Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » Khởi Nghiệp Của Kép “Độc Lẳng” Hoàng Giang Ca Sĩ: Hoàng Giang    
Ngày Đăng: 09 Tháng 04 Năm 2015

Trong bốn thập niên 40, 50, 60, 70 của thế kỷ trước, sân khấu cải lương của Miền Nam sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh, mỗi nghệ sĩ có một tài năng cá biệt, một phong cách ca ngâm, diễn xuất riêng, không ai lẫn lộn với ai, điều đó làm cho nghệ thuật ca ngâm diễn xuất đa dạng, phong phú, đánh dấu một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Các ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc, Nguyễn Ang Ca, Lê Hiền, Hoài Ngọc, Phong Vân, Kiên Giang Hà Huy Hà, Tô Yến Châu, Phùng Mậu… viết bài phê bình kỹ thuật ca, ngâm, diễn xuất và đăng kèm theo các hình ảnh thật đẹp của các nam nữ nghệ sĩ tài danh.

Các ký giả kịch trường chiều theo ý thích của khán giả ái mộ cải lương yêu thích vọng cổ nên chú trọng giới thiệu nhiều nam nữ danh ca vọng cổ như Vua vọng cổ Út Trà Ôn, Nữ vương sầu mộng Út Bạch Lan, Giọng ca vàng Hữu Phước, Vua không ngai Thành Được, Hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, Vua vọng cổ hài Văn Hường, Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Giọng hát liêu trai Mỹ Châu, Tiếng hát nhung lụa Ngọc Giàu v.v… mà ít giới thiệu các diễn viên chuyên các vai đào – kép độc lẳng, độc mùi hay độc hiểm…

Đây là một sự bất công đối với những diễn viên nam nữ chuyên đóng các vai kép độc – lẳng, đào độc – lẳng như Hoàng Giang, Trường Xuân, Văn Ngà, Sáu Nhỏ… hay Hồng Nga, Mai Lan, Kim Giác, Ngọc Chúng… Nếu không có các nhân vật thủ vai độc lẳng làm áp lực mạnh mẽ, khiến cho các vai đóng kép mùi lâm vào tình trạng bi thương để bật lên những câu ca vọng cổ ai oán thì kép mùi cũng khó mà được khán giả tán thưởng rầm rộ.

Có một câu chuyện liên quan đến kép diễn và kép ca, tức là giữa kép độc và kép mùi, tôi kể ra đây để thấy rõ tầm quan trọng của kép độc trên sân khấu cải lương. Năm 1948, tôi và kép Trường Xuân đi gánh Tiến Hóa của ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh. Anh Hoàng Giang là kép độc của gánh hát đó, anh kể cho tôi và Trường Xuân nghe một kinh nghiệm quan trọng trong đời đi hát của anh. Anh nói: “Tôi không có giọng ca tốt như anh Mười Út Trà Ôn mà lại phải thường xuyên diễn cặp với anh Mười Út Trà Ôn như hình với bóng. Anh Út Trà Ôn, đệ nhứt danh ca vọng cổ, nên thường được phân vai kép mùi, bị kép độc hãm hại nên có nhiều lớp tuồng để ca vọng cổ. Tôi vì vóc dáng cao ráo, mắt lớn, miệng rộng, hơi nói rổn rảng nên lúc nào cũng phải thủ vai kép độc, đối lập với vai tuồng của anh Út Trà Ôn. Anh Út Trà Ôn mỗi lần ca vô vọng cổ là được khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, tôi thấy tôi phải thay đổi lối diễn như thế nào để lôi cuốn sự chú ý của khán giả về phía tôi. Vì vậy, tôi nghiên cứu kỹ vai tuồng, tính cách của nhân vật, những câu nói lối, những bài ca để diễn, khi thì tôi la hét ồ ạt, khi thì nói như rít trong kẽ răng, mắt lườm lườm đe dọa hay nheo mắt như có âm mưu hiểm ác trong lòng. Tôi nghĩ là diễn vai kép độc không phải lúc nào cũng la hét hay có những động tác thô bạo mà phải tùy từng vai tuồng, tùy từng lớp diễn. Tôi nghiệm ra được một điều là khi vai kép độc diễn hay, làm nổi bật được tính ác độc hay nham hiểm của nhân vật, thì vai kép mùi mới có đất diễn, ca mùi mới được khán giả thương mến. Có lần đoàn hát tuồng Bàng Quyên – Tôn Tẫn. Anh Mười Út Trà Ôn thủ vai Tôn Tẫn, tôi thủ vai Bàng Quyên, một đứa em kết nghĩa và cũng là bạn đồng môn nhưng Bàng Quyên ganh tài nên mưu hại Tôn Tẫn. Lần đó, tôi đánh bài thua sạch túi, lại thêm nợ mấy ngàn bạc, tôi hết tinh thần khi ra sân khấu, đêm đó tôi hát một cách xuôi xị, hát như trả nợ quỉ thần. Anh Mười Út ca vô vọng cổ cũng không được khán giả vỗ tay như mọi khi.
Ông bầu Trương Gia Kỳ Sanh đứng bên cánh gà, hò hét biểu tôi phải hát xôm lên, nóng lên, ông nói: “Bộ thằng Út là cha của mầy sao mà mầy hỏng đánh nó một bợp tai? Lớp nầy mầy phải đánh, phải hành hạ nó… Nó là tía ruột của mầy, mầy cũng phải đánh… Đánh đi… Đánh thật mạnh nó!”

