Ngày Đăng: 30 Tháng 12 Năm 2014 Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa cho ra mắt vở diễn nhiều tâm huyết "Chuyện tình Khau Vai" với cách dàn dựng công phu cuối tuần qua.
Chuyện tình Khau Vai lý giải phong tục tìm người thương cũ ở chợ tình Khau Vai và là bài ca ca ngợi tình yêu, một bi kịch ngọt ngào và đầy chất nhân văn.
| Một hình ảnh trong vở diễn. |
Vở diễn lấy bối cảnh là cao nguyên đá nơi có dân tộc Ráy, dân tộc Nùng sinh sống; nhân vật chính là nàng Út, con tộc trưởng uy quyền và chàng Ba, con một người Nùng nghèo khó. Hai người yêu nhau, nhưng do truyền thống tổ tiên, con gái tộc trưởng phải lấy người trong tộc, nên đôi lứa gặp nhiều ngang trái. Chàng Ba hứa với Tộc trưởng sẽ bỏ đi để nàng Út yên tâm lấy Cố Sầu - con nuôi của Tộc trưởng. Một lòng một dạ với chàng Ba, nàng Út đã lẳng lặng theo chàng lên đỉnh Khau Vai hoang vu. Đôi lứa đang sống những ngày hạnh phúc thì nghe tin hai tộc xảy ra huyết chiến, cả hai trở về để báo hiếu cùng lời hẹn ước ngày này năm sau sẽ gặp lại ở Khau Vai. Cố Sầu mưu mô thâm độc đã giết Tộc trưởng, buộc nàng Út lấy hắn, chàng Ba cũng nghe lời mẹ đi lấy vợ. Một năm qua đi, nàng Út trở lại đỉnh Khau Vai tìm người cũ, nhưng người không thấy mà chỉ có những kỷ vật gợi sự đau lòng. Nàng đã quyên sinh trên đỉnh Khau Vai. Chàng Ba tới chậm, thấy người thương đã về trời, định tự vẫn, nhưng được ngăn cản kịp thời nên đành trở về với cuộc sống hàng ngày và kể bài ca ca ngợi tình yêu Khau Vai.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, có lần tình cờ anh nghe tác giả Nguyễn Thế Kỷ nói về kịch bản Chuyện tình Khau Vai, anh rất thích và muốn chuyển thể dàn dựng thành cải lương. Kịch bản được Nguyễn Thế Kỷ viết bằng kịch thơ nên khi chuyển thể, vở cải lương đã có những lời hát, lời thoại đẹp, đầy hình tượng và thi vị.
Bên cạnh ca ngợi tình yêu, tác giả Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn Triệu Trung Kiên đã đi sâu khắc họa tính nhân văn của câu chuyện. Chi tiết mẹ chàng Ba và mẹ nàng Út cùng yêu ông Tộc trưởng, lẽ ra là tình địch của nhau, lại có thể ôm nhau mà nức nở, thương cảm cho nhau, là tiếng nói đồng cảm của những người phụ nữ. Chi tiết nàng Út khi nghe chàng Ba đã có vợ, có con, thì vừa tủi cho mình, nhưng lại vừa mừng cho người thương đã có một cuộc sống mới an lành, thể hiện sự bao dung, nhân hậu. Hóa giải thù hận của hai tộc Nùng - Ráy và tư tưởng dù Ráy, dù Nùng cũng đều là con người và đều có tình yêu là những giá trị nhân văn cao đẹp trong vở.
| Những cánh đào bay trong gió xuân khiến phút tự tình của nàng Út thêm đẹp và lãng mạn. |
Lấy đề tài và bối cảnh dân tộc miền núi, Chuyện tình Khau Vai thể hiện được văn hóa, sinh hoạt của đồng bào vùng cao. Những phong tục của người Nùng, người Ráy, người Cao Lan, người H'Mông được đưa vào một cách tự nhiên, không gượng ép. Từ bài dân ca Cao Lan được nàng Út hát, tục nuôi Mo trong nhà Tộc trưởng, tới những câu thần chú... đều là những sinh hoạt, tín ngưỡng của người vùng cao nguyên đá. Các điệu múa, phục trang tới đạo cụ đều thể hiện rõ sự nghiên cứu kỹ về văn hóa các tộc người vùng cao.
Chuyện tình Khau Vai là tác phẩm trọn vẹn ở tất cả các khâu. Nhạc sĩ Trọng Đài hòa hợp giữa những điệu nhạc của người dân tộc và cổ nhạc. Sự hỗ trợ của ánh sáng tăng ấn tượng thị giác giúp cảm nhận tốt hơn về khung cảnh câu chuyện, như ánh sáng xanh làm cho đêm tối thêm lạnh lẽo, hay màu đỏ khiến cho cảnh lễ hội nhà Tộc trưởng thêm sang trọng, uy quyền... Sân khấu được trang trí tối giản, với lượng đạo cụ ít nhưng có tính tượng hình, tượng trưng lớn. Trang phục của mỗi diễn viên đều là một sự tỉ mỉ nghiên cứu văn hóa kết hợp với yếu tố thẩm mỹ. Các họa tiết, hoa văn trên trang phục, trên phông nền cũng được thiết kế tạo ấn tượng riêng cho vở.
Dàn diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam với giọng hát và ngoại hình đồng đều đã thể hiện tốt vai của mình. Một Tộc trưởng (Xuân Thông đóng) quyền uy; một chàng Ba (Quang Khải) nghĩa tình, khí khái; một nàng Út (Như Quỳnh) xinh đẹp, chung thủy; một Cố Sầu (Minh Hải) khôn ngoan, quỷ quyệt, tàn độc... được dựng lên với những tính cách đặc trưng.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ, Chuyện tình Khau Vai có nhiều phân cảnh, phân đoạn hợp lý, tạo hình đẹp. Chi tiết nàng Út, chàng Ba mỗi người một ngả được đạo diễn diễn đạt bằng cảnh hai đám cưới xảy ra cùng một thời điểm trên sân khấu, mỗi một đám đi về một hướng. Cảnh cúng tế và lễ hội trong nhà Tộc trưởng là một phân đoạn đẹp, hùng tráng của vở diễn.
Sự xuất hiện của các bà Mo cầm ngọn đèn trong đêm tối của thời gian chuyển cảnh cũng là một ẩn ý. Phải chăng bên cạnh tạo hình, đạo diễn muốn đưa ra thông điệp: Dù đây là câu chuyện buồn, là bi kịch, giữa bóng đêm, nước mắt vẫn luôn có ánh sáng của tình yêu, của sự thủy chung, ánh sáng của những lãng mạn, đẹp đẽ của mối tình đầu.
Sources: vnexpress |