mới, anh xin vào học dự thính chung với các diễn viên khác và anh bước vào nghề hát lúc nào cũng không hay.
Ở đoàn cải lương Sài Gòn 1, nghệ sĩ Trọng Nghĩa phải trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách. Chính sân khấu này anh đã được NSND Ba Vân – người mà anh hay gọi trìu mến là “ông nội” truyền nghề qua việc phân tích tâm lý, điệu bộ các vai diễn trong những ngày đi lưu diễn. Ông dạy cho anh nhiều đạo lý làm nghề như khán giả đi coi hát tức là vừa đi coi và vừa nghe hát nên phải cố gắng làm sao hoàn thành xuất sắc ở cả hai khía cạnh. Các nghệ sĩ bậc thầy khác như NSUT Thanh Điền, NSUT Nam Hùng cũng tận tình chỉ dạy và truyền nghề cho anh qua việc thị phạm các vai diễn. Đây là một điều may mắn mà không phải nghệ sĩ nào mới vào nghề cũng có được.
Trong thời gian này, nghệ sĩ Trọng Nghĩa chủ yếu chỉ đóng vai quần chúng, quân sĩ… hay ca vài bản trước khi đoàn biểu diễn. Nhưng có lẽ chính vì ý thức yêu nghề mãnh liệt và biết rằng muốn được đứng trên sân khấu thì phải học hỏi không ngừng từ những chi tiết nhỏ nhất nên anh học lóm các nghệ sĩ cách diễn từ những vai diễn nhỏ nhất đến việc thuộc lời của tất cả các vai với hy vọng một ngày nào đó may mắn sẽ đến với mình.
Sau 3 năm vào đoàn Sài Gòn 1, cơ may đã đến với anh. Đấy là vào năm 1985, khi đoàn diễn ở Bà Điểm – Hóc Môn, do thiếu người đóng vai Trần Huy trong vở “Công chúa An Tư”, nên anh được lãnh đạo đoàn tin tưởng để giao vai diễn. Bao nhiêu áp lực đều đè nặng lên anh vì vai này đã được NSUT Thanh Điền diễn rất thành công và anh biết đây là một cơ hội vàng trong đường nghề của mình, phải cố gắng để tạo niềm tin cho ban lãnh đạo đoàn cũng như “ghi điểm” trong lòng khán giả. Vai diễn thành công, sự cố gắng rồi cũng được ghi nhận, từ đó anh được chính thức bước lên sàn diễn bằng nhiều vai diễn khác nhau. Dấu ấn trong đời đi hát của anh là vai chính đầu tiên trong vở “Vua hóa hổ” hát cùng cô đào Linh Huệ.
Cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1 được khoảng 10 năm, năm 1990, anh về đoàn Trần Hữu Trang 1, 2. Lúc này sân khấu cải lương đang bước vào giai đoạn khó khăn bởi sự thâm nhập ồ ạt của các loại hình giải trí khác, nên nghệ sĩ phải chuyển qua quay video là chính hoặc đi tấu hài. Trọng Nghĩa cũng không ngoại lệ. Anh nhớ lại trong khoảng thời gian đó rất vất vả, đi tấu hài với nhóm nghệ sĩ Phú Quý để mưu sinh nhưng trong lòng lại rất muốn được đi hát cải lương vì đôi khi suy nghĩ mình đến với nghề hát vì niềm đam mê, mà chỉ mới vào nghề chưa có cơ hội để phát huy tài nghệ không lẽ lại bỏ nghề.
Dịp may đến với anh trong một lần lưu diễn ở Sông Bé, anh gặp được NSUT Vũ Linh. NSUT Vũ Linh giới thiệu anh với ông bầu Quới và anh được về cộng tác với đoàn Sông Bé 2, cùng hát chung với NSND Thanh Tòng, NSUT Vũ Linh, Tài Linh, Kiều Phượng Loan, Trường Sơn… Khi ở đoàn Sông Bé 2, có thời gian anh làm trưởng đoàn do Bầu Quới thấy anh quá đam mê nên để đoàn hát lại cho anh quản lý. Anh chia sẻ, trong thời gian đó anh vừa quản lý đoàn hát vừa tham gia biểu diễn cũng may mắn là xung quanh mình có rất nhiều anh chị em thương và giúp đỡ nên công việc cũng không gặp nhiều khó khăn.