Hoàng Giang nhắc lại kỷ niệm xưa: “Tôi nghe ông bầu nhắc tuồng, phát nổi khùng. Khi anh Mười Út trong vai Tôn Tẫn hét lớn: “Dầu giết chết ta, ta cũng không chép Thiên Thơ cho ngươi!” Tôi hét lớn: “Như vậy nhà ngươi phải chết… phải chết”. Mỗi lần nói đến tiếng chết, tôi đánh một bợp tai thật mạnh, anh Út té xiểng niểng, anh ôm mặt chạy ra xa rồi té quỵ xuống ca vô vọng cổ rất là thảm thiết. Khán giả vỗ tay như muốn làm nổ tung cái rạp hát.”

Vô hậu trường, ông bầu Kỳ Sanh lại vỗ vai Hoàng Giang, nói: “Mầy hát hay lắm! Phải hát nóng như vậy, sân khấu mới xôm chớ!” Nhưng ngay lúc đó thì anh Út Trà Ôn lại xin thối contrat để đi gánh hát khác. Hoàng Giang xáng cho anh mấy bợp tai, tới khi vô hậu trường mặt của Út Trà Ôn còn hằn lên dấu tay hộ pháp của Hoàng Giang. Anh Út nói: “Hát là giả, đánh là đánh giả, nó đánh thiệt thì trẹo bảng họng của tôi, làm sao tôi ca vọng cổ được nữa?”.

Hoàng Giang biết lỗi, xin lỗi anh Út Trà Ôn và thú thiệt là vì thua bài mang nợ nên khi ra sân khấu bị chi phối tinh thần, hát mà không biết mình hát gì. Anh Mười Út dẫn Hoàng Giang tới trước bàn thờ Tổ, biểu Hoàng Giang thề là bỏ tật cờ bạc, anh sẽ ra tiền cho Hoàng GIang trả nợ để Hoàng Giang hát cho đàng hoàng.

Hoàng Giang đốt nhang, long trọng thề với Tổ nghiệp là bỏ tật cờ bạc. Anh Út Trà Ôn giữ lời hứa, cho tiền Hoàng Giang trả nợ. Anh Hoàng Giang cũng giữ lời thề với Tổ nghiệp, anh không bao giờ cờ bạc nữa. Sau chuyện đó, Út Trà Ôn và Hoàng Giang là hai bạn diễn ăn ý với nhau nhứt, cùng nhau lập gánh hát, cùng nổi danh lớn trong địa hạt sân khấu và dĩa nhựa.

