Ngày Đăng: 17 Tháng 03 Năm 2014 Điệu bộ hồn nhiên cùng với giọng cười lanh lảnh trẻ thơ ấy, ít ai ngờ lại xuất phát từ một cô đào hát tuổi ngũ tuần.
Nhắc đến Phương Hồng Thủy chắc nhiều người nhớ ngay đến cô đào có đôi má bầu bĩnh dễ thương, đến nỗi nhiều khán giả không nhớ được tên cô cũng nhớ liền biệt danh ngộ nghĩnh: Cô đào ngậm kẹo đây mà! Không đẹp sắc sảo, cũng không màu mè, đài các, “cô đào ngậm kẹo” đi vào lòng người bởi vẻ duyên dáng của sắc vóc và nét chân phương, mộc mạc trong từng vai diễn.
Nhiều khán giả nói rằng, khi Phương Hồng Thủy vừa bước ra sân khấu, người ta không ấn tượng chị lắm, nhưng rồi nghe chị ca, nhìn chị diễn, chẳng mấy chốc, người ta thay đổi liền cảm xúc: hình như chị đẹp lên, sáng lên, đáng yêu lên. Vãn tuồng, chốt lại, người ta khăng khăng khẳng định: chị là cô đào đẹp. Cứ thế, cứ thế từ nàng Kiều (Ai giết nàng Kiều), đến Lan (Lan và Điệp), rồi Cầm Thanh (Cô đào hát)... đi vào lòng người nhẹ nhàng, tinh tế và ghi nét mãi hình ảnh Phương Hồng Thủy trong lòng người mộ điệu. Cứ thế, cứ thế từ một cô gái không tên tuổi, giản dị đời thường, Phương Hồng Thủy ngày nào trở thành NSƯT, một ngôi sao sáng không thể thiếu khi nhắc đến sân khấu cải lương Nam Bộ.
“Được hát là vui hà!”
Rồi đùng một cái, Phương Hồng Thủy cũng giống không ít các cô đào nổi danh khác, lên đường xuất ngoại “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Ngày nghe tin chị theo chồng định cư ở Mỹ, khán giả chặc lưỡi tiếc cho sân khấu cải lương lại vắng bóng một người tài. Gần 10 năm định cư bên Mỹ, cũng là khoảng thời gian chị làm khán giả bất ngờ khi thấy chị cứ thoáng ẩn, thoáng hiện. Có năm, chị còn về nước liên tục tham gia rất nhiều chương trình khác nhau. Dẫu phía trước cái tên Phương Hồng Thủy giờ thường có thêm 4 chữ “nghệ sĩ hải ngoại”, nhưng dường như khoảng cách của chị và khán giả cũng chẳng thay đổi gì.
Lần này, chị lại về nước để tham gia vở diễn Tiếng trống Mê Linh trong chương trình kỷ niệm 64 năm thành lập đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Vẫn giọng cười trong vắt trẻ thơ, chị phân bua: “Nói là đi Mỹ định cư, nhưng tôi đi đi, về về suốt hà! Có năm ở Việt Nam nhiều hơn ở bển”. Rồi chị hồn nhiên kể rất nhiều về cuộc sống bên đó của chị. Sáng, tiễn chồng đi làm, chị ở nhà một mình dọn dẹp, chăm sóc cây cảnh hoa lá, nấu nướng đợi chồng về. Nhiều lúc ở nhà một mình vừa lau dọn nhà cửa vừa hát hò vang khắp nhà. Chị bảo: “Tôi thích hát lắm. Bên đó, cuối tuần tôi cũng thường đi hát các chương trình dành cho kiều bào, đi hát từ thiện, đi hát gây quỹ xây dựng ngôi Tam Bảo. Được hát là vui hà!”.
Gạ gẫm hỏi chị tiền cát-sê của vở diễn Tiếng trống Mê Linh bao nhiêu mà chị phải tốn cả tiền vé máy bay từ Mỹ về nước, chị cười giòn tan khẳng định: “Mấy bữa nữa là diễn rồi đó. Nói thật là đến giờ tôi cũng không biết trả bao nhiêu. Nhưng nội tiền tôi mua vé tặng bà con, anh chị em đã hết 19 triệu đồng rồi đó. Mọi người hỏi xin, không lẽ không cho. Ông xã tôi điện thoại về hỏi: Còn tiền không? Tôi nói: “hết rồi!”.
