Ngày Đăng: 11 Tháng 06 Năm 2018 Thế hệ trẻ trong nước thích các loại hình giải trí điện tử hơn là quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.
Hôm 10/6, hãng thông tấn AFP đăng tải bài viết phản ánh thực trạng đón nhận rối nước của khán giả Việt Nam. Bài có tên: "Du khách giữ cho nghệ thuật rối nước Việt Nam phát triển". AFP mở đầu bằng những ghi nhận tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Các buổi diễn ở đó trở thành điểm đến yêu thích trong chuyến tham quan Hà Nội của du khách, thu hút hàng nghìn người mỗi tuần. Nhiều khách nước ngoài biết đến rối nước lần đầu.
"Tôi chưa từng xem một show múa rối như thế này bao giờ. Tôi thấy những con rối câu cá, nhảy múa và nhiều màn biểu diễn khác nữa", du khách người Mỹ Caroline Thomoff chia sẻ với AFP sau khi xem xong một vở rối nước.
Theo nguồn tin, rối Việt Nam tồn tại là nhờ du khách và người bản địa đón nhận loại hình nghệ thuật này không nhiều, nhất là thế hệ trẻ. "Hơn một nửa trong tổng dân số 93 triệu người ở Việt Nam ở độ tuổi dưới 30 và họ thích các loại hình giải trí điện tử hơn. Trong khi rối nước có vẻ bị lãng quên tại quê nhà, loại hình nghệ thuật này lại vẫn thu hút sự chú ý từ bên ngoài", AFP viết.
| Rối nước Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Trả lời trên AFP, nghệ nhân điêu khắc Phạm Đình Viêm chia sẻ: "Ngày nay giới trẻ có nhiều loại hình giải trí để chọn lựa nên ngoài các dịp lễ hội, chúng tôi không thể biểu diễn suốt được vì khán giả Việt Nam không xem nhiều". Theo nghệ nhân Phạm Đình Viêm, một trong những nguyên nhân khiến rối nước kém hấp dẫn khán giả Việt là do kịch bản cũ, các màn biểu diễn không thay đổi. "Trong nửa đầu năm nay, đạo diễn người Canada Robert Lepage đã khiến khán giả Toronto trầm trồ với vở opera The Nightingale, trong đó khu vực dàn nhạc được biến thành một hồ nước cho các ca sĩ kiêm nghệ nhân múa rối điều khiển các con rối. Cách tiếp cận sáng tạo như vậy rất có thể là bí quyết để làm sống lại loại hình nghệ thuật lâu đời này ở Việt Nam", anh nhận định.
Trước thông tin AFP phản ánh, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: "Không riêng rối nước mà khán giả trẻ hiện nay cũng thiếu mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Đó là xu hướng chung của xã hội". Đồng quan điểm với nghệ nhân Phạm Đình Viêm về việc kịch bản rối chưa đổi mới, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết hiện nay các đơn vị tập trung diễn 16 vở chèo cổ. "Người nước ngoài đến xem một, hai lần thì thấy thú vị. Thế nhưng, với khán giả Việt Nam, chúng ta không thể bắt họ xem đi xem lại những vở rối cũ như vậy", ông nói.
| NSND Nguyễn Tiến Dũng. |
Dù kén khán giả, rối nước Việt Nam vẫn phát triển, vang danh quốc tế. "Mấy năm vừa rồi, rối Việt Nam liên tiếp giành huy chương tại liên hoan sân khấu quốc tế. Những nhà chuyên môn đánh giá Việt Nam là nước có nghệ thuật múa rối phát triển mạnh và nhiều quốc gia khác trên thế giới rất muốn đến học hỏi, trao đổi", ông Dũng cho biết.
Trong nước, suất diễn phục vụ khán giả, du khách vẫn đều đặn. Cuối tuần qua, rạp rối tại Nhà hát Múa rối Việt Nam chật kín người xem, chủ yếu là thiếu nhi. Phó giám đốc Nhà hát khẳng định không có chuyện rối nước bị thiếu quan tâm như hãng thông tấn AFP phản ánh. Ông dẫn giải: "Hai năm vừa qua, trên cả nước có hàng chục sân khấu múa rối được mở ra phục vụ khán giả. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, chúng tôi không coi trọng vấn đề doanh thu bởi người làm nghề luôn đặt trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ nghệ thuật truyền thống lên hàng đầu".
Sources: vnexpress |