Ngày Đăng: 11 Tháng 02 Năm 2015 "Cơn hồng thủy" là một trong số ít tác phẩm đạt được giải Vàng ở cả hai thể loại sân khấu và truyền hình. Tạp chí HTV đã có cuộc trò chuyện thú vị với BTV Võ Tử Uyên - tác giả của vở diễn này.
| Biên tập viên Võ Tử Uyên (Ban Văn nghệ) |
Chào chị, "Cơn hồng thủy" là tác phẩm từng tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, vì sao chị vẫn quyết định chọn để tham gia dự LHTHTQ năm nay?
Đúng là "Cơn hồng thủy" là vở cải lương tôi chuyển thể từ kịch bản của tác giả Nguyễn Văn Phúc, tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, NSƯT Quế Trân cũng đạt Huy chương Vàng trong lần đó. Nhưng nội dung tác phẩm này vẫn “ám ảnh” tôi, thôi thúc tôi và tôi muốn thể nghiệm ở một hình thức khác. Khi tôi trình bày kịch bản và ý tưởng của mình thì được đạo diễn Nguyễn Minh Hải - Trưởng Ban Văn nghệ đồng ý ngay.
So với tác phẩm sân khấu tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 2012, “Cơn hồng thủy” của truyền hình có gì khác biệt?
Câu chuyện của tôi chỉ là một giấc mơ của nhân vật, nghĩa là không có cơn hồng thủy thật, mà chỉ là sự trải nghiệm trong tâm hồn của các nhân vật, để họ được nhìn lại mình và câu chuyện kết thúc là khi các nhân vật tỉnh giấc mơ, họ nhận thấy phải thay đổi, phải sống khác để cứu lấy thế giới tránh khỏi ngày tận thế. Khi qua truyền hình, đạo diễn Quách Hồ Ninh đã biến nó thành “cơn hồng thủy” thật, và dù các nhân vật đã nhận ra sai lầm của mình, dù họ có hứa sẽ sống tốt, nhưng họ vẫn phải chết vì mọi sự đã quá muộn. Tuy nhiên, từ giấc mơ chuyển qua sự thật, cả ê-kíp gặp khó khăn vì ngôn ngữ, lời thoại không còn phù hợp nữa, chúng tôi thật sự bị lúng túng, cho đến ngày duyệt mộc vẫn còn nhiều băn khoăn. Khi đó, đạo diễn Lê Thụy đã gợi cho chúng tôi nhiều ý tưởng. “Chìa khóa” mà đạo diễn Lê Thụy trao cho chúng tôi thực sự quý báu đã góp phần làm nên thành công cho “Cơn hồng thủy”. Tác phẩm được giải Vàng phải nói công đầu thuộc về đạo diễn Lê Thụy.
| Một cảnh trong tác phẩm "Cơn hồng thủy" |
Trong vở diễn, hình ảnh hoàn toàn được thực hiện ở phim trường, chị có thể chia sẻ về điều này?
Lúc đầu, chúng tôi dự định sẽ quay ngoại cảnh vì câu chuyện xảy ra trên một hòn đảo và chỉ có một, hai bối cảnh. Thật sự là thèm lắm cảnh biển nước mênh mông, tiếng sóng vỗ vào bờ, gió thổi lộng tóc của diễn viên… Nhưng chúng tôi cũng sợ điều đó không phù hợp với tiêu chí của Liên hoan, và sợ bị đánh giá là nhầm lẫn với phim hoặc điện ảnh, nên cuối cùng, ê-kip quyết định chọn quay tại phim trường. Nhưng để dựng được cảnh biển tại phim trường cũng là một thử thách rất lớn. Và để có được những cảnh quay đẹp như vậy đều do sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn hình ảnh Trung Nam và thiết kế mỹ thuật Tuấn Anh.
Thời gian khá gấp rút nên các nghệ sĩ của vở diễn chỉ lên sàn tập được khoảng 3 lần. Sau khi duyệt mộc thì chỉnh sửa và chuyển cho diễn viên học luôn chứ không có thời gian tập lại. Cả ê-kip đã bắt tay vào làm trong khoảng thời gian khá eo hẹp: kịch bản sửa chữa lần cuối cách ngày quay chỉ 3 ngày; thu hình trong 2 ngày liên tục từ 8g sáng đến 10g đêm, và dựng hậu kỳ trong vòng một ngày. Tuy nhiên, cả ê –kíp đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đầy đam mê nên chúng tôi đã có được tác phẩm như ý.
Những nghệ sĩ được mời tham gia chương trình hầu hết là người nổi tiếng như NSƯT Quế Trân,NSƯT Hữu Quốc, Võ Minh Lâm… Có thể nói, chị đã rất tinh tế trong việc chọn mời nghệ sĩ?
Đúng là ê-kip diễn viên của “Cơn hồng thủy” đều là những người giỏi, vì thế tuy chỉ có 3 nhân vật nhưng nhờ vào khả năng diễn xuất của họ mà vở vẫn thu hút và đầy đặn. Làm việc lâu năm và thường xuyên nên tôi hiểu và tin vào khả năng của các bạn. Việc NSƯT Quế Trân nhận được Huy chương Vàng cá nhân (đây là Huy chương Vàng cho cá nhân diễn viên đầu tiên trong suốt 34 kỳ liên hoan), là minh chứng cho tài năng của các bạn.
Thông điệp mà những người thực hiện mong muốn mang đến cho khán giả qua vở diễn là gì?
“Cơn hồng thủy” có một cái kết buồn. Tôi chỉ đưa ra một câu chuyện, mà không dám gửi gắm thông điệp nào cả. Chỉ mong những ai xem vở diễn này, có thể tự tìm kiếm những lời cảnh tỉnh cho riêng mình.
Xin chân thành cám ơn chị!
Sources: |