Ngày Đăng: 13 Tháng 05 Năm 2011 Sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương, nhưng Bảo Quốc lại không thích ca hát một chút nào, vậy mà vinh quang nghề nghiệp lại đến với ông chỉ từ một vai đóng thế.
Nghệ sĩ <>Bảo Quốc sinh năm 1949, là một trong những diễn viên gạo cội của hài kịch Việt Nam. Tuy khởi đầu sự nghiệp là một nghệ sĩ cải lương nhưng Bảo Quốc đã nhanh chóng thể hiện được tố chất diễn xuất đa dạng trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như hài kịch, chính kịch, phim ảnh. Ông là con thứ sáu trong một gia đình có mười người con, có cha là nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa nổi danh khắp miền Nam thời bấy giờ, mẹ là "bầu Thơ" - chủ Đoàn cải lương Thanh Minh (một trong năm đoàn cải lương có tiếng nhấ lục tỉnh Nam kỳ), và chị của anh là nghệ sĩ cải lương vang bóng một thời Thanh Nga.
Ít ai biết rằng, dù được sinh ra trong một gia đình "nhà nòi" về nghệ thuật cải lương, song Bảo Quốc lại không hề thích ca hát một chút nào. Mong muốn con trai mình nối nghiệp cha, mỗi đêm đi diễn nghệ sĩ Năm Nghĩa đều dắt theo cậu bé Bảo Quốc để truyền nghề, chăm chút dạy cho Bảo Quốc từng lối hát, ngón đàn. Khi đó, ham chơi hơn học, cậu bé Bảo Quốc thường hay trốn đi chơi mỗi khi cha mình "sơ hở" và cũng không ít lần bị cha bắt về đánh đòn.
Ấy vậy mà, con đường đến với nghệ thuật của Bảo Quốc như một định mệnh. Năm mười tuổi, Bảo Quốc bất ngờ được cha gọi vào thế vai cậu bé Mộng Hùng trong vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới do diễn viên ngã bệnh đột ngột vào giờ chót. Khi đó Bảo Quốc rất sợ vì chưa từng đứng trên sân khấu bao giờ, may mắn thuộc lòng kịch bản nhờ những lần được cha đi diễn dắt theo và được sự động viên của mọi người trong đoàn, Bảo Quốc đã mạnh dạn nhận vai mà không ngờ rằng, đó cũng chính là cơ duyên đưa anh đến với nghiệp diễn.
Trớ trêu thay, ngay đêm định đệnh đó, khi những tràng pháo tay tán thưởng dành cho cậu bé diễn viên Bảo Quốc vừa dứt thì cũng là lúc cha anh - nghệ sĩ Năm Nghĩa đột ngột qua đời. Chính hình ảnh người cha quá cố thân yêu là tấm gương, động lực thúc đẩy Bảo Quốc cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật cải lương nói riêng và loại hình sân khấu nói chung đến tận ngày nay, trở thành tấm gương sáng về nghề cho cả dòng họ.
"Niềm vui đến với tôi thật ngắn ngủi. Vui mừng vì mình hoàn thành vai diễn và nhất là đã làm được điều mà cha mong muốn. Nhưng rồi cha lại ra đi quá đột ngột, không kịp nhìn thấy cậu con trai bướng bỉnh ngày nào giờ đã đam mê sân khấu bằng cả cuộc đời mình", chú Sáu Bảo Quốc ngậm ngùi kể lại. Sáu năm sau đó, Bảo Quốc chính thức theo đoàn Thanh Minh đi diễn, và chỉ hai năm sau ông đã vinh dự đạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai hiệp sĩ mù trong vở diễn cùng tên. Từ đó tên tuổi của Bảo Quốc bắt đầu giành được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả.
<>Bước ngoặt sang hài kịch
Năm 1972, Bảo Quốc bước sang một bước ngoặt mới trong cuộc đời biểu diễn nghệ thuật của mình. Lần đó, diễn viên thủ vai chính của vở hài kịch Con ma nhà họ Hứa cũng đột ngột ngã bệnh, mọi người kêu Bảo Quốc vào đóng thế, song ông không dám nhận lời vì hài kịch nằm ngoài kinh nghiệm diễn xuất của ông. Được chi gái Thanh Nga đã động viên, Bảo Quốc đã "liều mạng" diễn thử, ai ngờ vở kịch lại thành công vang dội ngoài sức tưởng tượng và trở thành cột mốc đánh dấu con đường bước vào làng hài của ông.
