Ngày Đăng: 22 Tháng 04 Năm 2007 Nguyễn Phương cộng tác nhiều năm với các gánh hát cải lương chuyên hát tuồng xã hội, tuồng dã sử, tuồng hồ quảng, Nguyễn Phương cũng viết tiểu sử nhiều nghệ sĩ tài danh của các loại hình nghệ thuật sân khấu kể trên nhưng còn một thiếu sót rất lớn : là chưa viết về các nghệ sĩ mà trong sân khấu người ta thường gọi là “Dàn Bao”. Tưởng cũng nên giới thiệu qua như thế nào gọi là nghệ dĩ “dàn bao”.
Nghệ dĩ “dàn bao”
Trong một tuồng hát, bao giờ cũng có một cặp đào kép chính, nhân vật trung tâm của cốt truyên tuồng, tuồng kể lại chuyện tình yêu, chuyện cuộc đời ân oán của một cặp nhân vật trung tâm đó, do đào chánh và kép chánh thủ diễn. Tuy nhiên câu chuyện tuồng sẽ không hấp dẫn không gay cấn nếu như mâu thuẫn chỉ xuất phát từ sự va chạm của hai tính cách không đồng thuận của hai nhân vật chính mà không có sự can thiệp của kẻ thứ ba, của một lực lượng khác xen vào.
Nhân vật thứ ba, kẻ tranh tình hay phá hoại cuộc tình của đôi nhân vật chính thường được gọi là kép độc, một nhân vật đối kháng với kép chánh trong cuộc tranh tình, soán ngôi hoặc tranh đoạt tiền tài, danh vọng.
Và người kép độc đó không đơn độc trong cuộc tranh tình hay phá hoại nầy. Kép độc đó kéo bè kéo cánh; phía bên kép chánh, phiá bên trung cũng có người bệnh vực và như vậy thì có bên trung, bên nịnh, bên chánh, bên tà. Trung, Nịnh, Chánh, Tà, gồm có nam, nữ, gìà, trẻ, vậy nên muốn thể hiện các vai đó trong một tuồng hát, người ta sẽ có những diễn viên trong các vai kép độc, kép độc lẵng, kép lẵng, lão mùi, lão độc, đào mùi, đảo nhì, đào độc, đào lẵng, hề, kép cạnh, kép con, tỳ nữ, vệ sĩ, vũ nữ. Những vai diễn đó bao quanh hai diễn viên chánh, hai nhân vật chánh để tăng thêm phần gay cấn, tình cảm hay cốt truyện tuồng thêm hấp dẫn được gọi chung là Dàn Bao.
Lấy thí dụ về đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, các đào kép chánh có thể kể như Thanh Nga, Út Bạch Lan( đào mùi), Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước( kép mùi), các anh Hoàng Giang, Việt Hùng( kép độc, lẵng), Văn Ngà( kép độc), Ngọc Nuôi đào mùi, có khi đóng vai mụ mùi; Thúy Lan, Bé Hoàng Vân( Mụ, lẵng hay độc tùy theo tuồng), Minh Điển( lão mùi), Kim Quang, Châu Hí, Hề Núi, Bảo Quốc( hề)…Còn các vai kép đào nhì, kép, đào ba, kép cạnh như Chí HIếu…Các diễn viên như anh Hoàng Giang, Kim Giác, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Minh Điển, Văn Ngà, Thúy Lan, Bé Hoàng Vân, hề Kim Quang đều được xem là Dàn Bao của những đào kép mùi Thanh Nga, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước…
Sân khấu tuồng cổ hay Hồ Quảng cũng có nghệ sĩ dàn bao như sân khấu cải lương, đặc biệt trên sân khấu tuồng cổ và Hồ Quảng, phần lớn các nghệ sĩ khi còn trẻ đẹp, giọng ca còn trong trẽo đậm đà thì họ diễn những vai đào kép chánh, khi về già, nhờ có trình độ diễn xuất cao, tuy giọng ca đã khàn, nhan sắc đã kém nhưng các nghệ sĩ nầy thủ diễn những vai kép độc, kép lão, làm dàn bao đắc lực giúp cho sân khấu sôi động, giúp cho các diễn viên trẻ dễ thành công trong vai trò của mình. Có thể kể các diễn viên dàn bao nổi tiếng bên sân khấu tuồng cổ như Hữu Huệ, Minh Long, Ngọc Đáng, Bữu Truyện, Thanh Thế, Ngọc Thạch, Minh Ngà….
