Ngày Đăng: 25 Tháng 05 Năm 2012 Sân khấu cải lương đang hồi xuống dốc, thời kỳ hoàng kim của cải lương đã đi qua và không biết có còn dịp trở lại hay không. Một số tỉnh miền Tây Nam Bộ - cái nôi của cải lương – đang cố duy trì các đoàn nghệ thuật cải lương do Nhà nước “bao cấp” với mong muốn gìn giữ bộ môn nghệ thuật đắc sắc của vùng đất này từng làm say đắm hàng triệu người mộ điệu trên cả nước.
Trong hoàn cảnh ấy, những nghệ sĩ theo nghiệp cải lương ở miền Tây có cuộc sống khá vất vả, chỉ những người đã trót gắn bó lâu dài với cải lương hoặc sinh ra trong gia đình truyền thống cải lương mới tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật cải lương không có nhiều hứa hẹn tươi sáng ở tương lai. Trong hoàn cảnh ấy, chợt có một cô gái trẻ, gia đình không ai theo nghề hát, bỗng “nhảy” vào sân khấu cải lương và chinh phục mọi sân khấu, mọi người hâm mộ cải lương ở miền Tây.
Dù còn rất trẻ, chưa lập gia đình, nhưng hiện cô là nghệ sĩ cải lương giàu có nhất miền Tây Nam Bộ, mỗi sô diễn của cô có thù lao không dưới 10 triệu đồng. Trong khi các đoàn hát phải di chuyển bằng xe ca, nhiều khi ọp ẹp, thì cô đào này đi lại bằng chiếc Camry 2.4 có giá hơn 1,3 tỉ đồng với tài xế riêng. Nhiều nghệ sĩ cải lương phải sống tạm bợ trong nhà tập thể của đoàn hát, còn cô đào ấy sống một mình trong ngôi biệt thự xinh xắn ở ngoại ô thành phố Tân An.
Đó là nghệ sĩ Hồ Ngọc Trinh, đào chánh của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (tỉnh Long An). Năm nay cô còn rất trẻ, chưa tới 27 tuổi, nhưng đã nổi tiếng trên sân khấu cải lương cả nước và là nghệ sĩ cải lương đồng bằng duy nhất không chịu thua kém về tài năng và thu nhập so với các nghệ sĩ cải lương tài danh ở TP. HCM. Dù đã rất nổi tiếng và giàu có, nhưng Ngọc Trinh không rời bỏ đoàn cải lương “tỉnh lẻ” Long An để đi theo những lời mời gọi hấp dẫn ở TP. HCM như bao nghệ sĩ đi trước cô đã làm. Cô đang giữ vẹn lòng chung thủy với nơi đã tạo bệ phóng cho mình bay cao trên bầu trời nghệ thuật.
Người ca nhạc đoạt giải nhất cải lương
Nếu Hồ Ngọc Trinh sinh ra trễ hơn chừng 2 năm thì mãi mãi cô không có dịp đặt chân vô Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An và sân khấu cải lương cả nước đã không có một diễn viên nữ tài năng khi tuổi đời còn rất trẻ. Lịch sử sân khấu cải lương miền Tây Nam Bộ sẽ mãi mãi cảm ơn Đài Phát thanh – Truyền hình Long An khi họ đã tổ chức cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình” hai năm một lần (chỉ kéo dài được một thời gian, đến năm 2003 thì chấm dứt) để cô gái chân quê Hồ Ngọc Trinh từ vùng quê nghèo huyện Mộc Hóa ở vùng Đồng Tháp Mười đi về TP. Tân An “thử tài” và đoạt ngay danh hiệu cao nhất giải.
Mà Ngọc Trinh đến với cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình” năm 2001 của Đài Phát thanh – Truyền hình Long An là hoàn toàn tình cờ, ngẫu nhiên, theo sự khích lệ của gia đình, bạn bè, thậm chí lúc đó cô nghĩ là đi cho vui, để biết TP. Tân An.
Đến trước khi đi thi, Ngọc Trinh hầu như chưa biết gì về hát cải lương. Vốn thích ca hát, khi còn học ở trường Ngọc Trinh có tập tành hát nhạc, chủ yếu là các bài hát thiếu nhi, như: “Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu vì cháu không khóc nhè...”.
