Ngày Đăng: 13 Tháng 10 Năm 2011 Với lối ca diễn 'xuất thần', nữ nghệ sĩ được khán giả ủng hộ nhiệt tình khi thể hiện hình ảnh tiểu thư Quỳnh Nga, trong phiên bản mới vở cải lương nói về cuộc đời 'Trần Minh khố chuối'.
Phiên bản mới của Bên cầu dệt lụa nằm trong chuỗi chương trình tôn vinh "Những vở cải lương vang bóng một thời", do Đài truyền hình TP HCM, Trung tâm truyền hình cáp HTVC và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chung tay thực hiện.
Vở Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu do NSƯT Ngọc Giàu tái dựng diễn ra ở Nhà hát TP HCM cuối tuần qua, quy tụ dàn diễn viên: Trọng Phúc, Thanh Ngân, Lê Hồng Thắm, Cẩm Thu, Thanh Điền, Hoàng Nhất, Bảo Trí, Diễm Thanh, H. Minh Vương, Hiển Linh...
Bám sát lời ca, tiếng hát trong tuồng diễn cũ của soạn giả Thế Châu, đạo diễn Ngọc Giàu thêm thắt một vài tình tiết, cũng như cắt gọt đi vài chi tiết cũ để "thổi" làn gió mới vào vở diễn qua các đoạn đối đáp, tung hứng giữa các nhân vật.
| Trọng Phúc (trái) trong vai Trần Minh và Thanh Ngân (phải) trong vai Quỳnh Nga ở cảnh đoàn viên cuối vở diễn. |
Trở lại sau một thời gian tạm xa sàn diễn, nghệ sĩ Thanh Ngân cho thấy chị ngày càng chín muồi. Vai nàng tiểu thư Quỳnh Nga, con quan tri huyện trong Bên cầu dệt lụa từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công trước đây. Trong số đó, cố NSƯT Thanh Nga được xem là chuẩn mực khi thể hiện nhân vật này. Tuy vậy, Thanh Ngân không đặt vào mình áp lực của diễn viên đi sau. Chị diễn xuất tự nhiên, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc cương quyết, mạnh mẽ kết hợp với chất giọng khỏe, sâu.
Có ba cảnh diễn của Thanh Ngân khiến khán giả xúc động: khi Quỳnh Nga tìm đến ngôi nhà của Trần Minh trong đêm khuya vắng; Quỳnh Nga tiễn Trần Minh "khố chuối" đi lên kinh ứng thí; và khi nàng đối đầu với công chúa Bích Vân để thể hiện tình yêu dành cho chồng.
Các cảnh này có thay đổi đôi chút so với phiên bản cũ. Nhất là đoạn Bích Vân đòi đem ngọc ngà châu báu ra để bắt Quỳnh Nga đánh đổi Trần Minh và Quỳnh Nga thà chọn cái chết để giữ sự chung thủy. Nhưng khi Bích Vân dọa giết chồng nếu nàng không thay đổi ý định, Quỳnh Nga sẵn sàng hy sinh tình riêng để mang đến hạnh phúc cho người mình yêu.
Chia sẻ sau đó, Thanh Ngân cho biết chị rất thích cảnh diễn này, bởi cuộc chạm mặt giữa nàng tiểu thư và cô công chúa thể hiện đầy đủ các phẩm chất đẹp của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương, chịu khó, chung tình...
| Nghệ sĩ Thanh Điền (phải) vào vai quan tri huyện, cha của tiểu thư Quỳnh Nga. |
Vở cải lương Bên cầu dệt lụa vốn đã đi vào tiềm thức của nhiều lớp khán giả. Nhiều người thuộc lòng từng lời ca tiếng hát trong đó, cả các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Ngồi trong khán phòng Nhà hát TP HCM, có người xem sẵn sàng hát theo diễn viên, nhiệt tình vỗ tay sau mỗi lần nghệ sĩ xuống câu vọng, góp phần tạo nên một đêm diễn nhiều cảm xúc.
Tuy nhiên, vì quá yêu vở cải lương Trần Minh "khố chuối", nhiều khán giả không hài lòng với vài hạt sạn của vở diễn, mà "sạn" to nhất nằm ở trang phục diễn viên. Vở này nói về một Trần Minh (Trọng Phúc) vốn nhà nghèo "rớt mồng tơi", áo quần rách rưới, nhưng trang phục của diễn viên lại quá lành lặn, ấm áp. Ngay cả áo quần của chàng nông dân Nhuận Điền (Hoàng Nhất) cũng không mang đến hình dung về một người nghèo khó như trong kịch bản. Ngoài ra, váy áo của các nhân vật nữ như Quỳnh Nga, Bích Vân (Lê Hồng Thắm), quan huyện... mang màu sắc rực rỡ với kim tuyến, chỉ màu thêu lóng lánh. Nhiều khán giả cho rằng, trang phục màu mè không hài hòa được với ca từ chân phương, sâu sắc, thấm thía mà soạn giả Thế Châu gửi vào Bên cầu dệt lụa.
| Trần Minh (Trọng Phúc, trái) và Nhuận Điền (Hoàng Nhất, phải). Từ các truyện kể đến các vở diễn sân khấu đều mô tả Trần Minh và Nhuận Điền là hai chàng trai nghèo khó, quần áo rách tả tơi, đến nỗi Trần Minh chỉ có độc bộ quần áo và phải dùng khố chuối để che thân. Nhưng trong phiên bản mới của \"Bên cầu dệt lụa\", trang phục hai nhân vật này không mang lại cảm giác nghèo khổ. |
Một nghệ sĩ tham gia vở diễn bày tỏ, trang phục của vở diễn do một nhà thiết kế thời trang tài trợ hoàn toàn và nhiều diễn viên ngại nếu không mặc sẽ khiến nhà tài trợ buồn. Tuy vậy, khi thấy trang phục quá đẹp so với vai diễn đòi hỏi sự giản dị, thể hiện sự chịu thương chịu khó của người tần tảo làm lụng, chị đã đề nghị được đổi váy áo khác phù hợp hơn. "Là người diễn viên, không có cái đẹp nào bằng cái đẹp tỏa ra từ chính vai diễn", nghệ sĩ này nói.
Sources: vnexpress |