Nghệ sĩ Hữu Huệ và các nghệ sĩ Bạch Mai, Thanh Bạch là anh em bạn dì ruột, họ sống gần nhau từ nhỏ cho đến lớn trong đoàn hát, lấy rạp hát làm nhà. Nghệ sĩ tuồng cổ tài danh Minh Ngà là người cậu thứ tư của Hữu Huệ.
Nghệ sĩ Hữu Huệ
Nghệ sĩ Hữu Huệ tên thật là Nguyễn Công Đến sanh năm 1956, con của ông Nguyễn Công Đoan, tài xế, mẹ là bà Lê Thị Lan. Bà Lê Thị Lan thứ sáu, em ruột của bà Ngọc Hương( thứ ba), vợ của ông Bầu Huỳnh, cha mẹ ruột của các nghệ sĩ Bạch Mai, Thanh Bạch. Nghệ sĩ Hữu Huệ và các nghệ sĩ Bạch Mai, Thanh Bạch là anh em bạn dì ruột, họ sống gần nhau từ nhỏ cho đến lớn trong đoàn hát, lấy rạp hát làm nhà. Nghệ sĩ tuồng cổ tài danh Minh Ngà là người cậu thứ tư của Hữu Huệ.
Từ lúc 8 tuổi, Hữu Huệ đã theo đoàn hát Chánh Thành – Kim Mai của bà Bầu Tám Chánh, vừa học văn hóa, vừa học hát. Khi gánh hát của Bà Tám Chánh trao lại cho ông Bảy Huỳnh phụ thân của Bạch Mai Thanh Bạch điều khiển, ông đổi bảng hiệu thành Thanh Bình Kim Mai( Kim Mai là tên cũ của nghệ sĩ Bạch Mai), Hữu Huệ được ông Bảy Huỳnh, ông Bữu Ngọc( cha của Bữu Truyện) và nghệ sĩ Minh Ngà truyền nghề, ngoài ra hàng đêm Hữu Huệ ngồi bên cánh gà, theo dõi cách ca diễn của các nghệ sĩ đàn chú bác trình diễn để học theo.
Hữu Huệ cũng bắt đầu nghề hát bắt việc đóng các vai quân hầu, quân báo, kép con, kép phụ, kép mặt vằn, kép mặt trắng, luyện cách nói lối, luyện giọng ca và nhứt là phải học rành các loại vũ đạo trên sân khấu tuồng cổ. Nghệ sĩ Hữu Huệ đã đóng nhiều vai võ tướng trong các tuồng của Ban Huỳnh Long thu trên đài truyền hình.
Sau năm 1975, khi bà Ngọc Hương thân mẫu của nghệ sĩ Thanh Bạch, thành lập đoàn hát cải lương tuồng Cổ Huỳnh Long thì nghệ sĩ Hữu Huệ là diễn viên dàn bao chánh của gánh hát. Vai trò của Hữu Huệ trên sân khấu Huỳnh Long quan trọng như vai trò của anh Việt Hùng và Hoàng Giang trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga ngày trước.
Hữu Huệ hát xuất sắc các vai Bằng Phong trong tuồng Lá Chắn Biên Thùy( sau đổi tựa tuồng là Nữ Tướng Hồ Đề), vai Tạ Ôn Đình trong tuồng cải lương San Hậu, vai Ngô Tôn Quyền trong tuồng Lưu Bị Cầu hôn Giang Tả( sau đổi tựa là Về đất Kinh Châu). Anh cũng có nhiều vai hát thành công trong các tuồng Hùm Thiêng Yên Thế, Tấm Cám, Đường Về Núi Lam…
Cuối thập niên 90, nghệ sĩ Hữu Huệ được giới nghệ sĩ đánh giá là có tay nghề cao trong lãnh vực biểu diễn vũ đạo tuồng cổ, anh chỉ dạy vũ đạo tuồng cổ cho nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh như Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Chí Linh, Vân Hà, Ngân Tuấn, Tiểu Linh….
Nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ
Tưởng cũng nên giới thiệu qua đặc trưng của nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ mô phỏng theo lối hát Hý Khúc Trung Quốc của các đoàn hát Quảng ngày xưa ở Việt Nam như đoàn hát Tiến Hóa, đoàn Phụng Hảo, đoàn Vĩnh Xuân – Khánh Hồng, đoàn Minh Tơ…
Trong nghệ thuật biểu diễn tuồng Tàu, yếu tố âm nhạc chiếm một địa vị trọng yếu. Vì vậy những lời đối thoại giữa các nhân vật không hát tự nhiên như ngôn ngữ ngoài đời thường mà phải ngâm nga, nhấn nhá theo tiết tấu và âm điệu nhạc. Người ta gọi đó là ngôn ngữ đã được âm nhạc hóa.
Trong nghệ thuật biểu diễn tuồng Tàu, yếu tố âm nhạc chiếm một địa vị trọng yếu. Vì vậy những lời đối thoại giữa các nhân vật không hát tự nhiên như ngôn ngữ ngoài đời thường mà phải ngâm nga, nhấn nhá theo tiết tấu và âm điệu nhạc. Người ta gọi đó là ngôn ngữ đã được âm nhạc hóa.
Về động tác hình thể thì cũng không phải diễn như ở cuộc sống bình thường mà phải được nâng lên thành múa, thành vũ đạo. Người trong nghề gọi là các động tác được cường điệu hóa, vũ đạo hóa. Ví vụ từ việc dâng trà, cách phất tay áo, tay vuốt râu, mỗi bước đi…nói chung để biểu lộ cảm xúc của nhân vật thì động tác hình thể phải được cách điệu hóa, được nâng lên thành vũ đạo kết hợp nhuần nhuyễn với cách ca ngâm và hát thay cho những lời đối thoại bình thường.
Trong nghệ thuật hát tuồng Tàu, khi động tác hình thể được vũ điệu hóa, lời thoại được âm nhạc hóa thì tiết tấu của ca và diễn phải được cường điệu hóa. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la đệm theo diễn xuất của diễn viên làm tăng thêm biểu cảm tâm lý của nhân vật, tăng thêm kịch tính của lớp diễn đó, đến độ diễn viên chớp mắt, đão tròng con ngươi, ngón tay run rẩy đều theo nhịp trống.
Tuy lối diễn của các đoàn hát Phụng Hảo, Khánh Hồng, Minh Tơ, Huỳnh Long sau nầy có giản lược bớt những bài bản và âm điệu nhạc Tàu nhưng cách diễn xuất, điệu bộ, nhạc nền vẫn giữ lối cách điệu hóa như xưa.
Một số nghệ sĩ còn biết theo lối diễn xuất nầy như Thanh Tòng, Công Minh, Trường Sơn, Minh Long Hữu Huệ hiện còn sống và còn xuất hiện trên sân khấu thì Hữu HUệ là người trẻ nhất, có đầy đủ sức khoẻ và xông xáo nhất trong việc tập luyện đào tạo các diễn viên trẻ.
Nghệ sĩ Hữu Huệ có được nhiều suất hát trong nước và ở hải ngoại vì anh vừa có thể đóng nhiều vai tuồng và hướng dẫn vũ đạo tuồng cổ cho nhiều nghệ sĩ chuyên hát xã hội hay các nghệ sĩ trẻ mới thành danh sau nầy.
Nguyện vọng của nghệ sĩ Hữu HUệ là được mở một lớp dạy hát thro nghệ thuật tuồng cổ như lối truyền nghề xưa kia của ông Minh Tơ qua lớp Đồng Ấu Minh Tơ hay lớp đồng ấu Bạch Long. Xin mời qúy thính giả nghe giọng hát của nghệ sĩ Hữu HUệ trong tuồng Về đất Kinh Châu, hát trên sân khấu San José ở Hoa Kỳ.
Về gia đình thì Hữu Huệ thành hôn năm 1980, vợ của anh tên Ngọc Bích, công nhân viên, anh chị có 4 cháu tên Đông, Đăng, Ngân và Hà. Cháu Đăng là diễn viên nghệ danh Đăng Lưng, cháu học được khả năng ca diễn theo nghệ thuật hát tuồng cổ của cha và có giọng ca ngọt, cháu cũng là một ngôi sao sân khấu tuồng cải lương xã hội. Các cháu còn lại sau khi tốt nghiệp đều là công nhân viên của nhà nước.
Sources: rfa |
|
|