Ngày Đăng: 27 Tháng 12 Năm 2018 Nghệ sĩ nhận xét sân khấu cải lương xã hội hóa chưa nhận hỗ trợ kịp thời từ cơ quan chức năng nên liên tục lỗ nặng khi hoạt động.
Tọa đàm Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương: giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp diễn ra sáng 27/12 tại TP HCM. Chương trình quy tụ hàng chục tên tuổi là nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc công và nhà báo chuyên lĩnh vực sân khấu. Các nghệ sĩ chia sẻ khó khăn trong việc duy trì môn nghệ thuật dân tộc.
| NSƯT Kim Tiểu Long bức xúc ở tọa đàm. Ảnh: Mai Nhật. |
Theo đuổi hoạt động hình thức xã hội hóa sân khấu, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long cho rằng cải lương xuống dốc vì không có nơi biểu diễn. Khi nhà hát Trần Hữu Trang được xây mới với kinh phí 132 tỷ đồng, giới nghệ sĩ rất vui mừng. Tuy nhiên, đến nay, nơi này hoạt động cầm chừng, chủ yếu có đoàn cải lương Trần Hữu Trang 1 và 2 biểu diễn với lượng khán giả ít ỏi. Dẫu vậy, nhà hát có giá thuê khá cao (15 triệu đồng mỗi đêm) so với lượng ghế hạn chế. "Tôi và đồng nghiệp nhận xét nơi đây chưa đủ cơ sở vật chất, đạo cụ, chỉ như một hậu trường sân khấu được nâng cấp", nghệ sĩ nói.
Với Nhà hát Bến Thành (quận 1), Kim Tử Long chịu lỗ hơn 120 triệu đồng khi dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn ở đây hồi tháng 8. Anh bỏ ra 800 triệu đồng đầu tư, diễn hai đêm là phải ngừng vì tiền bán vé không bù nổi tiền thuê rạp. Nghệ sĩ còn phải trả 45 triệu đồng phí thuê nhà hát mỗi đêm và 10 triệu mỗi suất tập dượt. Đoàn Kim Tử Long và hơn 30 đoàn khác tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018. Sau kỳ thi, hầu hết tác phẩm phải "cất kho" vì giá thuê mặt bằng để biểu diễn đắt đỏ.
Nhà hát TP HCM lại là điều xa xỉ với các nghệ sĩ cải lương vì lịch diễn ở đây kín quanh năm, hầu hết là các chương trình hội nghị, đêm hòa nhạc và vũ kịch... "Nhiều nhà quản lý kêu gọi các đơn vị xã hội hóa cứu cải lương, nhưng khi họ diễn thì không ai ủng hộ, phải bỏ tiền túi và chịu lỗ. Riêng tôi nếu không kinh doanh nhà hàng kiếm thêm chắc không đủ khả năng làm bầu show, dựng vở", Kim Tử Long chia sẻ. Anh đề xuất cải tạo rạp Nhân dân, quận 5 (rạp Hào Huê cũ) làm điểm diễn riêng cho giới sân khấu cải lương.
Nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp nêu lên thực trạng nhiều nhóm xã hội hóa khác như Tiểu Linh - Kim Thoa, Người đưa đò (Vũ Linh), Huỳnh Long - Bình Tinh; sân khấu Lê Hoàng, Chí Linh - Vân Hà... liên tục chịu lỗ khi dựng vở. Sân khấu Vàng của Minh Vương, Lệ Thủy sau khi đoạt doanh thu cao, xây 32 căn nhà tình thương tặng người nghèo, đã ngừng hoạt động vì vốn đầu tư cao, tốn kém.
Đề xuất giải pháp cho các đơn vị ngoài công lập, Kim Tử Long cho rằng, phí thuê mặt bằng nên được tính phần trăm doanh thu của các đoàn. "Cứ tính 10% trên tổng doanh thu mỗi suất thì các đơn vị xã hội hóa cải lương mới tự tin dựng vở để sàn diễn sáng đèn. Còn nếu làm theo kiểu cầm chừng như hiện nay, doanh thu chỉ dựa vào sự may rủi, cải lương sẽ đi vào ngõ cụt", anh nhận xét.
Đạo diễn - thạc sĩ Lê Nguyên Đạt cho rằng, nhà quản lý có thể hỗ trợ các đơn vị xã hội hóa bằng hình thức "hai bên cùng làm". Cơ quan quản lý đặt hàng vở diễn cho các đơn vị phù hợp với thể loại. Cách hỗ trợ là từ 30% đến 100% kinh phí, với điều kiện vở được biểu diễn đúng giao kết. Ông cũng đề xuất thành lập Hiệp hội sân khấu xã hội hóa, tạo thành tiếng nói chung của các đoàn cải lương tư nhân.
| NSƯT Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Ảnh: Mai Nhật. |
NSND Bạch Tuyết cho biết, bà vui mừng khi thấy các nhà quản lý đã có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ hoàn cảnh neo đơn như Viện dưỡng lão, Chùa nghệ sĩ, Câu lạc bộ ái hữu... Tuy nhiên, theo bà, chiến lược đào tạo, xây dựng nhân lực cho cải lương chưa được chú trọng. TP HCM cũng thiếu những nhà hát đúng tiêu chuẩn cho loại hình ca kịch dân tộc.
Đáp lại những trăn trở của nghệ sĩ, bà Thanh Thúy, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết, Sở sẽ đề xuất, tham mưu tăng cường đầu tư nơi biểu diễn cho các đơn vị hoạt động hiệu quả. "Đơn vị quản lý cũng sẽ hỗ trợ kinh phí tái sản xuất đối với các đoàn trong và ngoài công lập thông qua hình thức diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa, các chương trình 'sân khấu học đường'...", bà Thanh Thúy cho biết.
Nhân kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ra đời, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm từ ngày 17/12 đến ngày 19/1/2019. Tâm điểm là hai đêm diễn ngày 13 và 14/1/2019 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khoảng 400 nghệ sĩ cải lương và nhạc công sẽ biểu diễn ở sự kiện. Một triển lãm về cải lương cũng diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 10 đến 14/1/2019.
Một bộ phim tài liệu nhân 100 năm cải lương Nam bộ sẽ được bấm máy, do Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu và Đài truyền hình TP HCM phối hợp thực hiện. Ngày 19/1/2019, chuỗi sự kiện được khép lại bằng cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các văn nghệ sĩ tại Hội trường UBND TP HCM.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ. Nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng từ ngày 16/11/1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ (theo hình thức cải lương) này "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách... nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ" (trích Hồi ký 50 năm mê hát).
Tại miền Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương, lấn át cả tân nhạc. Thời đó, các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống sung túc. Trải qua nhiều thăng trầm, loại hình nghệ thuật này hiện phát triển co cụm, tuy vậy, luôn giữ được sức sống trong lòng khán giả mộ điệu.
Sources: vnexpress |