Ngày Đăng: 14 Tháng 05 Năm 2015 Cải lương, một loại hình sân khấu truyền thống Nam Bộ, ra đời vào đầu thế kỷ 20, từng làm say mê những người mộ điệu khắp ba miền. Liệu cải lương hôm nay có còn lung linh và cuốn hút khán giả? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Linh Huyền, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về loại hình nghệ thuật cải lương, nhằm nghe chính người trong cuộc nói về vấn đề này…
PV: Là một nghệ sĩ cải lương, lại là người đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cải lương, xin chị cho biết tình hình sân khấu cải lương hiện nay. Đặc biệt là sân khấu cải lương với khán giả trẻ?
NS Linh Huyền: Dù biết văn học nghệ thuật cũng có quy luật thịnh-suy, nhưng Linh Huyền rất đau lòng khi phải nói lên rằng, cải lương hiện nay đang suy.
- Đang suy vì chất lượng nghệ thuật cải lương hay là vì khán giả thờ ơ?
- Cùng với việc hội nhập kinh tế, mở rộng cửa với thế giới, nhiều nền văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam, được giới trẻ tiếp nhận cái mới, cái lạ, mà lơ là với cải lương. Ngày nay, người ta chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể xem bất cứ chương trình nào trên Internet, thời gian dành cho cải lương ít đi. Tuy nhiên, đại bộ phận những người nặng lòng với văn hóa dân tộc còn say mê cải lương.
| Nghệ sĩ Linh Huyền. |
- Còn người yêu cải lương, nghĩa rằng những người lao động sân khấu cải lương vẫn còn động lực để phát triển bộ môn nghệ thuật này?
- Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có sân khấu Hưng Đạo là đáp ứng đủ nhu cầu của cải lương. Tuy nhiên, do sân khấu này xây đã lâu, giờ đây đã quá cũ kỹ, nhếch nhác, không phù hợp với nhịp sống hiện đại nữa. Vì mặt bằng sân khấu như thế nên khán giả đi xem cũng không chú ý trang phục, thậm chí có nhiều người ăn mặc xuềnh xoàng, và không quên chuẩn bị hàng lô bánh trái để vừa xem vừa ăn vừa nói chuyện, đồng thời chuông điện thoại reo liên hồi… Bối cảnh như thế, người tinh tế và thanh lịch, có tầm nhìn cao không sao hòa nhập được.
Do đó mà sân khấu giảm đi một số lượng lớn khán giả là những người có tư tưởng tiến bộ. Trước “những điều trông thấy” ấy, làm sao nghệ sĩ có thể toàn tâm toàn ý tập trung ca hay cho được. Công bằng mà nói, đa số nghệ sĩ ngày nay chú ý đến doanh thu nên làm theo kiểu “mì ăn liền”, nhanh, gọn, thực dụng mà họ quên rằng, chất lượng vàng của vở diễn cải lương là sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn và dàn nhạc.
Diễn viên chạy “sô”, không tập tuồng, không thuộc lời thoại, hát nhép, làm việc kiểu nghệ sĩ,… tất cả những điều ấy thể hiện quá rõ thái độ không tôn trọng khán giả. Thấy rồi, chúng ta sẽ phát triển cải lương bắt đầu từ việc tôn trọng công chúng, khán giả.
Thứ nữa là cần phải lao động sáng tạo những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao. Trong truyền thống của sân khấu cải lương, chúng ta từng có những vở mẫu mực, như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn… đã đi vào lòng khán giả.
| Nghệ sĩ Linh Huyền. Ảnh do nghệ sĩ Linh Huyền cung cấp. |
- Nay, muốn khán giả đến với sân khấu cải lương thì phải có những vở diễn tương xứng với truyền thống?