Nghỉ học sớm ở nhà phụ gia đình làm ruộng, Ngọc Trinh tiếp tục sinh hoạt văn nghệ ở địa phương, nhưng chỉ là ca nhạc. Thỉnh thoảng cô cũng tham gia hát ca ở các kỳ lễ, hát phục vụ đám cưới. Thấy bạn bè hát cải lương, cô cũng thích, nhưng chỉ bắt chước hát theo vài câu cho vui, chứ ở Mộc Hóa không có “lò cải lương” để cô thọ giáo.
Đến giữa năm 2001, lúc cô chưa tròn 17 tuổi, tình cờ Ngọc Trinh thấy Đài Phát thanh – Truyền hình Long An thông báo cuộc thi “Tiếng hát cải lương truyền hình” được tổ chức sau đó ít tháng. Cô không hề nghĩ là mình sẽ đi thi, mà biết hát hò gì ra hồn đâu để đi thi. Thế nhưng, mấy người bạn của Ngọc Trinh lại gợi ý cô nên đi thi vì cô có chất giọng rất mùi, thích hợp với bài vọng cổ, là bài hát chính trong cuộc thi. Nghe bạn bè khuyên bùi tai, rồi cũng muốn có dịp đi chơi TP. Tân An một chuyến, Ngọc Trinh đã đăng ký dự thi.
Chỉ có hơn một tháng ngắn ngủi cho Ngọc Trinh tìm thầy thọ giáo để hát bài vọng cổ cho đúng điệu, đúng nhịp để khi thi không bị “quê”. Về diễn cảm trên sân khấu thì cô không lo, vì đã từng đứng hát nhạc ở nơi này nơi khác. Vậy là, đến ngày thi, cô gái chân quê với bộ bà ba đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, với bàn tay còn nhuốm màu đồng ruộng, đã rụt rè cùng bạn bè “lai kinh ứng thí”.
Thuở ấy, nhiều Đài Truyền hình ở miền Tây Nam Bộ tổ chức cuộc thi hát cải lương hàng năm. Các ca sĩ, kể cả chuyên nghiệp (đang là điễn viên các đoàn cải lương chuyên nghiệp) và “thợ đi thi” (nhiều người tuy không theo nghề, nhưng quanh năm đi “săn” giải các cuộc thi), nhiều nghệ sĩ đến từ TP. HCM, tranh nhau thi tài.
Vì quanh năm đi thi hát, nên hầu hết họ đều biết mặt và hiểu “rơ” của nhau, khán giả cũng “nhẵn mặt” các thí sinh thi hát, vì thường xuyên thấy họ xuất hiện trên truyền hình, như Thành Nu (An Giang), Thạch Tiên (Sóc Trăng), Đức Duy (Long An), Minh Kha (Tây Ninh), Hải Long (TP.HCM), v.v…
Năm ấy, khi vào cuộc thi, Thạch Tiên (Sóc Trăng) có phần tự tin mình sẽ đoạt huy chương vàng, vì qua theo dõi các đối thủ cùng dự thi, anh thấy họ đang không có phong độ tốt nhất, còn anh đã dày công tập luyện suốt mấy tháng qua. Thế nhưng, khi vào vòng sơ loại, Thạch Tiên và các thí sinh “gạo cội” khác bỗng bất ngờ trước sự xuất hiện của một thí sinh nữ lạ hoắc, “mặt búng ra sữa”, nhưng có giọng ca rất đặc biệt, truyền cảm, tuy nhịp nhàng chưa thật chắc, tên là Hồ Ngọc Trinh, thí sinh của tỉnh chủ nhà.
Qua vòng sơ khảo, đi tiếp vào trong, Ngọc Trinh vừa tập ráp nhạc với dàn đờn, vừa tranh thủ rèn luyện thêm tay nghề, kể cả việc học “cấp tốc” một vài bài bản cải lương khác để “rủi” vô được tới vòng chung kết thì có cái để thi (Ban Tổ chức qui định ở vòng chung kết thí sinh vừa hát bài vọng cổ, vừa phải hát một bài bản cải lương khác).
Cứ thế, với chất giọng thổ trầm buồn, nhịp nhàng càng lúc càng chắc, giọng ca ngọt ngào, Ngọc Trinh đã thể hiện phần thi của mình thật xuất sắc trong đêm chung kết xếp hạng, vượt qua tất cả những nghệ sĩ già dặn khác, đoạt Huy chương Vàng của giải.
