Ngày Đăng: 14 Tháng 09 Năm 2016 Chiều 13-9, danh hài Tùng Lâm đã bật khóc bên bức tượng sáp tạo hình ông, vì ông cho rằng đó là “anh em song sinh” của mình
"Tôi cho rằng mình quá diễm phúc để còn đủ sức khỏe mà nhìn thấy bức tượng. Mà nè, bức tượng là anh của tôi nha, còn tôi là em vì nhìn trẻ hơn", - danh hài Tùng Lâm xúc động nói và xin gửi lời cảm ơn đến 3 nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện và Thái Ngọc Bình.
Theo danh hài Tùng Lâm, các nghệ nhân điêu khắc đã tạc tặng ông bức tượng để đời này.
Phóng viên: Ngoài xúc động, ông còn nghĩ gì bên bực tượng của chính mình?
Danh hài Tùng Lâm: Tôi sinh năm 1934, năm nay đã 82 tuổi rồi. Độ tuổi mà với một người nghệ sĩ, đi đứng nằm ngồi gì cũng thấy mình đang ở tư thế chuẩn bị ra sân khấu. Cách đây không lâu tôi đã nghĩ đến việc tìm hiểu về tuổi già để tìm một hướng đi cho thích hợp. Bởi vì tâm lý tuổi già và tuổi trẻ khác biệt nhau, trái ngược nhau. Hiểu mình già thì sẽ không lạc quan, nên tôi thích được suy nghĩ theo chiều hướng mình vẫn trẻ. Sức trẻ của tâm hồn đáng quý lắm.
| Danh hài Tùng Lâm bên bức tượng sáp |
* Với suy nghĩ lạc quan, chắc cuộc sống hiện tại của ông rất sum vầy?
- Tôi sống với vợ và con gái, các con trong gia đình lớn thì đã ra ở riêng. Chỉ còn đứa con gái út. Theo truyền thống Á Đông của chúng ta con cái sống chung với cha mẹ, phụng dưỡng song thân đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Riêng tôi thì đã nghĩ đến việc dung hòa hai thế hệ để cùng hiểu và sống cho đúng nghĩa:
| Danh hài Tùng Lâm xúc động khi hóa trang bức tượng của mình |
Tính tuổi thọ trong ngoài tám chục,
Mạnh giỏi chăng là được chín mươi,
Đời nghệ sĩ chọc cười thiên hạ
Cuộc đời này diễm phúc quá người ơi!
Theo tôi, nếu hiểu biết số phận của mình, người già sẽ bớt cô đơn. Trái lại, còn biết sống tích cực, làm cho tuổi già của mình trở thành tuổi vàng son của cuộc đời, làm điểm tựa cho con cháu.
* Bạn bè đồng nghiệp được xem là thế hệ vàng của danh hài Sài Gòn như: Phi Thoàng, La Thoại Tân, Xuân Phát, Thanh Việt, Khả Năng, Hề Minh, Thanh Hoài…Tất cả đều đã ra đi, mỗi mình ông ngồi xem con cháu thế hệ tiếp nối chọc cười khán giả. Ông nhận xét thế nào về các hậu bối?
- Đôi khi thấy mình cô độc lắm. Mấy bạn tôi lần lượt rủ nhau xin “visa” lên thiên đàng, còn tôi chờ cấp “visa” mà chưa được xét. Bốn lần tai biến nhập viện, bốn lần tưởng mình sẽ có chiếc vé hội ngộ các đồng nghiệp, để khoe với các bạn, lớp hậu bối sau này có nhiều gương mặt sáng giá, như: Hoài Linh, Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Bảo Chung, Tấn Beo, Tấn Hoàng, Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Hồng Đào, Quang Minh, Thanh Thủy, Xuân Hương, Thành Hội, Ái Như, Hoàng Sơn, Nhật Cường, Trung Dân, Cát Phượng, Thái Hòa…đều là những tên tuổi bán vé ở nhiều sàn diễn. Họ diễn hài rất duyên, họ cũng làm khán giả bật khóc mùi mẫn qua các vở chính kịch. Một số em nổi lên từ các game show, truyền hình thực tế, MC dẫn chương trình thì phải kể: Trấn Thành, Trường Giang, Lê Giang, Lê Khánh, Đại Nghĩa, Đình Toàn…
| Tác giả và danh hài Tùng Lâm trong lễ mừng thọ 81 tuổi tổ chức tại Rạp Công Nhân (ảnh Chấn Cường) |
Tuy nhiên, họ dễ bị chệch hướng nếu không biết cân nhắc, lựa chọn và nghiêm khắc với bản thân.
Tôi lấy bản thân tôi làm ví dụ, hồi đó sô diễn tới tấp, rồi tôi làm luôn chức bầu sô, nên tha hồ thao túng, gọi mây, gọi gió. Đến lúc sa chân vào cạm bẫy của hào quang, mới biết thế nào là lễ độ.
Qua mùa Giỗ Tổ nói một chút về tâm linh. Không tin ông Tổ phạt thì sẽ gặp ngay những tai ương từ hào quang của người nghệ sĩ. Biết bao tấm gương đã là kinh nghiệm xương máu cho cái gọi không trọng nghề. Bây giờ, nhiều em lên như diều gặp gió, và mất “banh xác” con diều vì quá kiêu căng, khán giả chẳng thèm nhắc đến tên, đó là nhãn tiền của nghề này. Chúng tôi thế hệ đi trước, đã trải qua hào quang, đã từng rơi xuống địa ngục, mới thấu hai chữ “Đạo hát” của NSND Bảy Nam.
| Các ca sĩ, diễn viên trẻ luôn tôn kính danh hài Tùng Lâm |
* Mỗi con người sinh ra đều mong có được “ngũ phúc”, đó là Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh. Song điều mà ai cũng mong ước là được trường thọ. Ông có nghĩ như vậy?