- Để sân khấu cải lương tồn tại, trước tiên người nghệ sĩ phải nâng cao hình thức và sáng tạo nội dung cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người cứ nhầm tưởng là phải củng cố hình thức, nghĩa là hoành tráng hóa cải lương, mỹ hóa cải lương, làm cải lương “mốt” hơn thì mới thu hút khán giả, nhưng theo Linh Huyền, cách nhìn nhận vấn đề như thế là vô tình giết chết cải lương. Cải lương chỉ đẹp khi nó là chính nó, không thể lai căng cho trẻ hóa giống nhạc thị trường được. Cho nên, phải trả cải lương về với cội nguồn được sinh ra. Đồng thời, một yếu tố nữa để cải lương đi lên là người thưởng thức phải văn hóa hơn trong cách cảm thụ của mình.
- Được biết Bà chúa thơ Nôm do chị viết kịch bản và đầu tư kinh phí sẽ được công diễn vào ngày 22/5/2010 tại Nhà hát Lớn Thành phố, vậy vở diễn này có đạt được tiêu chí như chị vừa đưa ra không?
- Linh Huyền coi sân khấu là một “thánh đường”, vì thế mà muốn nó lúc nào cũng đẹp, và để thể hiện được cái đẹp đó, trước tiên người nghệ sĩ phải đẹp. Vì đã coi sân khấu như một “thánh đường”, nên Linh Huyền cũng đòi hỏi người tham dự cũng phải nghiêm trang như đi dự lễ.
Đưa Bà chúa thơ Nôm vào Nhà hát Lớn lý do đầu tiên là Linh Huyền muốn thỏa mãn những đòi hỏi không gian nghệ thuật tương xứng với “thánh đường” của đông đảo khán giả. Thứ hai là Linh Huyền muốn người nghệ sĩ lên khán đài trang trọng hơn. Trong vở diễn này, Linh Huyền đã trả cải lương về đúng “chất” của nó: mộc mạc, chân thật và giản dị.
Bà chúa thơ Nôm tập trung một đội ngũ nghệ sĩ tâm huyết với nghề tổ, làm việc có trách nhiệm, bài bản: Đạo diễn Trần Minh Ngọc, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vai Hồ Xuân Hương,… Linh Huyền quy định diễn viên tuyệt đối không hát nhép, không hát thêm, không hát dặm, nghĩa là buộc phải thuộc lời thoại, phải nhập vai, đồng thời hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị điện tử, không chủ trương mỹ hóa, hoành tráng hóa, lạ hóa sân khấu, hoặc là kết hợp “hỗ trợ cải lương” như thêm các “sao” ca nhạc hát cải lương, các màn ảo thuật, múa hát… mà nỗ lực sao cho giữ đúng cái “hồn” của cải lương.
| Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền vào vai Hồ Xuân Hương trong Bà chúa thơ Nôm. |
- Tại sao chị chọn Hồ Xuân Hương, một nhân vật của thế kỷ 18, mà không phải là nhân vật của ngày hôm nay? Hay cứ phải diễn về nhân vật lịch sử, dã sử, huyền thoại mới là cải lương?
- Thứ nhất, Linh Huyền thích viết về đề tài lịch sử. Thứ hai là, là phụ nữ nên Linh Huyền quan tâm đến phụ nữ, quan tâm đến những thiệt thòi mà người phụ nữ gánh chịu. Hồ Xuân Hương là một nhân vật như thế.
- Chị tiếp cận Hồ Xuân Hương bằng cách nào?
- Những bài thơ của Hồ Xuân Hương đã nói được nhiều về thân phận của bà.
- Trước đây, chị từng viết vở Sương Nguyệt Anh, rồi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rất thành công. Còn Bà chúa thơ Nôm, chị có thể dự báo về số phận sân khấu của vở diễn?
- Ở Bà chúa thơ Nôm Linh Huyền kín đáo gửi gắm tấm lòng thông cảm với thân phận người phụ nữ nói chung và Hồ Xuân Hương nói riêng. Có thể điều Linh Huyền tâm đắc, gửi gắm sẽ được công chúng, khán giả tiếp nhận. Trái tim dễ đến với trái tim. Linh Huyền chỉ có thể dự báo được như vậy.
- Cảm ơn chị. Chúc chị thành công.
Sources: honvietquochoc |