Ngày Đăng: 18 Tháng 08 Năm 2013 Trong lịch sử sân khấu cải lương gần 100 năm qua, giai đoạn nào cũng có những “cặp đôi hoàn hảo”, như Phùng Há - Năm Châu của thập niên 1940 - 1950, hay sau này là Thành Được - Út Bạch Lan, Minh Cảnh - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy, Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ... Nhưng theo những người trong nghề, có lẽ cặp đôi Hùng Cường - Bạch Tuyết là “hoàn hảo” nhất.
| NSƯT Bạch Tuyết bên mộ Hùng Cường. |
Bài 2: Chuyện tình Hùng Cường - Bạch Tuyết
“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết
Sự xuất hiện của ngôi sao Hùng Cường trên bầu trời cải lương cũng là lúc bộ môn nghệ thuật đặc trưng này của Nam Bộ bước vào thời kỳ cực thịnh. Thập niên 1960 có thể nói là “thời kỳ hoàng kim” của sân khấu cải lương. Thời ấy ở Sài Gòn và cả miền Nam, bộ môn nghệ thuật cải lương đủ sức làm lu mờ mọi bộ môn nghệ thuật, mọi hoạt động giải trí khác.
Cũng trong giai đoạn này, cái tên Hùng Cường đứng bên Bạch Tuyết có sức thu hút mãnh liệt người mộ điệu cải lương và được đặt cho biệt danh cặp “sóng thần”, cùng với tên đoàn hát Dạ Lý Hương mà họ đầu quân.
Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh ngày 24.12.1945 tại Khánh Bình - Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang ngày nay). Từ nhỏ, Bạch Tuyết đã có khiếu ca hát tân nhạc, ngâm thơ. Cuối năm 1955, sau một tai nạn thảm khốc, mẹ cô đã từ giã cuộc đời, để lại hai đứa con gái tuổi còn thơ dại. Còn rất nhỏ, mà Bạch Tuyết đã đi hát kiếm tiền ở những nhà hàng ca nhạc.
Thời đó, cô cũng như các bạn học rất ái mộ các nghệ sĩ như Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… Sau thời gian học, cả đám hay kéo vào hậu trường sân khấu xem tập tuồng và cũng để xin hình và chữ ký của các thần tượng mà mình ái mộ. Thanh Nga tuy nổi tiếng nhưng rất nhiệt tình và không bao giờ từ chối người hâm mộ.
Nhìn thấy Bạch Tuyết, cô đào Thanh Nga bất ngờ hỏi: “Em có biết hát không?”. “Dạ thưa, em chỉ biết hát tân nhạc thôi” - Bạch Tuyết bẽn lẽn đáp lời. Thanh Nga mỉm cười và nói: “Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công”. Những lời nói khích lệ đó của nghệ sĩ Thanh Nga như là định mệnh, làm thay đổi cả số phận, cuộc đời của Bạch Tuyết. Không lâu sau, vào năm 1963, Thanh Nga và Bạch Tuyết lại gặp nhau trong một tình huống khác: Bạch Tuyết đoạt giải Thanh Tâm còn Thanh Nga là người trao giải!
Năm 1960, Bạch Tuyết vào học trường nội trú, thời gian này bà bắt đầu giao du học hỏi với nhiều nghệ sĩ, trong đó có soạn giả Điêu Huyền. Điêu Huyền nhận bà làm con nuôi, cho gia nhập đoàn Kiên Giang. Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở “Lá thắm chỉ hồng”, cô đào chính tới trễ, Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Dù còn rất trẻ, Bạch Tuyết đã khẳng định tên tuổi mình ở đoàn hát tỉnh Kiên Giang.
Nhờ đó, bà được nghệ sĩ Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất và đảm nhận vai chính trong vở “Tiếng hát Muồng Tênh”, tên tuổi bà bắt đầu nổi từ đó. Cuối năm 1962, bà vào đoàn Bạch Vân. Năm sau được giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng cùng các nghệ sĩ Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. Năm 1964, bà về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, hợp tác với các soạn giả danh tiếng bấy giờ là Hà Triều - Hoa Phượng, tài năng của bà càng được khẳng định.
