Ngày Đăng: 29 Tháng 01 Năm 2015 | NSƯT Hồ Kiểng và nghệ sĩ Mạc Can. Ảnh TL |
Lần nào gặp, lão cũng nói một câu: "Ê, kiếm quán nào uống ly cà phê ông..."- kiểu "rủ rê" rất xuề xòa ,rất bình dân và rất... Mạc Can.
Nếu tính ra, người viết bài chỉ bằng tuổi con, cháu của lão, nhưng lão thích cái kiểu xưng hô "ông, tui". Lang bạc giang hồ, rày đây mai đó, muốn gặp lão cũng khó. Số điện thoại của lão, xài toàn sim khuyến mãi, nay đổi số này, mai đổi số khác, chẳng biết đường đâu mà mò... phòng trọ thay đổi liên tục, có khi cả tháng mới về một lần... Tất cả, y như cuộc đời trôi nổi của lão.
| NSƯT Hồ Kiểng và nghệ sĩ Mạc Can. |
Vô tình gặp lão rong ruổi giữa Sài Gòn, "kéo" vào quán cà phê vỉa hè, nghe lão kể chuyện "đi khách", chuyện đời, đã là vui, người nghe có thể cười hả hê, giây phút quên cuộc đời bon chen. Toàn những chuyện vụn vặt, nhưng mỗi câu chuyện đều thấm thía tình người, tình đời.
"Ủa, lúc này ông không còn tật vào quán cà phê uống trà đá nữa hả?" - Thấy ông kêu ly cà phê, không phải là ly trà đá như thường lệ, người viết hỏi.
"Tui bỏ thói quen đó lâu rồi. Dạo này tui tập uống cà phê. Nhiều khi mời người ta vô quán, tui kêu ly trà đá, khách họ không dám uống. Tui muốn trả tiền, người ta cũng ngại..." - Lão phân trần.
Lão có cái duyên, là kể chuyện "hút" người đối diện. Ngay cả cách lão dùng từ "đi khách", thay cho chạy show, đi đóng phim... cũng đã lạ đời một cách hóm hỉnh.
"Tui mới đi khách về. Tính tui ít khi so đo cát-xê, muốn trả bao nhiêu thì trả. Ai dè bữa nay thằng bầu sô đưa cho tui cái bao thơ mỏng lét, ốm nhách như con người nó. Thôi kệ, có tiền ăn cơm, đổ xăng là được rồi" - Kể một câu chuyện buồn, nhưng lão cứ cười vô tư như con nít.
| Nghệ sĩ Mạc Can và nghệ sĩ Thanh Thủy trong một sự kiện. |
"Chiếc xe cà tàng, nổ máy xành xạch đâu rồi cha nội? Lâu quá thấy ông không đi?" - Người viết hỏi.
"Ờ, tui bán rồi. Nó phản chủ quá, toàn là đổ bệnh lúc tui đang hết tiền. Tui mua chiếc giấc mơ này đi cho đỡ tốn xăng. Chân của tui là chân đi, đi chiếc xe uống xăng như trâu uống nước, làm sao chịu thấu?" - Lão cười khà khà.
Lão không bao giờ than vãn về số phận nghèo của mình, phớt lờ với cái nghèo, cười hả hê vào cái nghèo, nhưng trong mỗi câu chuyện của lão, dường như đều gắn với cái nghèo.
"Tui có cái laptop cũ, tuổi của nó chắc gần bằng tuổi... vua Bảo Đại. Nó cứ hư riết... Mỗi lần tui mang cái máy ra cho thằng chủ tiệm vi tính quen sửa, nó sợ lắm. Nó năn nỉ tui, tui nên để cho nó mần ăn, chứ cứ mang cái máy ra sửa hoài, người ta nghĩ tay nghề nó yếu, mất uy tín, chẳng có khách nào dám vào sửa... Nghĩ cũng tội cho nó, vài ngày là tui vác của nợ đó ra một lần. Tui viết xong cuốn tiểu thuyết, bán cho nhà xuất bản, chắc sẽ sắm cái laptop mới"- Giọng lão đều đều, mặt tỉnh bơ, coi như đó là một câu chuyện bình thường.
Trên gương mặt bầu tròn của lão, nếu không có cái miệng "trẻ" nhờ liếng thoắng, hay cười, chắc là buồn lắm. Theo lời lão, để cho cái miệng "trẻ" ra, lão cũng phải đổ tiền vào đó, phải tốn một mớ tiền.
"Tui mới đi trồng hai cái răng. Tuổi gần đất xa trời này để miệng sún, gió lọt vô dễ đau bụng lắm. Mấy cha đạo diễn thấy tui miệng sún cũng không thèm mời đi phim... Muốn kiếm tiền phải chịu tốn tiền đầu tư một chút, chứ tui thấy tui sún răng nhìn có duyên hơn" - Lão hóm hỉnh.