Chúng tôi đã thử hỏi soạn giả Kha Tuấn – Chi Hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Long An, thành viên Ban Giám khảo “Tiếng hát cải lương truyền hình Long An 2001” – rằng liệu có sự ưu ái nào chăng dành cho “gà nhà” Hồ Ngọc Trinh, nên cô mới “xuống núi” đã đoạt ngay Huy chương vàng.
Anh Kha Tuấn trả lời rằng, hoàn toàn không có chuyện chấm điểm thiên vị, tuy Ngọc Trinh còn yếu về nghề, nhưng bù lại cô có chất giọng rất đặc biệt, đi sâu vào lòng người, lay động tình cảm người nghe. Lúc đó trong Ban Giám khảo có người quả quyết rằng, nếu Ngọc Trinh đi theo nghiệp cải lương, chắc chắn cô sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều. Lời tiên đoán đã được kiểm chứng là chính xác chỉ sau có vài năm.
Những người lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Cải lương và Sở Văn hóa – Thông tin Long An lúc đó đã để ý đến cô gái quê đoạt Huy chương Vàng tiếng hát cải lương truyền hình. Mấy tháng sau, Ngọc Trinh được mời về Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An để thử việc, tuy cô chưa đủ tuổi đi làm theo qui định về lao động. Vừa tập việc, Ngọc Trinh vừa được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện cho đi dự các lớp đào tạo ngắn hạn về ca diễn, tài năng của cô có cơ hội để bộc lộ nhanh chóng.
Với nội lực dồi dào, lòng say mê nghề nghiệp, được NSƯT Hữu Lộc – Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An – và vợ là NSƯT Ánh Hồng tận tình dìu dắt, chỉ sau vài năm Hồ Ngọc Trinh đã đứng vững trên sân khấu chuyên nghiệp và trở thành đào chánh của đoàn hát.
Thi đâu lấy giải đó
Sau lần dự thi ca hát đầu tiên và đoạt ngay Huy chương Vàng vào năm 2001 của Đài Phát thanh – Truyền hình Long An, trong gần 10 năm qua Ngọc Trinh đã dự gần hai chục lần các cuộc thi hát, cuộc liên hoan, hội diễn ở đồng bằng, khu vực và toàn quốc, và lần nào cũng đoạt giải cao.
Một năm sau ngày đoạt Huy chương Vàng ở tỉnh Long An, năm 2002 Ngọc Trinh rụt rè về sân chơi lớn ở TP. HCM để thử sức trong cuộc thi hát cải lương giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền và đoạt ngay Huy chương Bạc.
Năm 2003, tại giải Bông Lúa Vàng do Đài Truyền hình TP. HCM tổ chức, cô đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất có giọng hát hay nhất (do báo chí bình chọn). Năm sau, tại sân chơi cấp toàn quốc, cô đoạt Huy chương Đồng tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc 2005.
Cũng trong năm ấy, cô đoạt giải A đờn ca tài tử khu vực phía Nam 2005. Ngọc Trinh chính thức gây tiếng vang trong giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước ở kỳ thi Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2006 do Đài Truyền hình TP. HCM tổ chức. Tại cuộc thi danh giá được nhà đài quảng bá rầm rộ này, Ngọc Trinh thật sự chinh phục Ban Giám khảo và khán giả truyền hình. Thế nhưng Huy chương Vàng đã không thuộc về cô, vì theo thể lệ nghiệt ngã của cuộc thi, giải thưởng do khán giả bình chọn, mà quê hương Long An của cô thì quá xa xôi, heo hút, vì vậy mà cô chỉ đoạt Huy chương Bạc trước sự tiếc nuối của người hâm mộ.
Ngọc Trinh chính thức đóng dấu tên mình vào giới sân khấu cải lương chuyên nghiệp cả nước với Huy chương Vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang 2007.
Nhờ qua các cuộc sát hạch nghiệt ngã của giải thưởng danh giá này, được bậc thầy về cải lương là NSƯT Bạch Tuyết truyền dạy từng miếng nghề, Ngọc Trinh như thấy mình lột xác hoàn toàn trong những lần một mình đứng trên sân khấu lớn, trước mặt Ban Giám khảo toàn là những nghệ sĩ lớn, trước mặt hàng ngàn khán giả. Còn Huy chương Vàng ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 có lẽ là sự hoàn thiện một tên tuổi có thể sánh ngang các nghệ sĩ tài danh khác trong làng sân khấu cải lương cả nước.