Năm 1956, tờ nhật báo Tiếng Dội của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc mở mục trưng cầu ý kiến độc giả và khán giả đầu phiếu chọn các nghệ sĩ “Đệ Nhứt” trong các lãnh vực ca vọng cổ và diễn xuất trên sân khấu cải lương:

– Nghệ sĩ Út Trà Ôn được bình chọn là Đệ Nhứt danh ca vọng cổ nam.

– Nữ nghệ sĩ Thanh Hương (con của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu và nữ danh ca Tư Sạng) được bình chọn là Đệ Nhứt nữ danh ca vọng cổ.

– Nghệ sĩ Hoàng Giang được bình chọn là Đệ Nhứt kép lẳng độc nam.

– Nữ nghệ sĩ Như Ngọc (vợ của danh ca Tấn Tài) được bình chọn Đệ nhứt đào lẳng độc nữ.

Nghệ sĩ Hoàng Giang đã hát ở các gánh: Phụng Hảo, Tiến Hóa, Tân Thinh, Hậu Tấn – Năm Nghĩa, Thanh Minh, Kim Thanh, Thống Nhứt, Hương Mùa Thu, Thanh Minh – Thanh Nga,… Ở đoàn hát nào Hoàng Giang cũng đóng các vai làm vua, làm chúa, làm vương, làm tướng, làm dũng sĩ hoặc làm đầu đảng cướp. Vóc dáng anh to lớn, tiếng nói mạnh bạo, động tác oai nghi và sang trọng, nên anh rất thành công trong các vai: Vua Chiêm Chế Bồng Nga, Tần Thủy Hoàng, Bàng Quyên, Đổng Trác, Quan Công, Tào Tháo, Hội Đồng Thăng, (Đời Cô Lựu). Khi hát ở đoàn Thanh Minh, Hoàng Giang đã đặc biệt được khán giả ưa thích qua các vai dũng sĩ của các tuồng dã sử như: Tình Tráng Sĩ, Biên Thùy Nổi Sóng, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn, Núi Liễu Sông Bằng, Áo Gấm Khôi Nguyên, Hồi Trống Vân Lâu, Ngược Dòng Sông Lỗi, Nẻo Tắt Hoành Sơn… Qua đó khán giả thưởng thức lối diễn đa dạng của Hoàng Giang, khi thì anh diễn vai độc ác kiểu bạo chúa, khi thì độc lẳng tranh tình dê con gái, khi thì độc hiểm. Mỗi vai tuồng, Hoàng Giang làm nổi bật những khía cạnh gai góc của từng lớp diễn để làm bệ phóng cho kép mùi ca vọng cổ, anh diễn ào ạt, sôi động để gây một sức ép nặng nề nên khi nhân vật mùi cất tiếng ca vọng cổ tỏ bày sự phẫn hận đau thương thì liền được sự tán thưởng và đồng tình của khán giả.

Sau năm 1975, Hoàng Giang hát trên sân khấu đoàn cải lương tập thể Thanh Nga (do cán bộ nhà nước làm trưởng đoàn), Hoàng Giang hát thành công qua các tuồng dã sử: Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa, Bài Thơ Trên Cánh Diều. Sau đó anh được nhà nước điều đi qua hát cho đoàn Văn Công, đoàn 2/84 (đi Pháp diễn năm 1969), đoàn Trần Hữu Trang. Trừ các vở hát dã sử trong những năm 1976, 1977, 1978, Hoàng Giang còn giữ được phong độ một kép độc lừng danh nhờ vào các tuồng tích cũ. Đến loạt tuồng mới từ năm 1979, với những nhân vật cách mạng và phản cách mạng của đoàn Văn Công (đoàn hát của chánh phủ mới) Hoàng Giang bị nhạt nhòa vì phải diễn những nhân vật không có thật trong cuộc sống, những nhân vật lên gân với đề tài cách mạng. Anh không thể diễn bôi xấu các sĩ quan VNCH mà trước đây là bạn của anh và anh biết tánh cách các nhân vật đó dựng trong tuồng hát là xuyên tạc, là vu khống, bôi xấu người bại binh. Hoàng Giang không còn được Sở Văn Hóa và Trưởng đoàn Văn Công ưu ái, hai vợ chồng anh Hoàng Giang và Kim Giác nghỉ hát, phải sống thiếu thốn, chật vật trong một căn phòng chật hẹp.

