Ngày Đăng: 11 Tháng 06 Năm 2015 Danh hề trên sân khấu và trong làng dĩa nhựa rất nhiều, nhưng phải công nhận là Văn Hường có một lối ca đặc biệt, được giới mộ điệu ưa thích và phong tặng anh danh hiệu Vua vọng cổ hài hước, đồng thời với Vua vọng cổ Út Trà Ôn.
Thời của tôi là thời của danh ca Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh Cảnh... Tôi mê cải lương nhưng biết mình không có khả năng đóng kép mùi nên chọn theo hướng hài hước. Thành công của tôi có một phần đóng góp rất lớn của soạn giả Viễn Châu. Phải nói rằng soạn giả Viễn Châu là một bậc thầy về khai quang điểm nhãn, ông chỉ cần nghe qua giọng ca của một người là nắm được sở trường của người đó. Từ đó ông viết theo kiểu đo ni đóng giày, chỉ cần vài bài ca có thể "lăng xê" một giọng ca, một tên tuổi trở thành nổi tiếng. Riêng với sự nổi tiếng của tôi, tài năng riêng và nội dung bài vọng cổ, tấm lòng người viết bài vọng cổ là những cái không thể tách rời
KHỞI ĐẦU BẰNG KIẾP HÁT RONG Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Long Thạnh Mỹ - Thủ Đức (nay thuộc Quận 9 - TPHCM). Từ những cuộc đờn ca đám tiệc hay vui chơi với bạn bè đã tạo cho Văn Hường có một bản lĩnh ca rất chắc nhịp, Thuở ấy, Văn Hường chỉ chuyên ca vọng cổ mùi. Trong thời gian lang bạt hát ca ấy, tình cờ Văn Hường quen biết với nhạc sĩ Mười Phú và danh cầm Văn Vỹ, những người này rủ rê, mời mọc Văn Hường đi hát để kiếm tiền nuôi thân, chớ đờn ca, ăn nhậu từ nơi này sang nơi khác chỉ là những cuộc rong chơi, không có tương lai, nghề nghiệp. Nghe lời, Văn Hường đi hát cho các quán bao: Oanh Yến, Lệ Liễu...
Lối hát lạ lẫm, điêu luyện đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, Văn Hường thành một cây ca vọng cổ có tiếng trong giới đờn ca tài tử. Quán đờn ca Lệ Liễu đã gắn chặt tên tuổi Văn Hường vào những ngày đầu khởi nghiệp ấy. Thời ấy, bài ca vọng cổ hài không nhiều nên Hề Minh chính là thần tượng để cho ông học hỏi theo. Lúc ấy Văn Hường cũng không có ý định, nói đúng hơn, ông không ngờ giọng ca của mình có thể ca vọng cổ hài.
Một bữa nọ (khoảng năm 1960), nghệ sĩ Bảy Cao, một ngôi sao sân khấu, đồng thời là ông bầu của đoàn cải lương Hoa Sen danh tiếng đến quán ca Lệ Liễu giải trí, trong lúc vui chơi ca hát, ông gặp Văn Hường, với kinh nghiệm nghề nghiệp, với sự nhạy cảm của một người làm bầu, ông phát hiện ra Văn Hường có những tố chất rất đặc biệt có thể trở thành một danh hài. Một chàng trai trẻ có cái miệng móm rất có duyên, dáng người thấp lùn dễ gây án tượng với người đối diện. Nhất là giọng ca nghe rất lạ, kỹ thuật sắp nhịp thuộc hàng cao thủ. Khi ông Bảy Cao mời Văn Hường gia nhập vào đoàn Hoa Sen, ông rất bất ngờ bởi uy danh ông Bảy Cao và tư thế đoàn Hoa Sen, một nghệ sĩ mới tập tễnh vào nghề như ông được mời ký contrat là một giấc mơ tướng như không bao giờ có thật, vậy là Văn Hường từ giã kiếp hát rong từ nơi các đám tiệc, quán bar đề đường hoàng bước lên sân khấu.
" Tôi ca mùi nhưng chiều cao thì hơi bị... khiêm tốn nên hổng làm kép được. Lại nữa, từ hồi đi ca tài tử tôi đã khoái ca những bài có tính hài nhưng do chưa có kinh nghiệm nên khán giả không' ' mặn mà' ' cho lắm - bởi vậy, tôi chỉ cố... ca cho thật mùi! Chỉ đến khi nhạc sĩ Bảy Ba (tức soạn giả Viễn Châu) phát hiện ra ở giọng ca của tôi có... duyên hài bẩm sinh, ổng bèn viết bài Đêm tân hôn cho tôi hát. Thành công đến bất ngờ. Sau đó, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác riêng cho tôi một loạt bài vọng cổ hài mang tên... Tư Ếch: Tư Ếch đi Sài Gòn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch đi hội chợ... khán giả gọi luôn tôi là... Tư Ếch. Từ đó tôi như... cá gặp nước, các hãng đĩa như Hồng Hạnh, Asia, Continental, Quê Hương, Việt Nam... níu kéo, mời tôi ghi âm tới tấp. "
TỪ KẺ Ở ĐỢ BIẾN THÀNH MỘT VÌ VUA Trong thâm tâm, Văn Hường rất thích hát kép và hầu như những anh kép trẻ mới vào nghề có giọng ca đều ôm ấp, ước vọng trở thành kép chánh, kép mùi. Họ có những ước mơ bay bổng, đôi khi lại không phù hợp với khả năng thực tế mà chính họ cũng không ngờ giữa khả năng và mong ước không trùng hợp với nhau. Văn Hường cũng lâm vào hoàn cảnh ấy, nếu ca vọng cổ những anh kép chánh trong đoàn ca không qua nổi Văn Hường, hàng đêm khi ca phụ diễn ngoài màn, Văn Hường luôn được khán giả vỗ tay nồng nhiệt khen ngợi. Ông Bảy Cao nói rõ ý định của mình là muốn Văn Hường chuyển qua hát hề hẳn và vai diễn đầu tiên là một anh chàng ở đợ hát cặp với một cô nữ tỳ do Diệu Hiền đóng.