Giọng ca mùi nhất đồng bằng
Tuổi thơ của Hồ Ngọc Trinh gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười một năm bốn tháng nước nổi, với dòng sông chở nặng phù sa sớm chiều xuôi ngược, với những cánh cò, những điệu hò mái dài văng vẳng trên sông rạch... Tuổi thơ của Ngọc Trinh không chỉ gắn bó cánh diều bay cao trên bầu trời lộng gió, với mùi rạ thơm theo làn gió chướng đưa khói đất đồng bay vào nhà, mà quê hương còn in đậm vào ký ức của cô qua những câu hò, điệu lý mênh mang, ngọt ngào, da diết của vùng Đồng Tháp Mười.
Những câu hò, điệu lý, bài ca vọng cổ cứ nhẹ nhàng, tự nhiên thấm sâu vào tiềm thức của cô bé Ngọc Trinh. Để sau này khi lớn lên, mỗi khi Ngọc Trinh cất tiếng hát là âm thanh ngọt ngào, sâu lắng cứ tuôn trào như thể nó là hơi thở, là máu thịt, là nhịp đập trái tim của cô. Như bao người sinh ra trên đất miền Tây Nam Bộ là cái nôi của đờn ca tài tử và cải lương, Ngọc Trinh từ trong vô thức đã chịu ảnh hưởng của dòng nhạc tài tử - cải lương, kể cả máu mê ca hát và ước vọng trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Không có gì khó hiểu khi Ngọc Trinh luôn hóa thân rất thành công vào các vai diễn có số phận buồn ở miền Tây Nam Bộ, như: Anh Thư (trong vở Lời thề trước miễu), Cau (Hương cau xa xứ), Út Hồng (Phố an cư), cô Năm Điền (Nghĩa sĩ Cần Giuộc – Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 2009), Lan (Ánh sáng phù du), Mộng Cầm (Hàn Mạc Tử), Anh Thư (Gương đời sáng mãi), Lan (Khoảng khắc tình yêu)... Cô cũng đã thử vào các vai gai góc, trí tuệ hơn và cũng gặt hái nhiều thành công, như Lý Chiêu Hoàng (Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang 2007), Thị Lộ (Rạng ngọc Côn Sơn), Thảo (Hoa tình nở muộn), Phàn Lê Huê (Thoại Ba Công chúa)...
Cùng với sàn diễn, Ngọc Trinh còn chinh phúc giới mộ điệu cải lương khi cô xuất hiện với tần suất rất cao trên cải lương video, cải lương truyền hình, chương trình Vầng trăng cổ nhạc, film truyện cải lương, Nghệ sĩ tri âm, sân khấu từ thiện... Ngọc Trinh là nghệ sĩ cải lương “tỉnh lẻ” duy nhất ở miền Tây Nam Bộ không chỉ “nhẵn mặt” các đài truyền hình trong vùng, mà còn thường xuyên là “khách quen” của Đài Truyền hình TP. HCM và các đài ở miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai... Chỉ với “một nhúm” tuổi đầu mà cô đã tham gia quay và thu hơn 100 bài vọng cổ, tân cổ giao duyên và gần 30 tuồng cải lương, hầu hết đã được phát rộng rãi trên các Đài Truyền hình.
Tuy từ khi vào nghề đến nay, Ngọc Trinh chỉ đầu quân cho duy nhất Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, nhưng hầu hết các nam diễn diên cải lương có tên tuổi cả nước đều là bạn diễn của cô, từ Vương Tuấn, Vương Sang ở Long An, cho tới những nghệ sĩ tên tuổi ở miền Tây và TP. HCM như NSƯT Trọng Hữu, Hoàng Nhứt, Kim Tử Long, Tấn Giao, Vũ Luân, Lê Tứ ... Hát cặp với ai Ngọc Trinh cũng “cháy” hết mình, nhưng theo nhận định của những người trong nghề, Ngọc Trinh thích hợp đóng cặp với Vũ Luân và Lê Tứ hơn cả, bởi họ cùng có giọng hát trầm buồn phù hợp với Ngọc Trinh.