Nhắc đến Hoàng Giang, tôi nhớ tuồng Người Tình của Biển do tôi sáng tác, Hoàng Giang thủ vai một ông nhà giàu si tình, yêu cô gái con của một bà bán cá ở hải cảng. Hoàng Giang đóng một vai lão già dê hay một cách thần tình mà mấy chục năm sau khán giả ái mộ Hoàng Giang vẫn còn nhắc nhở:

Ông lão nhà giàu muốn chiếm đoạt tình yêu của cô gái (Thanh Nga thủ diễn), nên lúc nào cũng ăn mặc sang trọng, nói năng đĩnh đạc, tiêu xài hào phóng, theo o bế bà mẹ là bà bán cá (Kim Giác thủ diễn), giúp đỡ tiền bạc cho hai mẹ con cô gái và làm theo những gì mà bà mẹ muốn.

Một hôm ông mời hai mẹ con bà bán cá tới nhà, tổ chức một tiệc sang trọng, chăm chú chọn thức ăn, chuốc rượu cho bà mẹ. Bà rất xúc động và tưởng là ông bạn già này mê bà, muốn cầu hôn với bà. Bà khen nhà của anh sang trọng, rất đẹp… Ông nhà giàu (HG) vội nói: “Nếu bà thích thì ngôi nhà này sẽ là của bà!”
Bà bán cá chắc chắn trăm phần trăm là ông nhà giàu này đã phải lòng bà nên bà mở lời khuyến khích: “Bấy lâu nay anh rất tốt với tôi. Hôm nay anh mời đến nhà, đãi cơm thịnh soạn, làm cho tôi cảm động lắm. Phải anh có chuyện chi muốn nói với tôi không?”

Hoàng Giang (ông nhà giàu si tình) nắm lấy tay bà, trịnh trọng: “Nếu bà cho phép, tôi xin bà một điều….”

Bà mẹ: “Được… được.,… Dù anh chưa nói ra anh muốn điều gì… tôi cũng có cảm giác là tôi đã hiểu ý của anh. Nào, anh là một người đàn ông sang trọng, hãy mạnh dạn mà tỏ tình đi chứ!” Bà mẹ nói câu mở đường cho ông già si tình, xong lim dim đôi mắt, vảnh môi lên như đợi một cái hôn tỏ tình nồng cháy.

Hoàng Giang nâng tay của bà lên, đặt trên đầu mình, nói cái giọng óc o: “Má… Má gả con gái của má cho con đi!”

Bà mẹ nghe như tiếng sét nổ bưng tai: “Cái gì? Anh muốn hỏi cưới con gái tui?”
Hoàng Giang: “Dạ, thưa má, nếu má đồng ý!”

Bà mẹ la lên: “Trời ơi! Anh bằng hay lớn tuổi hơn tui…”

Hoàng Giang: “Dạ, hỏng sao! Con hỏi cưới con gái của má… chớ đâu có cưới má mà so sánh cái tuổi của con với tuổi của má chi cho nó mệt,…hả má!”
Bà mẹ kêu trời, chới với như muốn té xỉu. Hoàng Giang sụp quỳ xuống, chấp tay xá xá: “Má… Tội nghiệp con mà má, gả con gái của má cho tui nghe má….”
Bà mẹ cũng quỳ xuống, chắp tay lạy trả lại: “Tôi lạy ông…”
Hoàng Giang: “Tôi lạy bà…”

Hai ông bà cứ “lạy ông”, “lạy bà” qua lại với nhau. Khán giả cười nghiên ngửa vì cái lối dê kỳ lạ, muốn đứa con gái mà lại đi o bế bà mẹ, khiến cho bà mẹ tưởng lầm là lão già yêu mình. Cho đến khi Hữu Phước trong vai người tình của cô gái chạy ào vô, nói là đuổi con dê chạy lạc vô nhà, mới chấm dứt cái trò hai ông bà lạy nhau.