Buổi ra mắt đầu tiên ở khu giải trí trường Đại Thế Giới (nay là TTVH Quận 5), cặp ở đợ - nữ tỳ, Văn Hường - Diệu Hiền đã làm sôi động cả khán phòng. Khán giả ấn tượng với đôi bạn diễn này. ông bầu Bảy Cao thở phào nhẹ nhõm, ông đã có cách khai thác tài năng của Văn Hường. Hiệu quả đột ngột trên sân khấu đã giúp Văn Hường ngộ ra, mình không thể hát kép mùi, vậy là ông chấp nhận thay đổi đi theo bước chân Hề Minh. Ngày ấy, Văn Hường rất ái mộ danh ca Tám Thưa, ông có lối ca ''''ơơ” rất lạ, khi xuống hò vọng cổ hoặc dứt câu 1, câu 2 có lối ''''hơ... hơ'''' làm sắc thái riêng, tiêu biểu cho giọng ca của mình, cộng lại những ưu điểm của Tám Thưa và Hề Minh, Văn Hường đã chế ra lối ca riêng của mình, dựa vào chữ ''''ơ'', chữ ''''ở'' của Tám Thưa, Văn Hường chế thành ra chữ ''''ư'', chữ ''''ư'''', sự cải biên sáng tạo ấy, không ngờ đã trở thành bất hủ, để rồi kể từ đó trở về sau trở thành một thứ đặc sản quý hiếm, tinh túy của lối ca vọng cổ hài có một không hai.
Những danh ca mùi hết lớp này đến lớp khác nối đuôi nhau, thậm chí những người thế hệ sau lại ca hay hơn thế hệ trước, duy chỉ có lối ca hài của Văn Hường thì cứ mai một dần, tỉ lệ nghịch với sự phát triển của các cây cười diễn, cây cười ca phát triển tới NSUT - anh hài Thanh Nam rồi mờ dần để đến hôm nay nhìn lại Văn Hường đã ngoài bảy mươi, giọng ca hài của ông đã tung hoành trên sân khấu mấy mươi năm, độc chiếm trên băng dĩa hát vẫn chưa có người thay thế xứng đáng, lối ca vọng cổ hài của Văn Hường trở thành một tuyệt chiêu thượng thừa của SK Cải lương.
Những vai gia đồng, ở đợ, đi theo hầu cậu chủ trở thành mẫu nhân vật quen thuộc, hấp dẫn và khán giả cứ chờ trông có sự đột biến để bất ngờ anh ta từ trong cánh gà bước ra giữa sân khấu, vô một câu vọng cổ ''''cứu bồ'''' hợp tình, hợp cảnh, thay mặt cho những tấm lòng chính nghĩa của cái thiện đang chống chọi với cái ác. Cứu khổ phò nguy bằng cái miệng, dù sau đó, anh ta chẳng làm được gì với bạo lực, uy quyền gian ác nhưng thỏa lòng khán giả đến xem. Có một thời gian rất dài, giọng ca hài của Văn Hường đã làm mờ đi những danh hài khác bởi cái duyên ca vọng cổ quá ấn tượng, lấn áp cả cái duyên diễn xuất đa tính cách cũng rất nghệ thuật.
" Vợ chồng tôi có 5 con nhưng chỉ có Thanh Tùng là nhạc công organ, vợ Tùng là Thanh Trúc đoạt HCV Giọng ca cải lương của Đài truyền hình Bình Dương... Sau 1975 tôi tham gia đoàn Thống Nhất (Tây Ninh) rồi về đoàn Sống Chung .cho đến năm 1983 thì bị bệnh gan phải bỏ hát. Tuy vậy, nhớ sân khấu quá nên dù ' ' nhổ sào' ' chèo tới đâu tôi vẫn gắng mở một quán có đờn, tuy ở chỗ hẻo lánh nhưng mình không phải trả tiền mặt bằng, mà đám em út, cháu chắt cũng có nơi biểu diễn, có thêm chút tiền thưởng của khách mộ điệu. Lâu lâu hứng chí, mình cũng lên sân khấu làm bậy mấy câu... Cũng có nơi mời, như chương trình Vầng trăng cổ nhạc, nhưng tôi không dám nhận lời. Hơi của ông già 76 tuổi làm sao còn ngon lành được, cứ sợ làm người nghe thất vọng, nên... thôi! "
Sources: cailuongpho |
|
|