Ngày Đăng: 05 Tháng 09 Năm 2014 Từ một thầy giáo mê cải lương, do nặng nợ với sân khấu nên nghiệp sáng tác đeo đuổi ông cho đến cuối đời
“Uống chớ đại huynh! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị, xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ chén rượu ngày xưa cho trọn vẹn... thâm tình…”. Câu vọng cổ để đời trong tác phẩm Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu đã đi vào đời sống. Bất cứ dân mê đờn ca tài tử nào, cứ có tiệc hoặc dịp bầu bạn bên ly rượu cũng đều ngâm nga câu ca này. Nó như nhắc nhở tình bằng hữu chớ tách bạch sang hèn mà nên giữ lấy đạo lý làm người.
Bút pháp sư phạm
Khi phục dựng Bên cầu dệt lụa, NSƯT Hữu Châu đã giữ gìn từng câu, từng lời trong kịch bản bất hủ của một soạn giả bậc thầy có lối hành văn nâng cải lương lên hàng sang trọng.
Với NSƯT Thanh Sang, Thế Châu thành công bởi 2 yếu tố: Bút pháp của người làm nghề sư phạm và niêm luật chuẩn mực của bài bản cải lương vọng cổ. “Trần Minh khố chuối” Thanh Sang nhận xét: “Thế Châu không theo xu thế thích đổi mới, chêm thơ ca, hò vè, lý lung tung vào bản thảo nên những sáng tác của anh rất chuẩn mực. Câu vọng cổ anh viết như dòng sông chảy êm đềm, lúc tĩnh lặng, lúc gợi sóng nhưng không bao giờ vẩn đục. Kịch bản Trường tương tư anh viết, lời ca thấm sâu vào huyết mạch người nghe. Văn chương và niêm luật trong kịch bản của Thế Châu không có sự phá cách bừa bãi, cũng không có chuyện nghệ sĩ ca rồi bắt anh phải sửa theo ý họ”.
| NSƯT Thanh Sang (trái) và nghệ sĩ Thanh Tú trong vở Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu (ảnh trên) |
NSƯT Hùng Minh, diễn viên Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, cho biết vào thập niên 1960, Thế Châu là một thầy giáo làng. “Hồi mới gặp Thế Châu, tôi bất ngờ khi biết anh có chiếc máy hát xưa quay dây thiều thuộc hàng sang nhất thời đó. Thế Châu nói nhờ nó mà anh tiếp cận nghệ thuật cải lương. Sân nhà anh giáo những lúc sáng trăng, bà con hàng xóm kéo đến ngồi kín để nghe cải lương. Thế Châu lắng nghe rồi hiểu khán, thính giả cải lương cần gì ngoài giọng ca của đào kép. Có lẽ nhờ biết quan sát và lắng nghe nên anh sáng tác rất thiện nghệ” - NSƯT Hùng Minh nhớ lại.
Duyên nghiệp riêng mang
Soạn giả Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, SN 1936. Ông sinh ra và lớn lên tại miền quê Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Ông là thầy giáo trước khi đến với nghề soạn giả chuyên nghiệp.
NSND Lệ Thủy kể mùa hè năm 1964, lúc bà đoạt Giải Thanh Tâm cùng NSƯT Thanh Sang, hội thi văn nghệ giữa các trường được tổ chức ở Bình Dương. Trường Tiểu học Lái Thiêu đăng ký dự thi vở cải lương Lê Lai cứu chúa do thầy giáo Long sáng tác. Vở này đã đoạt giải nhất.
Trong lần liên hoan văn nghệ ấy, soạn giả Loan Thảo đã đến xem, tìm gặp thầy giáo Long để giao lưu, kết bạn và gợi ý hợp tác viết kịch bản cải lương. Từ đó, soạn giả Thế Châu được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ biết và hợp tác sáng tác như: Nhị Kiều, Hoa Phượng, Hà Triều… và ông đã đến với cải lương chuyên nghiệp.
Từ năm 1965-1975, soạn giả Thế Châu viết nhiều vở tuồng được dàn dựng trên sân khấu của các đoàn cải lương lớn: Dạ Lý Hương, Kim Chung, Tân Thủ Đô… Ông đã soạn chung với soạn giả Nhị Kiều những vở: Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Vợ tạm chồng hờ…; viết chung với soạn giả Hoa Phượng, Loan Thảo các vở: Bến tương tư, An Lộc Sơn, Hành khất đại hiệp… Thế Châu cũng viết riêng các vở: Thủ cung xa, Sao trời lại xanh, Trường tương tư...
Sau năm 1975, ông tiếp tục sáng tác và được Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga mời cộng tác, viết những vở: Bên cầu dệt lụa, Hoa tím bằng lăng, Tấm Cám, Mùa gió chướng… Đây là thời điểm vàng son trong cuộc đời theo nghiệp sáng tác của soạn giả Thế Châu. Trong đó, Bên cầu dệt lụa là đỉnh cao sự nghiệp của ông, để lại dấu ấn trong lòng hàng triệu khán giả mộ điệu qua 2 nhân vật Trần Minh, Nhuận Điền. Ngày nay, nhắc đến Thanh Sang và Thanh Tú, nhiều khán giả vẫn nhớ ngay đến 2 nhân vật này.
Cuộc đời cô độc
Ở cuộc sống đời thường, Thế Châu rất cô độc, chỉ có một người bạn thân và vài người cháu, con của cô em gái. “Có lần tôi hỏi sao không lấy vợ, Thế Châu bảo cây bút và cải lương là nợ, là duyên của anh ấy rồi” - nghệ sĩ Thanh Tú cho biết.
NSƯT Thanh Nguyệt tâm sự: “Có lẽ do cô đơn, không gặp được mối lương duyên nên trong nhiều sáng tác của Thế Châu, anh xây dựng hình tượng người phụ nữ rất nhân hậu. Mẫu tình yêu của trái tim anh có thể là nàng Quỳnh Nga, cũng có thể là công chúa Bích Vân nhưng chung quy vẫn là những phụ nữ sống mãnh liệt với tình yêu và đề cao lòng chung thủy”.
Soạn giả Thế Châu đã về cõi vĩnh hằng nhưng những sáng tác bất hủ của ông vẫn sống trong lòng khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương với nhiều cảm xúc, nhiều bài học nhân nghĩa ở đời...
Cả đời theo nghiệp sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, những soạn giả lừng danh luôn viết từ nhịp đập con tim, từ cảm xúc chân thật, không chạy theo sự hào nhoáng, danh vọng nào. Chính vì thế, tác phẩm của họ sống mãi trong lòng công chúng.
Trong những ngày truyền thống của sân khấu Việt Nam, nhiều người đã nhắc về họ với tấm lòng tôn kính, đồng thời kỳ vọng thế hệ soạn giả, tác giả sân khấu trẻ noi theo các tấm gương lao động nghệ thuật đó mà tiếp nối phát triển những thành tựu sáng tác của thế hệ trước để lại.
Sources: nld |