Càng dấn thân vào nghiệp tấu hài, ông càng thấy yêu nghề. Bảo Quốc chính là một trong những người đầu tiên đã khởi xướng và phát động phong trào tấu hài trong chương trình Tiếng cười sân khấu vào năm 1980. Ông cũng là lớp diễn viên đầu tiên của tiết mục hài kịch trường kỳ Trong nhà ngoài phố (gắn liền với tên tuổi của lớp nghệ sĩ hài Quốc Hoà, Minh Hoàng, Hồng Đào, Khánh Hoàng, vợ chồng Nguyễn Dương - Thu Tuyết, vợ chồng Việt Anh - Phương Linh, Hữu Nghĩa, Hồng Vân, Phước Sang...) của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh rất được khán giả lúc bấy giờ yêu thích.
| Bước ngoặt sang hài kịch của \"chú Sáu\" cũng lại bắt nguồn từ một vai đóng thế. |
Ngày xưa Bảo Quốc diễn hài theo lối phô trương hình thể đặc trưng của phong cách miền Nam, ngày nay ông đã tiết chế hơn nhiều với lối diễn uyển chuyển giữa lời thoại, biểu cảm khuôn mặt và hình thể. Bản thân Bảo Quốc cũng thừa nhận rằng sự chuyển biến này diễn ra một cách âm thầm sau nhiều đêm tự suy xét, tìm tòi phong cách thể hiện mới, đến một ngày khi nhìn lại thì mình đã đi qua một cuộc "cách mạng diễn hài" hồi nào không hay.
Với tố chất nghệ thuật bẩm sinh và khả năng diễn xuất đa dạng, ngoài việc tham gia nhiều loại hình sân khấu khác nhau như cải lương, hài kịch, chính kịch, Bảo Quốc còn có thể hoá thân vào nhiều loại vai từ chính diện, phản diện đến vai hề chọc cười khán giả. Một số vở diễn tiêu biểu của ông như vở cải lương Tiếng trống Mê Linh (vai Chương Hầu), vở hài kịch Con ma nhà họ Hứa (vai chính), vở cải lương Kiều Nguyệt Nga (vai Bùi Kiệm), vở cải lương Bàn thờ Tổ một cô đào (vai Hai xiên), vở cải lương Bóng tối và ánh sáng (vai Y xì ke). Năm 1991, Bảo Quốc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú nhằm ghi nhận công lao đóng góp của ông cho bộ môn nghệ thuật cải lương và kịch nói.
<>Làm live show để tri ân cải lương
Nếu nhằm mục đích phô trương sự nghiệp, hẳn vào dịp kỷ niệm 50 năm làm nghề, Bảo Quốc đã làm một live show hơn cả sự hoành tráng. Vậy mà, nói ra mới biết, một nghệ sĩ lão làng như Bảo Quốc lại chưa từng có ý nghĩ đến việc làm một live show cho riêng mình. Năm 2009, do bị con gái Hồng Loan... năn nỉ dữ quá, Bảo Quốc đành gật đầu làm một đêm văn nghệ nho nhỏ với mục đích "vui là chính" tại cộng đồng người Việt ở Mỹ. Chương trình đó cũng do chính Hồng Loan tự tay tổ chức từ A đến Z cho cha mình, nhân Ngày của cha (Father's Day) 21/6/2009.
Tiếng lành đồn xa, sau thành công của đêm diễn tại Mỹ, nhiều khán giả đã gọi đến xin Bảo Quốc tổ chức lại live show, nhưng khi đó ông đã từ chối. Năm 2011, đứng trước tình cảm quá to lớn của những khán giả yêu cải lương và tiếng cười của nghệ sĩ Bảo Quốc, "chú Sáu" quyết định làm live show "số lẻ" kỷ niệm 52 năm làm nghệ thuật. Lần này, chương trình lại do đích danh cháu nội Gia Bảo quán xuyến toàn bộ cho ông mình. Nghệ sĩ trẻ tài năng kiêm "ông bầu mát tay" Gia Bảo cho hay, để dồn sức lo chương trình cho ông nội, anh chỉ tham gia vào một vai nhỏ xíu là... lính lệ để góp vui cùng ông.