Năm sau, vở “Tần Nương Thất” đã mang lại cho bà huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ xuất sắc. Năm 1966, Hùng Cường gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, cùng với Bạch Tuyết tạo thành 1 cặp đôi hoàn hảo trong mắt khán giả. Đến năm 1971, bà cùng với Hùng Cường mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết.
| NSƯT Bạch Tuyết. |
Cặp “sóng thần” Hùng Cường – Bạch Tuyết
Suốt thời gian dài, từ năm 1966 cho tới 1972, hai cái tên Hùng Cường – Bạch Tuyết luôn xuất hiện đầy rẫy trên các trang báo, trên các panô quảng cáo, trên khắp các nẻo đường Sài Gòn. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn chưa quên những vở tuồng để đời của cặp đôi Hùng Cường – Bạch Tuyết như: “Cho trọn cuộc tình” ; “Lệnh của bà”; “Má hồng phận bạc” , “Tình chú Thoòng”’ “Trăng Thề Vườn Thúy”, “Cung Thương sầu nguyệt hạ”... cùng hàng chục bản tân cổ giao duyên với giọng ca Hùng Cường - Bạch Tuyết.
Những giai thoại về Hùng Cường – Bạch Tuyết thì nhiều vô kể, liên quan đến mọi khía cạnh, từ nghề nghiệp đến tình cảm. Chẳng hạn, người ta cho rằng chuyện tình giữa Tam Lang và Bạch Tuyết tan vỡ là có yếu tố Hùng Cường. Nhưng Bạch Tuyết cho rằng mình yêu quý Hùng Cường đơn thuần vì thái độ lao động nghệ thuật.
Hùng Cường – Bạch Tuyết “hoàn hảo” đến mức ca diễn đều hay, hát tân nhạc và cổ nhạc đều tốt, quăng bắt hợp lý... Chính họ đã làm nên thương hiệu Dạ Lý Hương nổi đình nổi đám vào giữa thập niên 1960.
Bạch Tuyết kể: “Ngày ấy những vở tuồng tôi hát với Hùng Cường tạo hiệu ứng rất tốt, khán giả kéo đến rạp như sóng thần, vì vậy báo giới mới đặt cặp “sóng thần” Hùng Cường – Bạch Tuyết. Hùng Cường là một nghệ sĩ cực kỳ giỏi. Đó là một con người tài hoa, có tri thức, đam mê nghề, hết sức nghiêm túc với nghề. Với một người như vậy, lại làm việc chung thì không có cớ gì lại không đem lòng yêu mến được.
Nhưng con người tôi lạ lắm, tôi nhớ có lần nói với anh ấy: “Em rất thương anh, quý anh. Mọi khán giả đều yêu mến anh, muốn được gần gũi anh, muốn được anh yêu. Em lại được anh yêu trong nghệ thuật, em muốn giữ mãi cảm xúc đẹp, thanh khiết này để dâng hiến cho khán giả”. Phải đấu tranh nội tâm và kiềm chế dữ lắm chứ. Rất may là không có chuyện gì xảy ra chứ nếu không chưa chắc tình cảm và hình ảnh của chúng tôi trong nhau lại mãi đẹp như thế”.
Họ đã làm nên một Dạ Lý Hương
Giải thưởng Thanh Tâm ra đời năm 1958 do nhà báo Trần Tấn Quốc lập ra để khuyến khích nhân tài trẻ cho sân khấu cải lương. Sau khi ra mắt, giải Thanh Tâm trở nên danh giá trong làng sân khấu. Ngoài tiêu chuẩn ca diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức, cho nên nghệ sĩ luôn rèn luyện, phấn đấu. Việc chấm giải rất lạ, không hề có một cuộc thi nào diễn ra.
Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải luôn trong tư thế “thi” suốt cả năm, hết năm này lại năm khác, hết suất này tới suất khác. Thậm chí phải luôn sống tử tế, vì chỉ cần tai tiếng là coi như bị loại.