Trện sân khấu đoàn cải lương Sông Bé 2, có hai vai diễn mà anh tâm đắc nhất là Lý Quang Sơn trong “Nặng gánh giang san” và Lý Hoài Nam trong “Long Phụng Châu báo quốc”. Đặc biệt với vai diễn Lý Quang Sơn anh đã được khán giả bình chọn vào danh sách diễn viên dự giải Trần Hữu Trang được yêu thích nhất trong hai mùa giải 1992, 1993. Đây cũng là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời vì sau mười một năm đi hát anh đã khẳng định được bản thân mình trong “làng” sân khấu rất nhiều nghệ sĩ tài năng.
Cũng như rất nhiều nghệ sĩ khác, việc đi lưu diễn và hát tăng cường để phục vụ khán giả khắp mọi miền đất nước từ miền Bắc, miền Trung hay tận đất mũi Cà Mau là chuyện rất bình thường và là niềm vui của anh. Từ khi bắt đầu vào nghề cho đến hôm nay anh luôn hăng hái nhiệt tình tham gia những chuyến đi biểu diễn ở những vùng sâu, vùng xa để phục vụ khán giả thân thương hay những chuyến đi hát từ thiện. Anh nhớ những chuyến đi lưu diễn ngoài Bắc, ngoài Trung xa xôi hàng mấy tháng trời mỗi khi gặp bão, gặp mưa là nhớ nhà da diết. Hay những chuyến lưu diễn miền Tây, có những khi anh phải vào những điểm diễn rất sâu ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… bằng ghe máy, canô rất vất vả nhưng khi thấy khán giả đứng ở hai bên bờ sông chào đón nồng nhiệt, anh và các nghệ sĩ vô cùng hạnh phúc, quên hết mệt nhọc.
Năm 1993, nghệ sĩ Trọng Nghĩa được các đoàn cải lương thành phố mời về cộng tác như đoàn tuồng cổ Minh Tơ, Huỳnh Long và tham gia rất nhiều vở cải lương hồ quảng. Trên hai sân khấu này, anh đã được NSND Thanh Tòng, nghệ sĩ Trường Sơn… tận tình truyền nghề cộng với vốn liếng vũ đạo mà anh đã học ở nghệ sĩ Bạch Long trong thời gian trước nên ngoài hai vai diễn ấn tượng đã kể trên thì tại sân khấu thành phố nghệ sĩ Trọng Nghĩa tiếp tục khẳng định mình qua rất nhiều vai diễn mà khi nhắc đến khán giả không thể nào quên như Triệu Phượng trong “Xử Án Phi Giao”, Tứ Lang trong vở “Dương Gia Tướng”, Điều Phụng Sanh trong “Xử Bá Đao Từ Hải Thọ”, Tề Vương trong “Đường về San Hậu” và rất nhiều vai diễn khác.
Đã ba mươi năm trôi qua, với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ, hiện nay nghệ sĩ Trọng Nghĩa thuộc diện biên chế của nhà hát Trần Hữu Trang với chức vụ Phó Đoàn 1.Với anh đó là một niềm hạnh phúc sau bao nhiêu năm hoạt động trong nghề, nhưng đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm vô cùng lớn lao đối với nhà hát và các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn. Cùng với NSUT Thoại Miêu giữ vai trò cố vấn, anh và nghệ sĩ Dương Thanh vừa lo quản lý, điều hành, vừa tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của Đoàn 1 đi hát phục vụ khán giả.
Ngoài ra anh còn tham gia hát tăng cường cho đoàn Diễm Hoàng, Phương Tường… diễn ở các tỉnh miền Tây.
Cuộc sống hiện nay cũng đã ổn định, hậu duệ của anh là hai cháu một gái mười hai tuổi và một trai tám tuổi. Thừa hưởng gien nghệ thuật từ anh, các cháu cũng rất đam mê ca hát, mỗi khi sinh nhật nhóm Thắp sáng niềm tin hay sinh nhật đoàn anh đều cho các con tham gia nhưng với anh điều quan trọng hơn cả là các cháu phải lo học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn.
Trong khoảng hai tháng nay, vì lý do sức khỏe nên anh xin phép nhà hát nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Nằm ở nhà, nhưng nỗi nhớ sân khấu, nhớ nghề và nhớ khán giả cứ làm anh ray rứt. Sân khấu cải lương với anh là duyên là nợ, cho dù gian khó thế nào anh cũng mãi không bao giờ lìa xa. Xin chúc anh mau hồi phục sức khỏe đế trở về với sân khấu, trở về với khán giả thân thương.
Sources: cailuongviet |