- Thời phong kiến các quan trong triều và nhân dân đều chúc nhà vua “Vạn thọ vô cương” – nghĩa là thọ không biên giới, người người chúc nhau “Sống lâu trăm tuổi” hoặc “Trường sinh bất tử”, hoặc “Bách niên giai lão”. Chính vì vậy mà người ta hay tổ chức mừng thọ cha mẹ. Còn về chữ “THỌ” trong ngũ phúc thì chữ “thọ” đứng vị trí chủ, nghĩa là chữ thọ phải đứng đầu. Người Á đông chúng ta từ xưa đã chú ý đến câu nói :
“Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân sinh ngũ phúc thọ vi tiên.
Nghĩa là “Năm có bốn mùa thì xuân đứng đầu, người có ngũ phúc thì thọ ưu tiên. Là nghệ sĩ sống thọ bao nhiêu tuổi không quan trọng, sống thọ trong lòng công chúng, để có qua đời người ta vẫn thương mới là vấn đề. Ngày nay tuổi thọ một số ngôi sao sân khấu quá ngắn vì họ không tích đức, tu tâm. Nên chết yểu nhiều và sống thoi thớp cũng nhiều.
| Danh hài Tùng Lâm nghẹn ngào trong lễ mừng thọ 81 tuổi bên cạnh ca sĩ Lâm Ngọc Hoa và NS hài Khánh Nam |
* Nói như ông, nếu sống lâu trong nghề mà phi đạo đức là “đa thọ đa nhục”. Như vậy, chữ Thọ vừa đóng vai trò chủ soái vừa mang nghĩa nhắc nhỡ người nghệ sĩ dù cuộc đời thăng trầm vẫn giữ lấy Đạo hát thiêng liêng?
- Rõ ràng là thế, sống thọ bằng danh thơm, danh quí hơn nhiều lần sống thọ bằng thể xác. Trong tuồng hát bội có một câu hay: “Thọ hình bất nhược thọ danh”, nghĩa là sống không may đoản thọ mà có tiếng thơm còn hơn là trường thọ mà sống nhục nhã. Nghệ sĩ phải biết quý trọng danh dự.
Tôi có sự lạc quan vì lúc nào tâm hồn cũng trẻ, cũng thăng hoa, và cũng nhìn thấy nhiều cạm bẫy mà con cháu hậu bối sẽ bước vào, nhưng mà bây giờ khuyên các em cháu, biết nó có chịu nghe, hay lại cho mình già lẩm cẩm.
| NSƯT Hoài Linh mỗi lần gặp danh hài Tùng Lâm là "lì xì" mừng tuổi bố |
* Nhưng với những nghệ sĩ trẻ chịu lắng nghe, ông có lời khuyên nào dành cho họ?
- Nhiều anh chị nghệ sĩ cao niên hơn tôi còn chưa dám khuyên nhủ ai. Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn quí nhất của cuộc đời mà nếu chúng tôi sao lãng việc răn mình bằng những áp lực cuộc sống thì có thể sẽ là hư danh, nhất là với đời nghệ sĩ.
Tôi thường được nghe người ta than: “Lão lai tài tận” nghĩa là già rồi, cạn sức, nhưng hôm gặp ca sĩ Phương Dung tại Nhà hát Hòa Bình nghe danh ca có cái tên được thi sĩ Kiên Giang đặt “con nhạn trắng Gò Công” nói: ”Lão lai khả hỉ” – nghĩa là đáng vui thay khi đã về già. Tôi cười vui quá, mừng vì hiểu được cụm từ già là một qui luật tự nhiên của cuộc sống. Ai không già đi có lẽ là con quái vật hay một bức tượng đài vô tri. Riêng tôi, hài lòng với cuộc sống, hài lòng với mình. Biết khai thác những niềm vui nhỏ trong mình và quanh mình.
Nghệ sĩ chúng tôi có câu: “Nhân lão, tâm bất lão”- Tuổi già mà tâm không già. Khuyên một câu với các em cháu, đừng ngộ nhận người nổi tiếng và người quen mặt là một, hai cụm từ khác quá xa. Nghệ sĩ phải có tác phẩm và biệt tài, hơn nhau chữ tài còn có chữ đức.
| NS Trường Giang, Trấn Thành kính trọng danh hài Tùng Lâm, luôn gọi ông là bố |
Danh hài Tùng Lâm nói, người nghệ sĩ có thể tiếp tục trồng cây để thế hệ sau được ăn trái, hoặc có thể chọn sống ỷ lại, chỉ lười biếng ngồi ăn trái, để rồi thế hệ sau chỉ còn lại những gốc cây già cỗi, không chút nhựa sống.
Cây trong giới làm nghệ thuật chính là những bài học giá trị của người đi trước, hay dở chưa biết, nhưng phải rất tử tế với nghề. Khán giả luôn đòi nghệ sĩ phải giao nộp hoa trái sẽ trổ sinh ngày càng tươi tắn, chứ khán giả không bỏ tiền mua trái vú ép.
Ai rồi cũng có giây phút cuối đời, mỗi người nghệ sĩ sẽ phải tính sổ với chính mình về những giây phút hiện tại để sống đẹp hơn, làm gương cho đàn em là vậy.
Sources: nld |