Người phá lời nguyền muôn thuở của cải lương
Nhìn lại lịch sử cải lương, nhiều người bỗng giật mình khi có một hiện tượng khá phổ biến, đó là: nghệ sĩ cải lương dù tài danh đến mấy thì sau này cuộc sống vẫn cứ nghèo khó, không nhà ở, thậm chí khi chết không có đất chôn. Không biết có phải đó là “lời nguyền” của tổ nghiệp hay không.
Từ nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một nhạc quan của triều đình Huế, vì bất mãn triều đình đã đi lang bạt về phương Nam, dừng lại ở Long An mở lò dạy nhạc, đưa đến sự ra đời của dòng nhạc Tài tử Nam bộ, về cuối đời ông cũng sống nghèo khổ, chết bờ chết bụi.
Đến Bạch Công tử Lê Công Phước ở Tiền Giang (chồng của cô Bảy Phùng Há), người đã có công hiện đại hóa cải lương, đưa cải lương lên tầm cao mới vào đầu thập niên 1930, nhưng cuối cùng ông cũng trở nên nghèo khổ, khi chết không có đất chôn. Nhiều bậc thầy về cải lương các thế hệ tiếp theo cũng không ai giàu có tiền bạc, như Kiên Giang Hà Huy Hà, Hoa Phương, Hà Triều, Minh Cảnh, Tấn Tài,...
Các nghệ sĩ trẻ ngày nay không chấp nhận “quy luật” nghiệt ngã và bất công đó, họ có tài và họ xứng đáng được sống sung sướng, giàu có, mà một trong những người phá “lời nguyền” đó rõ nhất là nghệ sĩ trẻ Hồ Ngọc Trinh. Sau chưa tới 10 năm đi hát, cô đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi mà không nhiều những nghệ sĩ tài danh có thể làm được trong suốt cuộc đời đứng trên sân khấu.
Cô là nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên và duy nhất ở miền Tây Nam Bộ cất biệt thự để ở. Cô cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên ở đồng bằng sắm xe hơi riêng để đi hát, mà không phải xe “bình dân”, ban đầu là chiếc Innova giá 700 triệu đồng, mới đây cô đã đổi chiếc Camry 2.4 giá không dưới 1,3 tỉ đồng. Không chỉ chăm chút cho mình, cô đã trở thành trụ cột trong gia đình, những người thân của cô cũng đã “đổi đời” theo đứa con gái, người chị gái Hồ Ngọc Trinh mới ngày nào còn là cô thôn nữ quanh năm trên đồng ruộng.
Từ chối hát 1 bài với thù lao 10 triệu đồng
Nói về Hồ Ngọc Trinh, những người trong nghề còn trân trọng cô ở chuyện sống có trước có trước có sau, giữ vẹn lòng thủy chung. Không như bao người đi trước, sau khi đã thành tài danh họ thường về chốn “phồn hoa đô hội” Sài Gòn để hành nghề, bỏ đoàn hát nơi đã giúp mình nên danh phận.
Ngọc Trinh vẫn bám lại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, nơi đã giúp cô đến với nghề và chắp cánh cho cô bay cao, bay xa. Cô sẵn sàng từ chối những sô diễn mà chỉ cần cô có mặt hát một bài là nhận thù lao 10 triệu đồng, để ở nhà cùng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đi vùng sâu, vùng xa diễn phục vụ bà con nghèo với tiền cát sê 300 ngàn đồng.
Trân trọng tài năng của cô, trong phạm vi cho phép, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dành cho cô chế độ ưu đãi đặc biệt, cát sê của cô cao nhất đoàn (300 ngàn đồng/đêm diễn), trong khi Trưởng đoàn Bảo Thanh và NSƯT Mỹ Thu chỉ nhận khoảng 150 ngàn đồng/đêm diễn.
Ai cũng biết, để nhận 300 ngàn đồng/đêm diễn ấy, Ngọc Trinh phải đi xe hơi với tài xế riêng vượt hàng trăm cây số đi về trong đêm với chi phí không dưới 1 triệu đồng. Vậy mà Ngọc Trinh vẫn vui vẻ đi diễn cùng anh chị em trong đoàn. Nhưng bù lại, đoàn hát luôn tạo điều kiện cho Ngọc Trinh đi thực hiện những chương trình quay hình ở gần xa, những sô diễn lớn, những đồng nghiệp trong đoàn sẵn sàng “choàng vai” để cô đào chánh đi thực hiện những hợp đồng có gía hàng chục triệu đồng/sô.