Rồi chị hăm hở kể về vở diễn mới này: “Tôi đóng Trưng Nhị. Ca thì tôi không sợ, sợ nhất là đánh võ”. Chị bảo vũ đạo là sở đoản của chị. Lúc xưa diễn tuồng mà có nhiều cảnh múa là mỗi đêm chị ra múa mỗi kiểu. Thế mạnh của chị vẫn là mảng xã hội. “Tôi năn nỉ hoài, bảo bỏ cảnh đánh võ đi, nhưng Hữu Châu không chịu. Giờ tập thấy đánh dở ẹc hà! Hy vọng lúc ra hát thiệt, thần vía nó khác...”.
Tôi còn nhớ lúc xem chạy đường dây vở diễn Tiếng trống Mê Linh, cảnh Trưng Nhị dạy binh sĩ tập võ, chị diễn tập xong, liền quay lại dòm nghệ sĩ Hữu Châu, đạo diễn của vở, cười trong vắt: “Được không? Được không? Lần đầu tiên chị đánh võ đó?”. Điệu bộ hồn nhiên cùng với giọng cười lanh lảnh trẻ thơ ấy, ít ai ngờ lại xuất phát từ một cô đào hát tuổi ngũ tuần, sương gió, gánh nặng nợ đời từng trĩu nặng đôi vai.
Tình người mộ điệu
Trò chuyện với Phương Hồng Thủy thời gian này hình như chỉ có toàn chuyện vui. Những lận đận đường đời lẫn nghề có lẽ đã khép chặt lại sau lưng. Phương Hồng Thủy giờ đây, thảnh thơi, bình yên hưởng thụ hạnh phúc của một gia đình đầm ấm, cùng cái tình mà người hâm mộ dành cho mình.
Chị kể mỗi lần về nước chị đều ở ngôi nhà bên quận 10 (TP.HCM), có mấy em nhỏ xíu cứ đến nhà chị gửi tặng quà: khi thì hộp cơm tấm, khi thì ly nước... Mấy em cứ treo đó, bấm chuông, chị ra mở cửa là liền bỏ chạy. Chị không ngờ là mình có những người hâm mộ còn nhỏ vậy. Có lần chị “la” mấy đứa đó: “Mấy con còn nhỏ đang đi học, tiền đâu mà mua như vậy!”. Mấy em nhỏ nói: “Tụi con nhìn thấy cô là vui rồi”. Ngay cả website của chị cũng được mấy người hâm mộ bên Úc lập cho, rồi Facebook giờ chị đang sử dụng cũng do một cô bé hâm mộ lập rồi hướng dẫn chị sử dụng.
Nhắc đến kỷ niệm với người hâm mộ, chị bảo chị cảm thấy bất ngờ nhất là lần diễn ngoài Hà Nội, đi cùng đoàn của nghệ sĩ Kim Tử Long. “Diễn xong, tôi đi ra, thấy một chiếc xe đắt tiền đậu bên kia đường, có một cô đứng tuổi đang đợi. Tôi nghĩ cô đó là mẹ của cậu này. Cậu này thì cũng còn trẻ, khoảng hai mấy thôi, đứng chờ ngay cửa. Vừa thấy tôi là bước lại chào trân trọng lắm. Chào tôi rồi tặng 500.000 đồng hay 1 triệu gì đó, nói là gấp quá nên không mua hoa hay quà kịp. Rồi trân trọng cầm tay tôi đưa lên... hôn. Cảm giác lúc đó mình giống như nữ hoàng. Mà trong nhóm đi ra diễn lần đó, tôi không phải nữ hoàng, tôi lớn tuổi hơn so với mấy em khác. Lúc cậu trai cầm tay tôi hôn, cảm giác như tôi là... ngôi sao sáng trên bầu trời vậy”.
Chị vừa kể vừa cười sảng khoái. “Thời buổi bây giờ, ra tới Hà Nội mà mình có được những khán giả như vầy, trân trọng mình như vầy, thấy cái nghề mình đáng quý biết bao. Tôi cảm giác mình phải giữ lửa, giữ nghề của mình, sao cho không mất đi. Tối hôm đó tôi ngủ không được, cảm giác mình hạnh phúc ghê luôn!”.
Chốn bình yên của cô đào hát
Người ta hay bảo các cô đào hát thường đa sầu đa cảm, nên những phóng viên như tôi mỗi lần phỏng vấn các cô đào hát về chuyện đời, chuyện nghề thường rất sợ. Sợ nhắc lại chuyện xưa, sợ làm cô đào khóc, sợ cảm giác thấy mình ác độc, cứ thích bới móc những nỗi đau. Tôi cũng mang theo tâm trang hồi hộp ấy để gặp chị, nhưng rồi ơn trời, trái với những tưởng tượng của tôi, chị vẫn giọng cười trong vắt, hồn nhiên, vui vẻ kể về thời quá khứ.