| Nghệ sĩ Hồng Loan từng tổ chức thành công đêm văn nghệ nho nhỏ kỷ niệm 50 năm theo nghề cho cha mình tại cộng đồng người Việt ở Mỹ vào đúng dịp Ngày của cha. |
"Thật ra tôi chưa có ý nghĩ sẽ làm một chương trình riêng như thế này bao giờ, nhưng bạn bè, rồi con cháu cứ thúc giục hoài, thôi thì bây giờ vẫn còn sức khoẻ, còn minh mẫn nên phải cố gắng làm một lần, trước là để kỷ niệm với con cháu mai này, sau nữa là dịp mình để ơn đáp nghĩa với khán giả đã yêu thích mình suốt mấy chục năm qua. Và tôi nghĩ không cần đến lần thứ hai, lỡ có gì sơ suất tôi sợ có lỗi với khán giả lắm", Bảo Quốc tâm sự.
Là người có gốc từ cải lương, ăn cơm từ cải lương, nổi tiếng cũng từ cải lương, nên không có gì lạ khi mục đích của live show duy nhất trong cuộc đời nghệ thuật của Bảo Quốc chỉ là nhằm để tôn vinh cải lương, thay vì đề cao chính mình như những live show thường thấy. "Nhìn cải lương đang thoi thóp từng ngày từng giờ, có lúc tưởng chừng như... tắt thở, nghệ sĩ chúng tôi thấy thật đau xót. Ngày nay cuộc sống đã thay đổi nhiều, cải lương không còn như xưa khiến nghệ sĩ chúng tôi phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh, người đóng kịch, kẻ đóng phim và cho dù trong môi trường nào chúng tôi vẫn phải cố gắng để gìn giữ nghề nghiệp của mình".
Live show của NSƯT Bảo Quốc mang tên 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười do Tất My Loan làm đạo diễn, gồm bốn tiết mục mang nhiều màu sắc khác nhau. Trích đoạn chính kịch lịch sử Nỏ thần (tác giả: Lê Duy Hạnh) đánh dấu vai phản diện Nhan Tấn từng giúp Bảo Quốc đoạt huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Vở cải lương hài Đi biển một mình (tác giả: Hoa Phượng) nhắc ông nhớ lại thời kỳ hoàng kim của Đoàn cải lương Thanh Minh. Trích đoạn cải lương tuồng cổ Phụng nghi đình lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền (tác giả: Mộc Quán, Trương Phụng Hảo) từng làm rạnh danh tên tuổi của chị gái quá cố - nghệ sĩ cải lương tài danh Thanh Nga. Và cuối cùng là trích đoạn hài kịch Thị Màu (tác giả: Thế Ngữ) - dấu mốc cho sự chuyển biến sang kịch nói.
| Đàm Vĩnh Hưng lần đầu tiên hát cải lương cùng \"tía\" Bảo Quốc và vinh dự kết màn bằng ca khúc Phận tơ tằm. Chương trình được diễn viên Gia Bảo (trái) thực hiện dành tặng ông nội. |
Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ tài danh và nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia như nghệ sĩ cải lương Lệ Thuỷ, Kim Tử Long, Vũ Luân, Tú Sương, Hồng Loan, Kiều Mai Lý, nghệ sĩ hài Tấn Beo, Trung Dân, Anh Vũ, Phước Sang, Tiểu Bảo Quốc, Hà Linh, Phú Quý, Duy Phương, Mỹ Chi, Hồng Tơ, Hoàng Sơn, nghệ sĩ kịch nói Kim Xuân, Hồng Vân, Hữu Châu, Thanh Thuỷ, Nguyễn Dương, Ngọc Trinh, Gia Bảo, Xí Ngầu, diễn viên Chi Bảo, Huỳnh Đông... và đặc biệt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ lần đầu tiên hát cải lương cùng "tía" Bảo Quốc và vinh dự kết màn chương trình bằng ca khúc Phận tơ tằm.
Đêm khai mạc sẽ bắt đầu vào lúc 19h tại tiền sảnh Nhà hát Hoà Bình (thành phố Hồ Chí Minh) với buổi triển lãm tranh ảnh và phát biểu của các nghệ sĩ về hoạt động nghệ thuật suốt 52 năm của NSƯT Bảo Quốc. Live show sẽ diễn ra liên tục trong hai ngày 14 và 15/5/2011. Giá vé từ 300.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Sources: tinmoi |