Ngọc Trinh đang là nghệ sĩ cải lương đắt sô nhất đồng bằng. Ngày trước cô còn nhận sô đi hát đám cưới, lễ khánh thành, mừng công đó đây. Bây giờ, chỉ riêng các sô chuyên nghiệp ở khắp đồng bằng, TP. HCM, ra cả miền Đông Nam Bộ, Ngọc Trinh đã phải chọn lựa để nhận, tất nhiên là thù lao rất cao.
Với vóc người nhỏ nhắn, có ngày cô phải đi 500 – 700 cây số để phục vụ ở Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An và chạy sô. Sáng sớm cô còn ở Long An, buổi chiều đã thấy cô xuất hiện ở Cà Mau, đến tối lại về Long An để hôm sau cùng đoàn đi hát phục vụ vùng sâu.
Cô cũng từng yêu, và cũng có thể hiện nay cô đang yêu nhưng không muốn công khai tình yêu của mình, mà nếu có thì thời gian của cô dành cho tình yêu là không nhiều, mà phần lớn quỹ thời gian cô dành cho cải lương, cho nghệ thuật.
Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, Ngọc Trinh cũng bắt đầu “tổng kết” dấu ấn hoạt động nghệ thuật của mình. Tháng 8/2010 cô đã cho ra đời album đầu tay "Dòng sông tình mẹ" nói về những kỷ niệm tuổi thơ với quê hương, với dòng sông thơ ấu, với người mẹ chắt chiu nuôi con khôn lớn. Tháng 4/2011 Ngọc Trinh tiếp tục cho ra đời album wol.2 có chủ đề "Một chút tâm tình" gồm 10 bài tân cổ, ca cổ của NSƯT Viễn Châu, nói lên tâm sự nỗi niềm của cô đào trẻ với khách mộ điệu bốn phương.
Ngọc Trinh xuất thân trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng cô may mắn có được những người thầy lớn giúp cô lớn lên trong nghề. Đầu tiên là vợ chồng NSƯT Hữu Lộc – Ánh Hồng, tiếp đến là NSƯT Bạch Tuyết và hiện nay là “ông vua vọng cổ” NSƯT Viễn Châu, người đặt tựa cho chủ đề album thứ hai của Ngọc Trinh.
Album đã thực hiện rất công phu với nhiều cảnh quay được thực hiện ở Đà Lạt, Hà Tiên, Kiên Giang, Long An, Thủ Đức do đạo diễn nổi tiếng Phượng Hoàng chọn cảnh và dàn dựng.
Ở album DVD vol 1 với chủ đề ’’Dòng sông tình mẹ’’, Ngọc Trinh được NSƯT Hữu Lộc viết riêng bài ca “Dòng sông tình mẹ” để làm chủ đề cho album, cùng 7 bài hát khác là khúc tự sự mang âm hưởng đồng quê trữ tình, sâu lắng, như: Về miền Tây, Không bao giờ quên anh, Nỗi lòng xa xứ, Mưa bong bóng...
Ở album vol.2, NSƯT Viễn Châu đã viết riêng cho cô “đệ tử” vùng Đồng Tháp Mười một số bài hát, cùng với những bài hát ưng ý mà ông đã viết trước đó, hợp thành chủ đề ’’Một chút tâm tình’’ trong album ca cổ mà theo giới chuyên môn đánh giá là sản phẩm thuộc loại chất lượng, hoành tráng nhất so với những album cùng loại trong thời gian gần đây.
Khi nhìn về sân khấu cải lương đồng bằng, nếu xem xét tổng thể, ta thấy cải lương như đang khủng hoảng, xuống dốc, người làm nghệ thuật cải lương đang vất vả sống bám với nghề. Những nếu nhìn riêng trường hợp Hồ Ngọc Trinh, có vẻ như cải lương vẫn còn sức thu hút, người nghệ sĩ có thể sống khỏe, sống giàu có nhờ vào nghệ thuật cải lương. Đó không chỉ là bí ẩn của riêng trường hợp Hồ Ngọc Trinh, mà còn là vấn đề của cải lương miền Tây nói chung – bằng cách nào để nghệ sĩ sống được với nghề, để cải lương không bị tiêu vong?
Sources: dddn |