Nghệ sĩ Thanh Nga là người duy nhất nhận giải Thanh Tâm lần đầu tiên năm 1958. Những người trong giới đều nhìn nhận, giải thưởng Thanh Tâm ngày ấy có sức động viên rất lớn, khuyến khích nghệ sĩ trẻ rèn luyện để có cơ hội bước lên bục vinh quang. Hùng Cường là nghệ sĩ cải lương duy nhất tài năng thăng hoa trong thời kỳ của giải Thanh Tâm nhưng lại không nhận được giải thưởng này, lý do là vì khi đó Hùng Cường đã 24 tuổi, vượt quá tuổi quy định của giải thưởng.
Thực ra, dù giải Thanh Tâm không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ cải lương ở Sài Gòn, nhưng trong 10 năm tồn tại với 24 huy chương vàng được trao, không có nghệ sĩ nào ở đoàn tỉnh được nhận vinh dự cao quý ấy, mà tất cả đều đang hát ở Sài Gòn. Mà ở Sài Gòn, giải thưởng Thanh Tâm cũng tập trung vào diễn viên của một số đoàn “đại bang”, trong đó phải kể đến đoàn Kim Chung và đoàn Dạ Lý Hương.
Thời ấy ở Sài Gòn, dân mộ điệu cải lương nếu thích xem tuồng “hương xa”, tuồng tích cũ, có đánh kiếm, kể cả chuyện bên Tàu, bên Nhật, người ta tìm đến đoàn Kim Chung. Còn đối với những khán giả yêu thích tuồng “tình cảm xã hội”, những câu chuyện của xã hội miền Nam đương đại, họ tìm đến đoàn Dạ Lý Hương.
Lý hương là một loài cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ, được người Pháp đưa đến trồng đầu tiên ở Đà Lạt. Cây có nhiều hoa màu vàng lục nhạt, hay lục nhạt, thơm ngát về đêm, vì vậy mà có tên là dạ lý hương. Chọn đặt tên cho đoàn hát là “Dạ Lý Hương” vào đầu thập niên 1950, ông Bầu Xuân muốn gửi gắm vào đó sự “tỏa hương” của nghệ thuật cải lương. Dù vậy, đoàn Dạ Lý Hương vẫn không có gì nổi bật sau khi thành lập.
Mãi đến năm 1964, khi ngôi sao mới đoạt giải Thanh Tâm là “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết về đầu quân, cùng lúc cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng vừa kết nối thành cặp “bài trùng” để cho ra những tuồng hát “tâm lý xã hội” sâu sắc, thì đoàn Dạ Lý Hương mới có tiếng nói trong giới sân khấu cải lương Sài Gòn.
Tuy vậy, cho đến khi Hùng Cường về đầu quân cho Dạ Lý Hương vào năm 1966, thì cái tên Dạ Lý Hương mới vượt lên tột đỉnh, làm lu mờ các đoàn hát khác. Đoàn Dạ Lý Hương với Hùng Cường - Bạch Tuyết đi tới đâu là tạo nên hiện tượng tới đó, rạp hát không bào giờ còn chỗ trống, thậm chí mỗi ngày diễn 2 suất, tiền bán vé phải chứa bằng bao bố...
Ngày ấy đoàn Dạ Lý Hương “danh giá” đến nổi khi đội bóng đá miền Nam Việt Nam chuẩn bị đi tranh giải Merdeka 1966 ở Malaysia, các cầu thủ “được” chiêu đãi... một suất xem hát ở đoàn hát này. Vì vậy mà chiếc cúp danh giá Merdeka từ Kuala Lumpur đội tuyển giành được mang về Sài Gòn có dấu ấn của đoàn Dạ Lý Hương, của Hùng Cường – Bạch Tuyết. Cũng từ duyên cớ này mà người Sài Gòn được chứng kiến một câu chuyện khác, gắn với cái tên của đội trưởng đội tuyển bóng đá miền Nam, danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang.
Sources: baomoi |