Nhắc về người bạn già quá cố - NSND Hồ Kiểng, lão rưng rưng: "Từ ngày ổng mất, tui lẻ loi. Tui và ổng gắn bó còn hơn người ta yêu nhau. Có ổng tui thấy cuộc đời ít hiu quạnh. Hai ông già chở nhau đi biểu diễn ảo thuật, mấy đứa nhỏ hay sợ té xe. Tụi tui già, nhưng thích kiếm tiền tự lo cho mình... Tui không ngờ ổng đi trước tui. Ổng xài tim giả đó, nhưng tấm lòng của ổng lúc nào cũng thật, ai cũng thương.... Dạo này tui cũng hết xí quách, vô thăm bác sĩ ở bệnh viện hoài, chắc cũng sắp xuống lỗ gặp ổng".
Đang trò chuyện, một bà già bán vé số đến mời. Lão ngưng câu chuyện, cầm xấp vé số lên lựa vài tờ.
"Tui thấy người ta khổ, mua giùm, chứ tuổi tui không ham trúng số tiền tỷ làm gì. Nhiều khi có tiền nhiều còn khổ hơn. Ông thấy đó, năm nào ông già 94 tuổi ở Sài Gòn trúng số độc đắc, nghe đâu 7- 8 tỷ, đời ổng có sướng hơn đâu? Bình thường không ai tới thăm, nghe trúng số là rần rần người tìm. Bây giờ ổng cũng hết tiền, đúng như tên Hết của ổng, ổng lại quay về với cuộc sống hẩm hiu của mình".
"Nhiều khi thương người, tui mua giùm người ta... Vậy mà cũng bị lừa bán vé số xổ rồi. Mới vừa rồi tui mua cho bà kia 10 tờ vé số, ai dè bả gạt tui. Thôi kệ, người ta khổ mới như vậy..." - Lão cười bình thản.
Những câu chuyện đời vụn vặt cứ trôi theo dòng xe cộ trước mặt. Lão quay qua chuyện... tình yêu. Lão cũng có một tình yêu suốt mấy chục năm qua, nhưng mỗi người mỗi nơi.
"Tui và bả yêu nhau, nhưng tui có tính lang bạc kỳ hồ, không ở gần bả được. Bà này người Nhật, mắt ti hí hà. Bả và con gái tui đang ở Mỹ. Mấy năm trước con gái tui rước tui qua đó ở, định nuôi tui về già nhưng tui không chịu nổi cảnh đất khách quê người, suốt ngày ngồi ở nhà chờ giờ cơm như trong viện dưỡng lão, tui đã quay về Sài Gòn".
"Về Sài Gòn, ở nhà trọ, vác xe đi rong ruổi vậy mà thoải mái hơn. Tui già rồi, qua Mỹ không biết tiếng Anh, nói chuyện toàn bằng tay, ra đường sợ bị lạc, lại ăn toàn đồ Tây, tui không có ham. Bà chủ nhà trọ nói tui sướng mà không chịu hưởng, thích cực khổ".
"Bà chủ nhà trọ cho tui mướn cái phòng để chui vô, chui ra, cũng tính giá rẻ. Nhiều khi cả tháng tui mới về một lần. Bả thấy tui về là mừng lắm, vì sợ tui chết bờ, chết bụi ở đâu đó. Coi vậy chứ bả cũng sống tình nghĩa lắm, đóng tiền trễ vài ngày bả không bao giờ càu nhàu gì hết"- Lão cho biết.
Chuông điện thoại lão reo. Móc cái điện thoại "cục gạch" ra, lão vẫn thói quen cố hữu: "Dạ, dạ tui là Mạc Can đây...". Cái thói quen dễ thương này của lão dường như những người quen thân đều biết, nói chuyện qua điện thoại, bất kể già hay trẻ, lão đều đệm từ "dạ"..
"Ông ơi, tui phải đi khách, tụi nó đang gọi tui. Tui chạy qua bên kia gặp ông đạo diễn, nhận cái vai này cái". - Lão nói.
Dáng người thấp đậm, có phần lam lũ, tất tả của lão ngồi trên chiếc xe "giấc mơ" có vẻ không cân xứng lắm. Lão rồ ga, hòa vào dòng xe cộ đông đúc, tiếp tục cuộc hành trình rong ruổi cuộc đời của mình....
Nghệ sĩ Mạc Can vừa nhập viện một lần nữa, đang nằm ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Đôi chân của ông của người đàn ông 70 tuổi này đang sưng nề, không thể đi lại được, đành phải dang dở một bộ phim đang đóng. Thế nhưng, hôm nay, sau khi bác sĩ khám xong cho thuốc, ông lại năn nỉ cho... về vì những bộ phim còn dang dở.
Hy vọng ông sớm bình phục, để tiếp tục cống hiến cho khán giả những vai diễn hóm hỉnh trên màn ảnh.
Ngoài khả năng là một diễn viên, nghệ sĩ Mạc Can còn là một cây bút tên tuổi, với những tác phẩm từng đoạt giải thưởng lớn: Món nợ kịch trường, Tấm ván phóng lao, Phóng viên mồ côi... Ông thừa hưởng tài năng ở người cha của mình, ông còn là một nhà ảo thuật.
Sources: motthegioi |