Ngày Đăng: 30 Tháng 08 Năm 2012 Trong con hẻm nhỏ ở Q.8 (TP.HCM) có một thế giới gần như khác hẳn với nhịp sống hối hả của thành phố này. Ở đó, thời gian như ngưng đọng lại với những vở tuồng, những câu chuyện “showbiz” của mấy chục năm về trước.
Đó chính là Viện dưỡng lão nghệ sĩ - nơi mà những người trong nghề vẫn tự hào rằng đây là viện dưỡng lão duy nhất trên thế giới dành cho nghệ sĩ cải lương.
Kiếp tằm nhả tơ
Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM hiện đang nuôi dưỡng 22 người, đều là những nghệ sĩ đã cống hiến cho sân khấu trên 25 năm.
Trong đó có những người từng là đào chánh lừng lẫy một thời như các nghệ sĩ: Ngọc Đáng "lớn" (cách người trong nghề gọi để phân biệt với NSƯT Ngọc Đáng nhỏ tuổi hơn), Lệ Thẫm, Kiều Thu, Thiên Kim… hay cũng có thể là người đánh trống như ông Hoàng Nô hay nhân viên phục trang hát bội như cô Xuân…
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, từ nhiều ngả đời, họ trở về bên nhau dưới mái nhà của Viện dưỡng lão.
| Các nghệ sĩ ở Viện dưỡng lão, mỗi người một hoàn cảnh riêng - Ảnh: Thiên Hương |
Thoáng chút bùi ngùi, nghệ sĩ Thiên Kim bày tỏ: “Tụi tôi nhạy cảm lắm, con cái nói động một chút là tự ái liền. Vào đây có bạn bè hiểu mình, cảm thấy thoải mái hơn nhiều”.
Nghệ sĩ Thiên Kim từng là đào chánh nhưng sau này gắn bó nhiều với phim truyền hình. Nhà có năm người con nhưng đều nghèo khó nên bà xin vào Viện dưỡng lão phần cũng vì không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu.
Nghệ sĩ Hoài Dung (hơn 80 tuổi, đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ ngày trước) cũng ngậm ngùi tâm sự: “Con cái tôi cũng theo nghiệp cải lương nhưng nghèo. Chúng nó phải ở trọ, làm thuê, làm mướn đủ cả. Thôi thì tôi vào đây cho chúng bớt nhọc nhằn”.
Hút thuốc từ năm 17 tuổi, giờ đã hơn 80 tuổi, nghệ sĩ Hoài Dung vẫn không buông được điếu thuốc như một thói quen. Bà bảo khói thuốc và radio là hai thứ không thể thiếu với bà bây giờ vì “nó khiến tôi nhờ lại cái thời đi hát vui sướng biết bao nhiêu”.
| Nghệ sĩ Ngọc Đáng \"lớn\" tuy cao tuổi nhưng giọng hát vẫn rất \"ngọt\" - Ảnh: Thiên Hương |
Nổi tiếng là người vui tính nhất trong viện, nghệ sĩ Ngọc Đáng "lớn" (85 tuổi) là một trường hợp khá đặc biệt. Mặc dù con cháu vẫn đều đặn đến thăm, khuyên về nhà ở, nhưng bà nhất quyết không chịu.
Bà bảo ngày trước, khi chồng mất, một tay mình nuôi hai đứa con nên mới phải bỏ hát ra buôn bán ngoài chợ để kiếm miếng ăn.
“Giờ các con đã lớn, có gia đình, có công ăn việc làm, coi như tôi cũng đã hoàn thành nghĩa vụ một người mẹ. Tôi chỉ muốn sống lại niềm vui thời trẻ với những người bạn nghệ sĩ của mình. Ít ra thì ở đây cũng còn có không khí sân khấu ngày trước. Chiều chiều mọi người ngồi ôn lại chuyện xưa, ngày rằm thì văn nghệ phục vụ bà con. Sống vui như thế nên kể từ khi vào viện đến giờ, tôi chả uống viên thuốc nào”, bà vừa nói vừa cười sảng khoái.
Và còn rất nhiều trường hợp khác, họ đều là những cái tên lừng lẫy một thời, cống hiến cả tuổi xuân cho nghệ thuật nhưng về già lại lâm vào cảnh túng thiếu khó khăn.
“Nghệ sĩ khi còn nổi danh thì thường xuyên đi diễn nay đây mai đó nên trở về với đời thường rất khó, nhất là chuyện con cái. Họ đi suốt nên ít khi gần gũi con, tình cảm cũng vì thế mà phai lợt, tâm lý lại quen cuộc sống vui vẻ, tài tử. Vì thế mà nhiều người xin vào Viện chỉ vì muốn được sống trong không khí nghệ sĩ ngày xưa”, ông Tần Nguyên, Trưởng ban quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ lý giải thêm.
