Ngày Đăng: 06 Tháng 01 Năm 2015 | Mua vui cho đời, rồi ai mua vui cho mình? |
Mạc Can ói ra máu ở phim trường, bị cắt thuốc giảm đau nên chứng thấp khớp lại hoành hành. Ông đau, nói cười yếu ớt, mà vẫn cố làm cho người khác vui. Mạc Can nói, đó là phước phần ông tự chọn lấy cho mình.
Nắng cuối năm, dịu dàng le lói. Mạc Can ngồi ngóng khách, cười phơ phơ tóc bạc. Mới hôm qua, hôm kia, Mạc Can vẫn còn nằm viện. Giờ được về nhà, ông đòi đi đóng tiếp mấy phân đoạn còn dang dở. Đạo diễn Bùi Nam Yên tới thăm, bảo thôi, chừng nào khỏe thì tính tiếp. Ông cười hà hà: “Diễn vai ăn xin, mà đang lúc đôi chân nó liệt vầy thì mình lết luôn cho hợp vai, phải không, cô hai?!”.
| Ảnh: Nguyên Trương |
Mạc Can kể: “Cái bao tử nó hành, bác sĩ đút ống nội soi, tui nằm ngó lên màn hình coi người ta truyền hình trực tiếp ruột gan. Thấy lòng dạ mình cũng đơn giản quá chừng”. Vặn lại, người viết văn mấy ai đơn giản.
Mạc Can lại cười: “Trong tui như có vài con người cùng tồn tại đó cô hai. Lúc viết văn là con người khác, lúc nói chuyện với cô là con người khác, đi diễn ảo thuật cho các cháu thiếu nhi lại xuất hiện một ông Mạc Can khác nữa. Quan trọng là tui của thường ngày suy nghĩ giản đơn. Thì thôi, sống đơn giản cho đời thanh thản!”.
Mạc Can với lấy đống hồ sơ bệnh án, lục tìm phong thư của cô y tá, của người này, người kia gửi gắm chút tình cảm cho “chú Can mau khỏi bệnh”. Chỉ vào cái tên “Lê Trung Cang”, Mạc Can hồn nhiên: “Tên tui đó cô hai”. Mạc Can tên thật là Lê Trung Cang, quê quán ghi Minh Hải cũ, chôn nhau ở Mỹ Tho, theo ghe hát rong của cha, rày đây mai đó.
Mạc Can tay níu lấy tay, hiu hiu ngó nắng. Trong đáy mắt mờ đục vắt vẻo những mùa thơ dại nhọc nhằn. Đứa trẻ nào sinh ra cũng thiên bẩm thích nghi, nên thằng nhóc Cang thèm đất, thèm bờ cũng chỉ dám nghĩ rằng “chắc là mình khác người ta”.
Ghe xuôi đến đâu, nhà cặm sào ở đó. Hát đến khi nào người ta chán lại đi. Cang hay ngồi mũi ghe, thõng chân tiếc đất. Sông không ngưng chảy, đời Cang gá đỡ vào sông. May sao 8 tuổi, cha cho Cang lên bờ học chữ.
Cang ở với ông nội tại xóm ngụ cư gần Chợ Quán, Sài Gòn. Sống trên ghe riết rồi đạp đất thấy say, Cang gặp gì cũng ngó nghiêng lạ lẫm. Mạc Can kể: “Bởi vậy bị ông nội đánh suốt. Chạy quắn giò lên cổ, đêm nằm mơ thấy vía mình rượt theo cái roi, đánh nó tơi bời”.
Những giấc mơ thuở ấu thơ, đi vào văn chương của ông kỳ dị. Là bầy mèo hoang vô sinh bị gắn chip trong đầu, là lũ bồ câu hung tợn cắn nhau chảy máu… Đọc văn của Mạc Can, rồi gặp ông ngoài đời, dễ bị hớ bởi ông chuyện trò tỉnh bơ. Mạc Can nói, ban ngày thì chơi cho vui, đêm về mới suy nghĩ, mới sắp lại chữ nghĩa rồi viết.
Lại nói, đời ông tự hào bởi cái nghề “làm hề”. Mạc Can phân trần: “Từ nhỏ, người ta gọi tui là thằng hề, lớn lên chút là anh hề, rồi giờ là ông hề. Chữ hề đối với tui nó trọng lắm cô hai. Tui nghĩ chắc ông trời cho tui phước phận làm người ta vui”.
Mua vui là cái nghiệp, nghiệp nặng đến nỗi cuối cùng nhìn lại, có mấy ai mang lại tiếng cười cho kẻ mua vui. Nên rồi ở cái tuổi 70, Mạc Can vẫn rong ruổi cho qua một ngày gió, cạn một ngày mưa, đêm về ngủ đâu cũng được, thềm cũng thành giường, quán trọ thành nhà, ốm đau cậy nhờ bá tánh.
Gió lẻ cuối năm hắt hiu, lạnh lẽo. Gió qua một cơn là vài cơn đau nhức cùng hành hạ Mạc Can. Ông xuất huyết dạ dày cũng bởi dùng thuốc giảm đau quá liều. Giờ muốn dạ dày lành vết thương thì phải cắt thuốc. Mà ngưng thuốc thì hai chân xụi lơ, nhói đến mức chẳng nghĩ được gì ngoài cơn đau váng vất.
Vậy mà vẫn cười nói tỉnh bơ, vẫn khoe sắp đi phim này, phim khác, khoe nhuận bút báo này sắp gửi, báo kia gọi điện đặt bài. Nói chuyện với Mạc Can, vui đến nỗi quên cả chuyện chào về. Lúc tạm biệt, ông cười rung rinh ria mép: “Thông cảm, không tiễn được nha cô hai, hôm nào gặp mình nói chuyện tiếp nghen”.
Đi rồi ngoảnh lại mấy lần vẫn thấy Mạc Can dõi theo, như tiếc một hơi người. Người hâm mộ có thịnh tình mấy thì đến rồi cũng đi. Mai mốt nếu may mắn hết đau thì ban ngày Mạc Can vẫn cố rong chơi cho tắt nắng, ban đêm vẫn gõ chữ một mình. Lão nhà văn ở giữa đường chiều hắt hiu, lẻ bóng…
Sources: motthegioi |