Rằng chị từng có một đời chồng khi còn rất trẻ. Chị sinh con, chồng chị bỏ đi biền biệt, lập gia đình với người khác. Một mình chị nuôi con, ẵm con theo mỗi đêm hát, cũng may trong đoàn hát, mọi người thương, đỡ đần giúp chị. “Cái cảnh đi hát lúc đó vui lắm, tôi nhớ hoài hà! Đau lòng nhưng cũng... buồn cười. Chiều đi hát, tôi tay bế con, tay xách cái giỏ đi. Trong đó có sữa, có tã cho con, đồ hóa trang. Đi hát, tôi giăng cái võng cho con ngủ ở đó, tôi thì ngồi đây, làm mặt, hóa trang, mọi người đi tới đi lui thì mỗi người đẩy võng một cái cho nó ngủ. Khi nào nó khóc thì lấy bình sữa đẩy vô cho nó bú để ngủ. Vãn hát thì gom đồ về. Có hôm đi hát, ngủ mê sao mà ăn trộm vô bưng nguyên cái giỏ. Tôi khóc quá trời. Nghĩ mình chỉ có nhiêu đó cho con mình mà cũng bị lấy trộm nữa. Lúc đó khóc dữ lắm, nhưng sau này kể lại thì thấy vui”.
Hỏi chị, sau này có gặp lại chồng cũ không? Chị cười vui vẻ bảo: “Gặp hoài chứ gì! Gặp cũng xem như bạn bè. Tôi với vợ chồng ảnh còn đi ăn uống cùng nhau. Chuyện cũng qua rồi mà! Giờ có hỏi ảnh sao ngày xưa bỏ vợ? Ảnh bảo cũng chẳng biết nữa, tự dưng nó vậy đó. Tôi nghĩ chắc là duyên hết rồi! Thành ra... thôi!”.
Cô con gái duy nhất của chị giờ cũng đã trưởng thành, đang định cư ở Úc. Điều khiến chị buồn nhất là hai mẹ con không được gần nhau, không thể chăm sóc cho con những lúc ốm đau, bệnh tật. Nhưng chị cũng rất tự hào về cô con gái xinh đẹp, lại hiếu thảo, biết nghĩ cho người khác. Con gái chị là người động viên chị đi thêm bước nữa vì sợ: “Con lớn rồi, sau này con sẽ lấy chồng. Con không muốn mẹ một mình như hồi đó đến giờ, cô đơn lắm! Tuổi già mẹ đến rồi, không có ai hủ hỉ với mẹ...”.
Mở iPad ra khoe hình con gái, chị không quên khoe luôn ảnh người chồng hiện tại với tất cả niềm tự hào. Chị kể, vợ chồng lấy nhau được 10 năm rồi, chồng chị nhỏ hơn chị đến 4 tuổi, hai người gặp nhau: “Lúc đầu xưng chị, sau đó xưng tên, cuối cùng chuyển sang xưng em lúc nào không biết!”. Chị tíu tít khoe chồng, khoe hình bó hoa mà chồng chị tặng ngày valentine vừa rồi. Tôi chọc chị: “Hai vợ chồng lớn tuổi rồi mà cũng lãng mạn dữ!”, chị cười khúc khích: “Tặng cho vui thôi mà em! Chị thích hoa lắm!”. Rồi chị lại không ngớt lời kể về chồng, khoe hình “bữa tuyết rơi ngập đường luôn, xe vào không được, chồng tôi phải đi bộ về, tôi trong nhà chụp hình nè!”.
Tôi mường tượng đến hình ảnh người đàn bà ngồi trong căn phòng ấm áp, bữa cơm chiều đã chuẩn bị xong, bên ngoài tuyết rơi trắng xóa. Người chồng hối hả nhìn theo ánh sáng ấm áp của ngôi nhà nhanh nhanh rảo bước, người vợ với nụ cười rạng rỡ trên môi đứng trước cửa, đón chồng về. Một viễn cảnh hạnh phúc, hạnh phúc như tiếng cười giòn tan của chị!
Bỗng dưng thấy mừng, mừng cho chị! Mừng cho “cô đào hát” tài năng của sân khấu cải lương cuối cùng cũng tìm được chốn bình yên của đời mình!
Sources: baodatviet |
|
|