Ông Tần Nguyên cũng cho biết, ngay cả đầu bếp hay bảo vệ ở viện cũng là người trong nghề vì chỉ có họ mới hiểu nghệ sĩ muốn ăn gì và nấu sao cho vừa kinh phí eo hẹp.
Tự xoay xở nuôi nhau
Được thành lập từ năm 1988, Viện dưỡng lão nghệ sĩ đến nay đã nuôi dưỡng hàng chục nghệ sĩ khó khăn. Tuy nhiên, con số các lão nghệ sĩ sống trong Viện luôn chỉ dừng ở mức 20 - 25 người, vì chỉ khi nào có ai qua đời mới dư chỗ trống để nhận người khác vào.
Bên cạnh đó, một phần cũng vì nhiều nghệ sĩ không đáp ứng được các tiêu chí (nữ trên 60 tuổi, nam trên 65 tuổi và phải có 25 năm liên tục cống hiến cho sân khấu cách mạng). Mặt khác, vấn đề tài chính luôn là mối lo ngại hàng đầu của Viện dưỡng lão. Được biết, thành phố hiện còn khoảng 300 - 500 nghệ sĩ khác có hoàn cảnh khó khăn.
| Các nghệ sĩ xem phim, xem cải lương qua tivi - Ảnh: Thiên Hương |
Ông Tần Nguyên cho biết, vào năm 2010, việc chuyển giao quản lý viện từ Hội Sân khấu TP.HCM về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nghệ sĩ.
UBND TP.HCM đã ra thông báo khi nào Hội Sân khấu TP.HCM, Ban Ái hữu thông suốt về mặt tư tưởng, thấy việc bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cần thiết thì chính thức có văn bản đề nghị, khi đó thành phố sẽ xem xét, giao các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện.
Từ đó đến nay, viện không còn được cấp kinh phí như trước mà phải tự túc tất cả. Hiện tại, phần ăn của mỗi nghệ sĩ ở viện vào khoảng 21.000 đồng/người/ngày nhưng như ông Tần Nguyên nói “chúng tôi lo hai bữa cơm cho các cụ là đã cố gắng hết sức rồi”.
Do đó, ngoài những khoản tiền mà Ban Ái hữu Hội nghệ sĩ sân khấu TP.HCM vận động những mạnh thường quân ủng hộ, các nghệ sĩ ở viện còn tổ chức hai đêm nhạc mỗi tháng vào ngày rằm và ngày đầu tháng để tạo nguồn thu.
“Thời trẻ đã cống hiến hết mình, về già chỉ mong có rau cháo ăn qua ngày. Chúng tôi rất tin vào chuyện tổ đãi. Có lần ngày diễn rơi vào thời điểm mưa gió dầm dề. Chúng tôi chắp tay trước bàn thờ tổ xin trời đừng mưa vì mỗi tháng chỉ được diễn có hai lần, thế mà hôm đó trời không mưa thiệt”, nghệ sĩ Ngọc Đáng chia sẻ.
| Niềm vui của họ mỗi khi có đoàn đến thăm - Ảnh: Thiên Hương |
Một số nghệ sĩ ở đây cũng có những người đi đóng phim để có “đồng ra đồng vô” và để đỡ nhớ nghề trong đó thường xuyên nhất là nghệ sĩ Thiên Kim. “Giờ già yếu rồi nên cũng không dám đi xa, đi nhiều nữa. Hôm trước đóng phim bị té trật chân đây nè”, vừa nói bà vừa xuýt xoa chỉ chỗ đau.
Mặc dù cuộc sống chưa thực sự sung túc nhưng bù lại, các nghệ sĩ tại đây sống rất thoải mái và tình cảm. Mặc dù đôi lúc cũng xảy ra những giận hờn tuổi già, nhưng mỗi khi có người ốm đau là tất cả lại tích cực chăm lo.
“Chuyện có người đi cấp cứu ở viện này thì như… cơm bữa vì người già nay yếu mai đau. Chúng tôi đã gạt nước mắt tiễn đưa không biết bao nhiêu nghệ sĩ qua đời ở đây”, ông Tần Nguyên nói.
Rời Viện dưỡng lão, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng thở dài trong câu chuyện quanh ấm trà của các cụ: “Người ngoài nghề và các em, các cháu diễn viên, ca sĩ còn hay đến thăm hỏi, trong khi "người cải lương" thì ít khi nào thấy đến. Ngẫm mà buồn…”.
Sources: thanhnien |