Năm 2000, tôi về thăm quê hương, gặp lại anh Hoàng Giang và chị Kim Giác. Hai anh chị không còn đi hát nên rất nghèo. Con trai anh, kép độc Hoàng Hải, vượt biên và nay ở Hoa Kỳ, lúc đầu cháu còn gởi tiền về giúp cha mẹ nhưng chỉ được một, hai năm, Hoàng Hải gặp tai nạn xe cộ, chết. Hoàng Giang mất nguồn giúp đỡ tiền nong của con, hai anh chị sống trong nghèo khó, đau yếu liên miên, mắt bị cườm không tiền chữa trị.

Hoàng Giang mất ngày 03 tháng 11 năm 2003, được quàn tại Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu đường Cô Bắc và an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.
Chuyện cuộc đời của các nghệ sĩ tài danh dưới thời VNCH, kể hoài không hết như câu chuyện Ngàn lẻ một đêm của thời vua chúa Ai Cập… người kể bùi ngùi nhớ lại một thời vàng son của giới nghệ sĩ cải lương đã mất từ sau cái năm 1975 oan nghiệt.

Sources: thoibao

Hoàng Giang
Tiểu Sử Hoàng Giang
  » Lớn Lên Bên Cánh Gà Sân Khấu
  » Khởi Nghiệp Của Kép “Độc Lẳng” Hoàng Giang
  » Khởi Nghiệp Của Kép “Độc Lẳng” Hoàng Giang
  » Nghệ Sĩ Ưu Tú Hoàng Giang Từ Trần
  » Chùa Nghệ Sĩ: Nơi Hội Tụ Những Ngôi Sao Đã Tắt
  » Chuyện Lạ Trong Ngôi Chùa Và Nghĩa Địa Của Nghệ Sĩ: Kỳ 2 - Nơi Nghệ Sĩ Trở Về
  » Năm Châu - Cuộc Đời Như Sân Khấu (Kỳ 1)
  » Kép Độc Hoàng Giang
  » “Kép Độc” NSƯT Hoàng Giang Từ Trần
Những Tin Tức Nghệ Sĩ Khác
  » Quyền Linh Khóc Khi Nhắc Đến Người Cha Vắng Bóng Trong Cuộc Đời Mình
  » Chồng Đại Gia Mừng Sinh Nhật Trịnh Kim Chi
  » Vân Dung Tích Cực Khoe Con Trai Long Vũ
  » Ảnh Sao 17/8: Con Gái Quyền Linh Diện Đầm Hai Dây Ôm Sát Dạo Biển
  » Hôn Nhân 22 Năm Bên Chồng Kém 7 Tuổi Của NSND Thanh Ngoan
  » Vợ Và Con Gái Quyền Linh Cùng Dàn Sao Chúc Mừng Quốc Thiên
  » Việt Hương Mặc Xẻ Ngực Sâu Sánh Đôi Ông Xã
  » Nghệ Sĩ Hữu Độ Qua Đời
  » Ảnh Sao 3/8: Lâm Vỹ Dạ Nịnh Chồng, Gọi Hứa Minh Đạt Là Hạnh Phúc
  » Cháu Gái NSƯT Vũ Linh Bế Tắc Vì Bị Tẩy Chay
  » Ảnh Sao 22/7: Tự Long Mừng Con Trai Út Hai Tuổi
  » Tuổi U50 Của NSƯT Trọng Tấn
  » Nhan Sắc Tuổi 59 Của MC Kỳ Duyên
  » Ảnh Sao 21/7: MC Cát Tường Thăm Các Nghệ Sĩ Ở Viện Dưỡng Lão
  » Hoàng Mập Khoe Ảnh Cưới 26 Năm Trước
  » Tiệc Kỷ Niệm 18 Năm Ngày Cưới Của Việt Hương