Ngày Đăng: 08 Tháng 03 Năm 2024 Danh hiệu NSƯT được biên đạo múa Hoài Anh xem là thành quả sau 32 năm theo đuổi nghề múa nhưng vẫn hòa hợp được việc chăm sóc hạnh phúc gia đình.
Nguyễn Thị Hoài Anh là một trong gần 400 nghệ sĩ được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong buổi lễ trao tặng lần thứ 10. Nghệ sĩ sinh năm 1982 cho biết danh hiệu NSƯT với cô là sự vinh dự, đồng thời là thử thách.
"Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi thành quả lao động, cống hiến suốt hàng chục năm qua được công nhận bằng dấu mốc mới trong sự nghiệp. Tôi luôn trăn trở việc không ngừng học hỏi, cập nhật, đào sâu tư duy để sáng tạo nên những vở diễn chất lượng. Thế hệ trẻ sau này rất giỏi và cũng rất hiểu biết nên tôi nghĩ mình phải luôn thay đổi, cố gắng hết mình để đóng góp công sức nhỏ bé vào việc phát triển nghệ thuật múa, đặc biệt là múa truyền thống, dân gian", Hoài Anh chia sẻ.
Hoài Anh xúc động khi nhận danh hiệu NSƯT sau 32 năm làm nghề.
32 năm trong nghề, Hoài Anh thấy điều khiến cô phải cố gắng hơn cả là cân bằng được giữa gia đình và công việc. Nghề biên đạo múa yêu cầu cô thường xuyên phải đi các tỉnh để dàn dựng những vở diễn. Khác với các biên đạo nam có thể ở lại địa phương vài ngày thậm chí nửa tháng, Hoài Anh thường chọn cách đi về trong ngày để quán xuyến công việc gia đình.
Nữ nghệ sĩ kể nhiều lần cô phải di chuyển từ 3-4h sáng đến địa phương dàn dựng vở diễn, sau đó chiều lại về nhà lo trách nhiệm gia đình, sáng hôm sau tiếp tục lên đường.
"Có những thời điểm hội diễn kéo dài cả tháng trời thì ngày nào cũng vậy, lịch trình đó cứ lặp đi lặp lại. Ngay cả thời gian đi trên đường tôi cũng ít khi nghỉ ngơi mà tranh thủ để cảm nhạc, đọc kịch bản, nghĩ thêm ý tưởng để đến nơi các diễn viên không phải chờ đợi", Hoài Anh cho biết. Vượt qua được những thử thách đó, nữ biên đạo múa tự hào khi đạt được những kết quả công việc như mong muốn, đặc biệt là hoàn thành được những trách nhiệm của một người phụ nữ để tổ chức gia đình êm ấm nhưng đồng thời hài hòa được công việc, không bê trễ chuyện cơ quan, xã hội.
Dù nghề múa có nhiều khó khăn, nữ biên đạo múa kiên trì theo đuổi đam mê.
Nữ nghệ sĩ nói cô may mắn khi sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật khi ông bà, các bác, các cậu đều làm nghề nên cô có cơ hội được tiếp xúc với múa từ nhỏ và học hỏi nhanh. Tuy nhiên trước đây khi học múa, cô chỉ có cơ hội tiếp cận với các trình thức múa thông qua sách vở. Vì mỗi hình thức sân khấu có những trình thức múa khác nhau, thời kỳ đầu, cô phải nghiên cứu và tự tìm tòi rất nhiều để nắm bắt được.
"Xuyên suốt một vở diễn, múa phải ăn ý với nội dung kịch bản, ý đồ đạo diễn , âm nhạc... Có nhiều trình thức múa rất khó và không phải diễn viên nào cũng làm được, đó là lúc cần đến biên đạo múa để hướng dẫn, chỉ bảo cho các diễn viên để tạo ra tiết mục mãn nhãn, hòa hợp nhất", NSƯT Hoài Anh cho biết.
Nữ nghệ sĩ tâm sự khi thưởng thức những tiết mục múa trên sân khấu, khán giả chỉ nhìn thấy những gì lộng lẫy, cao sang nhất. Tuy nhiên để đạt được vẻ đẹp đó, người nghệ sĩ phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để rèn luyện, phải đánh đổi bằng mồ hôi, đôi khi là cả nước mắt và máu. Hoài Anh nói mỗi khi được đứng trên sân khấu, cô được thăng hoa và đắm chìm vào "thánh đường nghệ thuật", được là chính mình, gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình vào bài múa để lan tỏa thông điệp nhân văn đến công chúng.
NSƯT Nguyễn Thị Hoài Anh sinh năm 1982, sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật khi ông ngoại là NSND Mạnh Tuấn, bác là NSND Minh Thu, các cậu là biên đạo múa NSƯT Tuấn Khôi, NSƯT Tuấn Kha. Cô thi đỗ Học viện Múa Việt Nam hệ 7 năm khi 11 tuổi. Năm 2006, Hoài Anh đỗ khoa múa của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó tốt nghiệp thủ khoa và vào biên chế Nhà hát Chèo Hà Nội làm việc từ 2010 đến nay. Năm 2018, cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Nghệ thuật sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Trải qua gần 32 năm làm nghề, Hoài Anh đã biểu diễn hàng chục tiết mục, dàn dựng hàng trăm tác phẩm múa từ sân khấu nhà hát đến các sân khấu quảng trường rộng lớn, trong đó có chương trình lớn tầm cỡ quốc gia như: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào, Chương trình kỷ niệm Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Chương trình chào đón Giao thừa hàng năm... Sắp tới, cô tham gia dàn dựng một số vở diễn trong các các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày giải phóng thủ đô.
Sources: ngoisao |